Trí
thức cận thần và trí thức độc lập
Giáp
Văn Dương
Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021
https://huunguyenddk.blogspot.com/2021/10/tri-thuc-can-than-va-tri-thuc-oc-lap.html
Bài
học lớn nhất mà chúng ta học được từ Nguyễn Trường Tộ chính là sự thất bại của
ông trong việc kiến nghị những giải pháp canh tân đất nước với tư cách một trí
thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi nào người trí thức tự giác tránh con đường cụt
mang tên "Trí thức cận thần" để đi trên con đường mới - con đường trí
thức độc lập, trí thức dấn thân - thì đất nước mới có thể tránh được nguy cơ trở
thành "đất nước cận thần" và giữ được nền độc lập đúng nghĩa.
Fukuzawa
Yukichi
Mỗi khi nói về sự canh tân của nước Nhật, ta không khỏi nghĩ đến Fukuzawa
Yukichi.
Mỗi khi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi, ta không khỏi nghĩ đến Nguyễn Trường Tộ.
Cả Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ đều là là những nhà tư tưởng về cải
cách, sống cùng giai đoạn lịch sử.
Nhưng một người thành công, một người thất bại.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Fukuzawa Yukichi thành công, còn Nguyễn Trường Tộ thì
thất bại?
Một phần của câu trả lời đến từ sự khác nhau trong cách tiếp cận của hai người.
Nguyễn
Trường Tộ
Trí thức độc lập
Sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây, và nhận thấy cần phải tiến hành cải
cách để canh tân đất nước nhằm giữ nền độc lập, vươn lên sánh vai cùng các cường
quốc phương Tây, Fukuzawa Yukichi tiến hành chương trình hành động của mình.
Các việc làm của Fukuzawa Yukichi tương đối phong phú, nhưng có thể khái quát
ngắn gọn như sau: mở trường dạy học, dịch sách, viết sách, làm báo để truyền bá
văn minh phương Tây cho trí thức và dân chúng Nhật Bản.
Ảnh minh họa.
Ông tìm cách khai sáng cho dân chúng và trí thức Nhật Bản, lúc đó còn chìm đắm
trong lối học từ chương ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa, thông qua việc cổ vũ
lối thực học của phương Tây; xây dựng hình mẫu trí thức độc lập và chủ trương
"độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân".
Bản thân ông cũng hành động như một hình mẫu của trí thức độc lập, không phục
thuộc vào giới cầm quyền.
Ông kêu gọi trí thức Nhật Bản lúc bấy giờ hãy "coi trọng quốc gia và coi
nhẹ chính phủ", tự tin vào sức mạnh và vị thế độc lập của mình. Từ đó dấn
đến niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của tri thức và nền văn minh mới mẻ có tác
dụng giải phóng tư duy và bồi đắp sự độc lập của cá nhân.
Khi trường Đại học Keio do ông sáng lập có nguy cơ phải đóng cửa vì nội chiến,
chỉ còn 18 học sinh, nhưng ông vẫn tin tưởng: "Chừng nào ngôi trường này
còn đứng vững, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia văn minh trên thế giới".
Fukuzawa Yukichi sống và làm việc như một trí thức độc lập điển hình.
"Trí thức cận thần"
Khác với Fukuzawa Yukichi, Nguyễn Trường Tộ, sau khi tiếp thu văn minh phương
Tây, không truyền bá để khai sáng cho đại chúng mà dành phần lớn tâm sức cho việc
viết tấu trình gửi nhà Vua. Tất cả các bản tấu trình và điều trần của ông đều
không được đưa ra sử dụng, dù hơn ai hết, ông biết được giá trị thật của chúng:
"Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay... Bài Tế cấp luận
của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết".
Bằng cách đó, ông đã phụ thuộc tuyệt đối vào nhà cầm quyền, đánh mất vị thế độc
lập của người trí thức. Nói cách khác, ông hành xử như một "trí thức cận
thần": Viết tấu trình và chờ đợi sự sáng suốt của nhà Vua.
Như thế, ông đã tự tước đi cơ hội của chính mình, và rộng ra là của cả dân tộc,
vì trong suốt lịch sử, số lượng các minh quân vô cùng ít.
Những kiến nghị cải cách của ông, dù đúng đắn và có tầm vóc thời đại, nhưng rốt
cuộc lại trở nên vô dụng.
Do hành xử như một "trí thức cận thần", không có được sự độc lập cho
bản thân mình, dẫn đến không có đóng góp gì đáng kể vào sự hình thành giới trí
thức đúng nghĩa, nên sau khi ông mất đi, không có người tiếp nối. Tư tưởng canh
tân đổi mới của ông vì thế bị chìm vào quên lãng.
Bài học cho hậu thế
Sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ chính là bài học lớn nhất dành cho hậu thế. Tiếc
rằng, bài học này, dù phải trả học phí rất đắt bởi không chỉ Nguyễn Trường Tộ
mà còn cả dân tộc, không được sử dụng.
Những người có trách nhiệm thậm chí còn cổ vũ và yêu cầu trí thức phải đi theo
lối con đường "trí thức cận thần" của Nguyễn Trường Tộ khi cho rằng:
Trí thức muốn kiến nghị hay phản biện xã hội, cần gửi cho các cơ quan hữu trách
trước khi phổ biến ra ngoài xã hội.
Lịch sử đã chứng minh: Đi theo còn đường đó là đi vào ngõ cụt. Làm theo cách đó
là kéo lùi bước đi của dân tộc.
Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, người trí thức phải tự giác tránh
con đường cụt đó, con đường "trí thức cận thần", để đi con đường mới:
con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân.
Chỉ khi đó, đất nước mới tránh được nguy cơ trở thành "đất nước cận thần",
và giữ được nền độc lập đúng nghĩa.
Việc Quốc hội lắng nghe tiếng nói của những trí thức độc lập trong thời gian gần
đây cho thấy con đường trí thức độc lập đã được khai mở, chỉ chờ người dấn bước.
________________________
Ghi chú:
1. Trái với dự đoán, sau khi kiểm tra tôi thấy: cụm từ "trí thức cận thần"
chưa phổ biến, và chưa thấy xuất hiện trên mạng internet.
2. Tôi được biết cụm từ này trong một thảo luận với một người bạn, TS. Nguyễn Đức
Thành, vào khoảng đầu tháng 5/2010. Theo anh Thành, cụm từ này được hình thành
trong một thảo luận của anh với một người bạn khác, TS. Nguyễn An Nguyên. Tuy
nhiên, anh cũng không rõ đã có ai sử dung cụm từ này trước đó hay chưa.
3. Có một cụm từ khác có nghĩa gần tương tự với "trí thức cận thần",
đó là "trí thức phò chính thống", do nhà văn Phạm Thị Hoài nêu ra.
Tuy nhiên, theo tôi, nội hàm của hai cụm từ này có nhiều điểm khác biệt khá
tinh tế.
4. Nếu ai đã thấy văn bản nào có cụm từ này rồi thì vui lòng báo cho tôi biết.
Cá nhân tôi thấy cụm từ này có một nội hàm đáng suy ngẫm.
Fukuzawa là nhà giáo dục và học giả có thể nói là người ở bên ngoài chính quyền
Nhật Bản có ảnh hưởng nhất trong giai đoạn cuộc Canh Tân Minh Trị, lật đổ chế độ
Tokugawa năm 1868. Ông lãnh đạo cuộc đấu tranh học tập những ý tưởng của phương
Tây nhằm xây dựng "một nước Nhật Bản hùng mạnh và độc lập".
Fukuzawa đã viết trên 100 cuốn sách giải thích và biện minh cho thể chế chính quyền
nghị viện, giáo dục phổ thông, cải cách ngôn ngữ và quyền của phụ nữ.
Trong tác phẩm Phúc ông Tự truyện viết năm 1901, trước khi mất ít lâu, Fukuzawa
tuyên bố việc xoá bỏ mọi đặc ân phong kiến của triều đại Minh Trị và chiến thắng
chế độ phong kiến Trung Hoa trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật năm 1894-1895 để
hình thành một nhà nước Nhật Bản hiện đại chính là ước mơ suốt cuộc đời ông.
Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 trong một gia đình Công giáo, quê làng Bùi Chu
(nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Từ nhỏ ông đã được Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauchier) dạy tiếng Pháp cùng với các
môn khoa học thường thức của Tây phương. Ông lại được cho đi du học ở nhiều nơi
như Singapore, Malaisia, Pháp, La Mã... Trong những chuyến đi đó, ông đã tìm
tòi và lĩnh hội được nhiều tri thức khoa học mới, trong lòng nung nấu đem những
điều mình đã học hỏi được về phục vụ cho lợi ích nước nhà.
Tháng 5 năm 1863 ông đã soạn xong ba văn bản để gửi lên Triều đình Huế: bản thứ
nhất là Tế cấp luận, bản thứ hai là Giáo môn luận, bản thứ ba là Thiên hạ phân
hợp đại thế luận. Trong ba bản đó, bản Tế cấp luận là văn bản quan trọng nhất.
Nội dung của bản này đề cập đến việc canh tân và phát triển đất nước.
Sau ba bản điều trần trên, Nguyễn Trường Tộ liên tục gửi nhiều bản khác lên Triều
đình Huế (có 58 di thảo gửi cho Triều trình, liên tục trong vòng 10 năm). Những
bản điều trần của ông là những đề nghị tâm huyết nhằm góp phần xây dựng đất nước,
đưa đất nước thoát khỏi tình trạng phong bế, lạc hậu và tạo nên sự thay đổi lớn
lao bên trong, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhìn vào nội dung các bản điều trần,
chúng ta nhận thấy Nguyễn Trường Tộ đã đi trước, và vượt lên trình độ của các tầng
lớp trí thức nho sỹ đương thời.
Song thật tiếc, những dòng tâm huyết ấy lại không được chấp nhận do hạn chế của
thời đại.
No comments:
Post a Comment