An
ninh kinh tế trong chiến lược phát triển và điểm yếu của Việt Nam
Trần Quốc Hùng (*) — Kinh Tế Saigon Online
Thứ Ba, 31/01/2023, 10:30
https://thesaigontimes.vn/an-ninh-kinh-te-trong-chien-luoc-phat-trien-va-diem-yeu-cua-viet-nam/
(XUÂN
KTSG) – Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược và mâu thuẫn địa chính trị giữa Mỹ
và Trung Quốc, tăng cường an ninh kinh tế đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của
nhiều nước và doanh nghiệp…
·
Nhen
nhóm hy vọng khi các hãng ô tô quay lại sản xuất tại Việt Nam
·
Xây
dựng quy hoạch tổng thể cần đảm bảo quyền lợi của người dân
https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2023/01/3-4.jpg
Đội thương thuyền của Việt Nam chỉ chiếm thị phần 7%, còn phần lớn phụ
thuộc vào các công ty hàng hải nước ngoài. Ảnh: H.P
.
Xét lại toàn cầu hóa
Cho tới khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính
toàn cầu 2007-2008, đường hướng phát triển kinh tế của các nước nói chung dựa
trên chiến lược mở cửa để hội nhập với nền kinh tế toàn cầu – tận dụng đầu tư
nước ngoài, tăng cường xuất nhập khẩu để công nghiệp hóa và hiện đại hóa kinh tế.
Kinh nghiệm một số nước đã phát triển kinh tế nhanh sau khi mở cửa, tăng cường
đầu tư và buôn bán với thế giới – cụ thể như Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương
mại thế giới (WTO) năm 2001 hay Việt Nam vào WTO năm 2006 – đã tăng tính thuyết
phục của đường lối mở cửa. Qua đó, các dây chuyền sản xuất và cung ứng nhiều loại
hàng hóa đã được toàn cầu hóa – tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước.
Doanh nghiệp ở các nước theo đó cũng đã tăng đầu
tư để xây dựng cơ sở kinh doanh nhằm khai thác nguyên nhiên liệu; lắp ráp, chế
biến và sản xuất các hàng công nghiệp ở các nước hay địa phương có lợi thế
tương đối tốt nhất – đặc biệt là giá lao động rẻ – rồi sau đó xuất khẩu phân phối
cho các thị trường tiêu thụ trên khắp thế giới, bất kể biên giới quốc gia.
Kinh tế toàn cầu nói chung tăng trưởng nhanh,
đặc biệt là các nước đã thu hút và sử dụng tốt vốn đầu tư nước ngoài.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008
đã bộc lộ các nhược điểm quan trọng của quá trình toàn cầu hóa – bên cạnh những
kết quả tích cực của nó. Tuy nhiều nước đã tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập
kỷ, toàn cầu hóa đã làm rỗng ruột nền công nghiệp chế biến ở các nước phương
Tây – đặc biệt là Mỹ và Anh – làm cho đồng lương thực tế của công nhân ở các nước
này bị trì trệ trong thời gian dài; gia tăng sự bất bình đẳng trong phân phối
tài sản và thu nhập. Điều này đã gây ra sự bất mãn trong dân chúng, giúp các
phong trào dân túy nổi lên ở nhiều nước phương Tây, làm suy yếu nền dân chủ ở
các nước này.
Một vài nước như Mỹ đã bắt đầu chuyển hướng,
rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP Trans-Pacific
Partnership), không tham gia thương lượng các hiệp định thương mại tự do mới;
và tìm cách phục hồi công nghiệp chế biến, tạo công việc làm trong nước, nhằm đảo
ngược tiến trình suy sụp của tầng lớp trung lưu – được coi là thành phần cơ bản
để ổn định thể chế dân chủ. Chính sách phục hồi công nghiệp của Mỹ, nhất là dưới
thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, đã có vài kết quả bước đầu. Trong ba năm
qua, số công nhân công nghiệp ở Mỹ đã tăng 1,5 triệu người lên 12,9 triệu; sau
khi đã giảm hơn 8 triệu người trong bốn thập kỷ trước đó.
Trong thời kỳ này, Trung Quốc đã phát triển mạnh
mẽ và bắt đầu sử dụng các biện pháp răn đe kinh tế để phục vụ mục tiêu địa
chính trị của mình – như cấm xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản năm 2010 trong sự
kiện tàu đánh cá Trung Quốc bị bắt khi vào vùng biển Nhật Bản quản lý nhưng
Trung Quốc đòi chủ quyền. Sau đó, nhiều công ty của Nhật Bản và thế giới đã bắt
đầu áp dụng chiến lược “Trung Quốc+1” để đa dạng hóa đầu tư và sản xuất, giảm bớt
sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nỗ lực đa dạng hóa này đã tiếp tục
trong cuộc thương chiến Mỹ – Trung do Tổng thống Mỹ Donald Trump (2017-2020) khởi
đầu.
Tuy nhiên phải đợi đến đại dịch Covid-19
(2020) và chiến tranh của Nga ở Ukraine (2022) – đã làm xáo trộn và tê liệt
nghiêm trọng việc cung cấp nguyên nhiên liệu, lương thực, hàng tiêu dùng, kể cả
dược phẩm khẩn cấp cũng như thiết bị phụ tùng cần cho sản xuất – thì vấn đề an
ninh kinh tế mới được đặt lên hàng đầu; không những trong chiến lược phát triển
kinh tế mà cả trong việc bảo vệ an ninh và độc lập của quốc gia.
.
Các khía cạnh của an ninh kinh tế
Đối với quốc gia, an ninh kinh tế có ba khía cạnh.
Trước tiên, an ninh kinh tế là bảo đảm sự liên
tục và ổn định trong các hoạt động kinh tế trong nước – tránh không bị gián đoạn
vì chính sách kinh tế thù nghịch của một nước khác (như Trung Quốc cấm bán đất
hiếm cho Nhật, Mỹ cấm vận và tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, Nga
gây chiến tranh ở Ukraine) hay vì một sự cố bất thường (như đại dịch Covid-19
làm tê liệt sản xuất và cung ứng hàng hóa).
https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2023/01/4-4.jpg
Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập
khẩu để tăng trưởng kinh tế. Ảnh: H.P
Tiếp đến, an ninh kinh tế là bảo vệ chủ quyền
và độc lập trong chính sách của mình – đặc biệt là chính sách ngoại giao – khỏi
bị ảnh hưởng bởi sự đe dọa kinh tế từ một nước khác (như Lithuania bị Trung Quốc
cấm và giảm xuất khẩu 75% sang Trung Quốc sau khi cho phép Đài Loan mở văn
phòng đại diện ở Vilnius, hay Trung Quốc cấm nhập một số hàng của Úc sau khi Úc
yêu cầu điều tra về nguồn gốc vi khuẩn SARS-CoV-2).
Cuối cùng, an ninh kinh tế là bảo vệ an ninh
quốc phòng nếu sự phát triển kinh tế – đặc biệt là công nghiệp tiên tiến như
chip bán dẫn – có khả năng thay đổi tương quan lực lượng quân sự một cách bất lợi
so với một nước đối nghịch (như giữa Mỹ và Trung Quốc).
Riêng đối với các nước đang phát triển hay thuộc
nhóm thị trường mới nổi (emerging markets), sự ổn định trong dòng chảy vốn/tư bản
(capital flow) cũng rất quan trọng để bảo vệ sự an toàn của hệ thống và thị trường
tài chính trong nước – cần thiết để tài trợ cho các hoạt động kinh tế.
Đối với doanh nghiệp, an ninh kinh tế có nghĩa
là bảo đảm sự liên tục và ổn định trong cung ứng đầu vào, hoạt động sản xuất và
phân phối đầu ra, tránh bị đe dọa bởi quyết định của chính phủ nước ngoài (như
cấm vận, tăng thuế quan) hay sự cố bất thường (kể cả các tác động của biến đổi
khí hậu).
.
Các biện pháp để ang cường an ninh kinh tế
Biện pháp quan trọng nhất là đa dạng hóa các
quan hệ và đối tác kinh tế, làm giảm nguy cơ phụ thuộc vào một nước. Tuy nhiên,
điều này phải trả giá khi chuyển dịch cơ sở sản xuất và xuất nhập khẩu sang các
nước khác – nói chung là chuyển sang nơi mà điều kiện kinh tế/kinh doanh trước
mắt không tốt bằng nguyên trạng. Và giá phải trả là chấp nhận giảm hiệu năng
kinh tế cho quốc gia, hay hiệu năng kinh doanh cho doanh nghiệp. Nếu chủ động
có kế hoạch chuyển dịch trong thời gian dài thì giá phải trả sẽ ít hơn so với
trường hợp bị bó buộc phải thay đổi nhanh chóng.
Nếu không chịu trả giá này, quốc gia/doanh
nghiệp sẽ có nguy cơ rơi vào khủng hoảng khi bị nước đối nghịch tấn công bằng
biện pháp bao vây, cấm vận kinh tế hay bị sự cố bất ngờ làm xáo trộn dây chuyền
cung ứng toàn cầu.
.
An ninh năng lượng và lương thực
Đối với quốc gia, quan trọng nhất là an ninh
nhiên liệu/năng lượng và lương thực – nếu thiếu cung ứng kéo dài thì sẽ gây ra
khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị. Tuy nhiên, mỗi nước có tài nguyên
thiên nhiên khác nhau nên việc đáp ứng với nhu cầu này cũng khác nhau.
Mỹ có thế mạnh trong lĩnh vực này: có trữ lượng
dầu thô và khí đốt thuộc hạng lớn nhất thế giới; gần đây đã xuất khẩu dầu thô
và khí đốt, chỉ nhập một ít xăng dầu đã lọc; và xuất ròng ngũ cốc và lương thực.
Ngược lại châu Âu đang phải đối phó với suy
thoái kinh tế vì đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung ứng dầu thô, khí đốt và
lúa mì từ Nga (và Ukraine) nên đã rơi vào khủng hoảng khi Nga gây chiến tranh ở
Ukraine. Châu Âu bị bó buộc phải nhanh chóng xây dựng nguồn cung ứng khác nên rất
tốn kém.
Nga tuy bị phương Tây cấm vận gây nhiều thiệt
hại nhưng đã tăng cường buôn bán với Trung Quốc – thanh toán bằng đồng nhân dân
tệ và đồng rúp, bớt dùng đô la Mỹ – như thế cũng bảo đảm an ninh kinh tế một phần.
Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu dầu thô, khí đốt
và lương thực từ Nga để giảm phụ thuộc vào việc nhập từ Trung Đông và các nước
khác; cũng như giảm phụ thuộc vào vận chuyển hàng xuất nhập khẩu bằng đường biển
– có thể bị đe dọa khi xảy ra xung đột với Mỹ.
Việt Nam ở vị trí tương đối tốt trong lĩnh vực
quan trọng này. Việt Nam xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phải nhập dầu lọc. Trong
tương lai cần phát triển công nghiệp lọc/hóa dầu cũng như năng lượng tái tạo để
có thể tự túc và chuyển đổi năng lượng. Việt Nam cũng đứng thứ 2, thứ 3 trên thế
giới về xuất khẩu lúa gạo, nhưng cần tăng chất lượng gạo xuất khẩu để tăng giá
trị và bảo vệ thị phần. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có kế hoạch mua dự trữ để
sẵn sàng phản ứng trong mọi tình huống.
.
An ninh trong xuất nhập khẩu
Kế tiếp là bảo đảm sự ổn định trong việc cung ứng
hàng đầu vào và thị trường cho hàng đầu ra qua hoạt động xuất nhập khẩu. Ví dụ
gần đây nhất là tình trạng khan hiếm chip bán dẫn làm giảm sản lượng ô tô ở nhiều
nước – chủ yếu vì phụ thuộc vào nguồn cung cấp ở châu Á, nơi đại dịch Covid-19
đã làm gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất. Tuy nhiên đa dạng hóa nguồn cung ứng
chip để bớt phụ thuộc vào châu Á không dễ thực hiện.
Châu Âu phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như là
thị trường xuất khẩu quan trọng và cơ sở sản xuất giá thành rẻ – nếu bị giới hạn
sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Trung Quốc đã dùng nhược điểm này để tìm cách
gây ảnh hưởng lên chính sách của châu Âu đối với Trung Quốc.
Mỹ ít phụ thuộc vào ngoại thương hơn, với tỷ lệ
xuất nhập khẩu/GDP là 23% – thuộc loại thấp trên thế giới. Tuy nhiên Mỹ vẫn phụ
thuộc Trung Quốc về các khoáng sản chiến lược (nhất là đất hiếm) cũng như hàng
tiêu dùng giá rẻ. Do đó, Mỹ đã đề ra chính sách chuyển dịch dây chuyền cung ứng
sang các nước thân thiện, đáng tin cậy hơn dưới góc nhìn của Mỹ
(friendshoring). Mỹ đã ban hành Luật Chip+ (Chip and Science Act) và Luật Giảm
lạm phát (Inflation Reduction Act) để khuyến khích doanh nghiệp đưa sản xuất
chip hiện đại về Mỹ; và xây dựng đồng minh Chip 4 để phối hợp hoạt động sản xuất
chip trong phạm vi Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc (loại trừ Trung Quốc –
ngoài việc cấm bán chip hiện đại cho Trung Quốc). Tuy nhiên, tìm nguồn cung cấp
khác thì thường giá thành hàng hóa sẽ cao hơn, góp phần tăng lạm phát và có thể
gây sự bất mãn trong dân chúng. Nói chung, để tăng cường an ninh kinh tế, Mỹ và
châu Âu phải chấp nhận trả giá trong thời gian tới để giảm bớt sự phụ thuộc vào
Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã thực hiện chiến lược tuần
hoàn kép (dual circulation) để xây dựng mô hình phát triển cân đối và bền vững
hơn, bằng cách giảm phụ thuộc vào và đa dạng hóa ngoại thương đồng thời đẩy mạnh
vai trò của nền kinh tế nội địa, kể cả nâng cao khả năng tự túc trong lĩnh vực
khoa học, công nghệ tiên tiến. Trung Quốc cũng đạt được một số kết quả quan trọng:
tỷ trọng của xuất nhập khẩu/GDP đã giảm từ đỉnh 64% năm 2006 xuống 34%; và nỗ lực
đa dạng hóa ngoại thương đã tăng kim ngạch buôn bán với các nước tham gia sáng
kiến Vành đai và Con đường (BRI: Belt and Road Initiative) lên đến 1.600 tỉ đô
la Mỹ so với khoảng 700 tỉ đô la Mỹ với EU hay Mỹ (trong năm 2021).
.
Điểm yếu của Việt Nam trong an ninh kinh tế
Riêng Việt Nam có bốn điểm yếu trong khía cạnh
này.
Thứ nhất, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hoạt
động xuất nhập khẩu để tăng trưởng kinh tế. Dự báo năm 2022 Việt Nam có thể đạt
kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 780-800 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỷ lệ gấp đôi GDP,
thuộc hạng cao nhất thế giới. Kinh tế mở cửa như thế sẽ được tác động tốt khi
kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh, nhưng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi kinh tế
toàn cầu suy giảm như dự báo cho vài năm sắp tới. Tương tự như Trung Quốc, Việt
Nam cần giảm tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP bằng cách phát triển phần đóng góp của
kinh tế nội địa, kể cả tăng tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất khẩu – để sự tăng trưởng
được ổn định hơn.
Thứ hai, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều
vào thị trường Mỹ; chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và rất không cân đối
– nhập siêu của Mỹ đối với Việt Nam đã lên tới 100 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng đầu
năm 2022 so với 90,8 tỉ đô la Mỹ cho cả năm 2021. Điều này làm tăng nguy cơ
phía Mỹ sẽ tìm cách tăng thuế quan hay các biện pháp khác để giảm mức nhập siêu
quá lớn đối với Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần phải có biện pháp tích cực để
làm cho quan hệ buôn bán với Mỹ cân đối hơn cũng như phát triển các thị trường
xuất khẩu khác, nhất là châu Âu.
Thứ ba, Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc
trong nhập khẩu (lên tới 110 tỉ đô la Mỹ năm 2021 hay 33% tổng kim ngạch nhập
khẩu) – đặc biệt là nguyên liệu, thiết bị và phụ tùng cần để chế biến xuất khẩu.
Việt Nam đã có nhập siêu lũy kế rất lớn đối với Trung Quốc. Nếu nguồn cung ứng
đầu vào từ Trung Quốc bị gián đoạn vì bất cứ lý do gì, công nghiệp và xuất khẩu
của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy Việt Nam cũng cần đa dạng hóa nguồn nhập
khẩu.
Cuối cùng, Việt Nam phụ thuộc vào đội thương
thuyền nước ngoài. Khoảng 90% khối lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam được
chuyển tải bằng đường biển – lên đến 24 triệu tấn năm 2021. Đội thương thuyền của
Việt Nam chỉ chiếm thị phần 7%, còn phần lớn phụ thuộc vào các công ty hàng hải
nước ngoài. Vì thế, Việt Nam bị ảnh hưởng lớn nếu cước phí quốc tế tăng cao hay
không có đủ và kịp thời tàu do nhu cầu trên thế giới tăng mạnh. Việt Nam cần có
kế hoạch xây dựng đội thương thuyền viễn dương của mình, để đáp ứng ít nhất là
50% nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
.
An toàn thị trường tài chính
Các nước đang phát triển (hay thị trường mới nổi)
thường phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài để giúp phát triển kinh tế. Nói chung
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hữu hiệu hơn vì nó dài hạn và trực tiếp
giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng sản xuất. Những dòng chảy vốn
ngắn hạn hay đầu tư danh mục (portfolio investment) có khuynh hướng dao động lớn
– khi thì ồ ạt chảy vào, có thể hâm nóng và tạo bong bóng trong thị trường tài
chính; khi thì ồ ạt rút ra, tạo khủng hoảng thị trường tài chính. Phần lớn các
nguyên do gây ra các dao động là từ các động thái ở nước ngoài. Thí dụ trong thời
gian vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất nhanh và nhiều, vì
vậy rút dòng chảy vốn ngắn hạn và danh mục từ các nước thị trường mới nổi, gây
khó khăn cho nhiều nước.
Các nước đang phát triển, kể cả Việt Nam, cần
phải giữ cho kinh tế vĩ mô được ổn định để không tạo lý do cho dòng chảy vốn
rút ra mạnh. Và khi có dấu hiệu dòng vốn rút ra gây mất ổn định, thì phải chuẩn
bị và áp dụng các biện pháp kiểm soát thị trường tài chính và ngoại hối để có
thể giảm bớt biên độ của các dao động.
.
Cung ứng cho doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp, để tăng cường an ninh
kinh tế, cần phải đa dạng hóa đối tác ở nhiều nước trong việc cung ứng đầu vào
và phân phối đầu ra. Ngoài ra doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược tối
thiểu hóa dự trữ đầu vào – tức chỉ vừa đủ và kịp thời để sản xuất nhằm giảm giá
thành (just in time inventory), để phòng bị các trường hợp khẩn cấp (just in
case inventory). Điều này sẽ làm tăng giá sản xuất và giảm lợi nhuận.
Cần để ý là chỉ các doanh nghiệp lớn, có tầm
hoạt động thế giới mới có đủ khả năng đa dạng hóa đối tác đầu ra lẫn đầu vào để
tăng cường an ninh kinh tế. Các doanh nghiệp nhỏ hơn, có phạm vi hoạt động sản
xuất trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thì khó có khả năng
tài chính để làm việc này. Vì thế, phần lớn các doanh nghiệp ở mỗi nước đều có
nguy cơ bị chi phối bởi các sự cố ngoài vòng kiểm soát của họ.
.
Lựa chọn và cái giá phải trả
Nói chung, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược
và mâu thuẫn địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, tăng cường an ninh kinh tế đã
trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước và doanh nghiệp. Các biện pháp
như chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện và đáng tin cậy
(friendshoring ở Mỹ) hay tuần hoàn kép (dual circulation ở Trung Quốc) sẽ dần
dà phân chia nền kinh tế toàn cầu thành hai hệ thống khác nhau.
Việc này sẽ làm giảm hiệu năng của kinh tế
toàn cầu; cụ thể là giảm 5% suất tăng trưởng kinh tế dài hạn theo ước tính của
WTO.
Và đó là cái giá các nước trên thế giới phải
trả nếu muốn tăng cường an ninh kinh tế.
(*) Kinh tế gia tại Mỹ
No comments:
Post a Comment