Thứ
Năm, 03/02/2017 - 13:27 — tuongnangtien
Tôi
thấy lũ trẻ “phượt” ào ào nên cũng vội vã phóng theo (chớ ở nhà
hoài buồn quá) dù chả có chút ý niệm gì, về những nẻo đường sắp
tới.
Đi
đâu đây cà?
Ngần
ngừ chút xíu rồi tôi quyết định là mình nên khởi sự bằng cách trở
lại một chốn đã quen – Thái Lan – nơi mà tôi bắt đầu cuộc đời tị
nạn, gần bốn mươi năm trước!
Vì
không biết rằng tiếng anh có từ ngữ “guest house” nên tôi gu gồ (đại)
“bangkok hotel” và tìm ra một cái khách sạn, ở giữa thủ đô, với
giá 40 U.S.A dollar mỗi ngày. Kể cũng chả mắc mỏ gì, nếu so với
loại phòng bình dân ở California.
Ngủ
qua đêm, sáng hôm sau đi lơn tơn mới thấy trên cùng một dẫy phố nhưng
có rất nhiều nhà trọ mà chỉ phải trả 18 Mỹ Kim hà. Thế là tôi lật
đật xách ba lô, chạy sang chỗ mới.
Qua
đêm sau nữa, tôi “khám phá” ra rằng không chỉ ở mặt tiền mà trong
những con hẻm (lủa tủa) hai bên cũng có cả đống guest house.
Giá cả, tất nhiên, nhẹ nhàng hơn thấy rõ: mười hai đô la chẵn. Còn
nếu “chịu” ở chung (ở dorm) với vài ba mạng nữa thì chỉ
nửa giá đó thôi – breakfast included !
Tôi
“chịu” liền. Tưởng gì chớ “chung đụng” thì có hề chi. Số trại lính,
trại tù, trại cải tạo, trại tị nạn ... mà tôi từng sống qua – trên
những cái giường đôi – nếu chỉ tính bằng đầu ngón tay, không kể ngón
chân, dám thiếu!
Thêm
vài ba bữa, sau khi la cà với một mớ đồng hương (mấy anh chị tị nạn,
cùng với những em nhỏ chạy bàn, phụ hồ, bán kem, bán nước dừa, bán
trái cây ...) tôi được cho hay là có rất nhiều cao ốc, ở ngoại ô
Bangkok, phòng thuê hàng tháng chưa tới ba ngàn tiền baht –
tròm trèm chỉ cỡ 100 MK thôi – tính luôn wifi và điện nước.
Loại
chung cư này thường cao tới bẩy tám tầng, nằm cạnh bên nhau, tạo nên
những con hẻm nhỏ song song, vô cùng xầm uất. Hàng quán san sát, thức
ăn ê hề, rẻ rề, ngon miệng, và chưa nghe có ai bị ngộ độc phải vô
nhà thương hết trơn hết trọi. Vào giờ cao điểm, xe cộ – đôi khi – phải
di chuyển cùng với tốc độ của ... khách bộ hành nhưng không nghe
tiếng còi và cũng không có tiếng người chèo kéo/mời mọc hay cãi cọ
gì ráo trọi.
Tôi
dọn vô thử. Ở tuốt trên tầng sáu. Tuy thang máy chậm, phòng hơi chật
và hành lang hơi tôi tối nhưng sạch sẽ, và yên tĩnh đến không ngờ.
Cũng như người Lào, người Thái không ồn. Tiếng duy nhất mà tôi nghe
suốt ngày, từ sáng sớm đến chiều, chỉ là tiếng chim thôi.
Ảnh chụp tháng hai
2017
Dân
Thái tin rằng chim chóc mang lại điềm lành nên để chúng được sống
hoàn toàn tự do, và tha hồ ca hót. Nhiều loại chim lắm. Có con líu
lo, có con rủ rỉ, có con tíu tít không ngừng nhưng tôi nhận ra ngay
tiếng ríu rít quen thuộc của những con se sẻ.
Loài
chim này có lẽ hiện diện khắp địa cầu. Tiếng kêu thân quen của
chúng, trong những lùm cây, vào lúc chiều tàn, đã nâng đỡ cho
tâm hồn đa cảm và yếu ớt của tôi – không biết bao lần – suốt cả cuộc
đời lưu lạc. Cứ nghe se sẻ huyên náo chuyện trò là tôi lại
trạnh nhớ tiếng chim ngày cũ, dù bao kỷ niệm (không mấy êm đềm) đều
đã phôi pha.
Từ
một trại cải tạo heo hút, tôi nhận được giấy “tạm tha” cho trở về
nhà, vào năm 1978. Mùa mưa nào mà Đà Lạt chả buồn nhưng mùa mưa năm
ấy, tôi không chỉ buồn mà còn đói nữa. Ở tù bị đói, đã đành; ở
nhà, ai ngờ, cũng đói!
Lòng
buồn, bụng đói, dạ hoang mang, tôi không biết làm chi với cuộc đời
mình nên đành chỉ nằm nghe mưa và chờ nắng. Mong có chút xíu nắng
thôi cho trời bớt lạnh, cho bầy se sẻ túa lên mái nhà (âu yếm rỉa
lông, rỉa cánh cho nhau) và tíu tít mừng vui, đón chào nắng ấm.
Đà
Lạt hay có những cơn bão rớt, và những trận mưa dầm dề lê thê kéo
dài cả tuần chứ không phải cả ngày. Tuy thế, vẫn có những lúc mặt
trời cũng lấp ló ở một nơi nào đó. Nắng cũng làm sáng, và làm ấm
phố phường đôi chút nhưng tiếng chim kêu rộn ràng (như những ngày xưa
cũ) thì không còn nữa.
Thỉnh
thoảng mới có tiếng kêu thương lạc lõng của một con chim se sẻ, trên mái
ngói, rồi tiếng đáp trả nho nhỏ buồn buồn (nghe cũng cô đơn và não lòng
không kém) từ một căn nhà xa xa nào đó. Cả một dãy phố mà dường như
chỉ còn sót vài đôi chim bé bỏng thôi.
Cái
đói của chính mình giúp cho tôi đoán được chuyện gì đã xẩy ra cho
loài chim này trong mấy năm qua. Sự khắc nghiệt của chế độ hiện
hành, hoá ra, không chỉ ảnh hưởng riêng chi đến con người.
Tôi
không hiểu là loài se sẻ chết dần vì đói, hay chúng rời đi đến một
phương trời nào khác, bỏ tôi ở lại với đói lạnh và buồn. Buồn quá,
tôi cũng đi luôn và chưa bao giờ lần dò trở về chốn cũ.
Ảnh chụp tháng hai
2017
Gần
nửa thế kỷ đã qua, không biết bây giờ thì bầy sẻ nhỏ ra sao nhưng
đồng bào hay đồng hương của tôi thì vẫn vậy – vẫn cứ tiếp tục ra đi
bằng mọi giá và mọi cách. Từ Việt Nam, luật sư Võ
An Đôn mới buồn bã cho hay:
Tôi
vừa nhận được tin gia đình chị Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Lụa và Trần Thị
Phúc đang trên đường vượt biên từ Việt Nam qua Úc bằng đường biển, hiện tại ghe
chở người vượt biên đã qua khỏi lãnh hải Indonesia, tiến vào hải phận nước Úc.
Cả
3 gia đình trước đây đã một lần vượt biên qua Úc, bị trả về Việt Nam 7/2015.
Tòa án tỉnh Bình Thuận phạt tổng cộng hơn 6 năm tù giam về tội “Tổ chức người
khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Cụ thể: chị Loan 36 tháng tù giam, anh Hồ
Trung Lợi (chồng chị Loan) 24 tháng tù giam, chị Lụa 30 tháng tù giam. Riêng
anh Lợi đang chấp hành hình phạt tù được 20 tháng, chị Loan và chị Lụa được
hoãn chấp hành hình phạt tù 1 năm, đến tháng 7/2017 thì đi tù.
Nếu
lần vượt biên này bị Úc trả về thì chị Loan sẽ đối mặt với bản án 7 năm tù giam
và chị Lụa 6 năm tù giam (Cộng bản án cũ và bản án mới).
Qua
điện thoại chị Loan và chị Lụa cho biết: Nếu lần vượt biên này chính phủ Úc
không nhận hai chị tị nạn mà trả về nước, thì hai chị sẽ nhảy xuống biển tự tử,
chứ không bao giờ chịu trở về Việt Nam lần thứ 2.
Cầu
mong cho ba gia đình thượng lộ bình an và sớm đến được bến bờ tự do!
Ủa,
chớ “bến bờ tự do” có gì quyến rũ mà dân Việt – từ thế hệ
này sang thế hệ khác – cứ mãi khát khao đi tìm mãi thế? Tôi đang
sống ở Thái Lan, một đất nước “tự do” đây, có thấy chi hấp dẫn lắm
đâu?
Chả
qua chỉ là một căn phòng nho nhỏ, vừa đủ cho đôi vợ chồng son, với
những tiện nghi căn bản – trong một khu chung cư ở ngoại ô – mà số
tiền phải trả hàng tháng chỉ bằng một phần tư lợi tức của một
người công nhân, dù với đồng lương tối thiểu.
Nơi
đây, tuy phần lớn chỉ là những người lao động có lợi tức thấp nhưng
đời sống riêng tư của họ được tôn trọng hoàn toàn và tuyệt đối.
Không có ông công an khu vực, bà tổ trưởng dân phố, hay chị hội trưởng
phụ nữ (dấm dớ) nào lai vãng cả! Cũng chả thấy bóng dáng đám công
an giao thông, cảnh sát cơ động, hay lực lượng dân phòng lảng
vảng (xớ rớ) kiếm ăn ở chung quanh!
Dọc
theo mấy dẫy chung cư là một dòng sông nhỏ, nước tuy bẩn nhưng cá vẫn
còn sống được. Kiên nhẫn ngồi câu, chừng hai ba tiếng, cũng chỉ kéo
được hơn chục chú cá rô con.
Phần
lớn bờ sông là đất trống, bỏ hoang, mọc tá lả đủ thứ loại trái cây
thông thường của vùng nhiệt đới: vú sữa, mít, ổi, chuối, xoài, mãng
cầu, đu đủ ... Với tay phía nào cũng có thể bẻ được một chùm tầm
ruột, vừa mới chín hườm hườm, hay một quả khế (không biết chua/ngọt)
vàng ươm.
Bên
kia bờ sông – đôi chỗ – cũng thấy nhô lên một toà biệt thự kín
cổng, cao tường. Còn phần lớn đều chỉ là những căn nhà nhỏ, vách
ván đơn sơ, sắc mầu lộn xộn. Từ ngoài nhìn vào cũng có thể thấy
hết đồ vật luộm thuộm bên trong: giường tủ, ghế bàn, tuyềnh toàng,
cũ kỹ.
Cái
nghèo cũng được bầy ra qua những mâm cơm chiều thanh đạm, dọn ngay
trước sân nhà: cá khô, rau luộc, rổ đậu, đĩa trứng chiên nhỏ xíu, và
mấy xâu thịt nướng mỏng tang, cùng vài chai bia (hoặc rượu) địa phương
– ma dze in Thai.
Tuy
thế, trông người Thái nào tôi cũng cảm được là họ đang sống rất
bình an. Nỗi an bình của một của cả một dân tộc chưa từng “dám”
đánh thắng một đế quốc to nào ráo, đế quốc nhỏ cũng chưa!
Dân
Thái – chắc chắn – chưa bao giờ nghe nói đến những thứ (thổ tả) đại
loại như chủ nghĩa mác xít lê nin nít vô địch muôn năn, cải cách
ruộng đất, hợp tác xã, đánh công thương nghiệp, đổi tiền, vượt biên,
trại cải tạo, nợ công, lạm phát, vỡ qũi bảo hiểm xã hội, sự cố
môi trường biển, Hội Nghị Thành Đô ...
Cộng
lại tất cả những cái “chưa” này của dân tộc Thái Lan thì thành một
giấc mơ xa vời (và mỗi lúc một thêm xa) của người dân Việt!
No comments:
Post a Comment