Friday, March 10, 2017

NATO & TỐI HẬU THƯ CỦA DONALD TRUMP (Trần Trung Tín)




09/03/2017

Tháng Hai vừa qua, ông James Mattis, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, đã sang Brussels, Bỉ để tham dự buổi họp đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump với tổ chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).  
Trong buổi họp ngày 15 tháng Hai, 2017, ông Mattis đã chính thức thông báo lời yêu cầu của chính quyền Trump về việc NATO phải thực sự gia tăng chi tiêu quốc phòng để đạt đến mức tối thiểu là 2% tổng sản lượng quốc gia (GDP) như đã được cả liên minh đồng ý trong năm 2014.
Sáng ngày 17 tháng Hai, 2017, ông Mattis tham dự hội nghị an ninh tại Munich, Đức cùng với Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Bộ Nội An (Homeland Security) John Kelly và hơn mười thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ - chính yếu là để trấn an NATO là Washington vẫn duy trì những cam kết với họ.
Hiện tại, mối tương quan địa lý chính trị phức tạp giữa Hoa Kỳ, Trung Hoa và Nga đang thay đổi.  Vì vậy, những vận động của Hoa Kỳ nhắm vào các đồng minh NATO để tái hiệu chỉnh các lực lượng tại Âu châu cũng đáng là điều để chúng ta tìm hiểu thêm.

Sơ lược về sự hình thành của NATO
Để đối phó với Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu trong Chiến tranh Lạnh, NATO được thành lập vào năm 1949 với 12 quốc gia thành viên gồm Hoa Kỳ, Canada và 10 quốc gia Âu châu.
Sau này NATO mở rộng và đón nhận thêm một số quốc gia Đông Âu. Hiện nay NATO đang có 28 thành viên gồm Hoa Kỳ, Canada và 26 quốc gia Âu châu.
Trong hiệp ước NATO, Điều khoản thứ 5 (Article 5) được xem là cột trụ: Khi một hay nhiều thành viên bị tấn công, xem như toàn khối NATO bị tấn công. Thành viên bị tấn công có thể đơn phương hoặc kết hợp với tập thể để có biện pháp tự vệ.

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và NATO
Từ thập niên 1970s, nhiều Tổng thống Hoa Kỳ đã than phiền về tình trạng "đi xe chùa" (free-riding) của nhiều đồng minh NATO.  Hoa Kỳ cũng đã thúc đẩy các quốc gia trong khối để gia tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên kết quả cũng chỉ là những lời than phiền suông vì Washington đã không có một biện pháp cụ thể nào để giải quyết tình trạng "đi xe chùa" này.
Nhưng đến Tổng thống Trump thì sự thể đã thay đổi. Ngay từ lúc tranh cử, ông đã ngỏ ý rằng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho NATO phải có điều kiện và ông còn công khai chỉ trích NATO là đã lỗi thời. Tuy vậy, sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump tuyên bố tiếp tục ủng hộ NATO, dù vẫn phàn nàn là Âu châu đã không công bằng với Hoa Kỳ về mặt chi tiêu quốc phòng.
Thực ra NATO cũng đã có kế hoạch gia tăng chi tiêu quốc phòng vào năm 2014, chỉ vài tháng ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.  Khi đó, NATO đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Wales.  
Tại hội nghị này, các quốc gia thành viên đã đồng ý chấm dứt việc cắt giảm ngân sách quốc phòng vì như vậy đã khiến châu Âu không còn khả năng chiến đấu. Chỉ nói riêng việc tiếp nhiên liệu các chiến đấu cơ trên không, thì nhiều quốc gia Âu châu trong NATO cũng không có chi phí thực hiện.
Kết quả của hội nghị Wales, NATO đồng ý là đến năm 2024, tất cả quốc gia hội viên phải đạt đến mức chi tiêu cho quốc phòng là 2% GDP. Tuy nhiên, mục tiêu ghi trên không chính thức bị ràng buộc theo tính cách pháp lý (not legally binding).

“Lời Yêu Cầu” của Chính quyền Trump
Dù rằng trước một hiểm họa bị xâm lăng bởi một nước Nga có tham vọng bành trướng và chính NATO đã đồng ý gia tăng từ năm 2014, nhưng đến 2016, chỉ có 5 trong 28 quốc gia thành viên của NATO là đạt đến mức chi tiêu quốc phòng ở mức quy định - tối thiểu là 2 phần trăm tổng sản lượng quốc gia.


Nhìn vào “Bảng phần trăm chi tiêu của NATO - 2016”, nhất là tại thời điểm hai năm sau khi Nga đã sáp nhập Crimea, thì mới dễ hiểu được tại sao Hoa Kỳ lại gửi sang Âu châu một phát đoàn hùng hậu để truyền đạt “lời yêu cầu” đến NATO.
Tổng thống Trump lần này gửi “sứ giả” James Mattis đến Tổng hành dinh của NATO chính yếu là để thúc đẩy họ phải thực sự làm điều mà từ lâu nay đã miễn cưỡng không chịu làm: Gia tăng kinh phí quốc phòng.
Thứ Tư, ngày 15 tháng 2, 2017, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã gửi ra một “tối hậu thư” đến các đồng minh khi ông cảnh cáo NATO rằng nếu họ không gia tăng chi tiêu quốc phòng như đã được đề ra, thì Hoa Kỳ có thể thay đổi mối quan hệ của mình đối với NATO.
"Tôi sẽ mắc nợ với tất cả quý vị nếu không trình ra đây thực tại chính trị tại Hoa Kỳ một cách rõ ràng và nêu ra các đòi hỏi hợp lý của người dân nước tôi qua những điều khoản thiết thực," Mattis nói. "Hoa Kỳ sẽ chu toàn trách nhiệm của mình. Nhưng nếu không muốn thấy Hoa Kỳ tiết giảm sự cam kết dành cho liên minh, thì mỗi quý quốc cần phải thể hiện sự hỗ trợ của mình cho sự phòng thủ chung của chúng ta."(2)
Mattis, cựu Tướng 4 sao của Thủy quân Lục chiến, nhắc nhớ lại chuyện xưa khi ông còn là chỉ huy tối cao lực lượng đồng minh của NATO từ tháng 11/2007 đến 5/2009. Khi đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ là ông Robert Gates đã cảnh cáo các quốc gia NATO rằng Quốc Hội và người dân Hoa Kỳ "sẽ mất kiên nhẫn vì đã phải gánh vác một gánh nặng không cân xứng" trong việc bảo vệ đồng minh.
Sự thiếu kiên nhẫn đó ngày nay đang là một "thực tế của chính quyền" ông Mattis nói.   Và ông còn trình ra một sự thực, "Không thể có chuyện người dân Hoa Kỳ phải đóng thuế để cưu mang một gánh nặng không cân xứng trong việc bảo vệ các giá trị của Tây phương."
Nhất là "Hoa Kỳ không thể quan tâm đến an ninh của con em của quý vị nhiều hơn là sự quan tâm từ chính quý vị. Việc xem thường sự sẵn sàng về mặt quân sự đã chứng tỏ chúng ta thiếu sự tôn trọng đối với chính mình, đối với liên minh và đối với sự tự do chúng ta được thừa hưởng, mà rõ ràng là hiện nay đang bị đe dọa."
Qua những sự việc này, nhiều quốc gia Âu châu xem ra đã bị rúng động khi cho rằng ông Trump đã có nghi vấn về những điều cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Âu châu kể từ sau Thế Chiến thứ Hai và như vậy có thể sẽ thay đổi mối liên hệ đã có từ lâu với NATO.
Nhiều người Âu châu cũng lo ngại rằng chính quyền của Trump sẽ không còn cấp tốc chạy ào đến để che chở họ khi cần đến (rush to their defense if needed).
Mặt khác, khi lượng định về triển vọng của sự an ninh quốc gia họ để bị lệ thuộc quá nhiều vào một Hoa Kỳ hay thay đổi, thì đối với một số các nhà hoạch định chính sách, đó cũng là một điều rất đáng sợ.

Ngân sách quốc phòng của các quốc gia NATO
Theo “Bảng phần trăm chi tiêu của NATO - 2016” (1), trong 28 quốc gia NATO chỉ có 5 quốc gia đáp ứng được quy định trong mức chi tiêu quốc phòng: Hoa Kỳ (3.62%), Hy Lạp (2.46%), Ba Lan (2.18%), Estonia (2.04%) và Anh (2.07%).  
Những thành viên có thực lực đã đóng góp ít hơn mức quy định gồm có Pháp (1.8%), Thổ Nhĩ Kỳ (1.69%), Đức (1.18%), Canada (1%) và Ý (0.95%).
Theo ước tính của tập san The Economist, chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ trong năm 2016 là 664.1 tỉ Mỹ kim, và con số mà toàn thể NATO chi ra là 918.3 tỉ Mỹ kim. Những con số trên cho thấy Hoa Kỳ đã chi ra hơn 70.3% tổng số chi phí quốc phòng của cả khối - như được trình bày trong “Biểu đồ đối chiếu chi phí quốc phòng giữa Hoa Kỳ và NATO” phía bên dưới.


Nguyên do của sự yếu kém về ngân sách quốc phòng
Theo Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO, "Những gì đã xảy ra là do châu Âu chúng ta đã quá vội vã thu hoạch kết quả  hòa bình (peace dividend) quá sớm" sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã loại bỏ ngay nhu cầu cần duy trì những đạo quân lớn.  Ông Rasmussen cũng là người đã dẫn đầu nỗ lực trong năm 2014 để đạt được sự cam kết của các thành viên NATO đồng ý chi ra 2% tổng sản lượng quốc gia hàng năm cho quốc phòng.
Chi phí quốc phòng đã bị cắt xén quá nhanh sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã. Làm như thể các mối đe dọa về quốc phòng của NATO sẽ có thể được giải quyết bằng những lực lượng cơ động nhẹ.  Tính từ 2006, chi phí nghiên cứu quốc phòng của Liên minh Âu châu (European Union) bị mất đi 1/3, hoặc hơn 20 tỉ Euros vì các quốc gia trong khối đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng.(4)
Kết quả là khả năng quân sự của NATO càng ngày càng tồi tệ. Trong năm 2015, khi được điều động để đối phó với cuộc tấn công của khủng bố ngay tại Paris và Brussels, thì quân đội Bỉ cũng phải yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho binh sĩ của họ áo giáp đã dùng rồi (hand-me-down flak jackets).(5)
Vấn đề còn trầm trọng hơn về phía biên giới phía đông NATO, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gây lo sợ cho các nước lân bang về một cuộc chiến tranh trên bộ sau khi Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.
Bởi đó, ông Mattis nói "Quý vị Bộ trưởng, khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, tất cả chúng ta đều hy vọng. Biến cố năm 2014 đã đánh thức chúng ta thức dậy trước một thực tế mới: Nga dùng vũ lực để thay đổi biên giới của một nước lân bang có chủ quyền; trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện và nẩy sinh ra một loại khủng bố tàn ác, với ý định chiếm đoạt lãnh thổ và thiết lập một Caliphate (luật của đạo Hồi). Trong khi những biến cố này xảy ra ngay trước mắt chúng ta, thì một số trong liên minh này đã quay mặt nhìn sang chỗ khác, chối bỏ sự thực đã xảy ra."
Bên cạnh những điều ông Mattis nói, còn phải kể đến thái độ “quý tộc tháp ngà”, thờ ơ, và thụ động về an ninh quốc phòng của một số quốc gia Âu châu, như Bỉ là một điển hình.
Trong năm 2015, khủng bố Hồi giáo tấn công vào Paris làm rúng động thế giới với 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Pháp ra sức truy lùng thủ phạm. Hai ngày sau đó, một trong những kẻ khủng bố, Salah Abdeslam, đã thoát sang Bỉ và ẩn náu trong một ngôi nhà ở Brussels.
Nhưng Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Bỉ, Koen Geens sau đó cho biết cũng có thể vì một đạo luật của Bỉ cấm cảnh sát không được phép lục soát tư gia từ 09:00 giờ tối đến 05:00 sáng hôm sau mà tên khủng bố này đã trốn thoát được.(6)
Và  Eric Van der Sijpt, phát ngôn viên của công tố viên liên bang ở Brussels, cũng cho biết Salah Abdeslam sẽ bị bắt nếu còn trong nhà, nhưng ông thừa nhận rằng "các khu vực và đường phố xung quanh đã không bị niêm phong trong đêm.”(6)
Tại ngay thủ đô của mình mà khi đối phó với chuyện an ninh nội địa còn như đang "ngủ gục" trong hàng quân, thì làm sao có thể tin cậy vào khả năng của những quốc gia như vậy trong những giờ phút sinh tử trước quân xâm lăng ngoại nhập?
Cũng nên biết, Brussels không những là thủ đô của Bỉ mà còn là Tổng hành dinh (Headquarters) của NATO và được xem là Thủ đô (the de facto capital) của Liên minh Âu châu.

Phản ứng từ các thành viên NATO tại Âu châu
Liên quan đến "tối hậu thư" của Hoa Kỳ, Tổng thư ký NATO ông Jens Stoltenberg đã tìm cách làm nhẹ đi bất cứ gợi ý nào cho rằng thông điệp của Mattis đã hình thành một mối đe dọa.  Ông nói rằng Hoa Kỳ đã chỉ thúc đẩy các đồng minh để giữ đúng theo cam kết. "Đây không phải là việc Hoa Kỳ bảo châu Âu gia tăng chi tiêu quốc phòng," ông Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp căng thẳng với Hoa Kỳ. "Đây là 28 đồng minh, toàn là những người đứng đầu nhà nước, mà tất cả đã ngồi vào cùng bàn trong năm 2014, và nhìn thẳng vào mắt nhau và đồng ý rằng chúng ta sẽ tăng chi tiêu quốc phòng.  Tôi hoan nghênh mọi áp lực, mọi hỗ trợ để bảo đảm điều đó xảy ra."(2)
Tuy nhiên có những người khác thấy thông điệp của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mattis có mang một ý nghĩa khác. "Chúng tôi đã nhận được thông điệp. Trả tiền đầy đủ hoặc bị" đẩy ra, một nhà ngoại giao Âu châu, không muốn cho biết tên, đã nói. Ông đã dùng chữ tục để tả những gì mà Hoa Kỳ có thể làm. "Nếu hiểu theo nghĩa đen những gì ông ta (Mattis) nói, thì thực sự không có chuyện bảo đảm vô điều kiện về an ninh nữa."
Nhưng không phải mọi nhà lãnh đạo đều cảm thấy thông điệp của ông Mattis là khởi đầu cho một sự thay đổi lớn lao trong chính sách lâu nay của Hoa Kỳ là vẫn muốn các nước đồng minh gia tăng chi tiêu quốc phòng.
"Phải thành thực mà nói, chuyện đó cũng chẳng mới lạ gì," Bộ trưởng Quốc phòng Hoà Lan bà Jeanine Hennis-Plasschaert nói trong một cuộc phỏng vấn. "Chẳng qua là Mattis yêu cầu phải có định mức thành công (milestones). Vậy thì tất cả chúng ta sẽ về nhà và lo làm cho xong công việc." Theo bà, công luận ở Hoà Lan có ý kiến rất thuận lợi cho việc gia tăng kinh phí quốc phòng.
Đồng minh lâu đời là Anh thì đồng ý với đòi hỏi của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Anh quốc vẫn kêu gọi ông Trump tiếp tục duy trì sự cam kết với NATO.
Nhưng nỗ lực để gia tăng chi tiêu quốc phòng không chỉ là quyết định đơn phương của các chính quyền. Mà còn tùy thuộc rất nhiều vào cử tri, vốn ít dành ưu tiên cho quốc phòng.  Nhất là đối với các nước kinh tế yếu kém, thất nghiệp cao và phải cắt giảm ngân sách, thì tối hậu thư này còn là mối đe dọa cho họ.
Tại Tây Ban Nha, ngân sách quốc phòng còn kém hơn một nửa của mức đã cam kết với NATO là 2% GDP, nhưng con số thanh niên thất nghiệp đứng ở mức 42.9%. Nước Ý cũng phải đương đầu với những vấn đề tương tự.(9)
Tại Pháp, lãnh đạo phe cực hữu, Marine Le Pen, người có lần đã vọt lên hàng đầu trong cuộc thăm dò ý kiến cho cuộc tranh cử tổng thống Pháp vào tháng Tư sắp đến, cho biết bà ta muốn rút ra khỏi Bộ chỉ huy Quân sự Liên hợp của NATO (NATO’s integrated military command) "để Pháp không bị lôi cuốn vào những cuộc chiến tranh mà không phải là của riêng mình."(9)
Riêng Đức, mặc dù giàu có và kinh tế tăng trưởng đều đặn, chỉ tiêu quốc phòng vẫn ở mức 1.18% sản lượng kinh tế hàng năm, tính thành tiền là 39 tỉ Mỹ kim.  Chính quyền Đức đồng ý sẽ tăng đến mức 2% vào năm 2024. Dù vậy nhiều giới chức Đức cho rằng cũng khó thực hiện vì sau Thế Chiến thứ Hai, nhiều dân Đức bị "dị ứng" với việc quốc phòng.
Theo thăm dò trong tháng Hai, 2017, chỉ có 22% dân Đức tin rằng họ có thể tin tưởng Hoa Kỳ - so với 55% vào tháng Mười Một, 2016. Con số không chấp thuận chính sách của ông Trump lên đến 69%. Nhưng 80% vẫn tin rằng Liên minh Âu châu phải cộng tác mật thiết với ông Trump.(7)  
Tuy vậy dân Đức rất lo ngại trước việc Nga đã sáp nhập Crimea vào năm 2014. Trong một thăm dò vào cuối tháng 12, 2015, phần trăm số người trả lời ủng hộ việc gia tăng kích thước của quân đội Đức là 56%.(8)
Cũng nên ghi nhận, trước khi sang Âu châu, vào ngày 07/02/2017, ông Mattis đã họp riêng với bà Ursula von der Leyen, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Đức, tại Pentagon. Sau khi họp, bà von der Leyen cho biết điều Hoa Kỳ đòi hỏi "là một yêu cầu hợp lý (fair request). Mọi người đều phải đóng góp.”(9)

Một Âu châu Tái quân bình và Tái phối trí
Trong năm 2016, Estonia và Ba Lan là 2 trong 5 quốc gia đạt mức ấn định chi tiêu quốc phòng. Và theo NATO, thì Latvia, Lithuania và Romania là các quốc gia cũng gần đạt đến mức quy định sau khi đã hoàn tất tổng kết của năm 2016.(10) Nhìn vào bản đồ Âu châu thì đa số các quốc gia này có chung bên giới với Nga.
Theo như phát biểu của ông Artis Pabriks, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Latvia, hiện đang trong Nghị viện châu Âu, thì "Trong trường hợp của Latvia, sẽ không cần phải chi tiền cho y tế và giáo dục nếu quốc gia của bạn không còn tồn tại.”(9)   
Có lẽ đây là lý do chính yếu đã thúc đẩy các quốc gia nói trên phải rất chú trọng vào quốc phòng.  


Nhìn từ quan điểm này, thì nếu Hoa Kỳ không còn hỗ trợ vô điều kiện và vì thế NATO sẽ không còn là một phòng tuyến vững chắc để che chở Âu châu, như hơn 50 năm qua, thì quốc gia đầu tiên phải lo chuyện "trang bị chuẩn bị" để đối đầu với một nước Nga hung hãn, có thể nói, sẽ phải là nước Đức.
Giữa Đức và Nga có một số "nước đệm" như Ba Lan, Ukraine. Nhưng trong lịch sử cận đại, các quốc gia này không có khả năng ngăn chận được sự xâm lăng từ Nga.  Vì vậy, trước viễn ảnh xe tăng của quân Nga sẽ lại có thể vượt qua các nước đệm láng giềng và tiến vào Bá Linh, chắc chắn sẽ làm cho nước Đức phải nghĩ đến chuyện tăng cường sức mạnh quân sự - hoặc theo một cách nói khiêu khích khác là “tái võ trang” - một khi NATO không còn là một rào chắn an toàn cho Đức.
Tại cao điểm của Chiến tranh Lạnh, quân đội Tây Đức có lúc lên đến hơn 500,000 người. Nhưng kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, quân đội Đức đã bị cắt giảm tới mức thấp nhất là 166,500 quân trong năm 2015.(12)  Tính đến ngày 09 tháng 2, 2017, quân đội Đức có 177,956 quân nhân.(13)
Hiện thời, chỉ nói đến tối hậu thư Mattis, thì xem ra cũng đã có ảnh hưởng. Vào ngày 21/02/2107, một ngày sau khi phó tổng thống Mike Pence lên tiếng thúc đẩy NATO gia tăng chi phí quốc phòng, Đức thông báo sẽ gia tăng quân số lên đến mức 198,000 quân trong vòng 7 năm sắp đến. Khi đó quân số của Đức sẽ lớn hơn quân số của Anh hiện đang có là 196,410 quân.(12)
Ngoài ra, trong tương lai một khi đáp ứng đúng theo như NATO quy định, ngân sách quốc phòng của Đức sẽ vọt lên đến khoảng 75 tỉ Mỹ kim mỗi năm, đưa đến kết quả là Đức có một quân đội lớn hơn cả Anh.(2)  Trở thành một thế lực quân sự mới tại Âu châu, Đức có rất nhiều tiềm năng sẽ là một đối trọng với Nga.
Tương tự, vì cách xa Nga, nước Pháp cũng không bị đe dọa nhiều trước việc bị Nga xâm lăng. Nhưng với một láng giềng đang gia tăng quốc phòng và lại có một quân sử oai hùng như Đức quốc, cũng như nhiều “thành tích” về chiến tranh với Pháp, thì việc Pháp quốc phải lo chỉnh bị khả năng phòng thủ của họ cũng không phải là việc quá xa vời.    
Việc lo tăng cường khả năng quốc phòng cho Pháp lúc đó sẽ không còn là việc "để Pháp không bị lôi cuốn vào những cuộc chiến tranh mà không phải là của riêng mình" như bà Le Pen, một lãnh tụ cực hữu của Pháp, đã tuyên bố. Mà đó chính là để lo cho quyền lợi thiết thân của nước Pháp, trước một nước Đức đang phục hồi sức mạnh quân sự.
Như đề cập bên trên, bắt đầu từ sự "tái võ trang" của Đức - dù trong một quy mô có giới hạn, vẫn có thể sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền đưa đến việc tăng cường khả năng quân sự của các quốc gia khác tại Âu châu.  
Hiểm họa to lớn trước đây của NATO là một đế quốc Liên Xô, thì nay đế quốc này đã bị sụp đổ.  Hậu thân của Liên Xô là Nga vẫn còn là một đe dọa đáng kể cho NATO. Nhưng chính Nga cũng đang trong tình trạng khó khăn, nhất là về kinh tế.
Riêng Âu châu ngày nay không còn bị thương nặng như thời năm 1949 sau Thế Chiến thứ Hai. Mà là một Âu châu cường thịnh. Một khi khả năng quốc phòng của Âu châu được gia tăng đúng mức, và nếu không hoàn toàn kềm giữ được Nga, thì Âu châu cũng phải có đủ khả năng tự vệ và giảm thiểu được sự phụ thuộc quân sự vào Hoa Kỳ.
Mặt khác, với những khó khăn nan giải trong nội bộ, Hoa Kỳ ngày nay cũng không còn đủ khả năng để gánh vác phần lớn việc bảo vệ các đồng minh.
Gộp chung các yếu tố này lại để lượng định, thì việc Hoa Kỳ muốn "tái quân bình" cán cân đóng góp với đồng minh NATO cũng là một chuyện sẽ phải xẩy ra.
Có thể nói khi NATO hoàn tất việc tái hiệu chỉnh trách nhiệm của họ tại Âu châu, thì điều đó sẽ giúp cho Hoa Kỳ tránh được việc phải mang vác một hành trang quá tải trong một cuộc hành quân dài hạn.

Hoa Kỳ và những thách đố mới
Nhằm tạo thêm áp lực lên những thành viên còn miễn cưỡng, hôm 20 tháng 2, 2017, Phó Tổng thống Pence đã nói là NATO có đến cuối năm nay để cho thấy "tiến bộ thực sự" về mặt chi tiêu.  Đồng thời ông cũng nói rằng tối hậu thư của Trump cũng vẫn còn mang tính cách "giả thuyết" (hypothetical).(10)
Khi được hỏi chuyện gì sẽ xẩy ra nếu Âu châu không chi tiêu nhiều hơn vào quốc phòng, Phó Tổng thống Mike Pence, cũng chỉ nói: "Tôi không biết sẽ trả lời như thế nào cho phần (không chi phí thêm) ‘thì sẽ ra sao (or else)’. Nhưng tôi biết rằng sự kiên nhẫn của người dân Hoa Kỳ sẽ không kéo dài vô giới hạn.”(10)  
Chắc chắn sẽ có những luận bàn về việc Hoa Kỳ có dám thay đổi chính sách ngoại giao đối với châu Âu qua NATO, hay vẫn cũng chỉ là hù dọa suông như những năm qua? Hoặc bi quan hơn nữa là liệu Hoa Kỳ có dám bỏ rơi NATO hay không?
Vấn đề đáng được đặt ra sẽ phải nên là: Liệu Hoa Kỳ có còn đủ khả năng (và thiện chí) để gồng gánh mãi một NATO càng ngày càng cồng kềnh, kém hiệu năng và có không it thành viên thờ ơ với sự an ninh của chính quốc gia họ?
Những cọ sát căng thẳng đang xẩy đến giữa Hoa Kỳ và NATO, có thể tóm gọn lại qua lời phát biểu vào ngày 21 tháng Hai, 2017 của Bà Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, là Washington đang làm việc để làm cho NATO được "hiệu quả hơn"!
Tưởng cũng nên nhắc đến bài diễn văn đầu tiên của Tổng thống Trump trình bày trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 02, 2017. Trong đó, ông Trump đã nói rõ: “Công việc của tôi không phải là đại diện cho thế giới. Công việc của tôi là đại diện cho Hoa Kỳ.” (My job is not to represent the world. My job is to represent the United States of America.)
Với một Trung Hoa càng ngày càng phát triển và đang trở thành một thách đố cho Hoa Kỳ trong vài trò lãnh đạo thế giới, thì phần khá chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ phải đặt thêm rất nhiều sự chú tâm vào quốc gia này.
Ngày 17/01/17, tại Hội nghị hàng năm của World Economic Forum, tại Davos-Klosters, Thụy Sĩ, trong bài diễn văn đọc vào ngày khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã miêu tả Trung Hoa như là quốc gia lãnh đạo của một thế giới được toàn cầu hóa, nơi chỉ có sự hợp tác quốc tế mới có thể giải quyết những vấn đề lớn.
Ngày 23/1/2017, tại cuộc họp với giới báo chí ngoại quốc về chuyến thăm viếng Thụy Sĩ của Tập Cận Bình trong tuần trước đó, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Trung Hoa Zhang Jun cho biết Trung Hoa không muốn lãnh đạo thế giới, nhưng có thể bị bắt buộc phải giữ vai trò này nếu những người khác lùi trở lại từ vị trí đó.(14)
Những luận cứ như vậy chỉ là một cách nói "gợi ý" trên mặt ngoại giao để bày tỏ ý muốn lên giữ vai trò lãnh đạo thế giới của Trung Hoa. Không chỉ qua lời nói mà còn bằng những hành động trong lãnh vực kinh tế và quân sự, Trung Hoa đã cho thấy, mặc dù chưa dám ngang nhiên thách thức Hoa Kỳ, họ vẫn đang nỗ lực xây dựng sức mạnh để thay thế Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo thế giới.
Hơn bao giờ hết Hoa Kỳ phải tập trung vào Á Châu và Á Châu Thái Bình Dương.
Và những vấn đề chiến lược này sẽ không còn chỉ bị giới hạn vào Tổng thống Donald Trump, với tối đa là hai nhiệm kỳ tổng thống, mà đó sẽ là một vấn đề của cả toàn thể quốc gia Hoa Kỳ phải đối phó và thực hiện lâu dài trải qua nhiều thời tổng thống.

 Trần Trung Tín
Ngày 07/3/2017


Tài liệu tham khảo:


NOTE: Tác giả Trần Trung Tín là cộng tác viên thường trực của đặc san Lâm Viên online tại www.dslamvien.com.





No comments: