Sunday, January 28, 2018

TỪ CHIẾN TÍCH CỦA U23 VIỆT NAM, NGHĨ VỀ TƯƠNG LAI VIỆT NAM QUA LĂNG KÍNH XỨ HÀN (Hoàng Tuấn Minh)



Hoàng Tuấn Minh
Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Chiều 27/01/2018 trong cơn mưa tuyết khắc nghiệt tại sân Olympic Thường Châu (Trung Quốc), đội tuyển U23 Việt Nam đã khép lại hành trình đầy vinh quang và quả cảm tại VCK U23 châu Á bằng trận thua rất đáng tiếc với Uzbekistan ở những phút bù giờ cuối cùng trong hiệp phụ thứ 2 của trận đấu, đành ngậm ngùi nhận Huy chương bạc. Một trận đấu đầy cung bậc cảm xúc và đáng tự hào.

Cách đây tròn 5 tháng, cũng với những con người này, khi đội tuyển U23 Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Hữu Thắng (một HLV nội có chuyên môn cao, có uy tín với các tuyển thủ và có cá tính mạnh), đội đã thất bại tại SEA Games 29. HLV Nguyễn Hữu Thắng đã phải phải rời "ghế nóng" ngay trên đất Malaysia.

Nhưng chỉ mới 3 tháng trời dưới sự dẫn dắt của phù thủy Park Hang Seo, đội đã thành công vang dội ở sân chơi có tầm vóc còn lớn hơn, đó là VCK U23 Châu Á. Công lao lớn nhất trong chiến tích Huy chương bạc giải U23 châu Á năm nay của đội tuyển U23 Việt Nam thuộc về HLV Park Hang Seo. Với cách “đọc” trận đấu tinh tường cùng những nước cờ cao tay của mình, bằng những toan tính đầy hợp lý cả về chiến thuật lẫn nhân sự, ông Park đường hoàng đưa U23 Việt Nam thẳng tiến vào chung kết một cách “tâm phục, khẩu phục”. Dưới bàn tay của phù thủy Park thì những cầu thủ vô danh đã trở thành trụ cột của U23 Việt Nam còn những cầu thủ trẻ tiềm năng trở thành những ngôi sao lớn. 

HLV Park Hang Seo

Bóng đá Việt Nam đã vượt ngưỡng lên sân chơi mới ở đấu trường châu lục. Ông Park đã giúp cho U23 Việt Nam có vị thế khác hẳn, giúp cho bóng đá Việt Nam được nể phục trong mắt làng cầu Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.
Người xứ Hàn quả là quá tài.

1. Kỳ tích sông Hàn.

Trong thể thao đã vậy, trong xây dựng đất nước và phát trển kinh tế thì xứ Hàn quả là đại tài.

Nói đến xứ Hàn ta chợt thấy có một số nét tương đồng với Việt Nam: cùng phông văn hóa Khổng giáo, cùng từng trải qua chiến tranh,... Trong thập niên 1960, thu nhập bình quân của Hàn Quốc tuy có cao hơn thu nhập của người Việt (chỉ tính miền Nam) nhưng mức độ khác biệt không cao lắm tạm gọi là ngang nhau.

Thế mà từ một đất nước nghèo nàn và lạc hậu nhưng Hàn Quốc đã thoát ra khỏi tình trạng nghèo khổ và vươn lên trở thành một cường quốc công nghệ chỉ trong vòng chưa đầy bốn thập kỷ. Ngày nay, Hàn Quốc đã sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Kinh tế Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển, đứng thứ tư ở châu Á và thứ 11 thế giới. Hiện Hàn Quốc tiếp tục giữ vững vị trí nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới. Thu nhập bình quân theo GDP của người dân Hàn Quốc hiện nay là gần 30.000 USD, cao hơn Việt Nam gần 14 lần.

Sự phát triển của Hàn Quốc khiến nhiều người Việt trong chúng ta không khỏi ngưỡng mộ và tự hỏi làm thế nào họ đạt được sự phát triển ngoạn mục như thế? 

Bởi vì họ thực sự phát triển một nền kinh tế thị trường trên nền tảng một chế độ dân chủ. Ở đó:

- Tổ chức bộ máy nhà nước trên nguyên tắc tam quyền phân lập.

- Hệ thống đa đảng nhưng nhất nguyên chính trị; 

- Công dân tự do tham gia các hoạt động chính trị của Nhà nước, được hưởng mọi quyền dân chủ.

Xem: Sơ đồ Phân chia quyền lực và hệ thống bầu cử của Hàn Quốc (hình).

2. Liệu Việt Nam chúng ta cũng có thể phát triển như Hàn Quốc ?

Ở Việt Nam ngay từ thời ông Đỗ Mười cách đây gần 25 năm về trước khi xây dựng chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã lấy ngẫu hứng hình mẫu phát triển kinh tế theo mô hình của Hàn Quốc. 25 năm đủ để Hàn Quốc hóa rồng, hóa hổ. Còn nước ta đến nay như lời hãng Sam Sung hay Honda thì cho rằng: Việt Nam vẫn chưa làm nỗi con ốc vít. Mục tiêu công nghiệp hóa bị phá sản. Ngay cả bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng phải cay đắng thừa nhận: "Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, nợ công, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn; mục tiêu đến năm 2020 cơ bản nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được".

Kinh tế đất nước tan hoang, ngân khố cạn kiệt, công nghiệp phát triển mất cân đối, môi trường bị tàn phá và ô nhiễm nặng nề,…Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho nạm tham nhũng và lợi ích nhóm phát triển. Và với nền tư pháp hiện nay “ hết sức nghiêm khắc và đầy tính nhân văn” thì khó lòng đẩy lùi được tham nhũng.

Còn về tương quan xã hội thì: Hiện có khoảng 130.000 người Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam. Ngược lại, có khoảng 147.000 người Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Chỉ khác một điều: Người Hàn Quốc làm ông chủ, còn người Việt Nam thì làm thuê. Chợt nhớ cách đây gần 50 năm Hàn Quốc đã từng sang làm thuê cho Việt Nam Cộng hòa xây dựng Xa lộ Đại Hàn. Quả là chua xót.

Tourdulichhanquoc.info

Đó là bởi vì Việt Nam theo đuổi một thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một mô hình đầu voi, đuôi chuột. Chính vì lẽ đó, ngay tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nơi đào tạo, trang bị lý luận cho những cán bộ cao cấp để điều hành đất nước) nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói trắng “phớ’ ra: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.

Liệu Việt Nam chúng ta cũng có thể phát triển như họ? Hoàn toàn có thể, nếu Việt Nam phát triển một nền kinh tế thị trường thực sự với môt nền tảng xã hội dân chủ tương đồng như Hàn Quốc. Còn không, thì mong ước biến cô gái đẹp Việt Nam thành con hổ mới cũng chỉ là một giấc mơ. Và nếu có may mắn lắm đi chăng nữa thì cũng chỉ hơn được Lào, Campuchia mà thôi.








No comments: