21/03/2017
Từ
chuyện một ‘hot girl’ xứ Thanh…
Một vài tuần nay, dư luận trong nước lại bàn tán xôn
xao về câu chuyện liên quan đến bà Trần Vũ Quỳnh Anh, Trưởng phòng Quản lý nhà
và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hoá.
Cách đây sáu tháng, khi báo chí “lề dân” đăng tải những
thông tin nhạy cảm rằng “hot girl” sở hữu nhiều tài sản khủng này là “bồ nhí” của
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và đã có con riêng với ông ta, cả Bí
thư lẫn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đều công khai lên tiếng
bác bỏ. Thậm chí, Tỉnh uỷ Thanh Hoá còn gửi công văn lên Ban Tuyên giáo Trung
ương và Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị xử lý những thông tin “sai sự thật”
về Bí thư Tỉnh ủy trên “các blog, mạng xã hội phản động”.
Tuy nhiên lần này câu chuyện về bà Quỳnh Anh lại được
chính báo chí “lề đảng” khơi mào. Một loạt tờ báo đã đưa
tin về sự thăng tiến “quá thần tốc”, “chỉ có thần tiên mới làm được” của
người đẹp xứ Thanh. Thiên hạ thì kháo nhau rằng việc “hot girl” Quỳnh Anh bị
bêu danh trên báo chí chính thống là dấu hiệu cho thấy không chỉ Bí thư Thanh
Hoá Trịnh Văn Chiến bị tấn công, mà quan trọng hơn là thế lực nào đó hậu thuẫn
cho ông ta ở trung ương.
…đến
vấn đề quyền lực trong xã hội
Các nhân vật dính dáng đến câu chuyện bà Quỳnh Anh
cùng có chung một đặc điểm: họ là những kẻ lạm dụng quyền lực mà hệ thống hiện
hành đã trao cho họ theo cách này hay cách khác.
Quyền lực là vấn đề căn cốt nhất trong xã hội loài
người, vì con người về bản chất là một sinh vật chính trị, như Aristotle đã nói
cách nay hơn hai ngàn năm. Chính vì vậy, mức độ thành công của việc giải quyết
vấn đề quyền lực trong xã hội quyết định mức độ phát triển của xã hội đó. Ở các
quốc gia dân chủ, quyền lực không bị tập trung mà được phân tán trong xã hội.
Không một người hay nhóm người nào được phép nắm giữ quyền lực tuyệt đối so với
người khác hay nhóm người khác. Quyền lực nhà nước được kiểm soát nhờ định chế
tam quyền phân lập và được giám sát bởi các quyền lực khác trong xã hội: báo
chí, xã hội dân sự, giáo hội, đảng phái, v.v. Nhờ xử lý tốt vấn đề quyền lực, đặc
biệt là việc kiểm soát quyền lực nhà nước, nên nhìn chung các nước dân chủ đều
phát triển lành mạnh.
Ở các chính thể độc tài thì ngược lại. Quyền lực
trong xã hội luôn bị thâu tóm vào trong tay một cá nhân hay một nhóm thiểu số,
mà ở các quốc gia cộng sản là Đảng Cộng sản. Các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam,
chẳng hạn, thường trưng câu thần chú “tăng cường sự lãnh đạo của đảng” để biện
minh cho việc tập trung quyền lực vào tay mình, kể cả trong lĩnh vực… sinh đẻ.
Cuối thế kỷ 19, triết gia chính trị người Anh Lord
Acton đã đúc kết: “Quyền lực dẫn đến tha hoá. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha
hoá tuyệt đối.” Những gì diễn ra trong các xã hội cộng sản thế kỷ 20 đã chứng
minh cho nhận định đó. Sự tha hoá của quyền lực tuyệt đối trong tay Đảng Cộng sản
khiến các quốc gia cộng sản suy thoái toàn diện, xã hội rối ren và cuối cùng đi
đến chỗ sụp đổ. Đó là những gì đã xẩy ra ở Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu
trước kia, và đang diễn ra ở nhúm quốc gia cộng sản còn lại trên thế giới,
trong đó có Việt Nam.
…và
cái gọi là ‘lồng cơ chế, pháp luật’ của ông Nguyễn Phú Trọng
Vụ lùm xùm Trần Vũ Quỳnh Anh – Trịnh Văn Chiến xẩy
ra cùng thời điểm với vụ thông tin về những tài sản khủng của Chủ tịch UBND TP
Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị phơi bày trên báo chí nhà nước, hay việc một số quan
chức cao cấp bị nêu đích danh trong vụ bê bối MobiFone mua AVG của anh em nhà
Phạm Nhật Vũ - Phạm Nhật Vượng. Hội nghị Trung ương 5 khoá XII đang đến gần, vì
thế không khó để nhận ra đây là những màn “so đấu” giữa các phe phái trong đảng
trước thềm một hội nghị mà người ta dự đoán là sẽ chú trọng đến vấn đề nhân sự
cấp cao.
Khi các quyền
lực nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp đều nằm trong tay Đảng Cộng sản
và các quyền lực xã hội khác thì bị họ thao túng, khống chế hoặc vô hiệu hoá,
việc quyền lực nhà nước bị lạm dụng là kết cục tất yếu. Dĩ nhiên, những kẻ lạm dụng quyền lực kia hầu như 100% là đảng viên cộng
sản. Trong bối cảnh đó, sự đấu đá giữa các phe nhóm trong đảng, thể hiện qua
các vụ lùm xùm vừa nêu, gần như là cơ chế hữu hiệu nhất để kiểm soát quyền lực
trong tay họ.
Tuy nhiên, như chính TBT Nguyễn Phú Trọng từng hồn
nhiên thừa nhận: “Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta”, các cuộc “so găng” giữa
các phe phái trên đấu trường chính trị nhiều lắm cũng chỉ dẫn đến kết cục “trâu
bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Các “đấu sỹ” luôn quán triệt tinh thần “đánh chuột
đừng để vỡ bình” mà người đứng đầu Đảng CSVN thường xuyên nhắc nhở. Nguyễn Việt
Tiến bị mất chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhưng kẻ che chắn cho ông ta
là Nông Đức Mạnh vẫn an vị trên chiếc ghế Tổng Bí thư. “Gã đầu bạc” Nguyễn Đức
Kiên phải lãnh án 30 năm tù, nhưng “ông trùm” đứng sau lưng ông ta là “đồng chí
X” vẫn bình an vô sự. Hà Văn Thắm bị bắt và đối mặt với bản án lên tới 30 năm
tù nhưng quan thầy của anh ta là Nguyễn Sinh Hùng chỉ chịu rời khỏi chiếc ghế
Chủ tịch Quốc hội khi hết nhiệm kỳ. Trịnh Xuân Thanh bị truy nã rồi truy tố ra
toà, nhưng trong số những kẻ đỡ đầu cho ông ta chỉ có Vũ Huy Hoàng là bị “cách”
cái ‘chức danh’ “nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương” (!).
Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội ngày
17/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von là để kiểm soát quyền lực
thì phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”. Dưới chế độ XHCN
“dân chủ gấp triệu lần tư bản”, Đảng Cộng sản vừa là hiện thân của quyền lực vừa
là hiện thân của pháp luật. Vì vậy, câu nói đó nếu không phải là trò lừa bịp
thì cũng thể hiện sự
hoang tưởng điển hình của quyền lực.
Với quyền lực gần như không bị kiểm soát, giới “công
bộc” cộng sản sẵn sàng dẫm đạp lên thứ “pháp luật” do chính họ nặn ra để vơ vét
của cải, mồ hôi xương máu của nhân dân. Và cho dù xung đột giữa các băng nhóm
hành nghề cướp bóc là điều không tránh khỏi, họ cũng luôn nêu cao ý thức “giữ
bình” để tiếp tục “sự nghiệp cao cả” của mình.
Nhiệm vụ của chúng ta, vì thế, là sử dụng ánh sáng của
lương tri và trách nhiệm để soi rọi mọi góc khuất của các cuộc “tỷ thí” giữa
các “đấu sỹ” trong cái “lồng” mà ngài Tổng Bí thư khả kính kia tưởng tượng ra,
không phải là để ủng hộ phe này hay phe nọ, mà để giúp quần chúng nhân dân nhận
ra bản chất buôn dân bán nước của họ, hầu góp phần thúc đẩy sự ruỗng mục của hệ
thống cũng như quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong bộ máy.
-------------------------------
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các
bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment