Wednesday, March 15, 2017

NÊN HAY KHÔNG NÊN ỦNG HỘ BÀ JANET NGUYỄN ? (Trần Thị Lan Anh)




Trần Thị Lan Anh  -   nganlau121212

Ngày 23 tháng 2 năm 2017, Thượng Nghĩ Sĩ tiểu bang California đại diện cho người Việt tại quận Cam, bà Janet Nguyễn, đã bị chủ tọa buổi họp của Thượng Viện tiểu bang kêu người giữ an ninh đưa bà Janet Nguyễn ra khỏi phòng họp của Thượng Viện.

Bản tin trên thoáng nghe thì sẽ làm người Việt giận dữ trước thái độ của vị chủ tọa buổi họp. Tuy nhiên, nếu xem qua clip đăng trên youtube(1) thì chuyện bà Janet Nguyễn bị đuổi ra khỏi phòng họp cũng có lý do chứ không phải là vô lý.

Bà Janet Nguyễn đọc lá thư bằng tiếng Việt tại buổi họp đó. Vẫn không biết có bao nhiêu người tại Thượng Viện California hiểu được tiếng Việt, nhưng điều đó không thành vấn đề, bà Janet Nguyễn vẫn đọc tiếng Việt và sau đó nói bằng tiếng Anh. Sau phần tiếng Anh được vài phút thì một vị Thượng Nghị Sĩ lên tiếng cho rằng bà Janet Nguyễn đã vi phạm luật cho nên đề nghị chủ tọa buổi họp phải kêu gọi bà Janet Nguyễn ngưng nói, trở về ghế ngồi. Thế nhưng bà Janet Nguyễn tiếp tục nói, không cần biết vị chủ tọa đã nhiều lần yêu cầu là đã vi phạm luật trong buổi họp.

Đài STBN phóng vấn bà Janet Nguyễn sau khi bà trở lại quận Cam. Trong cuộc phỏng vấn, vị phóng viên so sánh trường hợp của bà Janet Nguyễn giống như trường hợp của bà Thượng Nghị Sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ là bà Elizabeth Warren, cũng đã bị không cho đọc lá thư của Coretta Scott King tại buổi họp của Thượng Viện. (2)

Sự so sánh này không được công bằng lắm giữa hai người phụ nữ này. Tuy rằng cả hai bị cho là vi phạm luật của buổi họp nên đề nghị không được tiếp tục nói, nhưng cách hành xử giữa bà Elizabeth và bà Janet hoàn toàn khác nhau rất nhiều.

Bà Elizabeth đã lên tiếng hỏi vị chủ tọa buổi họp tại sao và bà đã vi phạm luật lệ nào. Sau khi vị chủ tọa cho biết luật lệ mà bà Elizabeth đã vi phạm thì bà Elizabeth yêu cầu sự bỏ phiếu cho hay không cho bà tiếp tục phát biểu ý kiến (hay đọc hết lá thư còn lại). Sau khi bỏ phiếu thì số đông đồng ý là bà Elizabeth đã vi phạm luật nên không thể tiếp tục nói mà chỉ ngồi lắng nghe. Bà Elizabeth chấp nhận sự bỏ phiếu đó và ra khỏi phòng họp dù rằng sự bỏ phiếu theo đảng tính (Cộng Hòa chống, Dân Chủ ủng hộ bởi bà Warren thuộc đảng Dân Chủ) nhiều hơn là quyền được phát biểu.

Bà Janet cũng giống trong trường hợp của bà Elizabeth; tuy nhiên, thay vì ứng xử như bà Elizabeth để hỏi xem mình vi phạm luật nào và cần sự bỏ phiếu của toàn Thượng Viện đồng ý hay không đồng ý cho sự kiện trên — thì bà Janet cứ tiếp tục nói mà không cần nghe theo lời nói của vị chủ tọa buổi họp — để rồi cuối cùng vị chủ tọa buổi họp phải nhờ người an ninh mời bà ra khỏi phòng họp.

Trong cơ chế của chính quyền đều có những luật lệ được đưa ra. Các vị dân biểu, nghị sĩ có thể không đồng ý với luật lệ đưa ra nhưng vẫn phải tuân thủ những luật lệ bởi đó là điều lệ sinh hoạt trong một cơ chế dân chủ. Lối ứng xử của bà Janet xem thường luật lệ đưa ra và cứ tiếp tục nói, không cần biết là mình đã nhiều lần được yêu cầu im lặng vì vi phạm điều lệ đưa ra trong buổi họp.

Điều lạ là cơ quan truyền thông của người Việt tại Hoa Kỳ viết bài cho rằng vị chủ tọa buổi họp đã bịt miệng bà Janet Nguyễn mà không nói rõ chi tiết là bà Janet Nguyễn bị nhân viên an ninh đưa ra khỏi phòng họp chỉ bởi vì bà Janet Nguyễn đã không nghe lời khuyến cáo của vị chủ tọa buổi họp và cứ giành quyền nói. Và sự lựa chọn cách ứng xử (nói không cần nghe ai, không cần biết nhiều lần vị chủ tọa buổi họp đề nghị là ngưng nói) để đưa đến kết quả là bà Janet bị đưa ra khỏi phòng họp bằng sức của nhân viên an ninh. Chính bà Janet Nguyễn đã chọn phương pháp này chứ chẳng phải là vị chủ tọa buổi họp muốn phương pháp này. Nếu bà Janet Nguyễn ứng xử khác hơn thì chuyện này không xảy ra. Bà Elizabeth Warren khôn khéo hơn đã dựa theo luật mà làm việc và chấp nhận sự im lặng dù rằng bà cho là bất công.

Cộng đồng người Việt tại quận Cam cũng như cộng đồng người Việt ở các tiểu bang khác đã bị truyền thông Việt không nhìn rõ vấn đề, hễ thấy người Việt, đại diện cho mình, bị cấm nói (bị đuổi ra khỏi phòng họp) thì vội vàng lên tiếng bênh vực mà không cần biết là sự bênh vực này hữu lý hay không hữu lý; không cần biết là tại sao, nguyên do nào bà Janet Nguyễn bị nhân viên an ninh đưa ra khỏi phòng họp; không cần biết là trong bất cứ buổi họp nào cũng đều có luật và người chủ tọa buổi họp có quyền kêu người khác ngưng nói hoặc có quyền mời người đó ra khỏi phòng họp nếu không tuân theo luật lệ. Đây là những sinh hoạt căn bản mà nếu người Việt tại Mỹ không nhìn ra, lên tiếng ủng hộ một điều sai trái thì phải chăng cộng đồng Việt chưa đủ trưởng thành (hay ít nhất một thành phần trong cộng đồng Việt)?

Những ai đã từng làm việc trong cơ cấu chính quyền Hoa Kỳ đều biết rằng luật là cái điều căn bản mọi người phải tuân thủ. Tự do ngôn luận nhưng phải nói trong cái phạm vi mà chủ tọa buổi họp đưa ra. Chúng ta có thể không đồng ý cái điều luật đưa ra nhưng không vì lý do không đồng ý đó, chúng ta hành xử thiếu tế nhị, không chịu lắng nghe tiếng nói của vị chủ tọa buổi họp. Thái độ đọc lá thư tiếng Việt trước một thượng viện tiểu bang mà trong đó không ai hiểu tiếng Việt mục đích để làm gì nếu không muốn nói là mục đích cho cá nhân của bà Janet Nguyễn nhằm lấy phiếu của người Việt tại quận Cam cho kỳ bầu cử kế tiếp? Thái độ đó có tôn trọng những vị nghị sĩ khác trong buổi họp không khi mà số đông hoàn toàn không hiểu tiếng Việt? Tại sao bà Janet Nguyễn không dịch lá thư ra tiếng Anh mà phải đọc tiếng Việt mà bà biết chắc rằng những người bạn của bà trong buổi họp đó hoàn toàn không biết tiếng Việt?

Là người Việt sống tại đất Mỹ chúng ta nên ủng hộ người Việt nếu chuyện làm đúng. Còn nếu là chuyện làm sai thì thái độ của chúng ta phải lên tiếng chống lại chứ không phải ủng hộ chỉ bởi vì là người Việt. Hành động ủng hộ bà Janet Nguyễn trong sự kiện bà bị đuổi ra khỏi phòng họp (do nhân viên an ninh dẫn bà ra phòng họp) tức là người ủng hộ bà chấp nhận một sinh hoạt vô tổ chức (không tuân thủ theo luật), miễn sao mình đạt được cái mình muốn mà không cần biết là vi phạm luật hay không.

Người Việt tại Mỹ hãy đánh giá sự kiện bằng lý trí của mình.  Đừng đánh giá sự kiện bằng cảm tính để rồi cái cảm tính đó lấn áp lý trí của mình. Khi cảm tính lấn áp lý trí thì chúng ta vô tình bao che cái sai trái, vô tình xem cái sai trái là cái “quyền tự do” thay vì lên án cái sai trái đó.

Trần Thị Lan Anh
Tháng 3 năm 2017
Dallas, TX







No comments: