Friday, October 8, 2021

YẾU TỐ THÚC ĐẨY VIỆT NAM CHUYỂN TỪ "ZERO COVID" SANG SỐNG CHUNG VỚI VIRUS (Thu Hằng - RFI)

 


Yếu tố thúc đẩy Việt Nam chuyển từ "Zero Covid" sang sống chung với virus

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 07/10/2021 - 17:01

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20211007-vi%E1%BB%87t-nam-chuy%E1%BB%83n-t%E1%BB%AB-zero-covid-sang-s%E1%BB%91ng-chung-v%E1%BB%9Bi-virus

 

Dịch Covid-19 cùng với những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam : GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020 (theo Tổng cục Thống kê), tăng trưởng cả năm dự kiến còn 3%, thay vì 5% trước đó. Khoảng 18-20% hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài đã bị chuyển sang một nước thứ ba.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/2c04d896-2773-11ec-bcb9-005056a90284/w:980/p:16x9/2021-10-04T060318Z_790823000_RC211Q9EVPNU_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM-LABOUR.webp

Người gốc ngoại tỉnh ồ ạt đổ về các cửa ngõ Sài Gòn ngày 01/10/2021, để chờ được về quê nhà. Ngày 01/10 là ngày thành phố Hồ Chí Minh bãi bỏ các biện pháp hạn chế đi lại ngừa Covid với đại đa số người dân. REUTERS - STRINGER

 

Nếu tiếp tục chiến lược « Zero Covid », « chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam » và có nguy cơ tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Đây là điểm được bốn hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (AmCham, EuroCham, Acean USABC và KoCham) nêu trong bức thư chung gửi đến thủ tướng Phạm Minh Chính vào giữa tháng 09/2021.

 

   

Phương án « 3 tại chỗ » tốn kém, thiếu hiệu quả   

 

Những phương án « 3 tại chỗ » (ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy), « 1 cung đường - 2 điểm đến » (đường vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất của công ty, doanh nghiệp), hoặc phương thức « 4 xanh » (các địa điểm nơi ở, làm việc và di chuyển thuộc « vùng xanh » và người lao động có « thẻ xanh » chứng nhận y tế) nhằm duy trì hoạt động sản xuất không mang lại hiệu quả vào thời điểm chính phủ vẫn duy trì chiến lược « Zero Covid ». Những biện pháp này rất tốn kém cho doanh nghiệp, nhưng lại không bảo đảm được năng suất và cũng chỉ duy trì được khoảng 10%-30% số lao động.    

 

Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 06/10, bà Delphine Rousselet, giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, giải thích :    

 

« Những doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động, phải giữ nhân viên tại chỗ và họ phải hình dung ra cả một hệ thống hậu cần để bảo đảm cho việc này. Người ta có thể thấy những chiếc lều vải dựng trong văn phòng, hoặc trong kho hoặc trong vườn. Thật sự là không tưởng tượng được. Sau đó là phải hình dung ra cả chuỗi hậu cần để cung cấp bữa ăn, lương thực cho người lao động. Rất nhiều doanh nghiệp có đến 1.000-2.000, thậm chí 6.000 người ăn, ở, làm việc tại chỗ. Có thể thấy cả một chuỗi hậu cần ngoài sức tưởng tượng. Thế nhưng lại rất khó duy trì lâu dài do kế hoạch này quá tốn kém, gây phát sinh nhiều phí tổn cho bất kỳ nhà máy nào dù là lớn hay nhỏ ».   

 

 

Ảnh hưởng đến tâm lý người lao động   

 

Ngoài ra, « ăn, ngủ, làm việc tại chỗ », gần như tách công nhân khỏi xã hội, là một « biện pháp không tưởng » nếu nhìn từ góc độ của một doanh nghiệp nước ngoài, vẫn theo giải thích của bà Delphine Rousselet :    

 

« Kế hoạch « 3 tại chỗ » đã có những hậu quả rất lớn đến tinh thần mà trước tiên là những người lao động phải ở lại trong các nhà máy và không thể về thăm gia đình trong suốt nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng. Nhìn từ nước Pháp hay châu Âu, những biện pháp này nằm ngoài sức tưởng tượng. Tình trạng này gây căng thẳng. Và còn căng thẳng hơn khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 trong nhà máy khiến khó kiểm soát được tình hình, công nhân thì muốn ra ngoài, trốn khỏi nhà máy.    

 

Ngoài ra, các nhà máy cũng không duy trì được hết công nhân tại chỗ nên phải luân phiên, ví dụ 100 công nhân làm việc tại chỗ, 15 ngày sau đó thay bằng một đội khác. Nhưng biện pháp này cũng rất khó áp dụng, vì phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh, xét nghiệm… mà chính quyền bắt buộc. Tất cả những biện pháp này đã khiến sản xuất sụt giảm và khách hàng bắt đầu hủy đơn hàng vì sản xuất bị đình trệ, trễ hạn giao hàng nên dĩ nhiên là họ phải hướng sang một nước khác trong vùng, như Malaysia, Indonesia… ».    

 

Việt Nam được cho là nước được hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Tuy nhiên, lợi thế này bị lung lay nếu tiếp tục chiến lược « Zero Covid », Việt Nam có thể để vuột mất các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đầu tháng 10, cùng lúc với việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Việt Nam cũng đi theo hướng « thích ứng với việc sống chung an toàn với virus corona » trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã trở lại hoạt động gần như bình thường.   

 

Theo trang Courrier du Vietnam ngày 07/10, tiêm chủng và thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vẫn là chìa khóa và là điều kiện tiên quyết để người dân có thể sống an toàn trong bối cảnh bình thường mới. Việt Nam hy vọng nhận được thêm 54 triệu liều vac-xin trong tháng 10.  

 

                                                       ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Covid-19 : Sài Gòn nới lỏng giãn cách xã hội kể từ tối 30/09

.

Covid-19 : EuroCham và doanh nghiệp châu Âu vận động các chính phủ viện trợ Việt Nam chống dịch

.

Việt Nam : TP. Hồ Chí Minh hoạt động trở lại sau 3 tháng phong tỏa chống Covid-19

 




No comments: