Friday, May 29, 2020

"TÔI KHÔNG THỞ ĐƯỢC" (Giao Chỉ, San Jose)




Giao Chỉ, San Jose.
May 29, 2020


Cảnh sát  Derek Chauvin lên gối đè lên cổ George Floyd! Gây ra cái chết cho Floyd

(Khi không gian phảng phất mùi kỳ thị, dù đứng ở bên nào, anh cũng là nạn nhân)

Mở Đầu: Câu chuyện đen trắng đã xảy ra ở thị trấn cùng với bức hình làm rung động thế giới. Ông cảnh sát Mỹ trắng lên gối đè đầu anh Mỹ đen trong 8 phút. Nạn nhân Mỹ đen có tiền nhân gốc nô lệ dù đã được giải phóng từ trăm năm qua đã lên tiếng kêu gọi được tha vì không thở được.

“I can’t breathe, officer.” Sau khi được tha, chở vào nhà thương thì anh Mỹ đen chết. Bốn ông cảnh sát Mỹ trắng còn sống bị mất việc và sẽ bị truy tố tội ngộ sát. Báo chí tường thuật không hề nói đến nhưng ai cũng có thể nghĩ đến vấn nạn kỳ thị. Anh Mỹ đen vô tội dù không bị nghẹt thở vì trận dịch Covis nhưng đã chết nên tạm thời yên nghỉ. Bốn ông cảnh sát còn sống lại trở thành nạn nhân. Thi hành công vụ chắc chắn không muốn giết người nay trở thành thủ phạm vụ ngộ sát với đầy đủ hình ảnh. Khi không gian phảng phất mùi kỳ thị, dù đứng ở bên nào, anh cũng là nạn nhân

Nội dung:  

Câu chuyện đầy đủ được anh BMH ghi lại xin tóm lược như sau:

Vào ngày 25/05/2020, nghi can George Floyd ( người da đen) , bị cảnh sát Minneapolis, Minnesota, kéo ra khỏi xe, không chống cự, không vũ khí, còng tay, bị đè nằm dưới hông xe cảnh sát và tên cảnh sát da trắng Dered Chauvin dùng gối chận ngay cổ, trong khoảng 8 phút. Sau nhiều lần nạn nhân van xin và nói không thở được ( Please, please … I Can’t breath ), và những người dân chung quanh cũng phản đối, lên tiếng yêu cầu, tên cảnh sát vẫn không thay đổi tư thế, thì nạn nhân bất động …và sau đó chết tại nhà thương. Bốn tên cảnh sát này đã bị đuổi ngay, ngày hôm sau thứ Ba, 26/5/2020 ( vì những video clips được phổ biến rộng rãi online, nếu không có những video clips này thì chuyện gì sẽ xảy ra ????), và ông thị trưởng Minneapolis Jacob Frey, đã yêu cầu truy tố những người này.

1.- Derek Chauvin, tên cảnh sát chận đầu gối trên cổ nạn nhân, 44 tuổi, 19 năm trong ngành cảnh sát. Đã có thành tích dùng bạo lực và vũ khí trong quá khứ, từng bị điều tra ít nhất trong ba cuộc nổ súng, 2008 và 2011, kết quả một nạn nhân tử thương, một người bị thương, sống sót…nhưng kết quả điều tra không phổ biến    và không bị kỷ luật.

2.- Tou Thao ( có thể là người Hmong. Minnesota có một cộng đồng người Hmong đông đảo), đã nhiều lần bị nạn nhân kiện bị xử dụng bạo lực, nhưng không bị kỷ luật, một lần phải bồi thường $ 25,000.00 cho nạn nhân.         

3.- Thomas Lane và Alexander Kueng, là hai cảnh sát viên mới, đang trong thời gian tập sự (probationary periods).

Thảo Luận: 

Nhân dịp tin tức thời sự nóng bỏng, anh em chúng tôi đã có dịp bàn luận. Trong các nhận định của các bạn về đề tài này có người đề cập đến hiến pháp, trách nhiệm của thống đốc và cả tổng thống. Riêng tôi xin được góp ý như sau:

1) Cảnh sát Mỹ thường dùng võ lực quá độ, hung bạo và đôi khi dã man. Thông thường thì hữu hiệu đối với một xã hội băng đảng và dân chúng được phép dùng súng . Nhiều cái chết oan uổng đã xảy ra cho đến khi có máy điện thoại cầm tay thu hình tại chỗ. Trong vụ này nếu không có hình ảnh thì chắc chắn mọi chuyện sẽ thông qua và có thể các tay cảnh sát phạm tội sẽ hoàn toàn bình yên.

2) Với hình ảnh ghi lại và câu nói “I can’t breathe” của nạn nhân. Sở cảnh sát thay vì cho đám cảnh sát tạm nghỉ đã đi xa hơn thường tình với quyết định sa thải. Hiện này anh thị trưởng đang đề nghị truy tố ra tòa với tội có thể là sát nhân đệ nhị cấp vì không chủ đích.

3) Chắc chắn tay cảnh sát trách nhiệm chính cũng không ngờ mình trở thành sát nhân. Tưởng rằng nhà thương cấp cứu nạn nhân sẽ sống. Tên phụ tá người Á Châu rõ ràng là đứng che chở xếp hành hung nạn nhân. Hai anh cảnh sát mới vào học việc số mệnh sui vì sợ xếp nên có nói vài lời can ngăn nhưng không kết quả. Chuyện này sẽ trở thành một đề tài quan trọng trong chương trình huấn luyện cảnh sát. Khi nào thì trở thành đồng lõa sát nhân dù chỉ đứng yên và không nói gì cả.   
                                       
 4) Mặc dù sự việc xảy ra tại một địa phương và chỉ có một người chết nhưng tầm ảnh hưởng có thể rất lớn tùy theo hoàn cảnh và cách xử thế của mọi người. Việc truy tố cảnh sát phạm lỗi. Quyết định của tòa án. Cách lựa chọn các bồi thẩm và kết quả bản án sẽ có thể bùng nổ cơn bão loạn như đã từng xảy ra tại LA.     

5) Cảnh sát Hoa Kỳ hiện là một ngành rất được ưu đãi. Thực sự chỉ nguy hiểm tùy từng địa phương. Nói chung không nguy hiểm bằng chiến binh trong thời chiến. Lương rất cao và tiền hưu lên đến 80%. Khi về hưu còn trẻ dễ dàng đi làm thêm lợi tức rất khả. Tinh thần đoàn kết rất cao đôi lúc bao che cả tội ác. Nhưng cảnh sát Mỹ thời gian gần đây bị phơi bầy nhiều cảnh xấu xa nhờ dân Mỹ can đảm chụp hình tố cáo. Toàn bộ hệ thống cảnh sát từ thượng từng trở xuống rất cần tái huấn luyện và thanh lọc. Đặc biệt cảnh sát da trắng có nhiều tiền án đối với da đen và da vàng. Ngay tại San Jose trong những năm qua đã có 3 vụ cảnh sát bắn 3 người Việt Nam điên khùng và một đứa bé Việt Nam ở Santa Cruz. Trong cả 4 trường hợp các nạn nhân đều không có súng. Chỉ cầm những con dao trong bếp hoặc những thứ tưởng là dao. Cảnh sát đều học chung bài học là bắn nhầm mà còn sống là phải đạo. Đám ma cảnh sát tổ chức long trọng và vĩ đại trở thành truyền thống. Nhưng vợ cảnh sát nói rằng sẵn sàng nuôi chồng tù chứ không muốn đám ma to. Vì vậy nạn nhân chạy tới cũng bắn mà chạy lui cũng bắn. Cá nhân chúng tôi có nhiều dịp tham dự các chương trình huấn luyện cảnh sát và sinh hoạt cộng đồng. Cũng học được nhiều chuyện. Chúng ta rất cần nhiều cảnh sát trẻ Việt Nam. Nhà có người điên hay vợ chồng gây lộn mà gọi cảnh sát Mỹ là điều cần nghĩ lại. Cảnh sát Mỹ đen thường không bắn Mỹ đen , cảnh sát Việt Nam chắc chắn không bắn nhầm phụ nữ Việt Nam.          
                             
Thời sự và chính trị:                                                         

Bây giờ nói đến chuyện xa. Chuyện cảnh sát Mỹ trắng bắn dân da đen quả thực không liên quan đến ông thống đốc hay ông tổng thống. Mọi chuyện chỉ ở cấp thị xã mà thôi. Nhưng hình ảnh cảnh sát Mỹ trắng lên gối đè đầu anh Mỹ đen với tiếng kêu gọi thảm thiết đã chiếu lên toàn thế giới. Hình ảnh đã vượt qua câu chuyện nhỏ của một thị xã. Đã qua biên giới tiểu bang. Qua cả đại dương. Đó là chuyện đau thương khốn nạn của cả nước Mỹ.. Có thể rồi chuyện này cũng qua đi. Nhưng cũng có thể thành lớn chuyện nếu ra tòa Mỹ trắng xử cảnh sát trắng án vì đã nỗ lực thi hành công vụ. Đệ nhất thế chiến xảy ra vì chuyện nhỏ khi một ông trong hoàng gia Âu Châu bị ám sát. Chiến tranh 14-18 với các nước tham chiến trong 4 năm giết chết tổng cộng 38 triệu dân và quân 2 bên để rồi ký hòa ước. Tuy đã ký đình chiến nhưng Hitler của Đức vẫn căm hận nên mở ra thế chiến thứ hai từ Âu qua Á với thêm 73 triệu người chết. Nếu lãnh đạo thế giới là phải giải quyết chuyện nhỏ đôi khi như tàn lửa làm cháy rừng nước Úc. Hình ảnh đầu gối anh cảnh sát Mỹ trắng đè lên đầu anh Mỹ đen vô tội không thở được sẽ còn mãi mãi gợi nhớ cuộc chiến tương tàn của Hiệp chúng Quốc cách đây 350 năm giữa 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.Thời kỳ đó đảng Dân Chủ lại chủ trương bảo thủ chấp nhận chế độ nô lệ. Da đen không phải là người. Da đen là nô lệ truyền kiếp. Đảng Cộng Hòa của tổng thống Lincoln chủ trương phóng khoáng giải phóng nô lệ. Hai đảng khác biệt cùng yêu nước và cùng xây dựng dân tộc Hoa Kỳ trở nên hùng cường nhưng vẫn chống đối nhau cuồng nhiệt. Thời đó Cộng Hòa và Dân Chủ không có tranh luận lèm bem, giận dỗi và chụp mũ nhau như ngày nay. Họ giải quyết nhau bằng binh đao. Tàn phá các đô thị, đốt nhà, chém giết, tận diệt cả đạo quân cho đến khi tàn cuộc lại trở thành những người quân tử cùng ký hòa ước để về nhà xây dựng lại cả hai miền Nam Bắc. Sự đau thương sau cùng còn lại là tổng cộng hai bên cả quân dân chính hy sinh là 670 ngàn. Giữa cuộc chiến còn tràn đây khói súng, tại nghĩa trang Gettysburg tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, ông Lincoln đọc bài diễn văn 3 phút với những câu tình nghĩa đứt ruột đồng bào..Tử sĩ 2 bên trên chiến địa này đều là người yêu nước. Chính quyền của dân, do dân và vì dân, nhất định không lụi tàn khỏi trần thế.             
                                                               
 Dù là người lãnh đạo Cộng Hòa Tự Do đánh bại phe Dân Chủ Bảo thủ để giải phóng nô lệ nhưng tổng thống Lincoln mãi mãi là người của cả nước Mỹ. Ông giải phóng da đen nhưng cũng giải phóng Hoa Kỳ ra khỏi cuộc tương tàn. Ông mở đường cho đảng Dân Chủ tháo gỡ xiềng xích bảo thủ và sau này đổi chỗ với đảng Cộng Hòa. Chỉ 6 ngày sau khi thống nhất đất nước ông bị 1 thanh niên Dân Chủ bắn chết trong rạp hát. Bây giờ 350 năm sau con cháu người da đen một thời nô lệ đã bị anh cảnh sát da trắng đè đầu nghẹt thở nhưng 6 giờ đồng hồ sau mới chết trong nhà thương. Thủ phạm da trắng ngộ sát và anh da đen ngạt thở cũng đều là nạn nhân của bầu không khí kỳ thị ba trăm năm trước trở về ẩn nấp đâu đây. Dù là ông tổng thống nào, từ Bush qua Clinton, Obama hay Trump thì trách nhiệm cũng trong tay quý ngài. Dù Cộng Hòa hay Dân chủ, hãy vì nước Mỹ, suy nghĩ như Lincoln và hãy nói như Lincoln


Bài diễn văn Gettysburg

Tám mươi bảy năm trước ông cha ta khai sinh trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và được hiến dâng cho niềm xác tín là mọi người khi sinh ra đều được bình đẳng.

            Bức vẽ minh họa Lincoln đọc bài  diễn văn

Giờ đây chúng ta lâm vào một cuộc nội chiến lớn, đang thử thách xem quốc gia này – hoặc bất kỳ quốc gia nào được thai nghén và hiến dâng như thế – có thể tồn tại lâu dài hay không. Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến ấy. Chúng ta đến để hiến dâng một phần đất của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người hy sinh đời mình ở đây hầu quốc gia này có thể tồn tại. Đấy là điều hợp lẽ và thích đáng mà chúng ta cần phải làm. Nhưng, theo một cảm quan rộng hơn, chúng ta không thể hiến dâng – chúng ta không thể tôn vinh – chúng ta không thể thánh hóa – mảnh đất này. Chính những con người dũng cảm chiến đấu tại đây, dù còn sống hay đã chết, tôn vinh mảnh đất này, vượt xa khả năng kém cỏi của chúng ta không thể thêm hay bớt. Nhân thế sẽ chẳng quan tâm lắm và cũng chẳng ghi nhớ mãi những gì chúng ta nói nơi đây, nhưng họ sẽ không bao giờ quên những người ấy đã làm gì nơi đây.

Chính chúng ta, những người còn sống, phải cống hiến cho sự nghiệp dở dang mà họ – những người đã chiến đấu nơi đây – đã đề ra một cách cao quý. Chính chúng ta phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn lao còn lại trước mắt.

Đấy là: từ những người bỏ mình được vinh danh này, chúng ta tiếp nhận lòng tận tâm cao hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng.

Đấy là: chúng ta ở đây có quyết tâm cao hầu những người nằm xuống đã không hy sinh một cách vô ích.

Đấy là: quốc gia này, dưới ơn Chúa, nhất định tái sinh trong tự do.

Và đấy là: chính quyền của dân, do dân và vì dân, nhất định không lụi tàn khỏi trần thế.








No comments: