Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017
(GS
Nguyễn Văn Tuấn 18/03/2017) Nhân sự việc
các quan chức văn hoá cấm hát 5 ca khúc được sáng tác trước 1975, tôi có cảm hứng
chia sẻ cùng các bạn vài cảm nhận của tôi về dòng nhạc bị vùi dập đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao những
bài ca đã được sáng tác hơn nửa thế kỷ trước mà đến nay vẫn còn được giới thưởng
ngoạn, từ bình dân đến lịch lãm, đều ưa thích. Tôi nghĩ đến 4 lý do và
cũng là đặc điểm của những ca khúc trước 1975 ở miền Nam: tính nhân văn, tự
do tư tưởng, tính phong phú, và giàu chất nghệ thuật.
Thứ nhất là đậm
chất nhân văn.
Nếu nhìn lại
những bài ca trước 1975 ở miền Nam và so sánh với những sáng tác ở miền Bắc,
tôi nghĩ ít ai có thể bác bỏ tính nhân văn trong các sáng tác ở trong Nam. Khi
nói "nhân văn", tôi không chỉ nói đến những sáng tác
về thân phận con người, mà còn kể cả những sáng tác thuộc dòng nhạc lãng mạn,
trữ tình, nói lên cảm xúc của con người trước thời cuộc.
Người ta thường phân nhóm những sáng tác của Trịnh
Công Sơn thành hai nhóm tình yêu và thân phận, nhưng tôi nghĩ cách phân nhóm đó
cũng có thể áp dụng cho nhiều nhạc sĩ khác như Từ Công Phụng chẳng hạn. Tình
yêu không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn tình yêu quê hương đất nước ("Tôi
đi xem để thấy những gì yêu dấu Việt Nam") và giữa người với người
"Tôi yêu bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu"). Thỉnh
thoảng cũng có một vài bài có chất "máu" (như câu
"nhưng thép súng đang còn say máu thù" trong bài "Lính
xa nhà"), nhưng cho dù như thế thì câu kết vẫn có hậu "Hẹn
em khi khắp trời nở đây hoa có tôi về". Có thể nói rằng cái đặc
tính nhân văn và nhân bản của những ca khúc trước 1975 ở miền Nam là yếu tố mạnh
nhất để phân biệt so với các ca khúc cùng thời ngoài Bắc vốn lúc nào cũng có
nhiều mùi máu và súng đạn.
Cái
đặc điểm nổi bật thứ hai là tính nghệ thuật trong các ca khúc.
Khi nói"nghệ thuật" tôi muốn
nói đến những lời ca đẹp, giàu chất thơ, và những giai điệu đẹp. Những bài ca
mà ngay cả từ cái tựa đề đã đẹp. Những Dấu tình sầu, Giáng ngọc, Mùa thu
cho em, Nghìn trùng xa cách, Tuổi biết buồn, Thà như giọt mưa, Giọt mưa trên
lá, Hạ trắng, Diễm xưa, Ướt mi, và biết bao tựa đề có ý thơ và sâu lắng
như thế đã đi vào lòng người thưởng ngoạn. Thử so sánh những tựa đề của các
sáng tác cùng thời ngoài Bắc như Bài ca năm tấn, Em đi làm tín dụng,
Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng, Người mẹ miền Nam tay không
thắng giặc, v.v. thì chúng ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt.
Lời ca trong những ca khúc trước 1975 ở miền Nam
cũng là những lời đẹp. Tôi thán phục những nhạc sĩ như Phạm Duy, Trầm Tử
Thiêng, Hoài Linh [không phải anh hề], Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy
Miên (và nhiều nữa) đã viết ra những lời ca đi vào lòng người. Không phải chỉ
đơn giản nhân văn theo kiểu những ý tưởng trừu tượng trong sáng tác của Trịnh
Công Sơn (ví dụ như "hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về
làm cát bụi", hay "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau"),
nhưng có khi đi thẳng vào vấn đề như Phạm Duy ("tôi yêu tiếng nước tôi
từ khi mới ra đời"). Còn nhiều nhiều bài đã đi vào lòng người qua những
lời ca đẹp và giản dị: "Hôm xưa tay nắm tay nhau anh hỏi tôi rằng: 'Những
gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư / Không tan theo cùng hư vô, không theo
tháng năm phai mờ / Tình nào tha thiết anh ơi?". Có những lời ca mà
tôi nghĩ giới trẻ ngày nay có thể mỉa mai cười khẩy nói sến, nhưng tuổi trẻ thì
thường chưa đủ lớn để cảm những câu như "Tình vui theo gió mây trôi / ý
sầu mưa xuống đời / lệ rơi lấp mấy tuổi tôi / mấy tuổi xa người / ngày thần
tiên em bước lên ngôi đã nghe son vàng tả tơi." (Tình khúc thứ
nhất, nhạc Vũ Thành An, lời thơ Nguyễn Đình Toàn).
Không biết từ thuở nào mà tôi đã mê bài Trộm
nhìn nhau của Trầm Tử Thiêng và đã từng dự báo rằng bài này có ngày sẽ
nổi tiếng. Thời đó, tôi mới về thăm nhà sau 20 năm xa cách, và nhìn người xưa,
tôi thấy những câu "Ðôi khi trộm nhìn em / Xem dung nhan đó bây giờ ra
sao / Em có còn đôi má đào như ngày nào" sao mà hay quá, hợp cảnh quá.
Chỉ trộm nhìn thôi. Lời nhạc rất thơ. Mà, thật vậy, đa số những lời ca trong
các sáng tác trước 1975 được viết ra như vẫn vần thơ hoặc phổ từ thơ. Người phổ
thơ thành nhạc hay nhất là Nhạc sĩ Phạm Duy, được xem như là một "phù thủy
âm thanh". Chính vì thế mà âm nhạc trước 1975 có những lời ca sang trọng.
Thời nay, trong môi trường những ca khúc dung tục, rất hiếm thấy những ca khúc
có những lời ca đẹp như trước.
Lạ một điều là cũng là nhạc tuyên truyền (ở ngoài Bắc
gọi vậy) hay nhạc tâm lý chiến (cách gọi trong Nam), nhưng những sáng tác trong
Nam thì lại được người dân nhớ và xưng tụng. Sau cuộc chiến, những bài gọi là
"nhạc đỏ", dù được sự ưu ái của nhà cầm quyền văn hoá, chẳng ai nhớ
hay muốn nhớ đến chúng. Ngược lại, những sáng tác về người lính ở trong Nam thời
trước 1975 thì lại còn lưu truyền và nuôi dưỡng trong lòng dân, dù nhà cầm quyền
ra sức cấm đoán! Ngay cả những người lính miền Bắc cũng thích những bài hát về
lính của các nhạc sĩ trong Nam. Tại sao vậy? Tôi nghĩ tại vì tính nghệ thuật và
nhân bản trong những sáng tác ở miền Nam. Người lính, cho dù là lính cộng sản
hay cộng hòa, thì vẫn cảm được những câu "Con biết xuân này mẹ chờ tin
con / Khi thấy mai đào nở vàng bên nương" hay "Thư của lính,
ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay". Những lời ca đó không có biên
giới chính trị.
Đặc
điểm thứ ba là tự do.
Dù có kiểm duyệt, nhưng nói chung các nghệ sĩ trước
1975 ở miền Nam có tự do sáng tác. Không ai cấm họ nói lên nỗi đau và những mất
mát của chiến tranh. Không ai "đặt hàng" họ viết những bài ca tụng
lãnh đạo như ngoài Bắc. Thật vậy, nhìn lại dòng nhạc thời đó, chẳng có một ca
khúc nào ca tụng ông Nguyễn Văn Thiệu cả. Có một bài ca tụng ông Ngô Đình Diệm,
nhưng cũng chẳng ai ca vì nó được dùng trong mấy rạp chiếu bóng là chính. Thay
vì ca ngợi "lãnh tụ" dòng nhạc miền Nam ca ngợi con người và dân tộc,
nhưng cũng đồng thời nói lên nỗi đau của chiến tranh.
Trịnh Công Sơn viết hẳn một loạt "Ca khúc Da
Vàng" (mà hình như cho đến nay vẫn chưa được phép phổ biến). Trong thời
chiến mà họ vẫn có thể phổ biến những sáng tác không có lợi cho chính quyền. Những
ca khúc như "Dù anh trở về trên đôi nạng gỗ / Dù anh trở về bằng chiếc
xe lăn" chắc chắn không có cơ may xuất hiện trong âm nhạc miền Bắc thời
đó (và ngay cả sau này). Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất trong thời chiến
có lẽ là bài "Kỷ vật cho em" (phổ thơ của Linh
Phương) với những lời ca ray rứt, bi thảm: "Anh trở lại có thể bằng chiến
thắng Pleime / Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã / Anh trở về anh trở về hàng cây
nghiêng ngả / Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa / Anh trở về trên chiếc băng
ca / Trên trực thăng sơn màu tang trắng." Nghe nói ca khúc này đã làm
cho chính quyền VNCH rất khó chịu với nhạc sĩ.
Tiêu biểu cho tinh thần tự do sáng tác có lẽ là tự sự
của Phạm Duy: "Tôi đưa ra một câu nói thôi: ‘Khóc cười theo mệnh nước nổi
trôi’ đất nước bơ vơ, nó rối bù đi thì tôi phải khóc thôi. Lúc nào mà đoàn kết
thì tôi cười theo. Khóc cười theo mệnh nước. Cái xã hội mình nó rối tung lên
như vậy thì làm sao mà mình …thành thử tôi nghĩ rằng vấn đề là … Các anh yêu
tôi thì nói là tôi có sự nghiệp hơi đầy đủ, hơi lớn một tí đấy, nhưng mà riêng
tôi thì tôi thấy cho đến giờ phút này thì tôi hoàn toàn thất bại. Bởi vì đất nước
đã thống nhất rồi mà lòng người thì không thống nhất, thành thử đại khái nếu mà
tôi có chết đi thì tôi hãy còn gần như là tôi không được thỏa mãn."
Cái tính tự do còn thể hiện qua một thực tế là chính
quyền thời đó không cấm đoán việc phổ biến các nhạc sĩ còn ở ngoài Bắc. Những
sáng tác của Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, v.v. đều được phổ biến
thoải mái trong Nam. Ngay cả bài quốc ca mà chính quyền vẫn sử dụng bài "Tiếng
gọi thanh niên" của Lưu Hữu Phước vốn là một người cộng sản. Ngược
lại, nhà cầm quyền ngoài Bắc thì lại cấm, không cho phổ biến các sáng tác của
các nhạc sĩ trong Nam hay đã vào Nam sinh sống.
Đặc
điểm thứ tư của âm nhạc ngày xưa là tính phong phú về chủ đề.
Khác với nhạc ngoài Bắc cùng thời tất cả dồn cho
tuyên truyền và kêu gọi chiến tranh, các sáng tác trong Nam không kêu gọi chiến
tranh nhưng yêu thương kẻ thù. Nhạc thời đó đáp ứng cho mọi nhu cầu của giới
bình dân đến người trí thức, từ người dân đến người lính, từ trẻ em đến người lớn
quan tâm đến thời cuộc, từ tình yêu lãng mạn đến triết lý hiện sinh, từ tục ca
đến đạo ca, từ nhạc trẻ đến nhạc "tiền chiến", từ nhạc tâm lý chiến
(tuyên truyền) đến nhạc chống chiến tranh, nói chung là đủ cả. Không chỉ sáng
tác bằng tiếng Việt mà còn trước tác hay dịch từ các ca khúc nổi tiếng ở nước
ngoài để giới thiệu cho công chúng Việt Nam.
Tôi nghĩ bốn đặc điểm đó có thể giải thích tại sao
những ca khúc dù đã được sáng tác hơn nửa thế kỷ trước mà vẫn còn phổ biến và
được yêu chuộng cho đến ngày nay. Những cấm cản chỉ là biện pháp tuyệt vọng.
Mai kia mốt nọ, nếu có người viết lại lịch sử âm nhạc, tôi nghĩ họ sẽ ghi nhận
những sáng tác thời trước 1975 ở miền Nam là một kho tàng vàng son của âm nhạc
Việt Nam. Như là một quy luật, những bài hát tuyên truyền thuần túy, những bài
ca sắt máu, những sáng tác kêu gọi giết chóc và hận thù sẽ bị đào thải, và thực
tế đã chứng minh điều đó. Đó là những social infection, rất khó tồn
tại trong lòng người thưởng ngoạn. Ngược lại, chỉ có những sáng tác đậm tính
nhân văn, giàu nghệ thuật chất, và phong phú xuất phát từ tinh thần tự do thì mới
tồn tại theo thời gian.
NGUYỄN
VĂN TUẤN
Publié par Thuymy
Rfi à 02:53
No comments:
Post a Comment