Tuesday, January 16, 2018

NƯỚC MỸ CHAO ĐẢO SAU MỘT NĂM DONALD TRUMP (Phạm Trần)



Phạm Trần
16-1-2018

Sau một năm cầm quyền, Tổng thống Cộng hòa Donald Trump đã phạm nhiều lỗi lầm ngoại giao khiến nước Mỹ mất vai trò lãnh đạo trên thế giới.

Ông Trump cũng hành động bất nhất, ăn nói văng mạng, gây chia rẽ, bị lên án là “kỳ thị chủng tộc” mà không cần biết hậu quả sẽ ra sao. Ông cũng là Tổng thống đầu tiên sử dụng điện thọai để gửi đi các thông điệp chứa đựng nhiều ngôn từ khinh miệt, khích bác và bịa đặt để hạ uy tín đối phương, kể cả đối với các nghị sỹ và dân biểu Dân chủ và Cộng hòa. Ông Trump cũng đã làm mất lòng lãnh tụ một số nước đồng minh qua những lời nói mất thân thiện và thiếu ngọai giao khiến cho uy tín của chức vị Tổng thống được kính trọng nhất thế giới bị tụt xuống hạng chót so với các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm.

Tai nạn vạ miệng “lịch sử” để đời của ông Trump đã gây bất bình lớn nhất ở Liên Hiệp Quốc và nhiều nước trên thế giới, xảy ra vào ngày 11/01/2018, tại cuộc họp kín ở Tòa Bạch Ốc với một số dân biểu và nghị sỹ về vấn đề di dân.

Lời nói của ông Trump được một số nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa hiện diện thuật lại, theo đó khi bàn về số di dân đến từ các nước Phi châu, Haiti và El Salvador, ông nói: Why are we having all these people from shithole countries come here? … The United States should instead bring more people from countries such as Norway…” (Tạm dịch: Tại sao chúng ta lại phải nhận những thứ người từ các nước bần cùng này?… Thay vào đó, Hoa Kỳ nên nhận thêm những cư dân từ các nước như Norway…)

Ngay lập tức Tổng thống Trump đã bị phần lớn cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình danh tiếng Mỹ, trong đó có CNN, CBS, ABC, NBC, New York Times, Washingtion Post v.v… gọi đích danh ông “racist” (kẻ kỳ thị chủng tộc).

Một tuyên bố của Liên Hiệp Quốc nói: “Không có lời diễn dịch nào khác dành cho lời nói của ông ta (Trump), ngoài chữ “racist” (kỳ thị). Tòa thánh Vatican gọi lời nói của Donald Trump bất lịch sự và xúc phạm. (In a strongly-worded statement, the UN said it was impossible to describe his remarks as anything other than racist, while the Vatican decried Trump’s words as “particularly harsh and offensive”).

Trong khi đó, khối 55 quốc gia trong Liên hiệp Phi Châu (African Union) tuyên bố, “lời nói rõ ràng là kỳ thị” (the remarks were “clearly racist”).

Tín nhiệm thấp

Về chủ trương “đặt quyền lợi Mỹ lên trên hết” trong mọi hành động, và chỉ “hợp tác kinh tế song phương cùng có lợi” với từng quốc gia, ông Trump đã cô lập Hoa Thịnh Đốn với các nước chủ trương “hợp tác mậu dịch đa phương´ và “hội nhập toàn cầu”, trong đó có đối tác quan trọng Trung Hoa.

Vì vậy, trong cuộc thăm dò ý kiến sau 1 năm cầm quyền của ông Trump do đài Truyền hình CBS thực hiện, có đa số 2 chống 1 người Mỹ đồng ý tình hình kinh tế tuy khá hơn, nhưng có tới 3 trong số 4 người Mỹ cho rằng nước Mỹ chia rẽ hơn và 6 trong số 10 người không tin tưởng vào hệ thống chính trị của nước Mỹ, và 6 trong số 10 người Hoa Kỳ cho rằng tình trạng phân hoá chủng tộc đã gia tăng… Nhìn chung thì số người Mỹ cho rằng có Donald Trump ở cương vị Tổng thống đã khiến họ thiếu lạc quan, tăng cao hơn 1 năm trước đây.

(By a two to one margin, more say that the country is doing well economically than that it isn’t. But three in four Americans say the country is divided, six in 10 don’t have much confidence in the U.S. political system and six in 10 say racial tensions have increased… Overall, the number of Americans who say having Donald Trump as president makes them feel “pessimistic” is higher than it was a year ago.” (CBS Poll on Jan 14/2018)

Trong khi đó, Viện thăm dò nổi tiếng Gallup cho biết, sau một năm chỉ có 38% người dân Mỹ chấp thuận đường lối lãnh đạo của ông Trump, so với từ 58 đến 60% chống. Gallup cũng nói, so với các đời Tổng thống từ 1938 đến 2018 thì trung bình các vị Tổng thống khác được dân chấp thuận tới 53% trong năm thứ nhất.

Như vậy, ông Trump là người được chấp thuận thấp nhất. (Gallup, 16/01/2018)

Đó là lý do tại sao cuộc thăm dò ý kiến của báo điện tử nổi tiếng Politicol/ Morning Consult, phổ biến trước ngày một năm của Donald Trump, cho biết trên 35% người dân Mỹ đã cho ông Trump điểm “F”. Số còn lại thì cho điểm “C” (14%) và “D” (11%). (Politicol, 16/01/2018)

Mất uy tín quốc tế

Ngọai giao Mỹ-EU: Trước và sau khi vào Bạch Ốc, từ ứng cử viên thành Tổng thống, Donald Trump đã có nhiều lời nói gây mất lòng khối Liên hiệp châu Âu (European Union, EU), cách riêng đối với các Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh và đặc biệt Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel là những đồng minh cật ruột và lâu đời của Mỹ. Đến nỗi bà Merkel phải nói với khối EU rằng “chúng ta không còn tin vào Hoa Kỳ như trước đây nữa mà chúng ta phải tự tìm đường mà đi”. Lập trường của bà Merkel đã đưa uy tín của bà lên cao hơn ông Trump ở châu Âu.

Sự lạnh nhạt của EU đối với ông Trump còn dẫn chứng bởi không ai muốn tự ý mời ông Trump thăm nước họ, ít ra trong năm đầu tiên vì đã có một bộ phận dân biểu và lãnh tụ đảng phái không muốn tiếp đón Donald Trump.

Tuy nhiên, ông Trump đã không dám cắt quan hệ quốc phòng và ngọai giao với khối Liên minh Bắc Đại tây Dương (NATO, North Atlantic Treaty Organization). Và mặc dù Donald Trump từng chỉ trích các nước NATO đã không đóng góp đủ mức 2% tổng lợi tức Quốc gia vào ngân sách bảo vệ NATO mà chỉ biết trông chờ vào Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn âm thầm tiếp tục các khoản chi tiêu cho ngân sách NATO.

Theo nhiều viên chức EU thì điều mà khối NATO quan ngại là, liệu Mỹ có phản ứng quyết liệt nếu một trong số các nước NATO bị Nga tấn công trong tương lai.

Về tình hình Trung Đông: Khả năng hòa bình và một giải pháp chính trị hai quốc gia Do Thái và Palestine có thể sống bên nhau như từng trông đợi, đã tiêu tan khi ông Trump tuyên bố nhìn nhận Jerusalem là Thủ đô của Do Thái, một việc mà các đời Tổng thống Mỹ trước đây không bao giờ nghĩ đến.

Bằng chứng là cả khối Ả Rập đã nổi loạn chống Donald Trump và đốt cờ Mỹ để phản đối, đồng thời lên án ông Trump đã thiên vị Do Thái. Khối Ả Rập coi Donald Trump là người cản trở hòa bình ở Trung Đông.

Đối với tình hình Syria, chính quyền Trump đã từ bỏ đòi hỏi Tổng thống Bashar Hafez al-Assad, người cầm quyền từ năm 2000, phải ra đi trong khi cuộc nội chiến vẫn diễn ra giữa quân đội chính phủ, có Nga và Iran yểm trợ. Tuy Assad vẫn còn đó, nhưng nước Syria đã tan tác. Khoảng từ 250 đến 300 ngàn dân Syria bị chết sau 6 năm nội chiến. Quân đội chính phủ được Nga và Iran yểm trợ không thắng nổi Quân nhà nước Hồi giáo (ISSIS) và các phe kháng chiến thân Turkey, Jordan và Iraq chống Tổng thống Assad.

Tuy nhiên, sau khi Nga tuyên bố cuộc chiến đã nghiêng chiến thắng về quân đội chính phủ, và sẽ rút quân khỏi Syria thì Mỹ cũng tuyên bố để cho ông Assad nắm quyền cho đến năm 2021, khi có cuộc bầu cử mới ở Syria.

Không ai biết liệu đây có phải là thỏa hiệp ngầm về Syria giữa Mỹ và Nga hay không, nhưng nước Mỹ đã thấy rõ là muốn thay Assad ngay không phải là chuyện dễ, nếu không là bất khả thi vì phe kháng chiến cũng không có ai nổi trội hơn Assad, trong khi chiến trường vẫn bất phân thắng bại.

Từ TPP đến khí hậu
Về những vấn đề quốc tế khác, chỉ 3 ngày sau nhận chức, ngày 23/01/2017, ông Trump đã ký lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP (Trans Pacific Partnership), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương. TPP coi như đã chết vì mất nền kinh tế hàng đầu trong nhóm 12 nước ký Hiệp định này.

Khối kinh tế này, nếu hoạt động, sẽ có trị giá 28,000 tỷ dollars ($28 trillion dollars), chiếm lối 40% tổng sản lượng của thế giới và là một khối kinh tế hùng mạnh, có khả năng cầm chân Trung Quốc.

11 Quốc gia còn lại gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru, và Việt Nam.

Nhật Bản, Úc và Tân Tây Lan đang nỗ lực tập hợp 11 quốc gia để định hướng cho tương lai hợp tác, dưới hình thức khác không có Mỹ. Khi nào thì sự biến dạng này sẽ thành hình và sẽ có sức mạnh kinh tế ra sao, thì hãy còn quá sớm để định hình.

Chỉ thấy hiển nhiên một điều là giờ đây, nhờ vào quyết định của ông Trump mà vai trò lãnh đạo kinh tế trong khu vực Á châu và Thái Bình Dương của Trung Quốc càng nổi lên hơn bao giờ hết. Trung Quốc hiện đang thúc đẩy thành hình khối kinh tế 16 nước được gọi là Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ngay từ đầu, không có Mỹ vì Hoa Thịnh Đốn tin rằng TPP sẽ thành công và đáp ứng được các điều kiện về lao động, môi trường, nhất là các quyền tự do của công nhân như được lập nghiệp đoàn tự do và được bảo đảm quyền được thông tin và thông tin. Nói chung là các quyền cơ bản của con người mà Hoa Kỳ vẫn thường xuyên cổ võ và thúc đầy các nước trên thế giới làm theo đều chứa đựng trong TPP.

Giờ đây, sau khi Tổng thống Trump đình chỉ TPP và chưa biết chính quyền này sẽ thương thảo các hiệp ước thương mại “song phương” như thế nào với từng quốc gia ở Châu Á và các nước khác thì hy vọng của người lao động Việt Nam rất mơ hồ.

Dù có mất TPP nhưng Việt Nam vẫn có chân trong khối RCEP, cùng với 9 nước khác của AQSEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.

Về mặt kinh tế thì Việt Nam còn nhiều thoả hiệp hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ, châu Âu, Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác. Nhưng về mặt chính trị thì chắc chắn những gì TPP có triển vọng đem lại cho Việt Nam trong tương lai đã biến mất sau chữ ký của ông Trump hôm 23/01/2017.

Vì vậy, các cá nhân tranh đấu cho dân chủ, tự do, quyền con người và phong trào Xã hội Dân sự non trẻ ở Việt Nam từng nuôi hy vọng vào TPP sẽ tạo những áp lực đối với CSVN để các hoạt động của giới dân chủ dễ dàng hơn, từ nay sẽ phải tự gồng mình để đối phó với quyết định của ông Donald Trump.

Khi Mỹ rút khỏi TPP thì không những ông Trump đã mở ra một sinh lộ bành trướng kinh tế mới cho Trung Quốc mà còn lấy đi gánh nặng bị ràng buộc vào dân chủ và nhân quyền của TPP cho cả nhà nước CSVN.

Ông Trump cũng đã hủy bỏ chính sách hợp tác kinh tế rộng khắp của nhiều đời Tổng thống Mỹ để co cụm lại với mục đích mọi hành động và mọi thỏa hiệp phải bảo đảm cho quyền lợi của Mỹ trên hết.

Chủ trương bảo hộ này đã được ông Trump cổ võ khi tranh cử và ngay trong diễn văn nhậm chức ngày 10/01/2017, Tổng thống Trump đã nhắc lại nhiều lần khẩu hiệu “America First”.

Đối với Thỏa hiệp làm sạch khí hậu (Paris climate accord), đã được 196 nước đồng ý vào tháng 12/2015, tại kỳ họp thứ 21 của Conference of the Parties of the UNFCCC in Paris (United Nations Framework Convention on Climate Change), Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ rút lui vì tiêu chuẩn gỉảm khối lượng chất than trong không khí có hại cho phát triển kinh tế.

Quyết định của Trump đã bị các nước lên án vì Mỹ là một trong số nước đứng đầu kinh tế thế giới đã không muốn làm gương cho các nước khác.

Thỏa hiệp này có thời hạn đến năm 2020 để cho các nước ký tham gia, trong đó có Mỹ. Cho đến tháng 1/2018, đã có 173 nước ký tên trong tổng số 197 nước tham gia hội nghị Paris năm 2015.

Nhiều viên chức chính quyền Trump nói bóng gió, có thể Mỹ sẽ xét lại quyết định sơ khởi và “rất có thể sẽ ngối lại, thay vì rút lui”. Tuy nhiên, thời gian 2 năm còn lại cho Mỹ quyết định lại rơi vào đúng thời gian nước Mỹ có các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống năm 2020. Do đó, chưa biết ông Donald Trump sẽ chọn con đường nào.

Á châu – Thái Bình Dương
Trong khi nước Mỹ còn tiến thối lưỡng nan thì chính sách “không tìm cách kìm hãm Trung Hoa ở Á châu – Thái Bình Dương, kể cả các hoạt động quân sự hoá của Bắc Kinh ở Biển Đông”, của ông Trump đã đảo ngược chủ trương của thời Tổng thống Dân chủ Barack Obama.

Dưới thời 8 năm cầm quyền của ông Obama, chính sách chuyển trục Quốc phòng từ Tây sang Đông của Mỹ đã được thực hiện nhằm ngăn chặn sự bành trướng quân sự ở Á châu-Thái Bình Dương của Trung Hoa. Hạm đội số 7 của Mỹ được tăng cường quân số, vũ khí và máy bay để tuần tra lưu thông và bảo vệ an ninh hàng hải ở vùng biển chiến lược quan trọng này. Bởi lẽ trị giá hàng hoá vận chuyển qua vùng biển này được ước tính là 5 ngàn tỷ dollars và là đường biển huyết mạch thương mại từ Á châu sang Âu châu.

Vì vậy, nếu có xung đột quân sự ở Biển Đông thì thiệt hại kinh tế vả ảnh hưởng quốc phòng sẽ vô lường. Vì vậy, từ thời Tổng thống Obama và dưới thời các Tổng thống tiền nhiệm, việc bảo vệ lưu thông hàng hải và trên không ở Biển Đông luôn luôn được đặt lên hàng đầu, qua theo dõi hành động của Trung Hoa trong ý đồ “quân sự hóa” các vùng chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa, Trung Sa (Macclesfield Bank) và Trường Sa.

Tuy nhiên qua thời Donald Trump thì hầu như Hoa Kỳ không còn coi việc “coi chừng” Trung Hoa là việc ưu tiên hàng đầu khiến các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực quan ngại. Nhật Bản, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Thái Lan, Ấn Độ, Úc và Tây Tây Lan đã từng kín đáo thuyết phục chính quyền Trump không nên lơ là với Bắc Kinh.

Ngược lại thì chính quyền Trump lại tạo ra một lo ngại mới trong khu vực khi công khai đe dọa Bắc Triều Tiên vì nước này không muốn từ bỏ kế họach chế tạo vũ khí nguyên tử và thử hỏa tiễn có tầm bắn xa, có thể tấn công thẳng sang lục địa Mỹ. Tuy nhiên, chưa có chỉ dấu nào cho thấy lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong-un của Bắc Hàn sẽ sẵn sàng đương đầu với Donald Trump.

Ông Trump từng kêu gọi Trung Hoa dùng biện pháp kinh tế để kiềm chề Bắc Hàn vì Bắc Triều Tiên phải lệ thuộc vào Bắc Kinh để tồn tại. Phản ứng của Bắc Kinh không rõ rệt, nhưng trong diễn văn về an ninh và ngọai giao ngày 18/12/2017, ông Trump vẫn coi cả Nga và Trung Hoa là “đối thủ quyền lực” (“rival powers”), đang tìm cách chống lại ảnh hưởng, giá trị và sự giầu mạnh của Hoa Kỳ.
(Trump called Russia and China “rival powers” who “seek to challenge American influence, values and wealth.” (theo CNN, 19/12/2017).

Nhân quyền không bằng dollar
Song song với thay đổi chính sách ở Biển Đông, chính quyền Trump đã làm cho một số đông nạn nhân của các chính phủ cai trị hà khắc, phi dân chủ và vi phạm nhân quyền ở Trung Hoa, Việt Nam và Phi Luật Tân bất mãn. Bởi vì ông Trump đã bằng hành động và lời nói không coi chuyện vi phạm quyền con người của các chính phủ này là chuyện của nước Mỹ.

Ngược lại, Donald Trump đã gạt nhân quyền sang một bên để mưu cầu cho quyền lợi kinh tế toàn cầu của Mỹ. Bộ ngọai giao Mỹ, thời Donald Trump, biện hộ cho hành động “rút lui vào hậu trường” là cách làm kín đáo để đạt nhiều kết quả hơn.

Tuy nhiên, sau một năm cầm quyền, mọi việc đã chứng minh Donald Trump không coi nhân quyền là vũ khí lợi hại của Mỹ vẫn được các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm sử dụng mỗi khi muốn áp lực ngọai giao với Bắc Kinh, Hà Nội hay các nước khác.

Hành động của ông Trump không những chỉ diễn ra trong Diễn văn trước 20 nhà lãnh đạo các nền kinh tế của khối Á châu-Thái Bình Dương (APEC, Asia-Pacific Economic Cooperation) tham dự hội nghị tại Đà Nẵng ngày 10/11/2017, mà còn trong Tuyên bố chung Việt-Mỹ, đưa ra tại Hà Nội ngày 12/11/2017 sau chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam.

Lập trường coi nhân quyền không quan trọng và cần thiết bằng đồng dollar của Chính quyền Trump còn diễn ra ở Bắc Kinh, nơi ông Trump gặp và thảo luận hợp tác kinh tế với Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình nhưng không hề nói gì về nhân quyền, trước khi sang Việt Nam. Thay vào đó là 15 thỏa thuận kinh tế trị giá 250 tỷ dollars đã được ký kết giữa các Công ty Mỹ và Công ty Trung Hoa.

Và sau đó, vào ngày 12/11/2017, khi thăm chính thức Phi Luật Tân, ông Trump cũng không hé răng nửa lời về những vụ tàn sát khoảng 7000 người Phi trong chiến dịch bài trừ băng đảng và ma túy hơn năm qua của Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhiều nhà lập pháp Mỹ và các tổ chức nhân quyền của Mỹ và thế giới đã lên án ông Duerte hà khắc, coi thường mạng sống con người vì đa số các nạn nhân đã bị vây bắt để hành quyết ngay tại những khu nhà ổ chuột, trước mặt mọi người mà không được đưa ra xét xử trước tòa án.

Tại cả 3 nước Việt Nam, Trung Hoa và Phi Luật Tân, ông Trump, một tỷ phú giàu lên vì biết “có tiền mua tiên cũng được” nên đã không ngại quay lưng trước những ánh mắt đau khổ và gương mặt tang thương của nhiều tầng lớp người dân bị chính phủ của họ cướp đi quyền sống và các quyền tự do ở Việt Nam, Trung Hoa và Phi Luật Tân.

Vì vậy hành động của ông Trump đã xoá đi tất cả những thành tích bảo vệ và tôn trọng quyền con người là điều kiện quan trọng trong quan hệ ngoại giao với Mỹ mà các vị Tổng Thống Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đặt ra với Chính phủ Việt Nam trong 24 năm, từ thời Tổng thống Bill Clinton (Dân chủ); George W. Bush (Cộng hòa) và Barack Obama (Dân chủ).

Rất tiếc ông Trump đã bịt mắt, che tai trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Hoa, Việt Nam và Phi Luật Tân để dành thời gian kiếm bạc cắc cho các công ty Mỹ và nước Mỹ.

Sau Đà Nẵng, ông Trump đến Hà Nội để chính thức thăm Việt Nam hai ngày, 11 và 12/11/2017. Trong thời gian ngắn ngủi này, đoàn Mỹ đã tập trung vào ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỷ dollars với Việt Nam.

Trong tất cả các cuộc họp chính thức với Chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang, hay 2 cuộc thăm xã giao với Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề nhân quyền và nhu cầu tự do, dân chủ của người dân Việt Nam đã không được nói tới.

Trong Tuyên bố chung 14 điểm phổ biến trước giờ Donald Trump rời Hà Nội, hai bên chỉ ghi 19 chữ ngắn ngủi: “Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người”.

Thật tẻ nhạt và tầm thường. Tổng thống một cường quốc đứng đấu thế giới về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản của con người mà chỉ biết “ghi nhận” thì sự quan tâm về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của ông Trump quá tệ hại, hay là ông ta đã bị Trần Đại Quang xỏ mũi lôi đi mà vẫn thỏa mãn với chuyến đi Việt Nam đầu tiên trong cuộc đời ông?

Tuy nhiên, khi hành động như thế, ông Trump đã chà đạp lên những giá trị truyền thống của nước Mỹ về quyền con người. đồng thời cũng dung dưỡng nhà nước Cộng sản Việt Nam được tự do đàn áp những ai chống chính sách cai trị độc tài và phản dân chủ của đảng CSVN.

Càng nghiêm trọng và mất thể diện hơn là chủ trương không quan tâm đến những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam của ông Trump đã đi ngược với lập trường của Bộ Ngọai giao Mỹ trong phúc trình đưa ra hồi tháng 3/2017, sau 2 tháng ông Trump bước vào Bạch ốc.

Bản phúc trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2016 viết rằng: “Những vấn đề nổi bật nhất về quyền con người ở Việt Nam là sự hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền đối với quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền của công dân trong việc thay đổi chính quyền thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế các quyền tự do của công dân bao gồm tự do hội họp, tự do lập hội và tự do biểu đạt; chưa có sự bảo vệ đầy đủ đối với các quyền về quy trình tố tụng hợp pháp của công dân, bao gồm sự bảo vệ chống giam giữ tùy tiện. Những vi phạm quyền con người khác bao gồm việc tước đoạt sinh mạng tùy tiện và trái luật; công an tấn công và dùng nhục hình; bắt giữ người và giam cầm tùy tiện do các hoạt động chính trị; công an tiếp tục ngược đãi nghi can trong quá trình bắt và giam giữ, kể cả việc sử dụng vũ lực làm chết người, cũng như các điều kiện khắc khổ của trại giam; từ chối quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng.
Bản phúc trình viết tiếp: “Chính quyền hạn chế tự do ngôn luận và trấn áp những người bất đồng quan điểm; thực hiện kiểm soát và kiểm duyệt báo chí; hạn chế quyền tự do sử dụng Internet và tự do tôn giáo; duy trì việc theo dõi chặt chẽ thường xuyên các nhà hoạt động; tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại. Chính quyền tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký của các tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có các tổ chức nhân quyền. Nhà chức trách hạn chế sự thăm viếng của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền.” (Trích bản tiếng Việt của Sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Việt Nam).

Thất vọng
Ngoài ra, khi ông Trump coi các mối lợi kinh tế to hơn bảo vệ quyền con người cho các dân tộc bị đàn áp, như trường hợp Việt Nam, thì ông còn bôi tro trát phấn vào mặt 17 tổ chức phi chính phủ và 40 học giả trên thế giới. Họ là số người đã gửi thư yêu cầu ông Trump và lãnh đạo các nước APEC đặt vấn đề vi phạm nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam và đòi Hà Nội trả tự do cho những nhà đấu tranh đang bị giam giữ, đặc biệt hai bà Trần Thị Nga, và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm. Bà Quỳnh, bị bắt hồi tháng 10 năm 2016 và bị kết án 10 năm tù, trong khi bà Nga, bị bắt hồi tháng giêng năm nay, bị tuyên án 9 năm tù.
Như vậy, khi Donald Trump chỉ cần đồng ý không đào sâu hay công khai đặt vấn đề những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và Trung Hoa mà được tới 12 tỷ dollars thương mại với Hà Nội và 250 tỷ dollars với Bắc Kinh thì chính sách đặt quyền lợi “nước Mỹ trên hết” của Chính quyền Trump đã thành công vượt bậc khi ông ta sẵn sàng hy sinh danh dự của một cường quốc nổi tiếng dân chủ và nhân quyền bậc nhất trên Thế giới.

Giờ đây, khi bước sang năm 2018, ông Donald Trump tiếp tục phải đối phó với 2 “cơn bão chính trị” lớn sẽ ảnh hưởng đến 3 năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống.

Thứ nhất là cuộc điều tra của ông Robert Mueller đối với cá nhân ông Trump sẽ bước vào giai đọan khẩn trương và đào sâu hơn vào chi tiết. Ông Trump và các cộng sự viên trong Ủy ban Tranh cử Tổng thống năm 2016 đang bị điều tra xem “có” hay “không” việc họ toa rập với Nga để phá hoại và lũng đọan cuộc tranh cử chống ứng cử viên Dân chủ, bà Hillary Clinton.

Và, nếu có thông đồng giữa đôi bên thì nước Nga đã giúp ông Trump thắng cử bằng những biện pháp nào, và những người “phạm tội” sẽ bị trừng phạt ra sao?

Thứ hai, là cuộc bầu cử lại tất cả 435 Dân biểu Hạ viện và 33 Thượng nghị sỹ. Phe Cộng hòa chiếm đa số ở cả hai viện, nhưng vì cách hành xử chức Tổng thống của ông Trump sau một năm đã gây bất mãn và thất vọng cho những cử tri từng ủng hộ phe Cộng hòa. Nhiều ứng cử viên Cộng Hòa không muốn ông Trump dính vào cuộc tranh cử của họ vì sợ vạ lây, nên nhiều chuyên gia bầu cử Mỹ dự đoán phe Dân chủ có nhiều hy vọng chiếm lại đa số ở Thượng viện. Hiện nay Cộng hòa có 51 ghế, Dân chủ 47 và 2 ghế Độc lập nhưng các Nghị sỹ Độc lập luôn luôn bỏ phiếu theo Dân chủ nên con số thật sẽ là 49.

Các lãnh tụ Cộng hòa còn công khai lo ngại sẽ mất quyền kiểm soát Quốc hội, nếu số cử tri nồng cốt và độc lập không đi bỏ phiếu hay nghiêng về phe Dân chủ trong cuộc bầu cử ngày 6/11/2018.

--------------------

XEM THÊM :

Tú Anh - RFI
Phát Thứ Năm, ngày 16 tháng 11 năm 2017

« Nước Mỹ trước đã ». Lời cam kết hết lòng phục vụ quyền lợi nước Mỹ và người Mỹ đã giúp tỷ phú Donald Trump đánh bại đối thủ dạn dày kinh nghiệm chính trị Hillary Clinton trong cuộc bầu cử ngày 08/11/2016. Một năm sau, trên chính trường quốc tế, nước Mỹ bị cô đơn hơn bao giờ hết. Uy tín của Washington giảm dần, đồng minh từ Âu sang Á lo ngại Hoa Kỳ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới tự do.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về chuyến đi Châu Á. Ảnh tại Nhà Trắng, ngày 15/11/2017. REUTERS/Kevin Lamarque

« Tôi sẽ làm việc với những quốc gia muốn làm việc với Mỹ. Tôi muốn nói với cộng đồng quốc tế điều mà chúng tôi bảo vệ trước tiên là quyền lợi nước Mỹ nhưng chúng tôi cũng đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, cùng tìm một đồng thuận chung, không xung đột, đối tác mà không đối địch». Đây là lập luận đã đưa Donald Trump vào Nhà Trắng.

Đặt quyền lợi của Mỹ vào trọng tâm của chương trình hành động bao quát và một chính sách ngoại giao không rõ nét, tổng thống Mỹ pha trộn tinh thần dân tộc chủ nghĩa dân túy với tính khí thất thường, dễ cáu và tuyên bố thiếu chín chắn làm đồng minh hoang mang và giới phân tích Mỹ không biết đường nào mà suy đoán.

Chiến thuật « chao đảo để trị »
Sau 9 tháng va chạm với thực tế, chủ nhân Nhà Trắng tìm cách « điều chỉnh » tọa độ, ít ra là trong hình thức. Trong bài « Donald Trump và ngoại giao chao đảo », Le Monde nhận định : tổng thống Mỹ, từ sau những lời tuyên bố theo văn hóa doanh nhân, đặt lên bàn cân « an ninh quốc phòng đi đôi với tiền », không còn mấy ai là bạn ở châu Âu. Gần đây, ông đã phải trấn an châu Âu nhất là các nước Đông Âu là Hoa Kỳ trước sau như một, cùng NATO bảo vệ đồng minh trước đe dọa của Nga. Ở châu Á, Nhật và Hàn Quốc cũng được bảo đảm tương tự trước vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng nhìn chung, Donald Trump không thay đổi : « tâm cơ khó đoán » và vẫn « tweet » liên miên.

Liệu có thể nhận định gì về đường lối đối ngoại của Donald Trump ? Thế giới trong mắt tổng thống thứ 45 của Mỹ như thế nào ? Động cơ nào hướng dẫn các quyết định gây chao đảo của tổng thống siêu cường ?

Laurence Nardon, chuyên gia Bắc Mỹ của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI phân tích :
« Trước hết, phải nói rằng, với Donald Trump mỗi tuần gây ra một chuyện náo động , giới nghiên cứu như chúng tôi không một phút giây nhàm chán. Nhưng điều quan trọng hơn hết là lần đầu tiên siêu cường lãnh đạo thế giới lại bầu một vị tổng thống dân túy, vuốt ve thị hiếu nhất thời của đại chúng bình dân : sống khép kín, tập trung vào trong bản sắc…người da trắng để tự trấn an. Vấn đề là sự lựa chọn mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa này lại tác động đến toàn cầu với những hệ quả khủng khiếp lan đến tận các nước Trung Âu, đe dọa nước Pháp và đưa đến quyết định Brexit ở Anh Quốc…

Donald Trump là một đề tài nghiên cứu tại Mỹ và làm tấm gương đối chiếu với những gì xảy ra tại Pháp vừa lý thú nhưng cũng vừa làm xuống tinh thần do cá tính của một nhân vật không có gì thu hút. Vấn đề là với tư cách nhà nghiên cứu, chúng tôi không có quyền ngả theo bên nào, bênh vực hay chống ông Trump.

Trẻ lên năm
Khác với hai người tiền nhiệm Barack Obama và George W Bush có chính sách ngoại giao nhất quán, tổng thống đương nhiệm nổi bật với tính khí thất thường như một đứa trẻ lên năm, thay đổi như chong chóng, mỗi tuần có một đường lối khác nhau. Nhận định này của truyền thông và kể cả một số bác sĩ tâm thần chính xác đến mức độ nào ? Hư thực ra sao ? 

Laurence Nardon :
Về chính trị quốc tế, ứng cử viên Donald Trump vận động cử tri theo một đường lối mị dân nhưng rất nhất quán. Ông theo chủ nghĩa dân túy của phe hữu châu Âu lẫn phe tả ở Mỹ.
Dân túy cánh hữu tức là kích động dân chúng chống người nước ngoài. Về điểm này, ông Trump theo một chiều hướng nhất quán qua các lời tuyên bố kỳ thị sắc tộc, kỳ thị dân châu Mỹ La tinh, xây bức tường ở biên giới Mêhicô, ban sắc lệnh chống di dân từ các nước theo đạo Hồi tuy bốn lần bị tư pháp chận lại.

Cùng lúc, ông Trump theo chủ nghĩa dân túy của cánh tả không khác chi chủ trương của ứng cử viên Bernie Sanders đối thủ của bà Hillary Clinton . Bernie Sanders cũng kích động dân chúng bình dân chống lại một bộ phận khác , ở đây là thành phần ưu tú, thành đạt trong xã hội Mỹ. Trump cũng y như thế, kêu gọi chống lại tầng lớp chính trị gia truyền thống ở Washington, chống Wall Street tài chính, chống các đại gia tập đoàn truyền thông.

Chủ thuyết dân túy Jackson thế kỷ 19
Trào lưu dân túy, mị dân này không phải chủ trương hay do ông Trump sáng tạo. Thật ra nó bắt nguồn từ lịch sử lập quốc của Mỹ. Nhiều chuyên gia chính trị Hoa Kỳ như Walter Russell Mead, không ngần ngại nhận định « nước Mỹ sống lại thời kỳ Jackson », tên của vị tổng thống thứ 7 của Mỹ là Andrew Jackson, một chính trị gia Dân chủ rất đặc biệt, cha đẻ của chủ thuyết « dân túy co cụm » xem chính sách rộng lượng bao che các nước yếu hơn chỉ là thái độ tự đắc mà bị trói buộc với nhiều bổn phận của nước đàn anh. Cụ thể nhãn quan của Trump ra sao ? 

Laurence Nardon :
Chủ nghĩa dân túy vừa mang sắc thái cánh hữu pha trộn với cánh tả phát xuất từ vị tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ, Andrew Jackson, thuộc đảng Dân Chủ, từ năm 1829 đến 1837. Đó là hình ảnh của một dân tộc đi tiên phong, tự lập, tự cường, không cần ai, một mình chống lại mọi kẻ thù dù là thổ dân da đỏ.

Đối với ông Trump, chủ nghĩa Jackson trong chính sách đối ngoại là « nước Mỹ trước đã » đương nhiên rồi. Nói cách khác, đó là một chủ nghĩa dân tộc « co cụm », tập trung nỗ lực lo cho nước Mỹ cái đã , chứ không phải là loại dân tộc chủ nghĩa « bá quyền, bành trướng ». Theo ông Trump, Hoa Kỳ không nên tiếp tục làm « cảnh sát quốc tế bảo vệ hành tinh ». Đó là một quan điểm rõ rệt ở Donald Trump. Đồng ý Hoa Kỳ là một cường quốc « phi thường » nhưng không phải vì thế mà « xuất khẩu cái phi thường » này. Khác với tổng thống George W Bush, hãnh diện về nền dân chủ Mỹ và muốn Irak áp dụng giá trị này, tổng thống Trump không tìm cách gieo rắc ảnh hưởng đạo đức để toàn cầu noi theo.

Tổng thống Trump từng tuyên bố : một nước nào đó trên thế giới bị một chế độ độc tài cai trị thì đó không phải là chuyện để Mỹ quan tâm. Nói như ông Trump thì Saddam Hussein vẫn còn ngồi tại Bagdad và đại tá Kadhafi vẫn tồn tại ở Libya vì như thế, « thế giới ổn định hơn ».

« Thế giới » ở đây phải hiểu là « nước Mỹ ». Bởi vì theo cách diễn giải của chủ nhân Nhà Trắng, an ninh Mỹ, quyền lợi dân Mỹ hiện nay đang bị đe dọa. Do vậy, không phải vô cớ mà Donald Trump bổ nhiệm những tướng lĩnh kinh nghiệm ở bộ Quốc Phòng làm cố vấn an ninh… và đi đến đâu ông luôn đòi hỏi đối tác phải « cân bằng cán cân thương mại » với Mỹ.
Chuyên gia Laurence Nardon phân tích ý nghĩa «nước Mỹ trước đã» theo quan điểm Trump :

Theo đúng chủ nghĩa dân tộc của tổng thống thứ 7 của Mỹ thì lính Mỹ phải rút hết về nước thay vì bố trí khắp nơi bảo vệ an ninh quốc tế. Tuy nhiên, sự thật không phải như thế. Khi xảy ra bất ổn tại một nơi nào đó mà đe dọa trực tiếp đến an ninh của công dân Mỹ hay nước Mỹ thì sao ?. Đối với Donald Trump, có hai lãnh vực Mỹ phải dấn thân : thứ nhất là chống khủng bố. Nước Mỹ đã bị ba vụ thảm sát mà thủ phạm tự xưng là chiến binh của Daech, gần đây nhất là vụ khủng bố ở New York ngày lễ Halloween 31/10/2017.

Đối với Donald Trump thì những vụ khủng bố này biện minh cho thái độ dấn thân của Mỹ trong lãnh vực quân sự. Ông tiếp tục chính sách can thiệp của Barack Obama trong Liên minh quốc tế chống Daech ở Irak và Syria.

Lãnh vực thứ hai mà chủ nghĩa dân tộc theo mô hình Jackson buộc Donald Trump phải hành động là bảo vệ quyền lợi của tầng lớp bình dân và trung lưu ở Mỹ bị mất việc làm do hãng xưởng dời sang các nước có nhân công rẻ. Đó là trường hợp Trung Quốc.

Trong suốt thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ, Trung Quốc bị Donald Trump xem là kẻ thù. Nhưng không phải vì nhân quyền bị chà đạp mà vì chính sách trợ giá xuất khẩu để cạnh tranh của Bắc Kinh. Trung Quốc là thủ phạm làm nhiều nhà máy ở Mỹ phải đóng cửa. Nhiều nhà kinh tế cũng xác nhận như thế.

Bên cạnh yếu tố tiến bộ khoa học, sử dụng rô-bô thay người, xu hướng dời hãng xưởng qua Trung Quốc đã làm cho tầng lớp công nhân kém tay nghề ở Mỹ bị hy sinh.

Donald Trump tin rằng với khả năng quân sự và kinh tế vượt trội, nước Mỹ đủ mạnh để tự làm theo ý mình. Do vậy, chủ nhân Nhà Trắng xem nhẹ vai trò của các nước đồng minh. Trong khi đó, người tiền nhiệm cùng đảng Cộng Hoà, George W Bush, cho dù trong hoàn cảnh nào, cũng luôn xây dựng một liên minh rộng rãi.

Mời quý thính giả theo dõi tiếp lần sau với bài « Donald Trump một nhà chính trị tâm cơ khó lường ».

---------------------------------
CÙNG CHỦ ĐỀ :

«America First» của Trump làm tiêu tan quyền lực mềm Mỹ

Mỹ: Donald Trump làm được gì sau một năm ở Nhà Trắng

Donald Trump : Một năm dậm chân tại chỗ











No comments: