Saturday, January 20, 2018

THỜI MẠT NGHỆ (FB Phạm Đoan Trang)




Năm xưa khi xa Việt Nam (ngày này 5 năm về trước), một trong những điều tôi nhớ nhất là… tòa soạn và những ngày tháng bên cạnh đồng nghiệp báo Pháp luật TP.HCM. Mà một trong những điều tôi nhớ nhất ở tòa soạn là những buổi chiều trên căn gác nhỏ đó và tiếng gõ bàn phím lách cách của mọi người.

Ít ai biết rằng tiếng bàn phím đã trở thành một thứ âm thanh ám ảnh tôi từ những ngày đầu đi làm báo. Có những chiều tôi trùm chăn nằm ngủ dưới gầm bàn, trên ghế, bạn đồng nghiệp vẫn lặng lẽ, lách cách gõ máy. Liên tục tiếng “chát, chát” của phím space bar, xen với tiếng rì rầm nhẩm lại bài. Đôi khi tôi như nhìn thấy đôi lông mày của bạn chau lại, nhíu nhíu khi tìm cách diễn đạt một ý nào đó. Đôi khi tôi cảm thấy cả tiếng thở dài của một bạn nào đó, khi mà “tin còi quá, bài chán quá, chẳng có gì viết”.

Ít ai biết rằng những khi ấy, dù nhắm mắt lơ mơ ngủ, trong đầu tôi vẫn thoáng có ý nghĩ: “Không lẽ chúng ta sẽ sống thế này mãi sao?”.

Thử hình dung bạn là một phóng viên trẻ mới tốt nghiệp ngành báo chí. Bạn đã “thoát ly” gia đình và quê nhà từ thời sinh viên thì bây giờ bạn lại càng phải cố để bám trụ lại Hà Nội và Sài Gòn, không về tỉnh. Bạn sẽ ở nơi thành phố lớn đó, thuê lấy căn phòng trọ con con mà để “ở được” cũng phải 2-3 triệu đồng/tháng. Bạn gom góp nhuận bút từng cái tin còi, bài còi, và không quên… gom phong bì mỗi lần hội thảo, hội nghị, công ty nọ tổ chức sự kiện kia.

Trưa, bạn vạ vật cơm hàng cháo chợ. Chập tối, nếu là đàn ông con trai, bạn thường đi nhậu. Nhậu lè phè suốt từ 5-6h chiều đến 11-12h đêm. Bạn ngậm hột thị, cắm mặt vào ly bia, hoặc nếu có mở miệng thì cũng toàn lè nhè những chuyện cũ rích ấy, những “ưu thời mẫn thế” mà người bình thường “không hiểu được đâu”.

Khuya, bạn ngà ngà về nhà, ngủ. Sáng lại dậy lên tòa soạn điểm danh, hop giao ban, rồi liên hệ phỏng vấn làm cái tin còi, bài còi, đi nhặt phong bì sự kiện. Trưa, lại cơm hàng cháo chợ…
Bạn sẽ sống như thế đến bao giờ? Khi nào thì bạn lấy vợ/chồng, đẻ con, nuôi con học trường quốc tế cho bằng bạn bằng bè? Khi nào thì bạn hết kiếp ở nhà thuê, có một căn hộ riêng để khỏi chịu cái cảnh cứ vài tuần là con mụ chủ nhà lại gườm gườm “thay đổi thái độ” (thật ra mụ ấy thay đổi suốt ấy mà, quân đồng bóng!).

* * *
Cuộc sống và sự nghiệp của một nhà báo Việt Nam điển hình là như thế đấy, nếu họ không năng động.

Không năng động, nghĩa là không biết cách tạo sự kiện; không biết xào nấu một vụ thành nhiều tin bài, bán cho nhiều báo; không biết cách chèo kéo quảng cáo của doanh nghiệp; không biết vặn cổ doanh nghiệp xin ủng hộ; không biết tận dụng quan hệ để mua lấy vài suất đất rẻ; không biết làm PR cho tổ chức, công ty, mà nhất là không biết làm PR cho cán bộ, quan chức.

Còn nhà báo lớn ở Việt Nam, nghĩa là phải biết làm chính trị. Phải biết nuôi dưỡng quan hệ, chọn đúng phe, trở cờ đúng lúc. Nhưng nói chung việc ấy ngoài tầm của tất cả các phóng viên trẻ - kể cả đứa nuôi mộng làm nghề lẫn đứa nuôi mộng làm giàu.

Đến cái thời mà nhuận bút trả cho những tin còi được tính theo đơn vị “nghìn đồng” (10.000-20.000 đồng/tin), và tiêu chí chấm nhuận bút là “lượng view trên trang điện tử”, thì tôi hiểu rằng nghề báo ở Việt Nam mạt thật rồi.

Bảo sao các phóng viên không điên cuồng giật tít “bố chồng dính con dâu trong nhà tắm”? Bảo sao họ không lên đồng cùng những “bí thư Thăng”, “Đoàn Ngọc Hải”, bởi mỗi “bước chân anh xuống phố”, “mỗi lời anh thốt ra”, là một lần hứa hẹn lượng view, lượng like tăng tới con số hàng nghìn? Đâu dễ kiếm ra những nhân vật báo chí hot đến từng sợi lông chân như thế?

Chính xác, trung thực, công bằng, tôn trọng quyền con người… tất cả những chuẩn mực ấy của nghề báo đều trở thành nhảm nhí trong cái gọi là nền “truyền thông” thời mạt ngày nay.

Còn tự do báo chí ư? Lố bịch. Nhà báo Việt Nam cần đ. gì cái của nợ ấy?

Tự nhiên tôi nhớ đến âm thanh lách cách của tiếng gõ bàn phím ngày nào.

Nhưng tôi cũng chẳng buồn khóc.


-----------------------------------


NƯỚC MẮT
Hôm trước thấy báo chí và cộng đồng mạng nói đến những giọt nước mắt của Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Báo chí thì cố vẽ vời, lèo lái cho rằng đó là những giọt nước mắt "ân hận", hối lỗi của Thanh- Thăng với bác Trọng, với đảng và nhà nước. Cộng đồng mạng thì bỉ bôi, cười nhạo và khinh miệt những giọt nước mắt đó. Hôm nay tôi biên tút này, nhằm nói về nước mắt dưới góc độ... tạp nham.

- Nước mắt có những chất gì?: Ngoài nước, trong nước mắt còn chứa nhiều các protein, enzym, chất nhầy và cả muối ăn. Chính vì có muối nên nước mắt có vị hơi mặn.

- Nước mắt từ đâu ra?: Nước mắt từ tuyến lệ (nhỏ cỡ hạt gạo) tiết ra. Nước mắt được lọc từ máu và theo tuyến lệ để thoát ra ngoài.

- Nước mắt có nhiều không?: Trung bình, mỗi năm một người sản xuất được khoảng 113 lít nước mắt.

- Tác dụng của nước mắt: Tác dụng chính của nước mắt là bôi trơn cho mắt, làm trôi các loại bui, hay chống lại vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, nó còn có tác dụng để... khóc. Khi bị đau quá, bị xúc động, đâu đớn về tâm lý, hay vui mừng quá... Cơ thể tiết ra một loại hoóc môn đặc biệt, việc này đẩy một lượng đạm lớn ra tuyến lệ và gây ra việc chúng ta khóc.

- Chúng ta chảy nước mắt khi nào: Ngoài khi khóc như đã nói ở trên, nước mắt còn chảy khi chúng ta bị dính bụi, bị đau, hay bị khói (bụi nhỏ +chất độc). Đây là cơ chế tự vệ của mắt, tuyến lệ sẽ đẩy nước mắt ra để chống lại các "kẻ thù" xâm nhập.

Ngoài ra, khi ngáp, cười, nôn ọe chúng ta cũng chảy nước mắt. Đó là vì, tuyến lệ thông với khoang mũi (thấy rõ khi khóc thường nước mũi chảy ròng ròng, thực ra đó là nước trên mắt đẩy xuống). Khi ngáp, ho, cười hay nôn, khoang mũi bị ép bởi áp lực từ miệng, việc này sẽ đẩy nước mắt chảy ngược lên mắt và trào ra ngoài.

- Vì sao nữ khóc nhiều hơn nam?: Cái này mấy ông nhà khoa học cho rằng do yếu tố nội tiết - hoóc môn (hormone) của nữ khác nam giới. Điều này sẽ làm phụ nữ muốn khóc và khóc nhiều hơn nam giới. Nhưng có trời mới biết về phụ nữ, họ thích khóc thích cười có theo khoa học gì đâu?

- Nước mắt tốt hay xấu?: Nước mắt rất tốt, nếu bị khô mắt hoặc tuyến lệ bị viêm không sản xuất được nước mắt thì thật sự đó là vấn đề. Khóc cũng tốt cho sức khỏe, vì nó giải tỏa áp lực về mặt tâm lý, làm thư thái tinh thần và giảm đau. Trung bình, nam giới chỉ khóc 1,3 lần mỗi tháng, con số này ở phụ nữ khóc là 5,3 lần. Điều đó giải thích tại sao phụ nữ vui vẻ, yêu đời hơn đàn ông.

Trên đây là sơ sơ về nước mắt. Nhưng con người ta không chỉ khóc vì bụi, vì khói, vì đau hay những nguyên nhân như vui quá, buồn quá. Đôi lúc người ta còn khóc vì sợ hãi quá, đó có thể là trường hợp Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh. Cũng có thể 2 ông đó tiếc nuối những "thành quả" của họ bị cướp, bị mất, cám cảnh vì phe nhóm bị thua nên khóc. Như kiểu trẻ con chơi game thua vậy. Nhiều khi khóc là một hành vi ăn vạ, Thanh- Thăng cũng có thể là trường hợp này (Chị em phụ nữ hiểu rõ kiểu khóc ăn vạ này nó màu nhiệm ra sao mà!).

Đôi lúc người ta giả vờ khóc để gian dối, để lừa bịp. Tay đồ tể nào đó, kẻ đã giết hại hơn 170.000 dân Việt bị quy là địa chủ trong cải cách ruộng đất là vì dụ điển hình. Hắn ra lệnh giết hại, thủ tiêu xong hàng chục vạn người (có nhiều người là ân nhân của hắn cũng như bè đảng hắn), sau đó hắn cầm khăn chấm chấm vào mắt và khóc vì ân hận. Đó là giọt nước mắt cá sấu của kẻ gian hùng, lưu manh, xảo trá. Là bậc thầy của những kẻ dùng nước mắt cá sấu để chối tội, chối bỏ sự thật và làm tiêu tan đi hình ảnh đồ tể. Biết đâu Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng cũng là giọt nước mắt cá sấu lưu manh như vị đồ tể tiền bối kia?

Cũng có khi, người ta khóc vì quá sợ hãi. Thanh- Thăng cũng có thể khóc vì lý do này. Những người ít đảm lược, bạc nhược về tâm lý, ý chí sẽ rất dễ khóc thậm chí là đái cả ra quần vì bị đe dọa hay đứng trước thời khắc sinh tử. Cái này có đầy, ví dụ như "anh Trỗi" khủng bố lẫy lừng ở Sài Gòn, khi bị buộc vào cột để bắn, anh ấy đã đái ướt đũng quần vì sợ. Tuy lịch sử tô vẽ cho anh hùng này, nhưng những thước phim mới được công bố cách đây chưa lâu cho ta thấy: "Anh Trỗi" thực sự đã đái ướt sũng quần khi bị bắn. Nước mắt cũng vậy, quá sợ hãi trước kẻ mạnh hơn, nước mắt sẽ tuôn như mưa, để mong kẻ thù nhẹ tay với mình. Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh sao có thể là anh hùng hảo hán gì? Sự bạc nhược, hèn yếu, hôn ám hiện ra đầy mặt, khóc trước kẻ thù mạnh hơn cũng đâu có gì đáng trách?

Tản mạn về nước mắt vậy thôi, nhờ Google mới viết được cái tút vớ vẩn nhưng dài vô vị này. Xin cảm ơn Google và cảm ơn những anh chị, những người bạn chỉ khóc cho gia đình, cho người thân mất mát, hay khóc cho đất nước- quê hương trong thời đại quỷ dữ này. Họ không khóc trước cái ác, dù cái ác có mạnh hơn, có đe dọa, đày đọa họ cả về thể xác lẫn tinh thần. Đứng trước cái ác, họ ngẩng cao đầu vì trong họ có chân lý, có sự thật, có niềm tin vào bản thân. Còn tôi, vợ mắng đã khóc, nhìn cảnh mấy đứa bé bơ vơ, bị đánh đập hành hạ, đọc tin những đứa trẻ bị xâm hại, bị giết, bị bỏ rơi đã muốn khóc. Tôi làm được gì ngoài khóc đây?

Ảnh minh họa: Khóc















No comments: