Wednesday, January 17, 2018

BẢN TIN TỐI 17/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông

VIDEO :
China’s cabbage strategy in South China Sea & implications for India


China Armed Reclaimed Reefs To Defence Trade and Freedom of Navigation | TOP NEW

Mời đọc thêm: Trận hải chiến Hoàng Sa dưới mắt một người còn sống sót (Trường VN Hàng Hải/TD).

Lỗi hệ thống
Chuyện lạ trong hệ thống công quyền ở Việt Nam: Một núi không thể có hai hổ nhưng một vụ lại có tới 2 vụ trưởng, theo báo Người Đưa Tin. “Chuyện khó tin này xảy ra tại vụ Kinh tế đối ngoại (bộ Kế hoạch & Đầu tư). Việc cắt giảm vụ trưởng đã được bàn nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm”. Một vụ trưởng là ông Lưu Quang Khánh lo chuyện phụ trách chung, vụ trưởng kia là ông Trần Nhật Thành lo Ban Hợp tác Lào – Campuchia.

Có lẽ Vụ KTĐN có rất nhiều việc phải lo, nên có thời “đến 3 người đồng thời làm vụ trưởng. Cách đây không lâu, một trong 3 vụ trưởng là ông Trần Quốc Phương… đã được điều động và bổ nhiệm chức vụ Vụ trưởng vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân”.

Vụ Kinh tế đối ngoại hiện đang có tới 2 vụ trưởng. Ảnh: NĐT

Quy trình xóa tên đảng viên đối với “thái tử đỏ” Lê Phước Hoài Bảo đã được công bố từ hồi giữa tháng 12/2017. Tuy nhiên, VOV vừa đưa tin: Vụ ông Lê Phước Hoài Bảo: “Xóa tên một đảng viên không đơn giản”. Ông Nguyễn Chín, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam “nói như vậy khi đề cập tới quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Lê Phước Hoài Bảo”.

Ông Chín giải thích thêm về “quy trình”: “Việc kỷ luật đều có trình tự. Khi có dấu hiệu vi phạm, Đảng viên đó phải tự làm kiểm điểm, nhận thức được vi phạm của mình để đối chiếu với kết luận. Sau đó, các cơ quan liên quan mới triển khai làm quy trình xử lý vi phạm”. Theo cách diễn giải của ông Chín, nếu đảng viên không thể tự “nhận thức” về sai phạm thì quy trình xử lý vi phạm không thể được triển khai.

Báo Dân Trí có bài: “Lập đàn” khấn lạy “ba hồn bảy vía” hồ sơ ơi! Tác giả điểm mặt một số vụ “mất tích” hồ sơ lãnh đạo: từ cô Trần Vũ Quỳnh Anh, người được “nâng đỡ không trong sáng”, đến ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đặng Hữu Lộc, “quý tử” nhà ông Đặng Thanh Liêm, Chủ tịch HĐND TP TP Mỹ Tho. “Chả hiểu vì sao mà dạo này hồ sơ cán bộ hay thất lạc đến thế. Mà lại toàn thất lạc đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm và cũng… đúng cả qui trình”.  

Ông Võ Tấn Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang nói với báo Dân Trí: “Lý do ông Đặng Hữu Lộc không nằm trong danh sách các trường hợp thu hút theo quy định kèm theo kết luận của thanh tra là do cán bộ quản lý hồ sơ của Sở Nội vụ để thất lạc, hoàn toàn không có ý giấu giếm vì mục đích bao che”.


“Phiên tòa lịch sử”: ngày thứ 10
Trong phiên xử sáng nay, ông Thăng đã nói lời sau cùng: Mọi ước mơ, khát vọng của bị cáo  đã khép lại, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ông Đinh La Thăng lặp lại hầu hết các luận điểm chính mà ông đã trình bày trong lần tự bào chữa đầu tiên: cảm ơn phiên tòa, các luật sư, trình bày lịch sử công tác, xin lỗi Đảng, nhà nước, nhân dân, bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối với Tổng Bí thư và Đảng.

Ông Thăng không quên kể về hoàn cảnh gia đình để xin được tại ngoại một thời gian ngắn: “Bố bị cáo mới bị cấp cứu chiều hôm kia tại bệnh viện Bạch Mai… Xin cho bị cáo được ăn cái tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân, sau đó bị cáo sẽ chấp hành án phạt tù mà chưa biết bao giờ mới ra được”.

Báo Pháp Luật TP HCM có video cho thấy: Ông Đinh La Thăng nói lời sau cùng tại tòa.

PLO -Ông Đinh La Thăng nói lời sau cùng tại tòa

Sau ông Thăng, đến lượt bị cáo Trịnh Xuân Thanh xin lỗi “bác Tổng Bí thư” rồi òa khóc, theo báo Người Lao Động. “Học tập” từ cấp trên, ông Thanh trình bày hoàn cảnh gia đình để xin tòa lượng hình: “Nhân đây bị cáo muốn tỏ lòng rất ân hận những việc mình đã gây ra, đến giờ bị cáo không còn cơ hội chăm sóc bố mẹ nữa”.

Để bày tỏ lòng “ăn năn”, ông Thanh vừa xin lỗi vừa khóc: “Cháu muốn gửi lời xin lỗi đến bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mong bác tha lỗi cho cháu, coi cháu như người con, người cháu trong gia đình”.

Các bị cáo tiếp theo đều “noi gương” cấp trên: Nói lời sau cùng, nhiều bị cáo khóc nghẹn. Bị cáo Vũ Đức Thuận “đã khóc hơn một phút đồng hồ và không nói được lời nào. Ông Thuận nhận trách nhiệm về những sai phạm xảy ra tại PVC”. Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến “cũng nhiều lần khóc khi nói lời sau cùng, đặc biệt là khi nhắc tới vợ con”. Bị cáo Phạm Tiến Đạt “nghẹn ngào nói ông đã không đủ dũng cảm để từ chối việc làm sai trái”.

Có lẽ phiên tòa xử ông Thăng và đồng phạm được gọi là “phiên tòa lịch sử” còn vì lý do: đây là lần đầu tiên một phiên tòa có nhiều “nước mắt đàn ông” đến từ các lãnh đạo ngành dầu khí một thời “hét ra lửa”.

BBC có bài: Việt Nam: Giới luật sư ‘chia rẽ’ vì phiên tòa ông Thăng? LS Nguyễn Khả Thành bình luận về màn khóc nhận lỗi hôm nay của ông Thăng và đồng phạm: “Thông thường, các bị cáo chọn cách đó, xúc động rồi khóc luôn. Chỉ có một số người rất bản lĩnh thì mới không như thế thôi”.

LS Lê Văn Thiệp bàn về thân chủ Trịnh Xuân Thanh: “Tôi hay ai tiếp xúc với anh Thanh cũng thấy anh là người hào sảng, quân tử, sòng phẳng, đàng hoàng….. và cũng chân thật….”

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói lời nói sau cùng trước phiên nghị án. Ảnh: TTXVN

Dịch giả Phạm Nguyên Trường bình luận“Tình cảm rất nồng ấm của những người cộng sản: ‘Nói về gia đình, Trịnh Xuân Thanh cho biết, vợ cùng 3 người con nhỏ của bị cáo đang sinh sống tại Đức. Vợ bị cáo không biết tiếng nên nuôi 3 con vất vả’.”

Nhà báo Mạc Việt Hồng nhận định“Ra nước ngoài tuyên bố tùm lum, vung vít thì không nghĩ tới lúc này. Nước Đức và những người bênh vực Thanh đã bị chính anh ta cho vào ‘bẫy việt vị’. Kinh nghiệm là chớ nên bênh những kẻ hèn, hãy để hắn tự xoay sở với những vấn đề của hắn”.

LS Lê Văn Luân viết: “Nhưng cũng thật nực cười chua chát khi nhìn và nghe những bị cáo bỗng một thời huy hoàng trong quyền bính và sự xa hoa, trở nên sũng sượt và yếu đuối như những đứa trẻ van lơn khi bị đòn đau vậy. Lý luận cao cấp chính trị và sự kiên trung, lập trường vững vàng đã được giáo huấn ngày này tháng nọ năm ròng mà nhờ đó các vị mới tiến thân được đã đi đâu hết cả rồi?

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn cho rằng“Khi đã ngồi trên cao, họ mặc nhiên xem đất nước này trong phạm vi “thân thuộc” để ban phát quyền lực. Trịnh Xuân Thanh hay Đinh La Thăng và các đồng phạm là một ví dụ”.

Nhà báo Song Chi viết“Xin lỗi, khóc lóc thế này thì phía Đức nếu có muốn cũng hết đường ‘cứu’ được anh, anh Thanh ạ. Thay vì sử dụng phiên tòa để lái sang tố cáo chuyện bị bắt cóc, bị ép lên truyền hình nhận tội, bị tra tấn (nếu có) thì anh lại để cho phiên tòa diễn ra theo đúng ‘sự chỉ đạo’.”

Nhà báo Trung Bảo bình luận: “Ông UVBCT khóc lóc xin về ăn tết rồi đi tù, ông cựu Phó Chủ tịch tỉnh xin sang Đức thăm vợ con rồi về đi tù. Cả hai ông đều vòng tay xin lỗi ‘bác Tổng bí thư’ và xin bác ra ơn cho hưởng mưa móc. Đây, gương mặt thật của những ông đạo mạo hô mưa chém gió nói chuyện đạo đức ngôi cao chót vót ngày nào đây. Hình như bọn họ suốt đời không biết cái gì là danh dự, tiết tháo“.

Nhà báo Phạm Đoan Trang bình luận“Bác Trọng đang nghiêm sắc mặt, nghe vậy nét mặt bác cũng giãn ra, rưng rưng. Trước mắt bác, không còn tên cán bộ tham nhũng, đào tẩu, phản chủ nữa mà chỉ còn đứa cháu dại khờ đang ăn năn hối lỗi”.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn viết: Diễn hài. Trong bài có đoạn: “Phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và đồng bọn đang diễn biến như một trò hề. Bên xử thì lập luận, chứng cứ chẳng đâu vào đâu, mọi thứ cứ như chuyện hài. Bên bị xử thì còn hài hơn nữa. Nước mắt có thể tính bằng galon”.

Tác giả lưu ý bản chất của “phiên tòa lịch sử”:  “Có lẽ chúng, những kẻ từng là cán bộ cấp cao của bộ máy này, Phó Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Ủy viên BCT… thừa hiểu rằng, trong chế độ này, luật pháp, bộ máy xét xử đều chỉ là công cụ của bác Tổng”.

Facebooker Phạm Lê Vương Các viết“Không một ai có thể cứu Trịnh Xuân Thanh vào lúc này, ngoại trừ Tổng bí thư. Vì vậy Thanh nói lời xin lỗi với Tổng bí thư như là một tình tiết quan trọng về ý thức và thái độ để toà xem xét giảm nhẹ hình phạt và hy vọng làm lay động đến trái tim của Tổng bí thư”.

Về chuyện ông Trịnh Xuân Thanh bày tỏ nguyện vọng sang Đức, Facebooker Ngô Thanh Tú viết“Biết đâu việc cho ông Thanh tự do, thả về Đức sẽ hóa giải được phần nào những căng thẳng về ngoại giao hiện nay giữa Việt Nam với Đức. Và đó cũng là một kịch bản sân khấu đã được viết ra cho phiên tòa này!?”

Facebooker Phạm Lưu Vũ bình luận: “Đằng nào cũng phải trả giá. Lại còn rước thêm cái nhục vào thân. Nhục đến cả cha mẹ, con cháu, dòng họ, làng nước… Bản lĩnh của kẻ trí bao giờ cũng ngẩng cao đầu. Chỉ có kẻ ngu dốt, tham tàn mới cúi đầu khóc lóc mà thôi”.


Vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2: ngày thứ 9
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Vụ Trầm Bê:Tòa nhắc LS hợp tác để có phiên tòa văn minh. Trong phiên xử sáng nay, “chủ tọa nhắc nhở các luật sư về vấn đề xét hỏi đối với nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh”. Lý do: các luật sư đã đặt câu hỏi ngoài phạm vi vụ án. “HĐXX không muốn ngắt lời luật sư và mời các luật sư về chỗ như hôm qua”.

Trong phần thẩm vấn, HĐXX và các luật sư tập trung xét hỏi 1.666,8 tỉ đồng tiền vay từ TPBank đã chi như thế nào, báo Thanh Niên ghi nhận. Bị cáo Phạm Công Danh khai: “chuyển trả hơn 600 tỉ đồng cho bà Hứa Thị Phấn; 200 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB; gần 400 tỉ đồng chi lãi ngoài cho nhóm bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quý Thanh”.

Ông Danh đề nghị : “không chỉ thu hồi 600 tỉ đồng này mà mong muốn HĐXX thu hồi luôn hơn 3.500 tỉ đồng mà bị cáo đã trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn thông qua tài khoản của bà Phấn”.

Báo Dân Trí đưa tin: Lãnh đạo ngân hàng TPBank khai gì tại cơ quan điều tra? Tòa xử đại án nhưng người có liên quan liên tiếp “vắng mặt”: “HĐXX xét hỏi các đại diện của ngân hàng TPBank tuy nhiên những người này không có mặt tại phiên tòa. Những người này đã nhiều lần gửi đơn đến TAND TPHCM xin vắng mặt và xin giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra”.

Cảnh sát áp giải bị cáo Trầm Bê vào phòng xét xử. Ảnh: TTXVN

Đến phiên xử chiều nay, Phạm Công Danh khai tình tiết mới liên quan Công ty Phương Trang. Bị cáo Danh trình bày: “trong nhóm nợ của nhóm Phú Mỹ cũ của ngân hàng cũ, lãnh đạo cũ (Ngân hàng Đại Tín do bà Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch), trong đó có mấy ngàn tỷ của khách hàng trong đó cao nhất là Công ty Phương Trang”.

Ông Danh cho biết thêm: “Kính mong HĐXX xem xét vì đây là tình tiết mới không có trong giai đoạn 1. Đây là nguyên nhân chính gây ra hậu quả khiến chúng tôi rất vất vả”.


Vụ án lừa đảo ở Ngân hàng VietinBank
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Thông tin mới nhất về vụ án ‘siêu lừa’ Huyền Như. Bài viết dẫn một nguồn tin cho biết: “VKS hoàn lại cho tòa hồ sơ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như… và Võ Anh Tuấn… bị truy tố lừa đảo chiếm đoạt trên 1.085 tỉ đồng của năm công ty”. TAND TP.HCM từng lên lịch xử vụ này vào ngày 2/1 nhưng hoãn, “dự kiến phiên xử vụ án này có thể lên lịch xử lại trước Tết âm lịch”.

Trong quá trình điều tra, các cơ quan hữu trách xác định “có lỗi của năm công ty khi thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định của Nhà nước”.


Hiện thực nền kinh tế Việt Nam
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có bài: Khi tăng trưởng GDP bị nghi ngờ. Bài viết thống kê một số quan điểm phản biện của các chuyên gia kinh tế trước số liệu “kỷ lục” về GDP năm 2017. Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế – chính sách, cho biết “cơ quan ông đã tính toán Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI” và kết quả không hề ấn tượng như số liệu GDP. “Chỉ số VEPI vẫn thấp hơn có thể phản ánh rằng tăng trưởng GDP không thực sự vượt bậc như thực tế”.

Ông Thành nhận định: “Có thể có sự tăng trưởng bất thường của kinh tế Việt Nam hoặc là có thể có báo cáo cao quá so với mức bình thường”. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể rằng: “khi cơ quan thống kê đưa ra con số tăng trưởng GDP đã làm nhiều người đặt không ít câu hỏi, dựa vào đâu mà tăng trưởng quí 3 và quí 4 tăng cao như vậy”.

Trang VnEconomy điểm mặt 5 thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế 2018. Bài viết chỉ nêu tên chứ không phân tích về “dư địa hạn hẹp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ”. Thực tế, đây lại là yếu tố liên quan đến tiến trình tăng thuế, tăng phí đang dần được khởi động, cùng với một loạt cảnh báo về chi tiêu công khiến lãnh đạo không dám chi tiền mạnh tay nữa.


“Đất nước có bao giờ được thế này không?”
BBC đưa tin: Toyota và Honda ngừng xuất xe sang Việt Nam. Lý do: “Nghị định 116 thắt chặt kiểm tra đối với xe nhập khẩu, báo Nhật cho hay”. Việt Nam tuy đã “cắt giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm ô tô nhập từ các nước Asean” nhưng vẫn “chậm hơn hai năm so với các nước khác trong khu vực”.

Theo một bài viết trên báo Nikkei Asian Review“việc Việt Nam thắt chặt kiểm tra đối với xe nhập khẩu là động thái được những người trong ngành công nghệ ô tô coi là bảo hộ”. Từ ngày 16/1/2018, Toyota chính thức công bố “ngừng sản xuất xe dành để xuất khẩu sang thị trường Việt Nam”.

Báo Trí Thức Trẻ có bài: Hoa Kỳ “tố” 8 DNNN của Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu?Sau sự kiện: Mỹ tố với WTO về 8 doanh nghiệp nhà nước mà Việt Nam không khai báo, PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận nhận định: “Việc 8 DNNN của Việt Nam bị phía Hoa Kỳ cáo buộc lên WTO chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp này bởi cả 8 DNNN này đều tham gia hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu”.

PGS. TS Thuận phân tích thêm: “rất có thể việc xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sẽ giảm sút. Và sau đó, các nước phát triển có thể sẽ ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ, dẫn đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu của 8 DNNN trên sẽ giảm sút”.

Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Thanh Niên Công Giáo chia sẻ lời kêu gọi của vợ TNLT Nguyễn Văn Oai: Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho chồng tôi. Trong bức thư tâm sự của cô Linh Châu có đoạn: “Bản thân tôi khi đi tham dự phiên toà của chồng, phiên toà được gọi là xét xử công khai, mà từ lúc tôi bắt đầu đi cũng đã bị gây khó khăn rồi, bao nhiêu lực lượng vây quanh cứ lấy lý do không có giấy mời, nhưng các ông không cho làm sao chúng tôi có?”

Nhận định của cô Linh Châu khi tham gia phiên tòa xử anh Oai: “ở phiên toà lần này tôi thấy xảy ra như có một sự chỉ đạo nào đó, phiên toà mở ra chỉ để che mắt bằng cách diễn hề thôi. Ngay cả khi đưa người ra làm chứng thì cũng chính là những thành viên trong tổ công tác. Người bị hại chính là người làm chứng, cùng cơ quan, hệ thống với nhau”.

Gánh nặng BOT
Báo Một Thế Giới đặt câu hỏi: Văn bản của Tổng cục Đường bộ cấm dừng xe quá 5 phút trước trạm BOT có trái luật?Nội dung chính của quy định lắp đặt biển cấm dừng xe để đối phó các tài xế: “Lắp đặt biển ‘Cấm dừng xe quá 5 phút’ cách cabin thu phí khoảng 50m. Biển được lắp trên dải phân cách giữa. Lắp biển báo hết lệnh cấm phía sau trạm khoảng 100-200m”.

LS Nguyễn Văn Đức nhận định: “Biển cấm dừng xe quá 5 phút tại các trạm thu phí là bất cập và khó thực thi. Bởi việc dừng xe này là dừng chủ động hay bị động, nếu phía trước xe có chướng ngại vật hay sự cố thì giải quyết thế nào”. Chỉ vì muốn ngăn chặn các tài xế đấu tranh, lãnh đạo ngành giao thông đã nghĩ ra dạng biển báo “không nằm trong danh mục các biển báo cấm theo luật giao thông đường bộ”.

Văn bản do Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn văn Huyện ký. Ảnh: MTG


***


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ 
Ngày 16/1, Mỹ công bố hồ sơ y tế chính thức và toàn diện về Tổng thống Trump. Theo các bác sĩ Nhà Trắng, TT Mỹ Donald Trump có sức khỏe tốt với các chỉ số kiểm tra tâm thần bình thường. Trước các nghi vấn về vấn đề tâm lý của Trump, ông Ronny Jackson, bác sĩ Nhà Trắng cho biết: ‘Khả năng nhận thức của Trump bình thường’.

Trước đó, 70 bác sĩ đòi kiểm tra thần kinh Tổng thống Trump. TT Mỹ bị nghi ngờ bị “tâm thần” khi liên tục đưa ra những phát biểu trái ngược nhau, đôi khi là nói lung tung về các chính sách lớn trên Twitter. Trong cuốn sách Lửa và phẫn nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump, của Michael Wolff, đã mô tả và đưa dẫn chứng về vấn đề tâm lý của TT Trump như: Vốn từ vựng ngày càng ít, lặp lại 3 lần 1 chuyện trong vòng 10 phút. Đặc biệt, lối hành xử như trẻ con và hay thay đổi của Trump càng làm người khác nghĩ ông ấy bị “tâm thần”.

Trong khi đó, vấn đề DACA, liên quan đến hàng trăm nghìn người, di cư đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ vẫn chưa ngã ngũ. Trên VOA có bài viết: Chính quyền Trump kháng cáo về phán quyết di trú. Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn lên Tối cao Pháp viện, yêu cầu đảo ngược phán quyết của ông William Alsup, thẩm phán liên bang San Francisco.

Ngày 9/1, thẩm phán Alsup đưa ra phán quyết: DACA vẫn có hiệu lực trong quá trình tranh tụng và đàm phán giữa các nhà lập pháp và TT Trump. Chính quyền Trump vẫn muốn hủy ngay DACA, thế nên mới có kháng cáo này.

DACA là chương trình “Hoãn trục xuất những người đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ”, do cựu TT Mỹ Barack Obama đưa ra năm 2012. Những đứa trẻ được hưởng DACA của Mỹ gọi là Dreamers. Có khoảng 800.000 Dreamers (chủ yếu gốc Mỹ Latin), được bảo vợi bởi DACA không bị trục xuất và sẽ được lớn lên, làm việc tại Mỹ.

Cũng vấn đề DACA, ngày 16/1 trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, bà Kirstjen Nielsen, Bộ trưởng An ninh Nội địa nói việc trục xuất ‘Dreamers’ không phải là ưu tiên của bộ này. Bà Nielsen nói “Dreamers nếu đã đăng ký với nhà chức trách liên bang thì họ sẽ không phải là mục tiêu hàng đầu ngay cả khi Tổng thống Donald Trump hủy bỏ Chương trình DACA“.


Quan hệ Mỹ- Nga- Trung Quốc
Ngày 16/1, Tòa Bạch Ốc cho biết: TT Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những lời than phiền của TT Trump với ông Tập, là vấn đề Triều Tiên và sự thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng kinh tế gia tăng, có thể dẫn đến một cuộc chiến về thương mại giữa 2 nước, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn mở lại đối thoại kinh tế Trung-Mỹ. Đây là đề nghị của ông Tập đưa ra, trong cuộc điện đàm với TT Trump. Năm 2017, Trung Quốc thặng dư 275,8 tỉ USD trong thương mại với Mỹ. Điều này làm Trump, một người có chủ trương giảm thâm hụt thương mại,không hài lòng.

Quan hệ Mỹ – Nga luôn trong tình trạng bất ổn. Mới đây, ngày 15/1 trong cuộc họp báo thường niên ở Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tố cáo Mỹ nuôi tham vọng kích hoạt chiến tranh không gian. Ông Lavrov nhấn mạnh: “…tuy nhiên Mỹ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng kế hoạch quân sự hóa không gian, mà theo đó sẽ triển khai các loại vũ khí trong không gian. Kế hoạch của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc tế“.

Hiện cả Nga và Mỹ cũng như nhiều nước khác đang đầu tư mạnh cho các chương trình không gian. Đã có những lo ngại về cuộc chiến trong vũ trụ giữa các cường quốc trong tương lai. Nga và Mỹ cũng đang bất đồng quanh các điểm nóng như: Bắc Hàn, Syria, Jerusalem, Iran.


Căng thẳng Trung Đông
Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra thông báo: Mỹ thu lại 65 triệu USD viện trợ cho Palestine. Đây là khoản tiền 125 triệu USD, mà Mỹ dự định viện trợ trong năm 2018, cho Cơ quan Công tác và Cứu trợ của Liên Hợp Quốc (UNRWA), chuyên cứu trợ người tỵ nạn Palestine.

Trong lá thư thông báo cho UNRWA, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Mỹ chỉ đóng góp 60 triệu USD, số tiền 65 triệu còn lại sẽ được đóng góp thêm khi UNRWA tiến hành các cải cách phù hợp. Mỹ cũng cho biết, “quyết định giữ lại viện trợ không nhằm mục đích trừng phạt bất kỳ quốc gia nào cả“.


Bá quyền Trung Quốc
Trên Viet Times có bài phân tích khá rõ và “cứng rắn” về tham vọng bành trướng của Bắc Kinh, bài viết có nhan đề: Hải quân Trung Quốc liên tiếp nhận thêm máy bay, tàu chiến vì yêu sách biển đảo. Theo tác giả, Trung Quốc đang gia tăng các loại tàu chiến, máy bay ở biển Đông và Hoa Đông, nhằm tiếp tục tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi pháp, bằng sức mạnh quân sự.

Bài viết cũng cho biết chi tiết các loại máy bay, tàu chiến, cũng như khả năng tác chiến của chúng, mới được Trung Quốc biên chế cho quân đội. Với sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng lớn, Trung Quốc không cẩn giấu giếm tham vọng bá chủ thế giới. Nước này liên tục lên giọng đe dọa các quốc gia láng giềng. Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc chiếm đóng, quân sự hóa khắp nơi. Tham vọng và yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh,  đang được nước này gia tăng thực hiện bằng biện pháp quân sự.

Mới đây, căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc lại được đẩy lên, lần này là một cuộc “đấu khẩu”. Trong một hội thảo,  học giả Đài Loan Tô Tử Vân cho rằng: 1.000 quả tên lửa tầm trung có thể khống chế hơn 30 sân bay Đại lục. Ông Tô Tử Vân cho rằng, Đài Loan nên đầu tư vào hệ thống tên lửa tầm trung, với giá rẻ, để đối phó Trung Quốc xâm lược nước này. Ông Tô nói, chỉ với khoảng 1000 tên lửa, Đài Loan có thể phá hủy 30 sân bay và cả đập Tam Hiệp (thủy điện lớn nhất thế giới) ở Trung Quốc.

Đáp lại, giới quân sự Bắc Kinh cho rằng: Khả năng Đài Loan tấn công được đập Tam Hiệp là rất thấp vì sự kiên cố cũng như hệ thống phòng thủ ở đây. Còn chuyện, Đài Loan tấn công sân bay, Trung Quốc ngạo mạn cho rằng “Đài Loan chỉ đủ sức đào ở mỗi sân bay 30 cái hố và PLA sẽ sửa xong trong 24 giờ“. Những lời đe dọa Đài Loan cũng được giới chức Bắc Kinh đưa kèm trong cuộc “khẩu chiến”.

BBC đưa tin: Hong Kong: Joshua Wong bị phạt tù lần hai. Theo tin được đưa, nhà hoạt động Joshua Wong (Hoàng Chí Phong), đã bị một tòa án ở Hong Kong phạt tù lần thứ 2 với thời hạn 3 tháng tù giam. Án từ này của Joshua Wong, liên quan đến các cuộc biểu tình đòi dân chủ, chống sự can thiệp quá sâu của Bắc Kinh vào chính quyền Hong Kong hồi năm 2014.
















No comments: