Friday, January 12, 2018

BẢN TIN TỐI 12/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Trung Quốc và Campuchia kêu gọi thông qua COC. Tân Hoa Xã cho biết: Ngày 11/1/2018, Trung Quốc và Campuchia đã cùng “kêu gọi các bên liên quan sớm thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông nhằm duy trì hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở vùng biển này”. Hai nước đạt được tuyên bố chung, “sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kết thúc chuyến công du tới Campuchia”.

Trước đó, một số nhà nghiên cứu chính trị đã cảnh báo nguy cơ: Trung Quốc muốn lợi dụng COC. Sau khi Trung Quốc xây dựng được hệ thống căn cứ tiền phương trên các đảo nhân tạo được bồi đắp, quy định “giữ nguyên hiện trạng” trong COC lại trở thành yếu tố có lợi cho tham vọng bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.


Quan hệ Việt – Trung
Nhân dịp Bắc Kinh tiếp tục triển khai máy bay, tàu chiến, củng cố hệ thống căn cứ tiền phương ở Biển Đông, Tổng Bí thư lên đường thăm chính thức Trung Quốc. Sáng nay, bác Tổng và một số Ủy viên của Bộ Chính trị, đã “rời Hà Nội đi thăm chính thức nước CHND Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình”.

Lý do bác Tổng thăm “bạn vàng”: “nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới”. Nhờ “tình đồng chí”, các lãnh đạo Việt Nam vẫn có thể tin rằng Trung Quốc thực hiện âm mưu bá quyền trong vùng tranh chấp lãnh hải “vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2015. Ảnh: NLĐ

Dấu tay của “bạn vàng” trên nền kinh tế Việt Nam: Sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Trung Quốc thông qua M&A. Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “trong năm 2017, nguồn vốn đầu tư cam kết của doanh nghiệp Trung Quốc đứng vị trí thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam”.

Trung Quốc không chỉ muốn thao túng thêm đất, mà muốn xây thêm nhà máy ở Việt Nam: “có những dấu hiệu cho thấy, không chỉ đầu tư thông qua M&A và chỉ tập trung vào lĩnh vực bất động sản, mà doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam”.Tác giả nhắc đến dự án của Công ty TNHH Worldon Việt Nam với vốn đầu tư 310 triệu USD tại Khu công nghiệp Đông Nam”.


Tướng Phan Văn Vĩnh chưa bị bắt?
Về thông tin tướng Phan Văn Vĩnh bị bắt mà cư dân mạng loan tải sáng nay, báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: Không có chuyện ‘Đã bắt Trung tướng Phan Văn Vĩnh’. Bài viết dẫn nguồn từ Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, khẳng định: “Hiện chưa có thông tin gì về việc khởi tố này. Đây là thông tin không có căn cứ, cơ sở gì“.

Còn nhớ, hôm 9/12/2017, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin: “Khởi tố bị can đối với hai nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu“.

Sang ngày hôm sau, 10/12/2017, các trang báo này đã phải đồng loạt đính chính và cáo lỗi, sau khi có thông báo của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an, rằng tin đó không đúng. Rồi 11 ngày sau, một phần thông tin đó đã trở thành sự thật: Ông Phùng Đình Thực chính thức bị khởi tố ngày 20/12/2017.

“Phiên tòa lịch sử”: ngày thứ 5
Trong phiên xử sáng nay, luật sư cho rằng Trịnh Xuân Thanh có “chứng cứ ngoại phạm”. Phiên tòa tiếp tục “với phần tranh tụng của các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, tập trung quanh hành vi tham ô tài sản”. Về cáo buộc Trịnh Xuân Thanh nhận 4 tỷ đồng, LS Nguyễn Quốc Hùng phân tích “chứng cứ ngoại phạm” của Thanh: “ngày xảy ra sự việc như cáo buộc, bị cáo Thanh bay đi TP.HCM lúc 16 giờ nên phải lên đường ra sân bay trước đó ít nhất 2 tiếng rưỡi”.

LS Hùng lưu ý mâu thuẫn về thời gian từ lời khai của người lái xe cho bị cáo Lương Văn Hòa: “lúc 14 giờ, tài xế này chuyển tiền cho lái xe riêng của Trịnh Xuân Thanh để chuyển cho bị cáo Thanh”, và đề nghị HĐXX làm rõ chuyện này. LS Trần Hồng Phúc nhận định: “một số lời khai của nhân chứng, bị cáo trong hồ sơ vụ án có sự mâu thuẫn”.

Về chuyện đại diện Viện KS cho rằng Trịnh Xuân Thanh “quanh co chối tội”, luật sư phản đối kết luận ông Trịnh Xuân Thanh ‘chối tội’. Trong lúc bào chữa, LS Nguyễn Văn Quynh nêu quan điểm: “Kết luận như vậy là đi ngược nguyên tắc suy đoán vô tội”. LS Nguyễn Hồng Phúc thì cho rằng mức án chung thân được đề nghị cho Trịnh Xuân Thanh là bất công.

Từ trường hợp hoa hậu Phương Nga, LS Quynh giải thích: “bị cáo Nga đã sử dụng quyền im lặng suốt một thời gian dài rồi mới khai và theo ông đó là “cách tự bảo vệ” trong bối cảnh tất cả các lời khai khác chống lại mình”.

Đoạn kết buồn của “tình đồng chí”: Trịnh Xuân Thanh nghi ngờ bị cấp dưới phản bội, đổ tội lúc bỏ trốn. Luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh kể rằng: “Thanh nói với tôi, không loại trừ thằng Minh nó đổ tội cho anh vì lúc đó anh đang bỏ trốn, nó nghĩ rằng không ai bắt được anh nên nó đổ tội cho anh”.

Trong phần tranh tụng chiều nay, LS đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Vũ Hồng Chương. LS Nguyễn Thế Truyền phân tích: “Xét về hoàn cảnh phạm tội, việc tạm ứng đối với hợp đồng 33, ông Chương với tư cách Trưởng ban quản lý đã cố gắng cao nhất để đưa ra cảnh báo về những thiệt hại, rủi ro có thể xảy ra”. Đối với trường hợp bị cáo Phùng Đình Thực, luật sư đề nghị VKS tranh luận đến cùng.

Để bào chữa cho ông Phùng Đình Thực, luật sư giả định: “Với tính cách của mình, ông Đinh La Thăng sẽ cách chức ngay”. Trước đó, ông Vũ Huy Quang cho rằng các lãnh đạo PVN, gồm ông Thực và ông Đinh La Thăng, đã biết trước sai phạm của Hợp đồng 33. LS Đinh Anh Tuấn cho rằng: “Giả sử xảy ra trường hợp đó, với tính cách của ông Đinh La Thăng thì ông sẽ cách chức Trưởng ban Điện ngay chứ không thể để nguyên chức”.

Trong khi “phiên tòa lịch sử” vẫn diễn ra theo lệnh bác Tổng, báo chí trong nước phải lo một nhiệm vụ khác. Sau khi ông Thăng “lỡ miệng” khai: “Việc chỉ định PVC làm nhà thầu của nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị”. Các báo lần lượt có bài phủ nhận chuyện này. Đầu tiên là bài: Thực hư thông tin Bộ Chính trị chỉ đạo chỉ định thầu nhà máy nhiệt điện được đăng lúc rạng sáng nay. Sau đó, báo Thanh Niên có bài: Đánh bùn sang ao.

Với giọng “quy chụp” quen thuộc từ ban tuyên giáo, bài viết trên báo Thanh Niên cho rằng: “Kiểu “đánh bùn sang ao” của bị cáo Đinh La Thăng đã ngay lập tức khiến cho những người chưa từng biết đến Kết luận số 41-KL/TW (ngày 19.1.2006) của Bộ Chính trị khóa X nghĩ rằng, ông Đinh La Thăng chỉ là một người thừa hành”.


Ngày thứ 5 tòa xử Phạm Công Danh, Trầm Bê
Trong phiên xử sáng nay, bị cáo Phạm Công Danh cho rằng: Nếu không bị ép tăng vốn điều lệ, tôi không sai phạm. Ông Phạm Công Danh thừa nhận chuyện lập 12 “công ty ma”, làm hồ sơ ảo để vay 4.700 tỷ của BIDV. Tuy nhiên, sai lầm đó “có bối cảnh đưa đẩy. Trong đó, Ngân hàng Đại Tín bị sự thúc ép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải tăng vốn”.

“Vai trò” của NHNN trong vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê “bắt nguồn từ cuộc họp của NHNN khu vực phía Nam. Tại đó, cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Ngân hàng Đại Tín tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng”. Ông Phạm Công Danh khẳng định: “Tôi đã trình bày trong bối cảnh đó, giữ được ngân hàng đã khó rồi. Tôi đã xin giãn tiến độ nhưng NHNN vẫn yêu cầu phải tăng vốn, còn bằng cách nào thì doanh nghiệp phải tự lo liệu”.

Chuyện lạ trong vụ làm hồ sơ vay 4.700 tỉ đồng: Lương 3 triệu vẫn vay được mấy trăm tỉ. Khi chủ tọa hỏi: “Lương của bị cáo có hơn 3 triệu, vay mấy trăm tỷ thì biết bao giờ trả được nợ?”, có bị cáo trả lời: “Bị cáo chỉ được nhờ đứng tên, bảo ký thì ký chứ có biết sao đâu!”.

Phiên xử buổi chiều tiếp tục quá trình xét hỏi để làm rõ hành vi vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV. Một số diễn biến trước khi kết thúc ngày làm việc thứ 5: “Đại diện BIDV thừa nhận không gặp 3 công ty vay vốn nhưng có cán bộ của chi nhánh có tiếp xúc, kiểm tra. Việc kiểm tra là quá trình diễn ra sau quá trình cho vay. Về khoản lãi tiền gửi và vay tại BIDV, phía ngân hàng sẽ tổng hợp lại và gửi lại toà sau”.




Doanh nghiệp nhà nước – nói vậy mà không phải vậy
VOA có bài: Mỹ tố với WTO về 8 doanh nghiệp nhà nước mà Việt Nam không khai báo. Đây là 8 công ty “mà Mỹ nói là lẽ ra phải đăng ký là doanh nghiệp thương mại nhà nước theo các quy tắc thương mại toàn cầu, theo một hồ sơ đệ trình của Mỹ được WTO công bố hôm thứ Năm”, nhưng phía Việt Nam đã không làm như vậy.

Về chuyện Việt Nam tuyên bố các doanh nghiệp nhà nước “không còn các ưu đãi mà họ từng nhận được trước đây”, phía Mỹ đã tiến hành điều tra độc lập và xác định rằng “dường như có một số thực thể mà Việt Nam đã không chịu xác định là doanh nghiệp thương mại nhà nước”.


Nỗi buồn người công nhân Việt Nam
Trang VnExpress đưa tin: Hàng nghìn công nhân nghỉ việc vì bị giảm tiền thưởng Tết. Sáng 12/1/2018, khoảng 5.000 công nhân của Công ty TNHH Panko Tam Thăng, và gần 600 công nhân của Công ty TNHH Moon Chang Vina, ở Khu công nghiệp Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, đã đình công để phản đối chuyện “bị cắt giảm tiền thưởng cũng như thời gian nghỉ Tết ngắn”.

Một công nhân của Công ty Panko chia sẻ: “Trong hợp đồng lao động ghi rõ nếu công nhân làm đủ thời gian trong năm sẽ nhận được tiền thưởng Tết là một tháng lương cơ bản. Thế nhưng, nhiều người làm đủ năm mà công ty chỉ thưởng một nửa, một phần ba; người không làm đủ thì bị cắt giảm không rõ ràng”.

Báo Dân Việt cho biết: Nghi giám đốc Hàn Quốc bỏ trốn, hơn 600 công nhân canh nhà xưởng. Bị nợ lương, công nhân Công ty may Nam Phương, Khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM, “không tìm được giám đốc nên đình công và canh nhà xưởng hơn tuần nay”.  Đến ngày 12/1/2018, hàng trăm công nhân tiếp tục “đến nhà xưởng đòi trả lương. Họ yêu cầu giám đốc phải ra mặt để cam kết đóng bảo hiểm y tế, thất nghiệp, trả lương cho công nhân”.

Một công nhân đang một mình nuôi con 9 tháng tuổi chia sẻ: “giám đốc công ty đã “mất dạng” hơn hai tuần, tài sản trong xưởng có dấu hiệu bị tẩu tán… nên công nhân chia nhau canh giữ, sợ không đòi được tiền”. Công ty này vẫn đang nợ công nhân phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.


Môi trường Việt Nam
Trong khi TT Trump kéo nước Mỹ trở lại thời khai thác mỏ thannăng lượng hóa thạch, hủy hoại môi trường, thì ông John Kerry muốn giúp VN sản xuất năng lượng sạch. Trang CafeF đưa tin: Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Chúng tôi sẽ giúp các bạn có nhà máy điện mặt trời, điện gió, bởi người Việt!

Nếu bạn tính tất cả các chi phí phải trả khi sử dụng nhiệt điện chạy than, từ chất lượng không khí tới ô nhiễm nguồn nước hay ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đó sẽ là một cái giá không hề rẻ. Chính vì thế, mọi người đều hiểu rõ việc chuyển sang dùng năng lượng sạch quan trọng như thế nào để nắm bắt những cơ hội tăng trưởng kinh tế“.

Ông Kerry nói tiếp: “Trung Quốc đang giúp các bạn xây dựng các nhà máy nhiệt điện với công nhân Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ giúp xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió bằng chính những công nhân Việt Nam“.


Nhân quyền ở Việt Nam
Linh mục Lê Ngọc Thanh viết: 15/1/2018, Nghệ An sẽ xét xử TNLT Nguyễn Văn Oai. Trong thư của vợ anh Nguyễn Văn Oai có đoạn: “Tôi tin rằng chồng tôi vô tội, chồng tôi là một người yêu nước, đang dẫn thân vì đất nước, anh đi tù không phải vì anh có tội mà vì anh là người mạnh mẽ, dám đứng lên đòi lại quyền mà chính anh, gia đình anh và mọi người trong đất nước Việt đáng được hưởng”.

Facebooker Đậu Dương đưa tin: Giới trẻ Giáo xứ Vạn Lộc cầu nguyện cho TNLT J.B Nguyễn Văn Oai. Tác giả nhắc lại thông báo: “vào ngày 15/1/2018 tới đây tòa án nhân dân Nghệ An xét xử phúc thẩm TNLT Jb Nguyễn văn Oai tại tòa án nhân dân tỉnh Nghệ an”. Giới trẻ Giáo xứ Vạn Lộc đã tổ chức thắp nến và “hiệp ý cầu nguyện cho anh luôn vững vàng trong những bách hại, nhất là trong chốn lao tù, để những quyết định của anh luôn có Chúa đồng hành”.

Một số thông tin về TNLT J.B Nguyễn Văn Oai: “anh là một nhà hoạt động cho tự do dân, chủ, nhân quyền tại Việt Nam, trong xóm làng anh đấu tranh phản đối những bất công về thuế phí, các khoản thu trái quy định trong học đường”.

Linh mục Đinh Hữu Thoại viết: Nhà cầm quyền TP Huế ngăn cản trao quà thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Chỉ là chuyện tặng quà những người cựu binh đã đủ “chạm nọc” quan chức”: “Hôm qua, sau khi biết tôi trao quà Xuân 2018 cho TPB VNCH tại Lăng Cô, khoảng 11 giờ trưa nhà cầm quyền TP Huế huy động một lực lượng hùng hậu và côn đồ đón chặn xe chúng tôi tại ranh giới vào TP Huế”.

Linh mục Thoại kể rằng: “Bọn côn đồ gọi quân đến thêm, kể cả CSGT, vì khi đã không có lý lẽ thì chúng dùng quyền lực. Mục đích không để chúng tôi vào được TP Huế. Tôi quyết định lấy hành lý đón xe khách về lại Đà Nẵng nhưng CSGT được lệnh đuổi xe không cho đón”.

Gánh nặng BOT
Người dân không chấp nhận kiểu “thỏa hiệp” của BOT Sóc Trăng: Ngày đầu giảm giá vé, BOT Sóc Trăng vẫn phải xả trạm liên tục. Ngày 12/1/2018, trạm BOT Sóc Trăng chính thức “miễn, giảm vé cho các xe ở khu vực xung quanh trạm”. Tuy nhiên, các tài xế tiếp tục phản đối, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra.

Quan điểm của các tài xế: không chấp nhận giảm phí qua trạm, chỉ chấp nhận “trạm phải đặt về đúng vị trí”. Các tài xế đến trạm đã “cố thủ không chịu trả phí, kèm theo đó là câu hỏi quen thuộc: “Mua vé này là vé gì, phí gì hả chị? Tôi đã đóng phí đường bộ từ lâu rồi mà””.

Lãnh đạo vẫn đứng về phía BOT: Bộ thừa nhận BOT quốc lộ 91 bất cập nhưng vẫn chưa di dời. Tác giả ghi nhận: “Liên tiếp trong các ngày từ 9 đến 11-1, trạm thu phí T2 thuộc dự án BOT quốc lộ 91 đóng tại phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bắt đầu bị người dân phản ứng. Trạm này đang có nguy cơ trở thành điểm nóng như trạm BOT Cai Lậy, BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp”.

Ông Lê Việt Bắc, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “từ khi trạm T2 đi vào hoạt động, nhiều chủ phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa kiến nghị chủ đầu tư dời trạm, Sở Giao thông vận tải Kiên Giang tiếp thu những kiến nghị này, chuyển lên Bộ Giao thông vận tải nhưng chưa được xử lý thỏa đáng”.


***

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
Trump tiếp tục bị vạ miệng, khi phát biểu trước các nghị sĩ tại Nhà Trắng về vấn đề nhập cư, Trump chê bai Haiti, các nước Châu Phi là ‘quốc gia hố phân’Trump nói thản nhiên về các quốc gia này: “Tại sao chúng ta lại cho những người này từ các quốc gia hố phân tới đây“.

Ngay lập tức phát biểu của Trump bị  báo The Washington Post loan tải rộng rãi. Nhà Trắng  chưa xác nhận hay phủ nhận về phát biểu “không thể hiểu nổi” của ông Trump. Với những “thành tích” về các phát biểu phân biệt chủng tộc trước đây, bao gồm cả việc đả kích TT Obama, ông Trump dường như rất khó biện bạch cho lần “lỡ miệng” này.

Sau khi TT Trump phát biểu “liều mạng” , những chỉ trích từ nhiều phía đã nhắm vào ôngNhiều nghị sĩ đảng Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích lời nói của Trump. Bà Mia Love, một thành viên đảng Cộng hòa, người có gốc gác Haiti nhập cho rằng phát biểu của Trump là “vô cảm, gây chia rẽ, kiêu căng và làm hỏng giá trị của quốc gia“. Bà Love cũng yêu cầu TT xin lỗi người Mỹ và cả những nước mà Trump đã nói xấu.

Bà Ileana Ros-Lehtinen, người sinh ra tại Cuba, thành viên đảng Cộng hòa nói “Những ngôn từ như thế không bao giờ được nói ở trong phòng thay đồ chứ đừng nói là ở Nhà Trắng”. Nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal gay gắt: “[phát biểu của Trump] sặc mùi phân biệt chủng tộc, cho thấy tư tưởng bài trừ sắc tộc được đội lốt chính sách nhập cư”.

Trước đây, khi tranh cử, Trump nói sẽ xây tường biên giới với Mexico và bắt nước này trả tiền. Nhưng đến nay, Mexico khẳng định không bao giờ trả phí xây tường biên giới cho ông TrumpBộ trưởng Kinh tế Mexico, Ildefonso Guajardo viết trên Twitter: “Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã tuyên bố rất cụ thể: Mexico sẽ không bao giờ trả tiền cho bức tường đó“. Chưa biết Trump sẽ dùng cách gì để bắt Mexico trả tiền đây?


Nước Nga trỗi dậy: Tìm cách đối đầu Mỹ 
Trong cuộc trả lời báo chí ngày 11/1, TT Nga Putin nói: Việc cải thiện quan hệ với Nga do Mỹ quyết địnhÔng Putin khẳng định, những cáo buộc của Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ là “hoàn toàn vô lý“. TT Nga cũng cho rằng, các hành động trừng phạt của Mỹ áp dụng đối với Nga sẽ khiến quan hệ 2 nước càng tồi tệ.

Cũng trong cuộc nói chuyện với báo chí, ông Putin cảnh báo: Mỹ có thể phải trả giá vì can thiệp khắp mọi nơiPutin cho rằng Mỹ đã rất sai lầm khi: “liên tục can thiệp vào các hoạt động và thực hiện nỗ lực gây ảnh hưởng tới tình hình chính trị nội bộ của các nước khác, nhưng lại cho rằng đó là chuyện bình thường“.

Nước Nga của Putin thời gian qua cũng can thiệp khắp nơi. Từ bảo vệ nhà độc tài Bashar al-Assad, đến việc ủng hộ và nuôi dưỡng chế độ “địa ngục” Bắc Hàn, hay gần đây nhất là luôn ủng hộ nhà nước thần quyền Iran trong cuộc đàn áp dân chúng. Người ta có cảm giác, Putin không những can dự vào nhiều nước, nhiều khu vực, mà còn chỉ nhằm bảo vệ và bênh vực kẻ ác, cái xấu.

Liên quan đến vấn đề Syria, Nga là nước can thiệp nhiều nhất vào quốc gia này. Vậy mà mới đây, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng chỉ trích lý do Mỹ triển khai quân tại SyriaTrước việc Mỹ triển khai quân ở Syria, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích “Những tuyên bố của Mỹ nói rằng binh lính của họ được triển khai ở Syria nhằm chiến đấu chống khủng bố là không thuyết phục và không thể bảo vệ họ khỏi làn sóng chỉ trích“. Cái này là vừa ăn cắp vừa la làng vậy.


Tình hình bán đảo Triều Tiên
Phát biểu trên tờ Wall Street Journal (WSJ), Tổng thống Trump úp mở về mối quan hệ với Chủ tịch Kim Jong-unÔng nói “Có lẽ tôi có một mối quan hệ rất tốt với ông Kim Jong-un. Tôi có mối quan hệ tốt với nhiều người. Tôi nghĩ các bạn đều sẽ ngạc nhiên”. Những hành động gần đây giữa 2 nhà lãnh đạo “tăng động” đã làm dấy lên hy vọng, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ được hạ nhiệt.

Về các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn, Mỹ và đồng minh sẽ chặn tàu thuyền trên đường tới Triều Tiên. Giám đốc phụ trách kế hoạch chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Brian Hook nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác mọi lựa chọn để đẩy mạnh an ninh hàng hải và khả năng chặn các tàu thuyền vận chuyển hàng hóa từ Triều Tiên và đến Triều Tiên có hỗ trợ chương trình tên lửa hạt nhân hay không”.

Trong khi các chuyên gia Mỹ phát hiện dấu hiệu Triều Tiên có thể chuẩn bị thử bom hạt nhânphía Bắc Hàn lại tiếp tục kêu gọi Hàn Quốc và Mỹ ngừng tập trận.  Thông tin cho biết, trang mạng tuyên truyền Uriminzokkiri của Triều Tiên ngày 12/1 đã kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng hoàn toàn các cuộc tập trận quân sự chung.


Trung Đông: Lò lửa luôn nóng
Báo Hải Quan có bài phân tích:  Thách thức tiếp tục hâm nóng “lò lửa” Trung ĐôngTheo bài viết, có 3 lý do chính sẽ tiếp tục hâm nóng lò lửa chưa bao giờ nguội này. Đó là các thách thức: Thứ nhất là việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel; Thứ hai là sự tan rã của IS; Thứ 3 là cuộc khủng hoảng tại Syria.

Ngoài ra cũng còn nhiều điểm ở Trung Đông tiềm ẩn sự bất ổn: Tình hình ở Iran, các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở nhiều nước, xung đột giữa Saudi Arabia và Iran. Đây cũng sẽ là những điểm nút của bất ổn, chỉ cần một sai lầm nhỏ, khu vực này sẽ lại bùng phát bạo lực và bất ổn.

Về tình hình Iran, Bộ trưởng Tài chính Mỹ hi vọng Tổng thống tái áp đặt trừng phạt IranNgày 12/1 (giờ Mỹ), là thời hạn chót để ông Trump phải đưa ra quyết định là liệu có áp đặt trở lại hay không các lệnh trừng phạt Iran. Các lệnh trừng phạt này đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Ông Steve Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ hi vọng “Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran“. Có vẻ Nội các của ông Trump rất nhiều vị mang phong cách “diều hâu”.


Bá quyền Trung Quốc
Xung quanh vấn đề Đài Loan, mới đây TQ đòi hãng Delta xin lỗi vì gọi Đài Loan, Tây Tạng là quốc giaTheo đó, Trung Quốc yêu cầu Delta Air Lines điều tra lý do Đài Loan, Tây Tạng được liệt kê là các nước trên trang web của họ và yêu cầu lời xin lỗi công khai.

Những “nhầm lẫn” về chuyện gọi Đài Loan, hay Tây Tạng là quốc gia đã xuất hện trước đó ởchuỗi khách sạn Marriot. Chính phủ Trung Quốc, vốn đang vỗ về dân nước này bằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bá quyền, tất nhiên sẽ phản ứng rất gay gắt.

Trong khi đó, VOA đưa tin: Đài Loan dự định tăng chi tiêu quốc phòng trước đe dọa từ Trung QuốcTheo bài viết, trước sự đe dọa và bành trướng của Bắc Kinh, chính phủ của bà Thái Anh Văn đang có nhiều dự định về vấn đề quân sự của quốc đảo này. Một trong số đó là tăng chi tiêu vào quốc phòng.













No comments: