17/03/2017
http://www.voatiengviet.com/a/quan-su-tang-ngoai-giao-giam-duoi-ngan-sach-cua-ong-trump/3770120.html
Giảm
Tổng thống Donald Trump ngày 16/3 gửi đề nghị ngân
sách sang Quốc hội thay đổi mạnh những ưu tiên chi tiêu của quốc gia, chi hàng
tỷ đô la cho quốc phòng trong khi cắt giảm đáng kể ngân sách cho ngoại giao, bảo
vệ môi trường, y tế, cùng các chương trình viện trợ nước ngoài, xóa đói giảm
nghèo.
Ngân sách này giữ đúng lời hứa của ông Trump khi ra
tranh cử bằng cách cắt giảm lực lượng nhân sự của chính phủ.
Theo đó, Bộ Ngoại giao bị cắt 29% ngân sách,
từ 54 tỷ đô la xuống còn 39 tỷ đô. Cơ quan Bảo vệ Môi trường bị giảm 31%
ngân sách. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh bị mất 16%. Công quỹ dành cho Bộ
Nông nghiệp giảm 21%. Bộ Lao động cũng mất 21% ngân sách.
Bộ
Giáo dục bị giảm 14%. Đề nghị cắt giảm ngân sách của ông
Trump cũng kêu gọi giảm tài trợ cho các chương trình trao đổi văn hóa-giáo dục
của Mỹ với các nước trên thế giới. Nhiều chương trình trong số này được xem là
các khoản đầu tư thiện chí lâu dài như chương trình nổi tiếng Fulbright thành lập
từ 70 năm trước.
Nơi bị cắt giảm mạnh nhất là Cơ quan Bảo vệ Môi trường,
nơi mà chính quyền Tổng thống Trump cho là đã được hưởng ngân sách quá mức cần
thiết. Ông Trump muốn giảm ngân sách trị giá 2,6 tỷ đô la cho cơ quan này, một
phần bằng cách xóa sổ 3.200 công việc, tức khoảng 1/5 lực lượng nhân công của sở
này.
Nếu được thi hành, đề nghị của ông Trump sẽ đẩy mức
ngân sách dành cho cơ quan này xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm nay. Điều
này cũng có nghĩa là sẽ cắt ngân quỹ cho nghiên cứu về biến đổi khí hậu, đóng cửa
các chương trình môi trường nội địa và chấm dứt các dự án khu vực.
Ông Trump cũng giảm ngân quỹ tài trợ cho Liên hiệp
quốc trong các dự án biến đổi khí hậu, bớt ngân khoản đóng góp của Mỹ cho các nỗ
lực gìn giữ hòa bình.
Đóng góp của Hoa Kỳ cho Ngân hàng Thế giới, từ đề
nghị này, sẽ bị giảm 650 triệu đô la. Hỗ trợ của Mỹ về kinh tế và phát triển sẽ
được xem lại, chỉ tập trung tới các nước có lợi ích chiến lược lớn nhất đối với
Mỹ mà thôi.
Khoản cắt giảm lớn nhất trong Bộ Y tế và Dịch vụ
Nhân sinh sẽ nhắm vào Viện Y tế Quốc gia, trung tâm nghiên cứu y khoa của Mỹ.
Ngân khoản 403 triệu đô la dùng để huấn luyện y tá và y-bác sĩ sẽ bị hủy bỏ.
Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đề nghị nhiều
khoản cắt giảm đối với lĩnh vực giáo dục công, Sở phát triển Đô thị và Nhà cửa,
kể cả loại bỏ chương trình cấp quỹ cho các chương trình dân túy như cung cấp bữa
ăn cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp, cùng các nỗ lực hỗ
trợ cộng đồng khác.
Tăng
Phần lớn số tiền tiết kiệm từ các khoản cắt giảm này
sẽ được chi cho các chương trình an ninh quốc gia.
Ngân sách Tổng thống đề nghị cho Bộ Quốc phòng
tăng 10%, ở mức 54 tỷ đô la. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ chiến dịch gầy
dựng Ngũ Giác Đài của Tổng thống Ronald Reagon vào thập niên 1980.
Bộ
An ninh Nội địa được tăng ngân sách 7%. Phần nhiều trong số
2,8 tỷ đô la ‘tăng viện’ cho Bộ này sẽ được dành cho bức tường biên giới với
Mexico và thuê mướn 500 nhân viên biên phòng cùng 1000 viên chức cho Cơ quan Thực
thi Hải quan và Di trú trong năm sau. Ngân sách này cũng được dành phần để thuê
mướn 20 luật sư trong Bộ Tư pháp để hỗ trợ công tác xây tường biên giới.
Theo dự kiến, Tòa Bạch Ốc sẽ yêu cầu thêm ngân khoản
1,5 tỷ đô la để khởi sự lên kế hoạch và xây dựng tường thành biên giới trong
năm nay.
Ngân sách chính phủ cho năm tài khóa hiện nay kéo
dài tới ngày 28/4, và ngân sách cho năm 2018 phải được thi hành từ tháng 10 năm
nay.
Các nhà lập pháp bên đảng Dân chủ tuần này khuyến
cáo rằng có thể sẽ xảy ra tình trạng tạm đóng cửa chính phủ nếu phe Cộng hòa nhất
mực đòi gộp ngân khoản tài trợ cho tường biên giới vào trong đề nghị ngân sách
của họ.
Theo sau kế hoạch ngân sách trị giá 1,1 ngàn tỷ đô
la này sẽ là một khoản ngân sách lớn hơn được công bố vào mùa xuân, trong đó có
bao gồm các đề nghị của Tổng thống về thuế khóa và về chi tiêu cho an sinh xã hội,
các chương trình chăm sóc y tế như Medicare, Medicaid, cùng các chương trình
khác.
Liệu
có được thông qua?
Giới phân tích cho rằng các khoản cắt giảm do ông
Trump đề nghị được xem là ‘mạnh tay’ nhất trong nửa thế kỷ nay.
Tuy nhiên, cơ hội để đề nghị ngân sách đầu tiên của
ông Trump được Quốc hội thông qua hiện còn mong manh.
Nhiều nhà ngoại
giao kỳ cựu nói bơm tiền vào Bộ Quốc phòng trong khi ‘cắt xén’ ngân sách của Bộ
Ngoại giao là điều vô lý vì chức năng của hai Bộ này song hành với nhau.
Mức đề nghị tăng 54 tỷ đô la cho chi tiêu quân sự
cũng đòi hỏi phải hủy bỏ mức trần chi tiêu ban hành bởi Đạo luật Kiểm soát Ngân
sách 2011.
Ngân sách đề nghị của Tổng thống hiện vấp phải sự phản
đối và chỉ trích của phe Dân chủ lẫn phía đảng Cộng hòa. Nhiều khoản trong đề
nghị này đối với phe Dân chủ là không hợp lý và có vấn đề đối với phe Cộng hòa,
đảng của ông Trump.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida nói các
khoản viện trợ nước ngoài là đầu tư nhỏ nhưng có vai trò lớn cho an ninh quốc
gia.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang South
Carolina gọi các khoản cắt giảm ngân sách ông Trump đề nghị áp dụng cho Bộ Ngoại
giao là “một cái chết lâm sàng.”
Lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện, bà Nancy Pelosi mô
tả: ‘Ngân sách này thật sự là một cái tát vào mặt tương lai của chúng ta.’
Bà Pelosi nói sức mạnh của Hoa Kỳ không chỉ dựa vào
quân đội hùng mạnh, mà còn dựa vào các thế hệ trẻ được đào tạo giáo dục tốt,
vào sự đầu tư cho an sinh của dân, vào các công trình nghiên cứu y khoa, và vào
một môi trường không ô nhiễm. Vì thế, dân biểu này dự đoán ngân sách đề nghị của
ông Trump sẽ chết ‘ngay từ trong trứng nước.’
NYT/WP
*
15/03/2017
Ngân
sách dành cho Hải quân Hoa Kỳ được trông đợi sẽ tăng sau 6 năm bị
cắt giảm, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố ngân sách năm 2018
vào cuối tuần này.
Có mặt trên một tàu sân bay đang tiến hành các cuộc
tấn công chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, Thông tín viên của VOA tại Ngũ Giác
Đài Carla Babb tường trình về lập luận của Hải quân Hoa Kỳ, vốn được trang bị tốt
nhất thế giới, để bênh vực vì sao lực lượng này cần có thêm ngân sách để đối
phó các mối đe dọa tương lai.
Tàu sân bay USS George H.W. Bush – đang tấn công các
mục tiêu Nhà nước Hồi giáo, thống lĩnh các vùng biển mà tàu này đi ngang qua.
Đô đốc Kenneth Whitesell, chỉ huy trưởng cụm tàu sân
bay tấn công chủ lực Carrier Strike 2, cho biết:
“Chúng tôi không thiếu thứ gì. Chúng tôi đã tải vũ khí lên tàu, chúng tôi
đã thực hiện hai tải thêm vũ khí lên tàu trên hai giai đoạn. Chúng tôi đã nạp rất
nhiều nhiên liệu. Các thiết bị đã đâu vào đấy. Về khía cạnh này, tôi không thấy
có bất kỳ sự thiếu sót nào khả dĩ có thể cản trở khả năng chiến đấu của chúng
tôi.”
Nhưng câu chuyện về tàu sân bay này có một khía cạnh
khác. Trước khi triển khai, tàu sân bay USS Bush đã trải qua một giai đoạn bảo
trì lớn trong xưởng đóng tàu, lâu hơn dự kiến đến gần nửa năm.
Kết quả là - dù quân chủng Hải quân có 10 tàu sân
bay đã hoàn tất, nhưng không một chiếc nào được triển khai ở khu vực Trung Đông
trong khoảng thời gian hai tháng.
Hải quân Hoa Kỳ cần hàng tỷ ngân quỹ bổ sung để duy
trì lịch trình bảo trì và để mua vũ khí cũng như trang thiết bị mới.
Mặc dù cần đến các máy bay chiến đấu F-18 trong cuộc
chiến chống lại ISIS, các quan chức cho biết gần 2/3 số chiến đấu cơ F-18 Super
Hornet của Hải quân Mỹ không thể bay– vì phải thực hiện bảo trì sau khi bay lố
hàng ngàn giờ so với quy định lúc máy bay được chế tạo.
Ngân sách của chính quyền Tổng thống Trump công bố
trong tuần này, theo dự kiến sẽ tăng chi tiêu quốc phòng đến 54 tỷ đôla, phần lớn
là dành cho Hải quân.
Tổng thống Trump nói:
“Chúng tôi sẽ cung cấp cho quân đội các công cụ cần thiết để ngăn ngừa
chiến tranh, và nếu cần, để chiến đấu và chỉ làm một điều - bạn biết đó là gì
không? Chiến thắng và chiến thắng!"
Cựu Kiểm soát viên Ngũ Giác Đài Mike McCord nói rằng
tăng cường ngân sách sẽ không cải thiện tình trạng sẵn sàng chiến đấu của Hải
quân nếu không có cam kết tài chính dài hạn.
Điều đó có nghĩa là trong tương lai Hoa Kỳ sẽ phải
chi nhiều tiền hơn nữa cho ngân sách Hải quân.
16/03/2017
Toà
Bạch Ốc sắp sửa công bố ngân sách hôm thứ Năm 16/3 và Tổng thống Donald Trump
đã khẳng định rằng ông có ý định tăng chi tiêu quân sự bằng cách cắt giảm mạnh
chi tiêu của Bộ Ngoại giao, viện trợ nước ngoài và những khoản đóng góp của Hoa
Kỳ cho các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Trong khi một số nhà phân tích nói quyết định cắt giảm như vậy có thể
tăng tính hiệu quả của nền ngoại giao Mỹ, nhiều người khác kể cả giới hoạt động
bênh vực nhân quyền và một số nhà lập pháp Mỹ nói họ mạnh mẽ chống đối việc cắt
mạnh ngân sách của Bộ Ngoại giao và viện trợ quốc tế. Từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ,
Thông tín viên Cindy Saine của Đài VOA gửi về bài tường trình sau đây do Hoài
Hương trình bày.
Các nhà ngoại giao và nhân viên khác làm việc tại Bộ
Ngoại giao và các đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giời đã chuẩn bị tinh thần để
đón nhận những biện pháp cắt giảm ngân sách quy mô, cùng với việc giảm mạnh viện
trợ nước ngoài, theo lời chuyên gia về phát triển toàn cầu George Ingram trong
cuộc trao đổi với VOA:
“Tôi được nghe là tỷ lệ cắt giảm có phần chắc sẽ ở mức trên dưới 30%, và
đề xuất ban đầu của Cơ quan Quản lý Ngân sách (OMB) là 37% nhưng đã gặp sự chống
đối của Ngoại Trưởng. Ông nói “đừng cắt 37% trong năm đầu tiên, mà nên trải dài
trong vòng 3 năm. Đó là điều mà chúng ta có phần chắc sẽ chứng kiến, ngân sách
sẽ bị cắt vào khoảng 30.”
Các tổ chức bênh vực nhân quyền và nhân đạo nói tác
động đối với người tị nạn và những nhóm người trong tình huống khó khăn khác
trên khắp thế giới sẽ khó lường, theo óng/bà Adotei Akwei của Hội Ân xá Quốc tế
nói chuyện với VOA qua Skype:
“Các tổ chức xã hội dân sự, các chính quyền, tôi nghĩ họ đều hết sức quan
tâm không những về việc rút đi những tài nguyên hay cắt giảm tài nguyên, mà tôi
tin rằng họ vô cùng lo lắng về chỗ trống do sự thiếu vắng sự hiện diện của Mỹ
trong tư cách một đối tác, một động lực để cải tiến, sáng tạo, và lẽ đương
nhiên trong tư cách là một tiếng nói bênh vực nhân quyền.”
Tuy nhiên một số nhà phân tích nói rằng Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ là một cơ quan hành chánh quan liêu có thể được chấn chỉnh với các
biện pháp cắt giảm. Ông James Robert thuộc Hội Heritage, trước đây là một nhà
ngoại giao, nói với VOA:
“Tôi tin rằng hãy còn rộng chỗ để tái tổ chức và cải tiến Bộ Ngoại giao,
tăng tính hiệu quả và biến Bộ này thành một cơ quan hữu hiệu trong tư cách là một
đại diện cho nhân dân Mỹ, và một tay chơi ở nước ngoài bởi vì Bộ buộc phải có một
hệ thống quyền lực đơn giản hơn, tập trung vào nên chi tiền như thế nào. Như vậy
ngân sách sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, và vâng đương nhiên kết quả là sẽ phải
có một số sự cắt giảm.”
Chuyên gia phát triển quốc tế George Ingram còn là một
nhân viên kỳ cựu tại điện Capitol. Ông nói quốc hội Mỹ sẽ không chấp nhận những
khoản cắt giảm quá mạnh tay như thế đối với viện trợ quốc tế và Bộ Ngoại giao.
Ông nói:
“Điều mà chúng ta chứng kiến trong tháng trước là lời phản đối ồn ào của
các dân biểu và nghị sĩ thuộc cả hai đảng phái, cho rằng cắt giảm quy mô ngân
sách cho các vấn đề quốc tế là điều không thể chấp nhận được. Thế cho nên tôi
tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến những sự chống trả mạnh mẽ tại quốc hội trong
năm nay.”
Cuộc chiến toàn cầu để đánh bại tổ chức tự xưng là
Nhà Nước Hồi giáo cũng có thể bị phương hại vì những cắt giảm ngân sách quá lớn
đối với nền ngoại giao Mỹ, theo lời Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Lindsey
Graham.
“Tôi muốn uỷ ban ngân sách của quốc hội hiểu rõ rằng nếu chúng ta thông
qua bất cứ ngân sách nào mà cắt giảm tận đáy ngân sách Bộ Ngoại giao, thì chúng
ta sẽ không bao giờ thắng cuộc chiến này. Trên thực tế, nhóm Nhà Nước Hồi giáo sẽ
được tôn vinh.”
Ngân sách của Tổng thống Trump có phần chắc sẽ là trọng
tâm của một cuộc tranh luận vô cùng gay gắt tại điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ,
trong những tháng sắp tới.
No comments:
Post a Comment