16 tháng 3 2017
Thượng
nghị sỹ gốc Việt của tiểu bang California giải thích lý do khiến bà phản đối cố
Thượng nghị sỹ Tom Hayden, nhân vật từng tham gia phản đối chiến tranh Việt
Nam và là chồng cũ của diễn viên điện ảnh Jane Fonda.
Ông Tom Hayden qua đời hồi tháng 10/2016.
Ông Tom Hayden từng phản đối cuộc chiến Việt Nam và cũng hoạt động kêu gọi
kết thúc nhiều cuộc chiến khác. MICHAEL
BUCKNER/GETTY IMAGE
Bà Janet Nguyễn mở đầu phần phát biểu hôm 23/2 bằng
tiếng Việt, sau đó nói bằng tiếng Anh, phản đối việc ông Tom Hayden "ủng hộ
Cộng sản Việt Nam".
"Tôi và những người con của Chiến sỹ Việt Nam Cộng
Hòa sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ của cựu Thượng nghị sỹ Tom Hayden cho Cộng
sản Việt Nam và sự đàn áp của Cộng sản Việt Nam đối với người dân Việt Nam.
"Sau 40 năm, việc làm của các vị như ông đã hại
người dân Việt Nam và đã ngăn cản những người Việt Nam vượt biên như gia đình
chúng tôi đến đất nước tự do Hoa Kỳ."
Chỉ vài chục giây sau khi phát biểu, bà Janet Nguyễn
nhiều lần được yêu cầu ngừng và ngồi xuống trước khi bị tắt mic và Thượng nghị
sỹ Bill Monning nói bà vi phạm nội quy, đồng thời yêu cầu nhân viên an ninh đưa
ra khỏi phòng họp Thượng viện California.
Trong cuộc phỏng vấn với Hồng Nga tại văn phòng của
bà ở Garden Grove, Quận Cam, hôm 11/3, bà Janet Nguyễn nói:
"Nhiều người ở Thượng viện [vẫn] nghĩ
ông Tom Hayden là đúng, đồng thời các cộng đồng khác cũng nhìn vào
Thượng viện, nên tôi muốn đưa ra trải nghiệm của một người tỵ nạn, một người
con của một cựu chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa.
Đó không chỉ là lời nói của Janet, mà là lời nói của
người Mỹ gốc Việt ở khu vực này, ở tiểu bang California.
Nhiều người nói ông ta tốt, ông ta là một anh hùng.
Thì chúng tôi nói lại: có thể ông ta là người anh hùng đối với quý vị, chứ
không phải đối với chúng tôi, và chúng tôi muốn cho quý vị biết về hành động của
ông ta.
"Thượng viện phải bảo vệ quyền lợi của người
dân. 40 thượng nghị sỹ đại diện cho 40 triệu người dân Cali. Nếu ở Thượng
viện mà [tôi] bị bịt miệng thì ở đâu người ta cũng có thể bị bịt
miệng. Các thượng nghị sỹ bên đảng Dân chủ đã sai.
Cho tới nay, họ vẫn không chịu xin lỗi cộng đồng [người
Mỹ gốc Việt]."
Thiếu
tế nhị?
Khi được hỏi liệu mang chuyện 40 năm trước ra để
chỉ trích một người cũng không còn sống nữa, liệu có phải là thiếu tế nhị hay
không, bà Janet Nguyễn nói:
"Hai hôm trước đó, Thượng viện tổ chức vinh
danh ông Tom Hayden cho dù ông ta làm thượng nghị sỹ từ hai chục năm trước rồi,
chúng tôi đã có sẵn giấy tờ chuẩn bị phát biểu rồi. Nhưng khi bước vào Thượng
viện, thấy gia đình ông ngồi đấy với bạn bè và một số cựu thượng nghị sỹ từng
làm việc với ông, chúng tôi quyết định không phát biểu mà sang phòng khác ngồi
một tiếng rưỡi đồng hồ.
Chúng tôi tôn trọng gia đình ông ta và đã im lặng.
Hai ngày sau chúng tôi mới phát biểu để bày tỏ quan điểm về ông ta.
Về thủ tục thì chúng tôi đã cho văn phòng ông Chủ tịch
Thượng viện biết. Trong email của văn phòng ông gửi lại cho chúng tôi, họ nói
là cần tôn trọng quan điểm của những người khác về ông Tom Hayden và nếu bà muốn
phát biểu gì thì nên viết đăng trên Facebook hay website, nếu ngày mai bà nói
gì tại Thượng viện thì sẽ bị coi là vi phạm.
Họ đã hăm dọa tôi thế đấy."
Thượng nghị sỹ Janet Nguyễn phát biểu trước khi bị đưa ra khỏi cuộc họp ở
Sacramento hôm 23/2
Bà Janet Nguyễn bác bỏ rằng quyết định lên tiếng của
bà mang tính chính trị và nói đây chỉ là cất tiếng nói đại diện cho cộng đồng
người Mỹ gốc Việt.
Bà nói bà rất mừng vì đã được nhiều sự ủng hộ của
cộng đồng, đồng thời kêu gọi người gốc Việt đoàn kết để "nâng cao tiếng
nói của chúng ta".
"Sau 40 năm, chúng ta mới có một thượng nghị sỹ
gốc Việt. Nếu đứng đó mà không cất tiếng người ta sẽ nghĩ là cộng đồng của
chúng ta không mạnh, không ra gì.
Thực ra chúng ta đã lớn mạnh lắm rồi, con cái chúng
ta đã là bác sỹ, nha sỹ, kỹ sư... và người nào ứng cử ở đây đều phải cần lá phiếu
của người Mỹ gốc Việt chúng ta.
Chúng ta phải đoàn kết, cho họ biết sức mạnh của
cộng đồng chúng ta".
'Nếu
theo đúng nội quy sẽ tốt đẹp hơn nhiều'
Trong khi đó cũng có ý kiến cho rằng việc làm của
bà Janet Nguyễn là "chính đáng" nhưng cần cân nhắc kỹ càng hơn.
Luật sư Lê Công Tâm, người từng hợp tác với bà
trong nhiều năm, nói: "Nếu bà Janet Nguyễn đi theo đúng nghị trình và
nội quy của Thượng viện thì sẽ tốt đẹp hơn nhiều".
Luật sư Tâm, nay làm phụ tá cho một giám sát viên
gốc Việt tại Quận Cam, giải thích: "Nếu bà gây khó cho họ ở Thượng
viện thì họ cũng sẽ gây khó khăn ngược lại cho bà".
"Cộng đồng gốc Việt, nhất là ở Quận Cam, đưa
bà lên làm đại diện cho họ với bao nhiêu đóng góp về tinh thần và vật chất. Họ
kỳ vọng ở bà, là nay họ có người đại diện cao cấp nhất tại Quốc hội của tiểu
bang để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Thế nhưng nay nếu bà không tuân thủ nội quy Thượng
viện thì những dự luật mà bà đưa ra tại đó họ có thể bỏ qua, coi không có giá
trị. Đó là thiệt thòi lớn cho cộng đồng người Việt.
Đáng ra nếu muốn bày tỏ chính kiến, bà nên làm ngay
ngày ông Tom Hayden mất 23/10/2016. Đó cũng là kỷ niệm ngày trưng cầu dân ý
thiết lập Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam.
Thế nhưng bà chọn thời điểm này, khi mà bà chuẩn bị
phải tái tranh cử năm 2018 nên có thể hành động của bà bị xem là động cơ thiếu
trong sáng.
Nhất là bà thuộc đảng thiểu số ở Thượng viện
California, đối chọi với đảng chiếm đa số tuyệt đối là đảng Dân chủ. Đảng Dân
chủ bên ông Tom Haydon kiểm soát Thượng viện có thể gây khó dễ cho chính sách
của bà".
Tuy vậy, Luật sư Lê Công Tâm cho rằng ủng hộ của
cộng đồng gốc Việt ở địa phương dành cho Janet Nguyễn vẫn rất lớn.
----------------------------
No comments:
Post a Comment