Evergrande là tiếng chuông báo động
07/10/2021
https://www.voatiengviet.com/a/evergrande-tieng-chuong-bao-dong/6259524.html
https://gdb.voanews.com/45B8CA64-3EB0-4491-8A72-475BBE135755_w650_r1_s.jpg
Văn phòng
Evergrande tại Thượng Hải.
Evergrande tên chữ Hán là “Tập
Đoàn Hằng Đại,” (恒大集团), Lớn Mãi Mãi.
Hằng
Đại có 150,000 nhân viên; đứng đầu 1,300 dự án xây dựng tại 280 thành phố; nợ
các ngân hàng và “trái chủ,” $88.5 tỷ đô la. Ngoài ra, còn những chủ nợ khác là
những người đã trả tiền trước để mua 1 triệu 600 ngàn căn hộ chưa xây xong. Cho
nên tổng cộng công ty mang nợ hơn $300 tỷ mà bây giờ không hy vọng có tiền trả.
Bản tin Hằng Đại có thể phá sản khiến thị trường
chứng khoán,từ Hồng Kông đến New York, xao động. Vì một cuộc khủng hoảng địa ốc
có thể khiến hệ thống ngân hàng và kinh tế Trung Quốc suy yếu, ảnh hưởng sẽ lan
khắp thế giới, giống như đã phát ra từ nước Mỹ năm 2007. Ông Jerome Powell, chủ
tịch ngân hàng trung ương Mỹ phải trấn an với quốc hội, nói rằng kinh tế Trung
Quốc chưa có gì phải lo lắng quá.
Ông Powell tỏ ra yên tâm vì biết Bắc Kinh sẽ
không thể để cho thị trường địa ốc sập đổ. Đó là nơi lưu trữ tiền tiết kiệm của
70 phần trăm các gia đình trong lục địa, hầu hết giới trung lưu. Vì hệ thống an
sinh xã hội và hưu bổng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, người dân đặt tiền dành dụm
vào các căn hộ để ở hay để đầu tư. Những căn hộ đó chiếm 60% tài sản của dân
Trung Quốc, chỉ có 20% dưới hình thức các cổ phần hay trái khoán. Vụ Hằng Đại lan rộng có nghĩa là
70% dân Trung Hoa mất tiền để dành suốt đời; không khác gì dân Mỹ bỗng dưng mất
hết tiền trong quỹ hưu bổng và mất bảo hiểm y tế khi về già!
Nhà nước Bắc Kinh sẽ phải cứu, mà họ dư sức vì
Hằng Đại chỉ cần phải trả $37 tỷ trong vòng 12 tháng tới. Số tiền đó chỉ bằng
1% số dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung Ương.
Việc cứu chữa cũng không cần Ngân hàng Nhân
Dân nhúng tay vào. Các ngân hàng thương mại trong nước Trung Quốc sẽ đứng ra
gánh các tài sản của công ty khi “xiết nợ” Hằng Đại. Một công ty quốc doanh đã
mua phần hùn của Hằng Đại trong Ngân hàng Thẩm Quyến, trị giá $1.5 tỷ. Ngày 4
tháng 10, một chi nhánh của Hằng Đại ở Hồng Kông trị giá hơn $7 tỷ đô la đã có
người mua. Cứ như thế, các tài sản “dẫy chết” của Hằng Đại sẽ được chuyển giao
cho các ngân hàng và xí nghiệp quốc doanh. Hằng Đại sẽ chết nhưng không làm
cho cả hệ thống sụp đổ.
Nhưng hiện tượng này đáng báo động. Vì suốt 30
năm qua thị trường địa ốc vẫn là động cơ chính giúp kinh tế đi lên. Trong 15
năm qua, giá nhà cửa trong nước tăng khoảng 10% một năm. Các công ty xây dựng
như Hằng Đại đang mang nợ hơn 18 ngàn tỷ đồng nguyên, bằng 18% Tổng Sản Lượng Nội
Địa (GDP), tương đương với $2.8 ngàn tỷ đô la.
Đầu tư vào nhà cửa chiếm 15% Tổng Sản Lượng Nội
Địa. Nếu tính thêm những công nghiệp liên quan đến việc xây nhà thì tất cả đóng
góp 29% cho cả nền kinh tế theo ước tính của các giáo sư Kenneth Rogoff, Đại học
Harvard và Dương Nguyên Thần (Yuanchen Yang, 杨元辰) Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Nếu thị trường địa ốc sụp đổ thì
từ người dân trung lưu đến chính quyền các địa phương đều khốn đốn. Cả mô hình
phát triển bị phá sản.
Mô hình phát triển này bắt nguồn từ nhu cầu
ngân sách các địa phương. Khi Trung Cộng tập trung quyền thâu thuế về Bắc Kinh,
nguồn thu nhập lớn nhất của các thành phố là bán đất cho các công ty xây dựng.
Theo báo Wall Street Journal, từ năm 1999 đến 2007, số đất đem bán
tăng 31% một năm. Năm 2010, tiền bán đất đóng góp 70% cho số ngân sách các
thành phố. Phóng viên báo này mới đến thăm thị xã Lục An phía Tây Bắc Thượng Hải.
Trong sáu tháng đầu năm nay, chính quyền thị xã thâu được $900 triệu tiền thuế,
nhưng bán đất thu được $1.2 tỷ đô la. Đó là một thị xã có 4 triệu dân, dân số
đã giảm 5% trong 10 năm qua, lợi tức bình quân là $3,500 một năm, thấp hơn con
số $5,000 trong cả nước. Nhưng đó là nơi công ty Hằng Đại đổ tiền vô xây dựng
những cao ốc mấy chục tầng, lập một nhà máy sản xuất xe chạy điện và một khu giải
trí lớn hơn Disney Park trong nước Trung Quốc.
Xây dựng nhà ở mà không cần nghiên cứu đến nhu
cầu của dân cư, vì các công ty như Hằng Đại nghĩ rằng nếu gặp khó khăn thế nào
chính phủ cũng giúp! Người mua nhà cũng nghĩ thế; cho nên đua nhau vay nợ để
mua. Số nợ địa ốc lên tới 76% tổng số nợ của dân chúng, theo tuần báo
The Economist. Khi Tập Cận Bình ra lệnh các ngân hàng bớt cho vay xây nhà, các
công ty địa ốc gây vốn bằng cách bán trước các căn hộ sắp xây. Từ 2015 đến
tháng Bảy 2021, loại vốn này tăng từ 39% lên 54% nguồn vốn của các công ty địa ốc.
Hiện các ngân hàng đã đến giới hạn không được
phép cho vay xây cất nữa. Người ta chờ đợi Bắc Kinh sẽ nới lỏng giới hạn để
tránh một cuộc khủng hoảng khi các công ty địa ốc khác cũng lâm vào cùng cảnh
ngộ của Hằng Đại. Nếu không, Tổng Sản Lượng Nội Địa sẽ giảm bớt 1%. Trước mắt,
chính quyền các thành phố và địa phương sẽ mất một nguồn ngân sách quan trọng
vì số tiền thâu nhờ bán đất sẽ cạn kiệt.
Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Một dấu hiệu
rõ ràng là trong tháng Tám vừa qua số lượng đặt mua xe vận tải đã giảm mất một
nửa so với tháng Tám năm ngoái. Ông Alan Greenspan, cựu chủ tịch Ngân Hàng
Trung Ương Mỹ (Federal Reserve) vẫn coi số mua xe vận tải là một chỉ số tiên
đoán hoạt động kinh tế. Bank of America trước đây tiên đoán kinh tế Trung Quốc
sẽ tăng trưởng 6.2% trong năm tới, nay thấy chỉ còn lên thêm được 5.3%..
Bắc Kinh sẽ vượt qua khỏi một cuộc khủng hoảng
trong ngắn hạn nhưng hiện nay chưa thấy một giải pháp nào để kinh tế Trung Quốc
hết lệ thuộc vào ngành địa ốc. Trong khi đó dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm bớt,
tất nhiên sẽ ít người mua nhà hơn, trong khi còn 50 triệu căn hộ đang không có người ở. Đây cũng chỉ
là một trong nhiều khó khăn kinh tế của Tập Cận Bình, trong khi ông đang chuẩn
bị tái cử làm chủ tịch đảng và nhà nước trong Đại hội Đảng năm 2022.
----------------------
LIÊN QUAN
Tập
Cận Bình trọng Đảng hơn Kinh tế
09/08/2021
* Ngô Nhân Dụng
Từ
vắc xin đến nhà thầu và thương lái Trung Quốc
25/09/2021
* Trần Đông A
No comments:
Post a Comment