Wednesday, March 8, 2017

NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ TRANH ĐẤU (RFA)




RFA
2017-03-08

Số người công khai lên tiếng đấu tranh trong nước hiện nay vẫn còn ít ỏi so với dân số hơn 90 triệu người. Trong số này thì nữ giới cũng chẳng là bao, tuy nhiên trong công cuộc đấu tranh chung, những người phụ nữ tỏ ra cứng cỏi, kiên trường.

Từ trái qua: bà Trần Thi Nga, bà Cấn Thị Thêu, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, blogger mẹ Nấm.
RFA

Phụ nữ đấu tranh không được bảo vệ
Cách đây chưa đầy một tháng, người phụ nữ có tên Bùi thị Minh Hằng, 52 tuổi, mãn án 3 năm tù và rời khỏi nhà giam Gia Trung ở tỉnh Pleiku trên vùng Tây Nguyên, trong khi nhà của bà nằm tại phố biển Vũng Tàu dưới miền xuôi.

Ngay sau khi ra khỏi nơi giam giữ bà tuyên bố với những thân hữu đến đón là bà vừa tốt nghiệp hạng ưu trong nhà tù của chính quyền Hà Nội. Theo bà thì dù 3 năm bị tù oan nhưng đó là thời gian tôi luyện cho bà thêm mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh cho quyền con người tại Việt Nam.

Theo bà thì sống trong một chế độ độc tài toàn trị, những người dám dấn thân đấu tranh đã là khó khăn rồi, là người phụ nữ đấu tranh khó khăn còn gấp bội. Bà trình bày:

"Ở Việt Nam đang tồn tại Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam của nhà cầm quyền cộng sản thì đương nhiên đấy chỉ là hình thức lòe bịp thôi. Bởi vì bản thân Minh Hằng chưa bao giờ được hưởng một quyền lợi gì từ Hội phụ nữ đó cả. Những hội phụ nữ đó chỉ có thể góp phần bôi nhọ, nói xấu, chèn ép những người đấu tranh.”

Một người bị tuyên án 7 năm nhưng được trả tự do sớm hơn thời hạn là cô Đỗ thị Minh Hạnh, 32 tuổi, hiện tiếp tục con đường đấu tranh cho quyền lợi của giới công nhân cũng cho biết cô không hề tiếc nuối về thời gian bị tù tội. Cô cũng đồng quan điểm với bà Bùi thị Minh Hằng khoản thời gian trong tù là lúc để cô hun đúc thêm ý chí đấu tranh :

“Tôi cho rằng cuộc đời của tôi may mắn khi mà tôi được vào tù để tôi biết được những gì đang diễn ra ở trong nhà tù, và cho tôi hiểu được giá trị của cuộc sống, cho tôi khả năng để ứng phó với những tình huống khắc nghiệt nhất. Nói chung, ở đây là nơi có thể luyện được một ‘tinh thần thép’ cho tôi và những người đang muốn đấu tranh.”

Gia đình bị đe dọa
Chị Mai Phương Thảo ở Hà Nội cũng là một khuôn mặt tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đấu tranh chống tham nhũng, chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam như một số phụ nữ khác khắp mọi miền đất nước.

Chị trình bày những trở ngại đối với bản thân và cả con cái khi công khai lên tiếng vì công bằng xã hội, vì một môi trường sống lành mạnh cũng như vì chủ quyền đất nước, toàn vẹn lãnh thổ:

“Ví dụ như mình đi đường thì chúng nó suốt ngày đi bám theo. Mình chở đứa con, năm nay nó 8 tuổi nhưng từ khi nó 3 tuổi nó đã ý thức được là “an ninh đang đi theo mẹ kìa”.”

Mục tiêu của những phụ nữ đấu tranh cũng như tất cả những người khác là một xã hội Việt Nam văn minh, đa nguyên, không còn cảnh lãnh đạo tham nhũng, không quan tâm gì đến người dân.

Bà Bùi thị Minh Hằng bày tỏ:

“Khi mà dấn bước vào đấu tranh thì có vô số kể khó khăn nhưng mà những khó khăn đó người ta không thể đem so ra với nền dân chủ của đất nước. Vì khi một đất nước có một nền độc tài toàn trị khiến con người bị chà đạp chèn ép tất cả những quyền. Những việc như dấn thân vào đấu tranh giành lại những quyền lợi đó thì cho dù là phụ nữ hay bất kỳ ai thì chúng ta đều phải chấp nhận để làm những việc đó.”

Cô Mai Phương Thảo nêu rõ những ước muốn của bản thân:

“Mục tiêu của mình là mong muốn xã hội thay đổi để con người có một sự tự do đích thực. Ví dụ mình có quyền nói, bày tỏ chính kiến mà không sợ bị bắt như chị Thúy Nga vì chị cũng chỉ trình bày ý kiến thôi. Và mình cũng có quyền phản đối. Ví dụ như chúng rước Formosa về gây hiểm họa môi trường kinh khủng, gây cho cả dân tộc vấn đề ung thư đời con, đời cháu thì mình lên tiếng phản đối. Những bạn bè trở thành tù nhân lương tâm cũng chỉ vì nói lên sự thật. Mình muốn yêu cầu là cái xã hội này thay đổi, sự thật phải được tôn trọng, và phải có sự cạnh tranh dân chủ, đa nguyên đa đảng. Đấy mới là đích, là nền văn minh tự do của thế giới.”

Và tâm tình của Đỗ thị Minh Hạnh trong dịp ngày 8 tháng 3 năm nay:

“Thật ra trên con đường đấu tranh này thì người phụ nữ phải hy sinh rất nhiều. Do đó xét về khía cạnh nam nữ thì họ thiệt thòi hơn. Tuy nhiên trong một xã hội càng lúc càng thay đổi thì người phụ nữ cũng phải chứng tỏ mình, có mt sự bản lĩnh, và khẳng định vai trò và vị trí của mình trong xã hội. Sự đóng góp của người phụ nữ không kém phần quan trọng trong sự phát triển của đất nước.”

Đỗ thị Minh Hạnh cũng như những phụ nữ đấu tranh hiện ở bên ngoài bày tỏ lòng thương cảm đối với những người bạn nữ khác đang còn trong chốn lao tù như chị Trần thị Nga, Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Cấn Thị Thêu, chị Trần Thị Thúy, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn thị Minh Thúy, Lê Thu Hà…




No comments: