Wednesday, May 27, 2020

TỰ DO NGÔN LUẬN THEO CÁCH HIỂU CỦA TT DONALD TRUMP (Nhã Duy)




Nhã Duy
28/05/2020

Được thành lập ngay đầu thế kỷ 19, Học viện Quân sự West Point tại New York là một trong những học viện quân sự danh tiếng và lâu đời nhất thế giới. Hơn 200 năm qua, West Point đã từng đào tạo nhiều nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ và thế giới, từ tổng thống, các tướng lãnh quân đội, viên chức chính phủ cao cấp cho đến phi hành gia, chủ tịch tập đoàn thương mại…

Khác với các viện đại học dân sự, kể cả khối Ivy League danh giá như Harvard, Yale, Columbia…, sinh viên West Point được tuyển chọn có phần khác biệt. Họ là những thanh niên có ý chí và tinh thần kỷ luật cao, mang ý hướng phục vụ quốc gia mạnh mẽ khi chọn theo đời binh nghiệp, bởi họ phải phục vụ quân đội tối thiểu là năm năm sau khi tốt nghiệp.

Năm đầu tiên được xem là một năm đầy thử thách cho các tân sinh viên. Sau sáu tuần huấn nhục quân sự, sinh viên West Point bắt đầu chương trình lý thuyết học đường. Một trong những điều bắt buộc cho sinh viên năm nhất của West Point là phải thuộc nằm lòng cuốn kiến thức tân binh 325 trang, gọi là The Bugle Notes.

The Bugle Notes được ví như là “Kinh Thánh Tân Binh” (Plebe Bible), bao gồm những kiến thức cùng vô số “fact” khác nhau, từ quân sự, vũ khí, danh ngôn, lịch sử, nguyên tắc ứng xử, cấp bậc, binh chủng, bài hát…, bắt buộc sinh viên phải thuộc lòng. Các sinh viên khóa trên hay sĩ quan huấn luyện có thể chặn các tân sinh viên để hỏi các điều trong sách bất cứ lúc nào.

Một điều khá thú vị khác về West Point là các tân binh mỗi ngày phải đọc báo New York Times, cũng để trả lời các tường trình, dữ liệu trong báo khi được hỏi. Một cách huấn luyện về “fact”, về thời cuộc, cùng những tường trình về nước Mỹ và thế giới từ một tờ báo uy tín và lâu đời của nước Mỹ.

Nhắc đôi chuyện trong chương trình huấn luyện của West Point để thấy học viện này xem trọng các “fact”, huấn luyện nguyên tắc làm việc cho các sĩ quan tương lai của quân đội Hoa Kỳ là phải dựa vào sự việc và sự thật, dữ liệu và số liệu để đưa ra các phán đoán, quyết định trong suốt đời sống của họ sau này, từ trong quân đội cho đến đời sống dân sự khi xuất ngũ. Bởi “fact” là thực tế, là sự thật. Nó cần thiết không chỉ với sinh viên West Point mà cả cho nhiều người, nhiều lãnh vực khác nhau. Từ chính quyền, tập đoàn thương mại đến luật pháp, truyền thông báo chí…

Tự điển Oxford định nghĩa “fact” là điều được biết là đúng, đặc biệt khi nó có thể được chứng minh. Tổng thống Trump đi đánh golf khi người dân Mỹ bị chết do Covid-19 lên tới con số 100 ngàn người là “fact”, là sự thật. Nó hoàn toàn khác biệt với ý kiến và nhận thức khi cho rằng đó là việc bình thường hay lỗi đạo theo từng quan điểm cá nhân. Dù mỗi người đều có quyền nêu ý kiến và nhận xét của riêng mình, thì không thể có những “fact”, những sự thật của riêng mình.

Tự thân của “fact” đã là câu chuyện mà không cần lập luận nhưng đã lập luận, cần phải có “fact”, có dữ liệu, số liệu chứng minh hay đi kèm. Rất tiếc là những nguyên tắc căn bản này lại bị bỏ qua, trong thời đại thông tin và sự phát triển các phương tiện mạng xã hội khi mà vô số những ngụy tạo, bịa đặt, sự suy diễn vô lý vốn được gọi là “thuyết âm mưu” được phát tán bừa bãi.

Xuất hiện trên mạng hiện nay là vô số bản tin, bài báo, clip thu hình…  không có “fact” và dữ liệu, số liệu đi kèm hay bị sửa đổi theo ý đồ, mà không ít chỉ mang ý kiến, suy luận thiếu chứng cứ. Chúng được đón nhận, cổ vũ và phát tán từ một số người đọc dễ dãi. Bởi không ít người chỉ thích theo dõi những điều hợp với suy nghĩ hay chính kiến của mình, bất luận có chứng cứ hay không. Đó là lý do những mạng xã hội như YouTube, Facebook, Twitter … đã gỡ bỏ vô số bản tin, video như vậy trong thời gian qua.

Và đó cũng chính là lý do mà  Twitter vừa thêm đường dẫn kiểm chứng thực hư (fact-check) để cảnh báo người sử dụng với hai mẩu tweet sai lệch của tổng thống Trump, cáo buộc thiếu chứng cứ việc bầu cử qua đườg bưu điện trong đôi ngày qua. Lần đầu tiên Twitter làm điều này với TT Trump, là người vốn không thiếu những tuyên bố hay tin nhắn phản khoa học, thiếu xác thực và lừa công luận kể từ khi nắm quyền, đại loại như tuyên bố dịch bịnh sẽ tự biến mất đi như “phép màu” của ông. Và hơn hết, dù không hề có bằng chứng về những điều Trump đưa ra nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người ủng hộ ông ta, mà đến lúc Twitter cần phải có biện pháp với người sử dụng phương tiện và dịch vụ của họ.

Sự thật là sự thật, chúng không biến mất đi vì suy nghĩ hay diễn giải phi lý của Donald Trump hay người khác. Chỉ có qua câu chuyện về việc kiểm chứng thực hư “fact-check” này, người dân bỗng nghi ngờ hơn với sự hiểu biết về quyền tư do ngôn luận của người lãnh đạo nước Mỹ, vị tổng tư lịnh của những sĩ quan West Point tương lai được huấn luyện dựa trên nguyên tắc sống là “sẽ không nói dối, lừa đảo, trộm cắp hay dung túng cho những ai làm vậy” (Nguyên văn: “A cadet will not lie, cheat, steal, or tolerate those who do).

Trump và người ủng hộ cho rằng, Twitter đang “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận”, vốn được định nghĩa là quyền được biểu đạt ý kiến của người dân mà không bị chính phủ kiểm duyệt, ngăn cản hay trả thù. Nó được thiết lập trên mối quan hệ về quyền lực giữa nhà cầm quyền và người dân, không phải mối quan hệ dân sự bình đẳng. Twitter hay bất cứ trang mạng xã hội khác chỉ là những hãng tư nhân, có những nguyên tắc và luật lệ về việc sử dụng, được áp dụng với bất cứ ai, kể cả tổng thống mà thôi.

Nhưng việc TT Trump hăm dọa trả đũa hay đóng cửa các trang mạng xã hội, cũng như tấn công vào truyền thông báo chí trong vài năm qua, thì đó mới là vấn đề đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân. Nó cho thấy Tổng thống Donald Trump đã hiểu sai và đang đi ngược lại với hiến pháp Hoa Kỳ. Chính vì vậy, cuộc chiến để bảo vệ Hiến pháp, những giá trị nền tảng lâu đời của Hoa Kỳ và để bảo vệ những quyền phổ quát của người dân, lại càng cần thiết hơn bao giờ hết trong giai đoạn hiện nay.

--------------------------------------------

XEM THÊM

Người Việt Online
May 27, 2020

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư, 27 Tháng Năm, đe dọa sẽ có biện pháp kiểm soát hoặc đóng cửa luôn các công ty điều hành các trang mạng xã hội, lấy lý do là họ “ngăn cản tiếng nói của giới bảo thủ,” một ngày sau khi Twitter đánh dấu “cần kiểm chứng” (fact-check) lên một số bản tweet của ông, để người đọc có thể xem lại tính cách khả tín của những gì nêu ra trong bản tweet.

Theo bản tin của hãng thông tấn Reuter, dù không đưa ra chứng cớ gì, Tổng Thống Trump lại một lần nữa gởi tweet nói rằng: “Giới Cộng Hòa cảm thấy các trang mạng xã hội hoàn toàn dập tắt tiếng nói của giới bảo thủ. Chúng ta sẽ kiểm soát chặt chẽ, hoặc đóng luôn các trang mạng này, không thể để cho việc này xảy ra.”

Ông Trump, người rất thường xuyên sử dụng Twitter, với hơn 80 triệu người theo dõi, viết thêm: “Phải sửa đổi hành động của mình, NGAY BÂY GIỜ!!!!”

Đe dọa đóng cửa các trang mạng xã hội như Twitter và Facebook là phản ứng mạnh mẽ nhất của Tổng Thống Donald Trump về sự không hài lòng của ông đối với các công ty này, và cũng góp phần làm trị giá cổ phiếu của họ có lúc sút giảm.

Công ty Twitter lần đầu tiên đưa ra các nhãn “cần kiểm chứng” với các bản tweet của ông Trump sau khi ông có các lời cáo buộc về vấn đề đi bầu khiếm diện mà không có bằng chứng gì để hỗ trợ cho điều này.

Twitter gắn một dấu chấm than (!) màu xanh lục phía dưới bản tweet của ông Trump để thông báo rằng lời phát biểu đó là sai và cho đường dẫn đến nơi có thể cung cấp tin tức chính xác hơn về vấn đề Tổng Thống Trump nêu ra.

Bản tweet bị đánh dấu cần kiểm chứng của Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Twitter)

Trong vài năm trở lại đây, Twitter đã có biện pháp chặt chẽ hơn để kiểm soát nội dung các bản tweet sau khi có nhiều chỉ trích nói rằng họ đã để xảy ra tình trạng lạm dụng, lập các trương mục giả, đưa tin giả, tràn lan trên Twitter.

Hiện chưa rõ là Tổng Thống Donald Trump có quyền đóng cửa các công ty cung cấp dịch vụ trang mạng xã hội như ông đe dọa hay không. (V.Giang) [qd]

*

Người Việt Online
May 26, 2020

SAN FRANCISCO, California (NV) – Twitter vào Thứ Ba, 26 Tháng Năm, lần đầu tiên yêu cầu người đọc kiểm chứng thông tin trong “tweet” của Tổng Thống Donald Trump, theo Reuters.

Twitter cảnh báo những tuyên bố của ông Trump về bỏ phiếu bằng thư là sai sự thật và bị nhiều người phát hiện.

Twitter làm biểu tượng dấu chấm than màu xanh nhắc nhở người đọc “kiểm chứng thông tin về bỏ phiếu bằng thư” và dẫn họ đến một trang mới có những bản tin và thông tin về những tuyên bố của ông Trump mà nhân viên Twitter thu thập.

“Ông Trump tuyên bố mà không có bằng chứng rằng bỏ phiếu bằng thư sẽ gây ra gian lận,” tựa đề ở đầu trang này viết, theo sau là mục “những điều cần biết,” trong đó chỉ ra ba tuyên bố sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn trong những “tweet” của ông Trump.

Trước đó trong ngày Thứ Ba, Tổng Thống Trump tuyên bố rằng bỏ phiếu bằng thư sẽ “dễ gian lận” và hậu quả là cả một “cuộc bầu cử bị gian lận.” Ông cũng đem một mình thống đốc California ra nói về vấn đề này, dù California không phải là tiểu bang duy nhất cho phép bỏ phiếu bằng thư.

Twitter xác nhận đây là lần đầu tiên họ áp dụng hình thức kiểm chứng đối với “tweet” của Tổng Thống Trump. Đây là một phần trong chính sách “thông tin gây nhầm lẫn” mới mà Twitter đưa ra trước đây trong tháng này để chống thông tin sai sự thật về đại dịch COVID-19.

Khi đó, công ty này cho biết sẽ mở rộng chính sách thông tin sai sự thật hoặc gây tranh cãi về COVID-19 ra những chủ đề khác.

Twitter công khai cấm nội dung nào có thể dẫn đến đàn áp cử tri, nhưng phát ngôn viên của công ty cho hay những “tweet” của ông Trump về bỏ phiếu bằng thư không vi phạm quy định đó. (Th.Long) [qd]







No comments: