Tuesday, July 30, 2024

AUSTRALIA : CẦN GÂY SỨC ÉP ĐỂ VIỆT NAM CHẤM DỨT VI PHẠM NHÂN QUYỀN (Human Rights Watch)

 



Australia: Cần gây sức ép để Việt Nam chấm dứt vi phạm nhân quyền

Human Rights Watch

July 29, 2024  

https://www.hrw.org/vi/news/2024/07/29/australia-press-vietnam-end-rights-abuses

 

Vận dụng Đối thoại Nhân quyền để xác lập các mốc đánh giá cải cách

 

https://www.hrw.org/sites/default/files/styles/480w/public/media_2024/07/202407asia_vietnam_australia_Pham%20Minh%20Chinh_and_Anthony%20Albanese.jpg?itok=iAvu3NXg

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (bên trái) bắt tay với Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Australia ở Melbourne, Australia, ngày mồng 5 tháng Ba, 2024.  © 2024 Hamish Blair/AP Photo

 

(Sydney) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong một tờ trình gần đây gửi chính phủ Australia rằng Australia cần gây sức ép với chính quyền Việt Nam bằng cách xác lập các mốc rõ ràng, cụ thể và dễ đánh giá về tiến bộ trong các cuộc gặp sắp tới.  Cuộc Đối thoại Nhân quyền Australia – Việt Nam lần thứ 19 sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng Bảy năm 2024 ở Canberra.

 

Tình hình nhân quyền tồi tệ của Việt Nam tiếp tục xấu đi khi nhà cầm quyền các cấp ở Việt Nam gia tăng sách nhiễu, bắt giữ và truy tố các nhà hoạt động ôn hòa. Hiện có hơn 160 người đang bị giam giữ ở Việt Nam vì lên tiếng phê phán chính quyền, kể cả những người chỉ lên tiếng trên mạng xã hội. Các nhà hoạt động môi trường càng ngày càng dễ trở thành đối tượng bị chính quyền đặt vào vòng ngắm. Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát toàn bộ truyền thông trong nước và Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về số lượng nhà báo bị cầm tù.

 

“Trong hai thập niên qua, Australia đã tổ chức 18 cuộc đối thoại nhân quyền hầu như vô hiệu với Việt Nam và cần có cách tiếp cận mới,” bà Daniela Gavshon, Giám đốc quốc gia Australia của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Thay vì tiếp cận theo kiểu thụ động về nhân quyền, chính phủ Australia nên gây sức ép để có những cải tổ mang tính hệ thống, dựa trên các mốc đánh giá rõ ràng.”

 

Trong tờ trình của mình, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị chính phủ Australia tập trung vào năm lĩnh vực ưu tiên về tình hình nhân quyền ở Việt Nam: phóng thích các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ tùy tiện; chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động môi trường; tôn trọng quyền của người lao động; 4) bảo đảm trình tự tố tụng công bằng đối với các nghi can và bị cáo hình sự; và chấm dứt đè nén quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng Chính phủ Australia cần nêu đích danh vụ việc của các nhà hoạt động nhân quyền, gồm có Đặng Đăng PhướcBùi Tuấn LâmTrần Văn BangNguyễn Vũ BìnhNguyễn Chí Tuyến, cùng nhiều vụ khác. Ngày mồng 1 tháng Sáu, công an Việt Nam bắt giữ nhà báo nổi tiếng Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển vì đăng những bài viết ủng hộ dân chủ trên Facebook. Cả hai người đều bị cáo buộc tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 331 nhiều tai tiếng của bộ luật hình sự Việt Nam.

 

Tháng Ba năm nay, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đến thăm Canberra để nâng cấp quan hệ hai nước thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng chính phủ Australia không nên để mối quan hệ được nâng cấp này trở thành một trở ngại cho việc đề cập đến tình trạng nhân quyền của người dân Việt Nam.

 

“Chính phủ Australia không cho biết nhiều về các vấn đề nhân quyền đã nêu với phía Việt Nam trong các cuộc đối thoại trước, nhưng rõ ràng những cuộc đối thoại đó không có tác động gì mấy,” bà Gavshon nói. “Chính phủ Australia cần cân nhắc một cách tiếp cận mới và có hiệu quả hơn, đồng thời đặt nhân quyền vào vị trí trung tâm trong tất cả các cuộc thương lượng với chính phủ Việt Nam thay vì chỉ giới hạn trong một cuộc đối thoại song phương thường niên tách biệt và không mấy quan trọng.”

 

=================================================

LIÊN QUAN

 

July 3, 2024  Statement

Tờ trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trước cuộc Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam

 

July 3, 2024  News Release

EU cần có giải pháp tốt hơn về chính sách đàn áp đang gia tăng của Việt Nam







No comments: