Friday, March 3, 2017

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG BỊ Ô NHIỄM NẶNG (Nhóm Phóng Viên RFA)




Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2017-03-02

Thành phố Đà Nẵng, nơi mà trước đây vài năm được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam nhưng chẳng bao lâu sau đó, mọi sự trở nên tệ hại hơn người ta tưởng tượng rất nhiều. Ngoài các vấn đề như bờ biển lở lói, sản phẩm và người Trung Quốc xuất hiện đầy rẫy thành phố, giờ lại thêm nạn các kênh rạch ở thành phố ngày càng dơ dáy, hôi thối và cá chết hàng loạt, nước bẩn đen ngòm, môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Kênh Tân Trào ở Đà Nẵng. RFA

Chất thải công nghiệp

Một cư dân Đà Nẵng tên Nghinh, chia sẻ: “Chuyện cá chết này xảy ra hôm Mồng Một âm lịch kia, cá chết nhiều lắm, các anh bên môi trường vớt rồi chở đi chôn. Nhưng cũng không hết đâu, vì nó còn nằm lẫn trong bèo rất là nhiều. Nước không phải do bị ao tù dẫn đến cá chết mà do bị dầu nhớt ở đâu chảy ra đây rất nhiều. Cách đây vài hôm, nhớt từ chỗ cống ngầm chảy ra làm đen cả một vùng nước và đóng váng nên cá rô phi chịu không nổi, chết hàng loạt. Trước đây mỗi chiều các anh em câu ở đây nhiều lắm nhưng bữa nay họ không câu nữa vì không khí ô nhiễm, thối quá. Tôi thì đứng cậu ráng con cá tràu (cá lóc) vì nó chưa chết, mình câu vô tư…”

Ông Nghinh khẳng định vụ cá chết ở kênh Tân Trào, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng trong mấy ngày vừa qua là do nước thải công nghiệp chứ không do gì khác. Ông cho thêm là nếu bây giờ, một chuyên gia nào đó về lấy mẫu nước, sau đó nghiên cứu rồi công bố là do tảo hay gì đó thì điều này hoàn toàn không thuyết phục được ông.

Bởi hằng ngày ông câu cá trên con kênh này, ông biết từng ngóc ngách của con kênh. Và chỗ mà ông quan tâm nhất là một cống ngầm chảy ra từ một cụm công nghiệp ở Hòa Khánh, nước từ chỗ cống ngầm này chảy ra thường đen đúa và nổi váng dầu. Trong đợt cá chết vừa qua, khu vực cá chết nặng nhất cũng trùng với khu vực mà nước đen từ cống ngầm này chảy ra nhiều nhất.

Mà theo kinh nghiệm của một người câu cá lâu năm, hiểu được đặc tính của từng loài cá thì nếu như nước bị nhiễm độc, tất cả các loài cá đều bị chết. Trường hợp nước bị nhiễm hàm lượng dầu mỡ nào đó không quá dày nhưng cũng đủ làm cho lượng oxy trong nước bị thiếu hụt bởi trao đổi không khí trên mặt nước bị cắt đứt thì cá rô phi sẽ là loại bị chết đầu tiên và chết hàng loạt.

Cá rô phi chết ở kênh Tân Trào, Đà Nẵng. RFA PHOTO

Và trong đợt cá chết vừa qua, chỉ có cá rô phi bị chết hàng loạt, số lượng cá rô phi chết nổi trên mặt nước có thể lên đến hàng chục tấn. Riêng cá lóc và cá rô đồng hầu như không con nào bị chết. Điều này chứng tỏ nước bị thiếu oxy và hàm lượng dầu nổi trên mặt nước đã vượt quá sức chịu đựng của cá rô phi nhưng chưa thể làm cho các loài cá khác phải chết.

Ông Nghinh than phiền với chúng tôi là hầu hết các kênh, rạch tại Đà Nẵng đã bị ô nhiễm trầm trọng. Bởi chỉ trong vòng ba năm, số lượng nhà cửa, công xưởng và khách sạn ở Đà Nẵng tăng lên gấp ba lần nhưng có một số kênh rạch bị lấp đi để lấy mặt bằng xậy dựng, các con sông bị lấn dòng bởi công trình xây dựng. Lưu lượng rác thải tăng nhanh và hầu như chưa có phương án xử lý rác thải cũng như chất thải công nghiệp hợp lý cho Đà Nẵng. Và có vẻ như càng ngày, lượng rác thải tập trung ở các góc đường, các bãi đất làm trạm trung chuyển còn sót lại càng nhiều. Người ta dọn đi một cách qua loa chiếu lệ, thậm chí lượng bao nilon và các bịch chứa rác thải trôi lềnh bềnh trên mặt nước ở các kênh rạch ngày càng thêm nhiều.

Biển nhiễm đỏ

Một người dân sống ven biển Đà Nẵng, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Môi trường Đà Nẵng hiện nay là áp lực hơi nhiều, tiền thuế tăng, lộn xộn và các khoản phí cũng nhiều hơn. Nhìn chung, dân cư nhiều hơn, xây dựng nhiều hơn, khách du lịch Trung Quốc nhiều hơn và mọi thứ trở nên lộn xộn…”.

Theo vị này, vấn đề môi sinh ở thành phố thuộc vào diện sạch và đẹp nhất Việt Nam này đã bị khủng hoảng trầm trọng. Từ các kênh rạch đến bờ biển và an ninh thành phố đều có vấn đề. Nếu như trước đây, Đà Nẵng không có trộm cắp, không có xì ke ma túy, không có cướp giật thì hiện nay, những thứ đó đã xuất hiện và nguy cơ có từng ổ lớn đang ẩn mình trong thành phố, đến khi nó vỡ ra thì không biết đâu mà lường.

Vị này chia sẻ thêm là hiện tại, khi mà lượng khách du lịch chiếm con số đông nhất luôn là người Trung Quốc, đi bất kì hang cùng ngõ hẻm nào trong thành phố này đều có thể gặp người Trung Quốc đi lang thang, lượng rác thải do khách du lịch xả ra nhiều vô kể. Điều này khác hẳn với Đà Nẵng trước đây vài năm, hầu hết khách du lịch đều đến từ các nước châu Âu, Nhật Bản và Sài Gòn, Hà Nội, thành phố sạch, đẹp hơn bây giờ rất nhiều.

Vị này tỏ ra tiếc nuối khi đưa ra nhận định rằng Đà Nẵng đã phát triển nóng, nếu không muốn nói là quá nóng. Nghĩa là thành phố này cũng rơi vào tình trạng giống như rất nhiều thành phố khác ở Việt Nam, chú trọng vào các công trình xây dựng, mở rộng thương mại, dịch vụ với tốc độ chóng mặt. Trong khi đó, vấn đề văn hóa và lựa chọn đối tượng du lịch bị bỏ lơ. Điều này dẫn đến tình trạng Đà Nẵng bị những trận gió độc từ văn hóa đến lối sống, cách hành xử với thiên nhiên đã liên tục thổi vào khiến cho thành phố này nhanh chóng nhiễm bệnh, từ vật chất đến tinh thần.

Hiện tại, theo như nhận định của vị giáo sư về hưu này, thành phố Đà Nhẵng chẳng còn đáng sống, đáng ca ngợi hay đáng tự hào như trước đây. Bởi khói bụi, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, bởi biển lở lói, nhiễm độc đỏ… Dường như tất cả những dấu hiện của sự xuống cấp đều có ở thành phố ông đang sống.

Có thể nói rằng, hiện nay, không riêng gì thành phố Đà Nẵng mà hầu hết các thành phố, tỉnh thành có bờ biển ở miền Trung đang rơi vào tình trạng khốn đốn và kiệt quệ bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó nổi cộm nhất vẫn là biển nhiễm độc trầm trọng, người Trung Quốc sang làm ăn, sinh sống và mang theo những thói quen kì lạ của họ khiến cho các thành phố này nhanh chóng bị thay đổi, trở nên lạ lẫm và trần trụi hơn.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.




No comments: