Lê Phan
December 30, 2017
Là một người đã từng sống trong một thời gian mười mấy năm trời dưới sự cai trị của một chế độ độc tài, tôi thường thỉnh thoảng tự nhắc mình, nhất là trong năm 2017, rằng dầu cho dân chủ có những nhược điểm gì chăng nữa nhưng nó vẫn là một thể chế siêu việt.
Năm 2017 quả thật là một năm “try men’s soul” như
nhà văn Thomas Paine đã viết.
Sự thử thách này đặc biệt gay go cho những người tin
tưởng vào lý tưởng dân chủ khi một trong những nền dân chủ cổ xưa nhất của Âu
Châu, nền dân chủ Anh, quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý rút khỏi Liên
Hiệp Âu Châu. Người ta đã nói nhiều đến luận điệu của những kẻ mỵ dân như ông
Boris Johnson và ông Nigel Farage, vốn hứa hẹn với những người dân bất mãn một
thời hoàng kim cũ khi Anh Quốc còn là bá chủ một đế quốc.
Họ nói đến một nước Anh “độc lập” khỏi Brussels sẽ
tha hồ mở cửa làm ăn với thế giới. Họ nói đến sức mạnh của Khối Thịnh Vượng
Chung Anh sẽ giúp Anh thành công bên ngoài Liên Hiệp Âu Châu. Sự thực phũ phàng
của một đảo quốc nhỏ bé nằm kế bên một lục địa không được người ta nghe, và giờ
đây thì quá trễ rồi.
Sự thử thách này càng gay go hơn nữa khi nền dân chủ
hùng mạnh nhất thế giới, lãnh tụ của thế giới tự do, bầu lên một vị tổng thống
như Tổng Thống Donald Trump, một người từ chối chấp nhận sự thật, bác bỏ những
nguyên tắc mà Hoa Kỳ đại diện cho trên thế giới này.
Điều còn khó khăn hơn nữa là chuyện này xảy ra không
lâu sau khi mà chúng ta tưởng là nền dân chủ đã chiến thắng toàn diện. Năm
1989, khi bức tường Berlin sụp đổ và chủ nghĩa Cộng Sản ở Âu Châu sụp đổ theo,
tôi còn ở Việt Nam, và tuy không được chứng kiến những hình ảnh đó trên truyền
hình nhưng nghe lời kể hăng say của các phóng viên trên các đài phát thanh quốc
tế, nhìn những tấm hình từ những tờ báo ngoại quốc đi thuê, những người sống
trong các chế độ độc tài cộng sản lúc đó như tôi lần đầu tiên cảm thấy có ánh
sáng ở cuối đường hầm.
Sau đó, trong những năm đầu của thập niên 1990 khi
tôi đã được ra sống trong một thế giới tự do, các nền dân chủ nở hoa ở Đông Âu.
Rồi thì chế độ kỳ thị chủng tộc apartheid sụp đổ ở Nam Phi. Ngay cả ở vùng
Trung Đông, thỏa thuận Oslo có vẻ như đã mang lại hòa bình cho vùng này. Nhưng
không phải ở đâu mọi sự cũng tốt đẹp. Cuộc biểu tình ở Thiên An Môn đã bị đàn
áp tàn nhẫn. Vị lãnh tụ tưởng là thức thời Đặng Tiểu Bình chính là kẻ ra lệnh
cho đàn áp.
Nhưng rồi những ngày mà một sử gia đã quá lạc quan gọi
là “chấm dứt của lịch sử” đó đã qua đi, mọi sự bắt đầu xuống dốc. Chủ nghĩa bộ
tộc và độc tài nay có vẻ lại hồi sinh và đang trên đường đi lên trong khi các nền
dân chủ đang đi vào suy thoái. Ở Hoa Lục, sau những ngày khó khăn sau cuộc đàn
áp Thiên An Môn nền kinh tế hồi phục, các quốc gia Tây phương đã quên đi và hủy
bỏ cấm vận mở cửa cho giao thương. Ở Nga, những năm rối loạn của ông Boris
Yeltsin đã được thay thế bằng một chính quyền độc tài và mỵ dân của ông
Vladimir Putin.
Nhưng đáng buồn
nhất là ở Hoa Kỳ nơi những nền tảng của chế độ dân chủ, một thái độ bao dung, một
chấp nhận đối lập không phải là kẻ thù, đã bị bỏ quên bởi chính tổng thống. Ngay ở các khuôn viên đại học, theo một cuộc thăm dò của Brookings/UCLA,
50% sinh viên tin là những bài diễn văn “gây gổ” đáng bị la hét không cho nói
lên và 20% tin là phải bị đàn áp.
Trong các nền dân chủ, người ta thường có một khuôn
mẫu tử tế bên trong đó người ta bàn thảo, tranh luận, nhưng không hiểu sao bây
giờ khuôn mẫu đó không còn nữa. Có lẽ những người dân của các quốc gia dân chủ
Tây phương đã được hưởng những giá trị của nền dân chủ cấp tiến quá lâu rồi nên
không thấy giá trị của nó nữa, và đã quên mất không lo bảo vệ nó nữa. Nhà bình
luận David Brooks của tờ New York Times nói là “Chúng ta đã trở thành những người
dân chủ qua thói quen mà không còn bảo vệ hệ thống của chúng ta một cách thành
khẩn nữa.”
Và ông đề nghị trở lại với những nhà tư tưởng đã nói
lên những lý do tại sao mà chế độ dân chủ vĩ đại. Nhà tư tưởng đầu tiên mà ông
nói đến là nhà văn Thomas Mann, tiểu thuyết gia xuất chúng đã bỏ chạy Đức Quốc
Xã sang Hoa Kỳ. Năm 1938, ông trình bày một loạt các bài thuyết trình chống lại
các chủ nghĩa phát xít, Cộng Sản và America First. Cũng xin nhắc lại thời đó chủ thuyết America First
là của những người chủ trương theo chế độ phát xít và da trắng độc tôn của Đức
Quốc Xã.
Thomas Mann lý luận là dân chủ bắt đầu với một sự thật
vĩ đại: nhân phẩm vô tận của cá nhân mỗi một người đàn ông cũng như đàn bà. Người
được tạo dựng theo hình tượng của thượng đế. Khác với súc vật, người chịu trách
nhiệm đạo đức. Đúng, con người có những hành động còn tàn nhẫn hơn cả thú vật –
chính ông Mann vừa trốn thoát khỏi Nazi – nhưng con người là động vật duy nhất
có thể hiểu và tìm công lý, tự do và sự thật. Cái ba ngôi này là “một phức hợp
không phân chia được, mang đầy tính thâm linh và một sức mạnh nguyên thủy.”
Ông viết “Con người là thiên nhiên rơi vào tội lỗi,
nhưng nó không phải là một sự té ngã, nhưng cũng có thể tích cực như là một sự
hướng thượng vì lương tâm cao hơn là sự thơ ngây.” Chế độ dân chủ, ông viết tiếp,
là chế độ duy nhất xây dựng trên sự tôn trọng phẩm chất vô tận của từng cá nhân
người đàn ông và đàn bà, dựa trên sự cố gắng đạo đức của mỗi người cho tự do,
công lý và sự thật. Thật là một sai lầm lớn khi nghĩ đến và dạy dân chủ như là
một thủ tục hay một chế độ chính trị, hay như là nguyên tắc của sự cai trị của
đa số.
Theo nhà văn, nói là một “sở hữu tinh thần và đạo đức.”
Nó không phải chỉ là luật lệ, nó là một lối sống. Nó khuyến khích mọi người hãy
làm hết khả năng của mình – duy trì là chúng ta có một trách nhiệm đạo đức để
làm vậy. Nó khuyến khích người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp, láng giềng đi tìm cộng đồng,
nhà tâm lý đi tìm cảm thức, nhà khoa học đi tìm sự thật.
Các chế độ vương quyền sản xuất ra nhiều bức tranh
vĩ đại, nhưng các nền dân chủ dạy công dân đem nghệ thuật đi vào hành động, đem
bản năng sáng tạo của mình vào việc xây dựng nên thế giới xung quanh. Ông nói “Dân chủ là một tư tưởng; nhưng nó là một tư
tưởng liên hệ đến cuộc sống và hành động.” Các công dân một nước dân chủ
không chỉ mơ tưởng, họ là những nhà tư tưởng ngồi ở các hội đồng thành phố. Ông
dẫn lời triết gia Bergson “Hành động như là những người biết suy nghĩ, suy nghĩ
như là người hành động.”
Trong thời của ông, cũng như thời của chúng ta ngày
nay, dân chủ có nhiều kẻ thù và triển vọng thật gay go. Mann lý luận là kẻ thù
của dân chủ không phải chỉ là chủ nghĩa phát xít với súng đạn. Họ là bất cứ ai
cố tình làm suy giảm những nơi công cộng – những kẻ tuyên truyền và mỵ dân. Ông
nói những người này “Khinh bỉ quần chúng… trong khi họ tự cho mình là phát ngôn
của những lập trường thô tục.” Họ cung cấp bánh mì và trò giải trí, tweet và sỉ
nhục, những không có cái gì khác trừ một “chân trời của thỏ đế” – họ chỉ thấy sự
cố gắng bẩn thỉu cho tiền bạc, quyền lực và sự chú ý.
Những kẻ độc tài và mỵ dân khắc phục hành động bằng
bắt nạt và khuất phục tư tưởng bằng kích thích tâm lý đám đông. Ông viết “Đây
là sự khinh bỉ lý trí, từ bỏ và vi phạm sự thật để thay bằng quyền lực và quyền
lợi của nhà nước, sự kêu gọi những bản năng thấp hèn, cho cái gọi là ‘cảm
tính,’ thả ngu xuẩn và cái ác ra khỏi kỷ luật của lý trí và thông minh.”
Mann tin tưởng vào chiến thắng tối hậu của dân chủ bởi
ông tin vào khả năng tự hồi sinh của dân chủ. Làm mới có nghĩa là cải tổ. Ông
kêu gọi cải tổ kinh tế và chính trị, và dẫn lời của một dân biểu Pháp “sẽ tạo
nên một trật tự giá trị mới, đặt đồng tiền vào phục vụ sản xuất, sản xuất phục
vụ nhân loại, và nhân loại phục vụ cho một lý tưởng khiến cuộc sống có ý
nghĩa.”
Cái đóng góp chính của nhà văn là nhắc nhở cho chúng
ta là dân chủ không phải chỉ là chính trị; nó là về sự tranh đấu hàng ngày của
cá nhân để tốt đẹp hơn, cao thượng hơn và chống lại những cái rẻ tiền và bề
ngoài.
Những gì Mann nói có lẽ quá xa vời nên xin kết luận
bằng lời của cựu Tổng Thống Barack Obama. Khi Hoàng Tử Harry hỏi ông thế ông có
tin tưởng vào nền dân chủ Hoa Kỳ hay không thì ông bảo hãy nhìn vào cái gương của
ông. Chỉ có một nền dân chủ mới bầu lên một người hai màu da mang cái tên là
Barack Hussein Obama. (Lê Phan)
No comments:
Post a Comment