Saturday, March 4, 2017

RASPUTIN MỸ (Ngày Nay)




31/01/2017
.
Rasputin Mỹ thời hiện đại
.
NN - (31/01/2017) - Sinh hoạt dân chủ Hoa Kỳ nay đã đổi dạng với sự bổ nhiệm của Stephen Bannon vào ghế thường trực trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Sự bổ nhiệm này đã công khai nhận diện quyền lực đằng sau ngai vàng của ông Trump. Điều nguy hiểm là Tổng thống Trump đã chỉ định người đóng vai quân sư trong trung tâm quyền lực cao nhất đang thành hình tại Tòa Bạch Ốc để trở thành đế chế Trump trong bộ máy công quyền Hoa Kỳ. 

   Dư luận báo chí đang lo ngại cho tương lai sinh hoạt dân chủ Hoa Kỳ vì biết rằng người đã được bầu làm lãnh đạo nước Mỹ trong bốn năm tới đã được nhận diện là một con người có khuynh hướng cai trị bằng cảm tính, dùng khẩu khí một nhà tài phiệt độc đoán để cai trị, bất chấp mọi giá trị truyền thống của Hoa Kỳ. Nay với chức vụ mới tăng cường này, phía đảng Dân chủ cũng đã đoán được sự nguy hại của cương vị ngày càng được nâng cao của Bannon, cho nên đã có một số Nghị sĩ Dân chủ đứng lên phản đối  TT Trump và yêu cầu loại bỏ ông Bannon ra khỏi trung tâm quyền lực ấn định chính sách an ninh của Hoa Kỳ.

   Sự dị ứng của những người dân chủ đối với nhân vật Stephen Bannon là do những quan điểm và hành động của Steve Bannon trong quá khứ đã để lộ rõ những chủ trương kỳ thị da mầu, và quan điểm cực đoan của ông này khi làm Chủ tịch Điều hành hệ thống truyền thông cực hữu Breitbart News, đặc biệt là khi ông ta tuyên bố muốn gây dựng cơ quan truyền thông này thành diễn đàn của phong trào alt-right vốn bao gồm các phần tử dân tộc cực đoan, tân Quốc Xã chống người Do thái và đề cao dân tộc Da trắng, cũng như tàn dư của KKK, vốn đều là những tổ chức có chủ trương đi ngược lại với những giá trị dân chủ nhân quyền truyền thống của Hoa Kỳ.

   Thậm chí đã có một nhà báo Mỹ so sánh quan hệ giữa Stephen Bannon và Donald Trump với ảnh hưởng của Cư sĩ Rasputin đối với Nga Hoàng Nicholas II, khi ông này giành được sự tuân phục tuyệt đối của hai vợ chồng Sa Hoàng cuối cùng của đế quốc Nga khi cứu chữa được Hoàng tử Alexei khỏi bệnh loãng máu. Trong khi đó thì chính Stephen Bannon đã có lần tự so sánh mình với Thomas Cromwell, là nhân vật mưu lược đằng sau Anh hoàng Henry VIII. Cả hai nhân vật lịch sử nói trên đều là những bộ óc quyền biến đứng sau lưng những nguyên thủ đương thời.

   Việc tiến cử Stephen Bannon vào chức vụ Cố cấn cao cấp về chính sách nội trị tại Tòa Bạch Ốc là một dấu hiệu đầu tiên của tầm ảnh hưởng của Bannon đối với vị Tổng thống tân cử Donald Trump. Điểm đáng ngại nhất là sự kiện Stephen Bannon đã nắm được thóp của vị tổng thống tân cử là một con người nông nổi, nóng vội, lại có tính kiêu căng, thường lấy quyết định theo cảm tính và thiếu suy nghĩ. Stephen Bannon đã khai thác những đặc tính trên để tạo được ảnh hưởng với một người lãnh đạo như Trump. Bannon và thuộc hạ đã vận dụng mối đe dọa Hồi giáo Cực đoan để gây ấn tượng với ông Trump về nguy cơ Hoa Kỳ sẽ chuyển biến theo mô hình Pháp và Đức Quốc khi các thành phần Hồi giáo xâm nhập thành công vào trong nền tảng của xã hội hai nước dân chủ Âu châu này và khống chế sinh hoạt chính trị tại đó.

   Quả thật, ngay từ khi tranh cử, ông Donald Trump đã chấp nhận sự dẫn dắt của Stephen Bannon về các mưu chước tranh cử để tạo ảnh hưởng trong giới da trắng cực đoan để lấy phiếu của các thành phần da trắng bất mãn này vì họ đang muốn thay đổi bằng mọi giá đường lối cai trị của Hoa Thịnh Đốn, bất chấp các giá trị căn cốt của xã hội Hoa Kỳ truyền thống. 

   Sự thể đó giải thích tại sao mục tiêu hàng đầu của ông Trump là tiêu diệt ISIS và ngăn chặn bằng mọi giá tiến trình di dân các nước Hồi giáo vào Hoa Kỳ. Mặt khác, Bannon cũng đã trợ giúp ông Trump cưỡng đoạt đảng Cộng hòa để làm bàn đạp tranh cử. Và sau khi thắng cử lại tìm cách tách biệt ra khỏi đảng này để tạo cơ hội xây dựng một hậu phương mới với những thành phần da trắng cực đoan đằng sau Stephen Bannon làm gốc để thay thế nền tãng xã hội dân chủ Hoa Kỳ bằng một cấu trúc xã hội mới hầu phục hoạt quyền lực của dân da trắng.

   Dư luận quần chúng ngày càng đặt nghi vấn về một sự cấu kết giữa Bannon và ông Trump đã thúc đẩy ông Trump cai trị bằng pháp lệnh hầu khỏi phải giải thích và thảo luận với các giới chức trong chính quyền chịu trách nhiệm thi hành các chính sách được ban hành. 

   Thật vậy, một số chính sách mới được ông Trump ban hành bằng pháp lệnh đã không được đem ra trình bầy và thảo luận trước với phía Lập pháp, thậm chí những giới chức Hành pháp có trách nhiệm thi hành các chính sách nói trên cũng đã không hề được thông báo và tham khảo. Điển hình là pháp lệnh cấm công dân thuộc 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ mới được ban hành vào ngày thứ Sáu 28 tháng Giêng vừa qua đã gây ra nhiều xáo trộn tại các cửa khẩu hàng không do những mâu thuẫn trong việc xác định rõ ràng phạm vi áp dụng của pháp lệnh. Những mâu thuẫn trên xẩy ra khi các giới chức thuộc Nhà Trắng và Bộ Nội an đã đưa ra những giải thích trái ngược về đối tượng của pháp lệnh khiến những người thường trú nhân hợp pháp cũng đã bị bắt giữ tại phi trường khi trở về Mỹ. 

   Theo một nguồn tin từ thông tấn AP thì Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Bộ trượng Nội an John Kelly và Bộ trưởng Ngoại giao được đề cử Rex Tillerson đã xác định với thuộc cấp rằng họ chỉ biết rõ nội dung Pháp lệnh này sau khi đã được ông Trump ký ban hành. Bên phía Lập pháp cũng có một số vị dân cử trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết rằng họ không hề được thông báo về nội dung pháp lệnh này và chỉ biết nội dụng của pháp lệnh này qua tường trình của báo chí. Sự thể này đã khiến xẩy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa Tòa Bạch Ốc và Bộ Nội an trong việc giải thích phạm vi áp dụng của pháp lệnh này. 

   Mới đây, mâu thuẫn đã bùng nổ giữa phe Nhà Trắng và phía Bộ trưởng Nội an John Kelly về cách áp dụng Nghị quyết Hành pháp về việc cấm công dân một số nước Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ do ông Trump ký vào ngày thứ Bẩy 28 tháng Giêng vừa qua, khi quan điểm của phía Bộ Nội an miễn trừ cho những người thuộc các nước nói trên nếu họ đã được cấp thẻ thường trú, trong khi phía Nhà Trắng thì muốn lệnh cấm nhập cảnh áp dụng cho cả những thành phần nói trên. 

   Sự bất đồng quan điểm này đã gây ra nhiều trường hợp thành viên các nước nói trên đã được cấp thẻ thường trú nhân của Hoa Kỳ cũng đã bị bắt giữ tại phi trường khi vào Mỹ trong những ngày qua. Sau những xáo trộn gậy ra do việc bắt giữ này, phía Bộ Nội an đã phải chính thức lên tiếng giải thích rằng những công dân nào thuộc 7 nước Hồi giáo đối tượng trong Pháp lệnh cấm nhập cảnh mà đã được cấp thẻ thường trú của Hoa Kỳ không nằm trong số người bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

   Cũng cùng thời điểm này, TT Trump đã ký thêm một pháp lệnh bổ nhiệm Stephen Bannon làm thành viên trường trực trong Hội đồng An ninh Quốc gia, mở rộng ảnh hưởng của Stephen Bannon qua phạm vị chính sách đối ngoại. Đây là lần đầu tiên một cố vấn tổng thống về chính trị được tham gia trực tiếp vào nhóm thành viên thường trực trong hội đồng này. Sự kiện đó khiến cho một số dân cử thuộc cả hai đảng lo ngại rằng những quan tâm về chính trị sẽ ảnh hưởng vào các quyết định thuộc phạm vi an ninh quốc phòng.

   Điều đó đã khiến cho phía đảng Dân chủ, và ngay cả một số dân cử thuộc đảng Cộng hòa, lo ngại rằng TT Trump ngày càng để lộ khuynh hướng chuyên quyền khi vận dụng pháp lệnh để cai trị bằng cảm tính với những quyết định vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Lập pháp. 

   Những mâu thuẫn nói trên chứng tỏ rằng hiện nay dưới thời TT Trump, những pháp lệnh vừa được ban hành trong tuần lễ đầu tiên nhậm chức đã bắt đầu làm xáo trộn đời sống người dân, vì đã được ban hành từ đũng quần, theo nghĩa tác động và ảnh hưởng của các pháp lệnh đó đã không được duyệt xét cẩn thận trước khi ban hành, và được ban hành theo cảm tính của người đứng đầu Hành pháp do đã bị giựt dây từ phía sau, bởi nhân vật hiện đang ở sát bên người đứng đầu Hành pháp là Stephen Bannon. 

   Mới đây vị thế của Stephen Bannon đã được nâng lên thêm một cấp khi được ông Trump bổ nhiệm bằng pháp lệnh làm thành viên thường trực trong Hội đồng An ninh Quốc gia, vốn là nhóm người trực tiếp trách nhiệm về chính sách an ninh quốc gia về mọi lãnh vực hoạt động, từ kinh tế đến an ninh quốc phòng. 

   Mặt khác, Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates, do ông Obama chỉ định để chờ bàn giao cho ông Jeff Sessions, người được chính quyền Trump bổ nhiệm và chưa được Thượng viện chuẩn thuận, đã thảo một chỉ thị ngăn cấm nhân viên Bộ Tư pháp không được bênh vực pháp lệnh này trước tòa nếu bị người dân khiếu kiện vì theo bà pháp lệnh này không hợp pháp và có dấu hiệu vi hiến. Ngay sau đó vào chiều thứ Sáu, bà Yates đã bị ông Trump ký lệnh cách chức và thay thế bằng một vị thẩm phán khác là ông Dana Boente. 

   Cuộc khủng hoảng chính trị thâu hẹp nói trên cũng đã khiến cho một số vị dân cử thuộc đảng Cộng hòa cầm quyền cố gắng tạo khoảng cách đối với Nhóm Nhà Trắng của ông Trump bằng các tuyên bố không can dự đến việc soạn thảo và ban hành pháp lệnh cấm nhập cảnh nói trên. Ngay cả trong hàng ngũ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã có nhiều giới chức cao cấp luân lưu một văn thư tỏ ý chống đối pháp lệnh này, thúc đẩy Phát Ngôn Viên Sean Spicer lên tiếng chỉ trích và tuyên rằng nếu ai không đồng y thì hãy từ chức. Diễn biến trên đây càng làm cho không khí trở nên căng thẳng hơn giữa các thành phần bênh/chống quyết định một chiều của phía ông Trump và Bannon.

   Nhiều dư luận tiết lộ rằng Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đặc biệt phẫn nộ vì không được thông báo và tham khảo trong việc soạn thảo pháp lệnh, Tướng Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford cũng không hài lòng vì không được cho biết nội dung chi tiết của pháp lệnh, và ông Rex Tillerson thì đã cho các cố vấn chính trị của ông Trump biết rằng ông “bẽ bàng” vì không được tham khảo về nội dung pháp lệnh.

   Trách nhiệm đầu tiên nhằm giải tỏa các trở ngại do pháp lệnh gây lên đã trút lên đầu ông Bộ trưởng quốc phòng Mattis khi phía quân đội đã phải tìm cách tháo gỡ sự ngăn cấm nhập cảnh của các thành phần có quốc tịch Iraq đã hợp tác với quân đội Hoa Kỳ suốt cuộc chiến chống Saddam Hussein cho đến ngày nay.

   Trong khi đó thì phe chính thống trong đảng Cộng hòa ngày càng thấy ảnh hưởng của phe mình tàn lụi trong Tòa Bạch Ốc. Người đại diện cho phe nhóm này là Chánh văn phòng Reince Priebus ngày càng phải nhường bước cho phe đang lên là Stephen Bannon và thuộc hạ Stephen Miller, là một ngôi sao đang nổi lên trong phe Tòa Bạch Ốc. Hiện nay, cặp bài trùng này đang dồn nỗ lực vào việc xây dựng một chính sách nội trị mới, dựa theo những chủ trương do Stephen Bannon đề xuất, căn cứ trên một quan điểm chỉ hướng là đảng Cộng hòa đã phản bội giới lao động Hoa Kỳ về mặt chính sách di trú và mậu dịch.

   Các thành phần chính thống trong đảng Cộng hòa cũng đã nhận thức ra nguy cơ bị phe Stephen Bannon loại trừ ra khỏi trung tâm quyền lực trong Nhà Trắng và mất hết ảnh hưởng đối với một chính quyền mà trên nguyên tắc thuộc về đảng của họ.

Không thể loại trừ giả thuyết là đã có một sự rạn nứt không thể hàn gắn giữa đảng Cộng hòa và phe của Stephen Bannon hiện đang ở thế thượng phong trong Nhà Trắng. 

   Tuy nhiên với bản tính quyết đoán và kiêu căng của ông Trump, cũng không thể loại trừ được khả năng là chính ông Trump đang tự đào hố chôn mình với lề lối cai trị bằng pháp lệnh độc đoán đi ngược lại với quan diểm của phe Cộng hòa chính thống, vốn còn đang trong giai đoạn chấn chỉnh hàng ngũ để xây dựng một chủ trương và đường lối thống nhất phù hợp hơn với những giá trị truyền thống của đảng bảo thủ này.

Một quan điểm ngày càng hiện rõ là rất có thể là sẽ đến lúc chính đảng Cộng hòa sẽ giật sập ông Trump bằng một cái bẫy đàn hặc khi ông Trump lún quá sâu vào trong cái hố của thành phần da trắng cực đoan Stephen Bannon.





No comments: