6 March 2017
Tổng Thống Donald Trump và bài diễn văn của ông về
Tình hình Liên bang (State of the Union) vào đêm thứ ba 28 tháng Hai đã gây ngạc
nhiên cho không chỉ quần chúng trong nước Mỹ mà cả ở nhiều nơi trên thế giới có
theo dõi bài nói chuyện được chuẩn bị rất chu đáo cho ông và được ông Trump
trung thành bám sát chặt chẽ từng câu từng chữ, không hề thêm muối dặm mắm làm
cho mất đi công dụng thuốc của bác sĩ. Người đi theo đảng Cộng Hòa đương nhiên cảm
thấy hả dạ, tràn đầy tự hào về lãnh tụ của mình, họ có thể hất mặt lên và bảo:
“Thấy ông Trump chưa, tổng thống của chúng tôi”. Những người bên Dân Chủ hẳn phải
nói: “Đúng là ông Trump, nói gì cũng được (nếu ông chịu nói)!”. Người ngoài
nhìn vào, có thể bình luận: “Đúng là chính trị!”. Còn những người ở Nga, ở Tàu,
ở Việt Nam? “Dân chủ, tự do sướng thật!’. Và những nhà bình luận chính trị
chính lưu ở Mỹ? Ngay cả CNN, the New York Times, the Washington Post, người ta
cũng nói: “Lần đầu tiên mới thấy được một ông Trump Tổng Thống!” – a
presidential Trump!
Sự thực là người ta đã thấy ông Trump “lột xác”,
hoàn toàn cố tình thay đổi, từ cách ăn mặc đến cử chỉ, dáng điệu, và lời nói.
Chúng ta hãy đọc ghi nhận thú vị sau đây của phóng viên tờ USA Today:
“Tạm biệt, chiếc cà-vạt dài quá mức, đỏ chói trong ngày đăng quang. Xin
chào, một ông Trump nay có vẻ tổng thống hơn.
Khi Tổng Thống Trump đến dự buổi phát biểu đẩu tiên
với Quốc Hội lưỡng viện đêm thứ ba, ông lựa chọn một phong cách trau chuốt hơn
so với những gì chúng ta đã thấy trong quá khứ: một chiếc áo ngoài vừa vặn, tay
áo ngắn hơn, cà-vạt dài vừa phải, một khuy áo cài lại.
Đó là một sự cải tiến mỹ thuật từ một bộ đồ thùng
thình, tay áo quá dài và một cà vạt màu đỏ ông vốn ưa thích – một hình dáng bên
ngoài đặc trưng cho người làm việc trên Capitol Hill, bị gò ép trong những
trang phục không vừa vặn từ lâu đã là một khuôn mẫu quen thuộc.
Tuy thế, vào đêm thứ ba, áo jacket của Trump nằm gọn
ghẽ ở ngang mình. Cài một nút cũng tạo nhân dáng gọn gàng. Tay áo của ông ngắn
vài inches, làm khổ người của ông cao hơn một tí. Cổ tay áo, măng-sét vẫn như
thế, nhưng dễ nhận thấy hơn. Chiếc cà-vạt có sọc chéo màu xanh nước biển nhẹ
nhàng trông cũng bớt nghiêm trọng mà thêm hòa nhã.
Cái nhân dáng đó nói chung – trau chuốt hơn và không
có vẻ đóng hộp theo thời trang những năm 80 – đã phù hợp với bài diễn văn của
ông, ít nổ hơn và lạc quan hơn trong giọng điệu so với bất cứ bài nói chuyện
nào trong thời gian ông vận động tranh cử hay cả bài diễn văn đọc ngày đăng
quang. Tóc của ông cắt ngắn phần nào và chải ra sau, nhẹ nhàng nhưng dễ thấy,
đã góp phần vào sự thay đổi chung này”.
Tuy nhiên, bài báo này cũng để nhẹ: “Xem chừng ông tổng
thống đã nghe lời khuyên từ nhiều người phê phán, trong đó có tạp chí thời
trang nam giới GQ, tháng qua đã đưa lên một video cho những lời khuyên cho ông
Trump cải thiện nhân dáng của mình. Nhưng có đề nghị gì ông đã không chấp nhận?
Chính là một thông điệp chính trị mới”.
Thực ra, bài diễn văn của ông đã bắt đầu trong khí
thế hùng hồn, giọng điệu hiệu triệu của một vị nguyên thủ quốc gia mà trước đó
chúng ta chưa hề nghe từ ông. Cứ nhớ lại mở đầu thù hận trong bài diễn văn nhậm
chức. Nay, sau môt tháng trong Tòa Bạch Ốc, tưởng như ông muốn nói lên một
thông điệp mới.
“Tốí hôm nay, khi chúng ta kết thúc kỷ niệm Tháng Lịch sử Da đen, chúng
ta nhớ đến con đường của đất nước đấu tranh cho dân quyền và những việc còn phải
làm. Những đe dọa gần đây nhằm vào những Trung tâm Cộng đồng Do Thái và nạn phá
phách những nghĩa trang của người Do Thái, cũng như vụ bắn giết tuần qua tại
Kansas City, đã nhắc chúng ta nhớ rằng trong khi chúng ta có thể là một đất nước
phân hóa về lựa chọn chính sách, chúng ta là một quốc gia thống nhất trong việc
lên án sự thù ghét và tội ác dưới tất cả mọi dạng.
Mỗi thế hệ người Mỹ bàn giao ngọn đuốc nêu cao những giá trị về sự thật,
tự do và công lý – trong một chuỗi mắt xích chưa hề bị đứt đoạn từ trước kéo
dài cho đến nay. Ngọn đuốc đó nay trong tay chúng ta. Và chúng ta sẽ dùng nó để
thắp sáng thế giới.
Tôi đứng đây tối nay để chuyển đi thông điệp đó về sự đoàn kết và sức mạnh,
và thông điệp này đã được chuyển đi sâu đậm từ con tim của tôi.
Một chương mới của sự Vĩ đại của Hoa Kỳ đang bắt đầu.
Một niềm tự hào quốc gia mới đang lan dần khắp nước.
Và một niềm lạc quan mới đang làm cho những giấc mơ không thể có được nay
đã chắc chắn trong tầm tay của chúng ta.
Những gì nay chúng ta đang chứng kiến chính là sự Phục hưng của Tinh thần
nước Mỹ.
Những đồng minh của chúng ta sẽ thấy rằng nước Mỹ một lần nữa sẵn sàng
lãnh đạo.
Tất cả những nước trên thế giới này – bạn hay thù – sẽ thấy một nước Mỹ mạnh,
một nước đầy tự hào và một nước Mỹ tự do”.
Cũng với giọng điệu anh hùng và dông dài đó, ông kết
thúc bài diễn văn, nhấn mạnh viễn ảnh đất nước chín năm nữa, nước Mỹ kỷ niệm
250 năm, cũng là năm ông Trump nghĩ mình có thể kết thúc hai nhiệm kỳ và tự
chiêm bái thành quả của mình:
“Hãy tưởng tượng những điều kỳ diệu đất nước chúng ta có thể biết đến vào
năm Mỹ quốc được 250 năm.
Hãy nghĩ đến những điều ngoạn mục chúng ta có thể thực hiện đơn giản nếu
chúng ta giải phóng cho giấc mơ của người dân.
Trị liệu những bệnh tật vẫn thường xuyên làm chúng ta khốn khổ không phải
là điều quá lớn không thể hy vọng.
Vết chân của người Mỹ đến những thế giới xa xăm không phải là giấc mơ quá
lớn.
Hàng triệu người thoát khỏi chế độ phúc lợi để có công ăn việc làm chẳng
phải là chuyện quá đáng không thể mong đợi.
Và những con đường khi người mẹ an toàn không phảỉ lo sợ – những ngôi trường
trẻ em có thể an lành học hành – và những việc làm người Mỹ có thể no đủ và
sung túc – chẳng phải là chuyện lớn lắm không thể đòi hỏi.
Khi chúng ta có được tất cả những thứ này, chúng ta đã làm cho nước Mỹ vĩ
đại hơn bao giờ hết. Cho tất cả người dân Mỹ.
Đó là tầm nhìn của chúng ta. Đó là sứ mệnh của chúng ta.
Nhưng chúng ta có thể cùng nhau đạt đến đích đó.
Chúng ta chung nhau một đất nước, với cùng một định mệnh.
Chúng ta chung nhau một dòng máu.
Chúng ta cùng chào một lá cờ.
Và chúng ta cùng được một Thượng Đế tạo ra.
Và khi chúng ta hoàn thành được tầm nhìn này; khi chúng ta chào mừng 250
năm của đất nước chúng ta trong tự do vinh quang, chúng ta sẽ nhìn lại câu chuyện
tối nay khi chương mới Hoa Kỳ Vĩ Đại bắt đầu.
Cái thời suy nghĩ nhỏ mọn đã chấm dứt. Cái thời cứ xung đột không đâu phải
chấm dứt.
Chúng ta chỉ cần dũng cảm để chia sẻ giấc mơ đang tràn ngập con tim chúng
ta.
Dũng cảm để nói lên những hy vọng làm cho linh hồn chúng ta thăng hoa.
Và niềm tin để biến hy vọng và ước mơ thành hành động.
Kể từ nay, Hoa Kỳ sẽ thêm sức mạnh bằng ước vọng của chúng ta, không phải
bị trĩu nặng vì lo sợ.
Được cảm hứng trước tương lai, không bị ràng buộc vì những thất bại trong
quá khứ.
Được dẫn dắt bởi tầm nhìn của chúng ta, không phải bị mù quáng trước những
nghi hoặc.
Tôi yêu cầu tất cả công dân hãy tiếp nhận sự Phục hưng Tinh thần Nước Mỹ.
Tôi yêu cầu tất cả thành viên của Quốc Hội hãy cùng với tôi mơ ước những chuyện
to lớn, mạnh dạn và dũng cảm cho đất nước chúng ta. Và tôi yêu cầu mọi người
đang theo dõi tối nay hãy nắm lấy thời điểm này và –
Hãy tin vào chính mình.
Hãy tin vào tương lai của mình.
Và tin, một lần nữa, vào nước Mỹ”.
Phải nói rằng nhiều người nghe ông hô toàn khẩu hiệu
như thế, họ thấy thích thú – nhất là những người Cộng Hòa đang trông chờ cơ hội
tung hô tổng thống của mình. Cho nên ông Mitch McConnell, chủ tịch Thượng Viện,
có vợ là bà Elaine Chao nay đang là bộ trưởng của Trump, nói ngay Tổng Thống
Trump đã có một bài diễn văn tạo phấn khởi cho Quốc Hội, và “cho cả những người
chưa ủng hộ Donald Trump, ông thực sự đã trở thành tổng thống tối nay”. Ông nói
rằng bài diễn văn được hoan nghênh không chỉ vang dội “từ phía chúng tôi, mà
còn được hoan nghênh và kính trọng từ cả phía bên kia nhiều hơn tôi mong đợi”.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas, từng không đội trời chung với Trump, cũng
nói bài diễn văn của ông đã mở ra một viễn ảnh tích cực, đoàn kết, và ông Trump
đã nói với quần chúng lao động đã bỏ phiếu cho ông.
Những nhận định đó, tuy nhiên, quá sớm và không sâu.
Bởi vì ông Trump vì lẽ thường háo thắng quyết làm điều
ngoạn mục để cho thấy mình là presidential, nhưng bản tính muôn thuở muốn chứng
tỏ mình hơn người cho nên cũng không chận được “khẩu nghiệp” của mình (cái này
cũng khó với người cầm bút). He’s a politician, not a statesman.
Trong bài diễn văn này, ông vẫn không tiếc lời đả
phá không chỉ Tổng Thống Obama mà hầu như tất cả các cựu tổng thống của nước Mỹ
– cho thấy ông chẳng hiểu gì về những thử thách căng thẳng của Mỹ từ thời chiến
tranh lạnh cho đến trật tự quốc tế hỗn loạn hiện nay, từ thời kinh tế thế giới
phi cạnh tranh đến toàn cầu hóa… Và cách nói chuyện mỵ dân khích động vẫn còn
đó: “Tôi sẽ không cho phép những lỗi lầm
đã phạm trong những thập niên qua định hướng đi trong tương lai. Đã quá lâu,
chúng ta đã thấy giới trung lưu của Mỹ bị nhận chìm khi chúng ta xuất cảng công
ăn việc làm và tài sản đến nước ngoài. Chúng ta tài trợ và xây dựng từ dự án
toàn cầu này đến dự án toàn cầu khác, nhưng quên đi số phận của con trẻ của
chúng ta trong những khu nội thành ở Chicago, Baltimore, Detroit – và rất nhiều
nơi khác trên đất nước chúng ta. Chúng ta bảo vệ biên giới những nước khác,
trong khi để cửa biên giới chúng ta cho ai muốn vào cũng được – và cho ma túy
tràn vào đến mức chưa từng có trước đây. Chúng ta đã chi hàng ngàn tỷ đô-la ở
nước ngoài, nhưng để cơ sở hạ tầng của chúng ta đình đốn, rệu rã”.
Trump vẫn còn luận điệu bài bác cơ chế chính trị
chính thống của Mỹ. Tại sao những người Cộng Hoa vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Trump vẫn không thấy khiêm tốn tối thiểu của một người
mới chân ướt chân ráo vào Nhà Trắng là cần thiết, ông vẫn tin sự ủng hộ của quần
chúng “cách mạng da trắng” cũng đủ cho phép ông ba hoa, tô vẽ những chuyện ông
đang hay sẽ làm và làm như tất cả đã dễ dàng xong cả, chỉ việc tung hô, ăn mừng
là xong. Cách ông nhấn mạnh chữ “tôi” thay vì “chúng ta” quả thật là
“haissable”, và ông cứ muốn đề cao cá nhân của mình bất kể một thực tế ngàn đời
là trong cơ chế tam quyền phân lập của Mỹ cùng với sự giám sát của Đệ Tứ quyền,
“một cây làm chẳng nên non”. Đó là lý do ông cứ nhấn mạnh báo chí là “kẻ thù của
nhân dân”.
Điều đáng “phàn nàn” trong diễn văn này là ông không
bỏ được tật lớn đưa ra những chứng cớ, số liệu sai lạc, không chính xác, để
minh chứng điều ông nói. Ví dụ như ông nói “có 94 triệu người đứng ngoài lực lượng
lao động”. Đương nhiên, vì con số này gồm những người trên 16 tuổi mà không làm
việc – những người trên 65 tuổi đã hưu trí, học sinh và sinh viên đang đi học,
người tàn phế, những cha mẹ ở nhà… Theo thống kê lao động, số người thất nghiệp
– đang đi kiếm việc làm – chỉ có 7.6 triệu người. Một thước đo ông không đụng đến
là tỷ lệ người lao động trong dân số trên 16. Con số này cho chúng ta một ý niệm
chính xác hơn về hiện trạng lao động trong nền kinh tế. Ông phê phán tình trạng
nợ nần dưới thời Obama như chúa chổm, nạn mất việc làm trong kỹ nghệ, và thiếu
hụt ngoại thương. Ông quay lưng với sự thật là kinh tế đã hồi phục dưới thời
ông Obama. Ông tán tụng thành tích của chính mình dù chỉ mới lên: “Từ khi tôi đắc cử, Ford, Fiat-Chrysler,
General Motors, Sprint, Softbank, Lockheed, Intel, Walmart và nhiều công ty
khác đã thông báo sẽ đầu tư hàng tỷ dollars vào nước Mỹ và sẽ tạo ra hàng chục
ngàn công việc mới cho người Mỹ”. Chỉ có điều những quyết định này đã có từ
trước trong kế hoạch kinh doanh dài hạn của những công ty này. Quyết tâm hủy bỏ
Obamacare cho dù chưa có kế hoạch thay thế, ông lập lại “bảo phí y tế theo
chương trình này đã tăng đến 2-3 chữ số trong năm qua”. Đúng là bảo phí có
tăng, nhưng không đến mức ông cường điệu, và đây là vấn đề phức tạp, cần phân
tích nguyên do hơn nhận định một cách hời hợt – nếu ta xét gần 25 triệu người
đang cần chương trình bảo hiểm y tế này!
Lãnh tụ Dân Chủ tại Thượng Viện Chuck Schumer nói
“những bài nói chuyện của ông Trump và thực tế quá tách rời. Cho đến khi thực tế
của ông bắt kịp những bài diễn văn, ông đã vướng nhiều chuyện nan giải”. Cựu thống
đốc Kentucky, Steven Beshear, đã có bài đáp từ, nói ông Trump đã bỏ rơi giới
lao động bỏ phiếu cho ông khi ông chọn một nội các chỉ toàn triệu phú và tỷ
phú. “Đó không phải là lãnh tụ của
chúng ta. Ông là lãnh tụ của Wall Street”. Ông cũng nói “Một lãnh tụ
đích thực không cổ xúy nhạo báng và chia rẽ. Một lãnh tụ đích thực phải củng cố,
thống nhất, hợp tác, và cho những giải pháp thực sự thay vì đe dọa và trách
móc. Ông Trump đã khai chiến với người tỵ nạn, di dân và làm nguy hại an ninh
quốc gia khi bắt tay với Nga”.
Ông Trump đã đầu tư nhiều công sức vào bài diễn văn
này, nhưng dường như lợi nhuận chính trị có được đã bị cuốn trôi nhanh chóng.
Chưa đến 14 giờ sau đó, người ta không còn thì giờ nhắc đến bài diễn văn này nữa
vì có không thiếu gì chuyện mới để nói.
Nào là chuyện Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions khi ra
điều trần trước Quốc Hội để được chấp nhận đã nói ông chưa hề gặp viên chức nào
của Nga trong thời gian ông Trump tranh cử. Sự thực: ông đã gặp đại sứ Nga hai
lần! Nay khi bị áp lực buộc phải từ chức, ông nói ông sẽ không can dự vào cuộc
điều tra về quan hệ liên lạc giữa một số người của ông Trump vớí người Nga.
Chuyện này xảy ra sau khi ông cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn của Trump
ngồi chưa nóng chỗ đã phải từ chức vì che giấu chuyện quan hệ, móc nối với Nga!
Cũng có chuyện ông Phó Tổng thống Mike Pence từng
trách bà Hillary Clinton sử dụng nhập nhằng email riêng trong việc công, thì
nay người ta biết khi còn là thống đốc, chính ông Pence trong bao năm liền cũng
chơi cái mửng này.
Và khi mọi người đang nghĩ vụ Flynngate hay
Russiagate sẽ bùng nổ tương tự Watergate của Nixon năm 1972, ông Trump hoặc
phát điên hoặc khôn ngoan dẫn dắt dư luận vào một hướng khác, nhắm vào Obama.
Hôm thứ bảy 4 tháng Ba, ông tweet: Terrible! Just found out that Obama had my
“wires tapped” in Trump Tower just before the victory. Nothing found. This is
McCarthyism!
Ông Trump tố cáo ông Obama lạm quyền, đã cho lệnh
theo dõi liên lạc qua mạng và điện thoại của ông Trump và ban tranh cử với người
Nga. Ông Trump không đưa ra được chứng cớ, nhưng cứ đòi Quốc Hội phải “điều
tra” để tìm chứng cớ cho ông.
Đúng là “một liều ba bảy cũng liều”. Chẳng sợ “gậy
ông đập lưng ông” – chỉ mở đường cho ông Pence hay Paul Ryan sau này!
Hoàng
Ngọc Nguyên
---------------------------
TIN
LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment