Friday, March 3, 2017

KIỂM DUYỆT MỘT ĐỊA NGỤC (Trần Vũ - Văn Việt)




2 THÁNG BA, 2017

Bernard Fall và lính Biệt Động Quân Nam-Việt

Trong bản dịch Điện Biên Phủ Một Góc Địa Ngục của Vũ Trấn Thủ, Nxb Công An Nhân dân 2004, Hữu Mai, là người ghi lại hồi ức của Võ Nguyên Giáp, viết:

‘‘Nhân dịp kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, « Điện Biên Phủ – Một góc địa ngục của Bernard Fall » đã đến với người đọc Việt Nam. Tôi coi đây là một công trình trung thực, đầy đủ nhất của phương Tây viết về Điện Biên Phủ. Cuốn sách sẽ giúp cho người đọc thấy và hiểu được hầu như mọi diễn biến, con người ở phía bên kia, một sự bổ sung tuyệt vời cho những cuốn sách của chúng ta về Điện Biên Phủ. Tôi nghĩ đây cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn một người đã đứng bên chúng ta trong suốt cuộc trường chinh giành tự do, đã ngã xuống trên chiến trường như một chiến sĩ, mà chúng ta chỉ biết tới một cách muộn màng, đó là nhà báo, nhà sử học, người anh hùng Bernard Fall. Tôi cũng nghĩ đây là lời cảm ơn chân thành gửi tới chị Dorothy Fall, người đã luôn luôn là trợ thủ đắc lực của chồng trong cuộc đấu tranh, người đã không ngừng gắn bó với Việt Nam.’’ (MGĐN, trang 14, sđd)

Hữu Mai bầy tỏ lòng tri ân của dân Việt mà ấn bản Việt ngữ từ bản Pháp văn Un Coin d’Enfer [1] của Michel Carrière là lời cảm ơn chân thành gửi đến quả phụ Dorothy Fall. Một Dorothy mà Bernard Fall đã âu yếm ghi lên nền địa ngục: «Tặng Dorothy đã sống ba năm dài cùng những bóng ma Điện Biên.» (À Dorothy qui vécut trois longues années en compagnie des fantômes de Dien Bien Phu). Một Dorothy đã hy sinh trong cô độc, trong âm thầm lặng lẽ nuôi con, cho chồng sang Việt Nam khảo sát chiến tranh rồi cán mìn nổ tan xác.

Lời cảm ơn chân thành này ra sao?

• Un Coin d’Enfer, trang 207, Bernard Fall viết: ‘‘Về phía Việt Minh, họ cũng phải trả giá đắt cho trận đồi « Gabrielle ». Theo ước tính của các phi công quan sát Pháp, kẻ thù phải thiệt hại trên 1000 tử thương và có thể từ 2000 đến 3000 bị thương, và các tổn thất này thuộc một số đơn vị thiện chiến nhất của đối phương. Qua kiểm thính điện đài của địch, Giáp đang phải khẩn cấp lấp đầy những lỗ hổng binh sĩ trong các đơn vị…’’ (Du côté du Vietminh, la bataille pour « Gabrielle » a aussi coûté cher. Selon les estimations des observateurs aériens français, l’ennemi a perdu vraisemblablement plus de 1000 tués et a eu peut être de 2000 à 3000 blessés, et cela dans certaines des meilleures unités qu’il possède. D’après les écoutes françaises du trafic radio ennemi, Giap a besoin de combler d’urgence les vides creusés dans ses rangs…)

Bản Việt ngữ của Vũ Trấn Thủ, trang 329‘‘Về phía Việt Minh, họ cũng phải trả giá đắt cho trận « Gabrielle ». Qua theo dõi điện đài của địch, người ta thấy Giáp đang phải gấp rút lấp lại những lỗ hổng trong các đơn vị…’’

Không dịch« Theo ước tính của các phi công quan sát Pháp, kẻ thù phải thiệt hại trên 1000 tử thương và có thể từ 2000 đến 3000 bị thương, và các tổn thất này thuộc một số đơn vị thiện chiến nhất của đối phương. »

• Un Coin d’Enfer, trang 244, Bernard Fall viết: ‘‘Hai chiến xa hư hại nhẹ vì đạn rốc-kết, nhưng đến 15 giờ khi trận ấu đả kết thúc, lính nhảy dù đứng trước một cảnh tượng phi thường. Kẻ thù tháo lui trong hỗn loạn và các đơn vị Pháp làm chủ trận địa. Thêm nữa thi thể của 400 xác Việt Minh nằm đầy mặt đất. Hai đại bác 57 ly, 5 đại liên cao xạ 12 ly 7, 2 trọng liên 12 ly 7 khác, 2 súng phóng rốc-kết, 14 trung liên và hơn 1000 vũ khí cá nhân còn nguyên vẹn rơi vào tay quân nhảy dù.’’(Deux des chars sont légèrement endommagés par des roquettes, mais à 15 heures, la bagarre terminée, les parachutistes se trouvent devant un spectacle étonnant. L’ennemi se repli en désordre et les français sont maitres du champ de bataille. Par ailleurs les corps de 400 Vietminh jonchent le sol. Deux canons de 57, 5 mitrailleuses de 12,7 armes antiaériennes, 2 autres mitrailleuses de 12,7, 2 lance-roquettes, 14 FM et plus de 1000 armes individuelles tombent intacts entre les mains des parachutistes.)

Bản Việt ngữ của Vũ Trấn Thủ, trang 387: ‘‘Hai chiến xa bị đạn rocket địch bắn hư hại nhẹ nhưng đến 15 g, khi trận ấu đả đã kết thúc, quân Pháp đã làm chủ trận địa thu được 2 khẩu pháo cao xạ 57 ly, 5 khẩu trọng liên cao xạ 12,7 ly, 2 khẩu trọng liên 12,7 ly khác, 2 súng rocket, 14 trung liên và hơn 1000 vũ khí cá nhân khác.’’

Không dịch: « Kẻ thù tháo lui trong hỗn loạn », « thi thể của 400 xác Việt Minh nằm đầy mặt đất » và « còn nguyên vẹn rơi vào tay quân nhảy dù. »

• Un Coin d’Enfer, trang 254, Bernard Fall viết‘‘Vì sư đoàn 312 đã áp sát quân Pháp, pháo binh Việt Minh không thể yểm trợ. Các lượn sóng tấn công ngừng lại rồi thối lui. Hai đại liên 4 nòng từ « Épervier » bắt đầu khai hỏa và làm nên tấm màn 8 vạch lửa tử thần trên sườn cứ điểm. Các lượn sóng bộ binh kẻ thù chao đảo, rồi tìm chỗ trú ẩn trong lũng đất hẹp dài phía sau « Dominique 6 ». Trong kinh hoảng bộ đội nhảy thẳng xuống rãnh mương rộng và sâu mà Langlais đã cho cài mìn sẵn hai hôm trước. 200 xác bộ đội chồng chất. Trong lúc « Dominique » chặn đợt tiến công nhắm vào căn cứ, thì « Éliane » phải đương đầu với cuộc tấn công dữ dội của đại bộ phận sư đoàn 316.’’ (La 312e division étant au contact, son artillerie ne peut l’appuyer. Les vagues d’assaut s’arrêtent puis refluent. Les quadruplées d’« Épervier » ouvrent alors le feu et font pleuvoir huits gerbes étincelantes de balles terriblement meurtrières sur les pentes du point d’appui. Les vagues d’infanterie ennemie flottent, puis tentent de trouver un abri dans l’étroite vallée qui s’étend derrière « Dominique 6 ». Dans leur panique elles se jettent tout droit dans un large et profond fossé que Langlais a fait miner deux jours plus tôt. 200 cadavres s’y entassent. Tandis que « Dominique » contenait l’assaut lancé contre lui, « Éliane » avait à soutenir une violente attaque du gros de la 316e division.)

Bản Việt ngữ của Vũ Trấn Thủ, trang 404: ‘‘Đại đoàn 312 đang đánh giáp chiến cho nên pháo binh địch không thể yểm trợ được. Các đợt xung phong của nó dừng lại rồi lùi. Hai khẩu trọng liên bốn nòng ở « Épervier » liền xả súng bắn như đổ đạn vào các sườn điểm tựa. Các làn sóng bộ binh địch bối rối, rồi tìm chỗ ẩn dưới cái thung lũng nhỏ đằng sau « Dominique 6 ». Trong khi « Dominique » cố chặn cuộc xung phong đánh vào mình, thì « Éliane » phải chống đỡ cuộc tấn công dữ dội của đại bộ phận đại đoàn 316.’’

Không dịch: « Trong kinh hoảng bộ đội nhảy thẳng xuống rãnh mương rộng và sâu mà Langlais đã cho cài mìn sẵn hai hôm trước. 200 xác bộ đội chồng chất ».

• Un Coin d’Enfer, trang 277, Bernard Fall viết: ‘‘Ngọn đồi nồng nặc xú uế kinh khủng của hơn 1500 xác Việt Minh và 300 xác lính Pháp đang thối rữa dưới nắng.’’ (La colline empeste de l’atroce odeur des quelque 1500 cadavres ennemis et des 300 cadavres français qui y pourrissent au soleil.)

Bản Việt ngữ của Vũ Trấn Thủ, trang 443: ‘‘Ngọn đồi nồng nặc uế khí kinh khủng của hơn 1000 xác quân Việt Minh và xác quân Pháp đang tan rữa dưới ánh mặt trời.’’

Biên tập: « 1000 xác quân Việt Minh và xác quân Pháp » thay vì « 1500 xác Việt Minh và 300 xác lính Pháp ».

• Un Coin d’Enfer, trang 280, Bernard Fall viết: ‘‘Khó hình dung làm cách nào 160 binh sĩ nhảy dù có thể tấn công 3000 bộ đội mà đối phương ném vào trận đánh. Thêm nữa, vào lúc 7 giờ, khi quân dù chạm tuyến, Việt Minh tăng cường thêm một tiểu đoàn thứ tư — tiểu đoàn 14 của trung đoàn 165 — vào trận phản kích quyết liệt cuối cùng. Nhưng đối phương đã chần chừ quá lâu. Trời sáng và bộ đội bị pháo binh Pháp dập nát. Lúc 8g30, khi Việt Minh bắt đầu thối lui, những khu trục cơ oanh kích Pháp xuất hiện… […] Cuối cùng lúc 10g15, sau tái chiếm Huguette 6, đại úy Clédic và các sĩ quan nhìn chiến trường xung quanh. 800 xác Việt Minh, mà phần lớn là các thiếu niên 16 tuổi và nhỏ hơn, chồng chất bên trong các công sự tan hoang của cứ điểm. Các sĩ quan Pháp đếm được 300 xác khác trên rào kẽm gai và trong bãi mìn vây quanh vị trí: khi tháo lui, Việt Minh đã phải mang theo số thương vong tương đương. 21 tù binh sống sót, tất cả đều còn rất trẻ và run rẩy vì chấn động, được tìm thấy giữa các xác chết và đưa về trại tù binh..’’ (On a du mal à les imaginer attaquant, avec leurs 160 hommes les 3000 bo doi jetés dans la bataille par le camps adverse. De plus, au moment où elles arrivent à 7 heurs, l’ennemi engage un quatrième bataillon — 14/165 — dans une dernière et furieuse contre-attaque. Mais il a trop attendu. Il fait jour et il se fait hacher par les feux de l’artillerie française. À 8h30, alors que l’ennemi commence à reculer, les premiers chasseurs bombardiers français font leur apparition […] À 10h15, enfin maître d’Huguette 6, Clédic et les autres officiers contemplent le champ de bataille autour d’eux. 800 cadavres vietminh, dont un grand nombre de jeunes gens de seize ans et moins, s’entassent à l’intérieur des ouvrages dévastés du point d’appui. Ils en comptent 300 autres dans les barbelés et les champs de mines qui entourent la position: en se retirant, l’ennemi a bien du en enlever autant. Vingt et un survivant, tous très jeunes et tremblants de saisissement, sont découverts parmi les cadavres et envoyés au camp de prisoniers…)

Bản Việt ngữ của Vũ Trấn Thủ, trang 449 và 450: ‘‘Người ta cũng khó có thể tưởng tượng được làm sao mà 160 người có thể tấn công được 3000 bộ đội phía địch đã ném vào trận đánh. Thêm vào đó, khi họ tới vào lúc 7 giờ, quân địch đưa thêm một tiểu đoàn thứ tư — tiểu đoàn 14 trung đoàn 165 — vào một trận phản kích cuối cùng và quyết liệt. Nhưng quân địch đã chần chừ quá lâu. Trời đã sáng và vào lúc 8 giờ 30, khi Việt Minh bắt đầu lùi thì những máy bay tiêm kích ném bom Pháp xuất hiện […] Cuối cùng, đến 10 giờ 15, đã làm chủ « Huguette 6 », Clédic và các sĩ quan khác đứng ngắm nhìn chiến trường xung quanh mình: hàng trăm xác quân Việt Minh, phần lớn là thanh niên khoảng 16 tuổi, chồng chất lên nhau trong những công sự tan hoang của điểm tựa. 21 người còn sống sót, tất cả đều rất trẻ và run rẩy vì kinh ngạc, được tìm thấy lẫn trong các xác chết và đưa về trại tù binh..’’

Không dịch: « Trời sáng và bộ đội bị pháo binh Pháp dập nát. [..] Các sĩ quan Pháp đếm được 300 xác khác trên rào kẽm gai và trong bãi mìn vây quanh vị trí: khi tháo lui, Việt Minh đã phải mang theo số thương vong tương đương. » Biên tập : « 800 xác Việt Minh » thành « hàng trăm xác quân Việt Minh ».

Trong chiến tranh Việt-Pháp xuất hiện một thuật ngữ « PIM » mang nghĩa Personnel Interné Militaire (Nhân công quản thúc của quân đội), nhiều sách viết Prisonniers d’Intérêt Militaire (Tù binh ích lợi quân sự). Trên thực tế, là những lính Việt Minh bị bắt tại mặt trận, sau thẩm cung xác nhận không phải đảng viên Cộng sản nguy hiểm, có thể chọn hoặc về trại giam, hoặc làm lao công chiến trường để sau một thời gian được xem là quy chánh. Khá đông làm công tác thu lượm đạn dược, thực phẩm thả dù tại Điện Biên Phủ. Hầu hết đều tận tụy và trung thành, ngay cả sau khi De Castries đầu hàng. Chi tiết này nói lên cách đối xử của các sĩ quan Pháp.

• Un Coin d’Enfer, trang 315, Bernard Fall viết: ‘‘Việt Minh thề sẽ xử như tội phạm chiến tranh những sĩ quan Pháp đã chỉ huy các đơn vị thân binh Thái, Chiến đoàn Đặc nhiệm Lưu động (GMI), lực lượng đặc biệt và tất cả những ai đã trông coi tù binh. Hàng trăm PIM biết mặt trung úy Patrico và khá nhiều biết tên. Không một ai tố cáo. Giống như trường hợp tiểu đoàn phó của thiếu tá Clémençon, là thiếu tá Coldeboeuf mà tên trên khai sanh (Cổ Bò) miêu tả hoàn hảo vóc dáng, cũng đã từng trông coi một liên toán PIM đông đúc. Khi đến phiên Coldeboeuf, với hai tay bị trói sau lưng bằng giây điện thoại, rời khỏi trung tâm đề kháng sau trận đánh, sự tình cờ khiến Coldebeuf đi ngang trước hàng PIM của chính phân đội tù binh mà Coldeboeuf từng cai quản, đang ngồi ven đường chờ xe vận tải đưa họ đi. Từng người một, các PIM đứng lên chào Coldeboeuf. Một người trong đám, biết tiếng Pháp, nói: « Mong thiếu tá may mắn. » Họ sẽ bị các đồng chí giải phóng họ, xô đạp. Không ai biết cách Việt Minh sẽ xử lý các cựu binh bị Pháp bắt này ra sao. Có thể Việt Minh sẽ xử họ như cách Liên-Xô sau năm 1945 đã xử các lính Nga từng bị Đức bắt, như một lũ hèn mạt đã đào ngũ. Nhưng vào giữa tháng 4-1954, các PIM còn phải chịu đựng gian nan cùng cực của trận chiến vào giai đoạn cuối, và phải thực hiện nhiệm vụ gay go tiếp tế cho « Huguette 6 »… ’’ (Le Vietminh a juré de juger comme criminels de guerre les officiers français qui auront travaillé avec les unités de partisans Thaïs, les G.M.I, les services spéciaux et aussi tous ceux qui auront fait partie de la garde du camp de prisonniers. Des centaines de P.I.M connaissent le lieutenant Patrico de vue et un bon nombre de nom également. Aucun ne le dénoncera. Comme adjoint du commandant Clémençon, le commandant Coldeboeuf, dont le nom décrit parfaitement la carrure et la taille, a lui aussi commandé un important détachement de P.I.M. Lorsque, à son tour, les mains liées derrière le dos avec des fils téléphoniques, il quittera le camp après la bataille, le hasard fera qu’il passera devant son propre détachement qui attend sur le bord du chemin les camions qui l’emporteront. Un par un, les P.I.M se lèveront pour le saluer. L’un d’eux qui parle le français, lui dira même: « Bonne chance, mon commandant.» Ils seront écartés à coup de pied par leurs libérateurs. On ignore presque tout du traitement que réservera le Vietminh à ces prisonniers à leur retour. Peut-être les traita-t-il comme l’U.R.S.S traita les siens en 1945, comme des lâches et des déserteurs. Mais, à la mi-avril 1954, il reste encore aux P.I.M, à subir le calvaire de la fin de la bataille et à accomplir la dure tâche du ravitaillement d’ « Hughuette 6 » …)

Bản Việt ngữ của Vũ Trấn Thủ, trang 504: ‘‘Việt Minh tuyên bố sẽ xử là tội phạm chiến tranh những sĩ quan Pháp chỉ huy các đơn vị du kích Thái, các đội đặc nhiệm và cả những người thuộc bộ phận canh gác trại tù binh. Hàng trăm P.I.M biết mặt trung úy Patrico, và cũng rất nhiều người biết tên. Vậy mà không có ai tố giác ông ta cả. Là phó của thiếu tá Clémençon, thiếu tá Coldebeuf (nghĩa là Cổ Bò – N.D.) – tên đó cũng tỏ rõ ông ta là dạng cổ cày vai bừa như thế nào – cũng chỉ huy một bộ phận quan trọng P.I.M.. Khi đến lượt ông ta rời Điện Biên Phủ sau trận đánh, hai tay trói giật sau lưng băng dây điện thoại, thì ngẫu nhiên được dẫn qua chính bộ phận tù binh ông ta đã phụ trách đang ngồi bên lề đường đợi ô-tô chở đi. Các P.I.M này người nọ sau người kia đứng dậy chào. Nhưng vào giữa tháng Tư năm 1954 thì P.I.M còn phải chịu đựng gian nan của thời kỳ cuối trận đánh, thực hiện cái nhiệm vụ gay go tiếp tế cho « Hughuette 6 »…’’.

Không dịch: « Một người trong đám, biết tiếng Pháp, nói: « Mong thiếu tá may mắn. » Họ sẽ bị các đồng chí giải phóng họ, xô đạp. Không ai biết cách Việt Minh sẽ xử lý các cựu binh bị Pháp bắt này ra sao. Có thể Việt Minh sẽ xử họ như cách Liên-Xô sau năm 1945 đã xử các lính Nga từng bị Đức bắt, như một lũ hèn mạt đã đào ngũ. » 

• Un Coin d’Enfer, trang 443, Bernard Fall viết: ‘‘Chính là « Huguette 4 ». Cứ điểm do đại úy Luciani và một đại đội hỗn hợp gồm 80 lính Lê dương và Tán binh Marốc phòng thủ, bị tấn công từ hai tiếng đồng hồ qua, và đây có lẽ là cuộc tấn công ác liệt nhất chưa từng đánh vào một cứ điểm của chiến lũy. Dưới quyền chỉ huy của tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn 308, toàn bộ trung đoàn 36 của trung tá Mạnh Quân, cùng với ba tiểu đoàn khác của trung đoàn 88 và 102 của cùng sư đoàn này, cộng thêm một tiểu đoàn thứ tư của sư đoàn 312, dưới yểm trợ của pháo 105 ly của trung đoàn 34 Pháo binh Việt Minh, tổng cộng trên 3000 bộ đội tham gia tấn công một cứ điểm nhỏ. Hỏa tập bắn chận chung quanh « Huguette 4 » của pháo binh Pháp từ Isabelle bị pháo Việt Minh dập kềm chế. Hai giờ sau, « Huguette 4 » vẫn đứng vững, nhưng thương vong khá lớn. Tổn thất phía Việt Minh vô cùng nặng: hàng trăm xác kẻ thù chất đống trên rào kẽm gai phía Tây cứ điểm. Vào lúc 3g45…’’ (C’est« Huguette 4 ». Le P.A que tiennent le capitaine Luciani et une compagnie de marche de 80 légionnaires et tirailleurs marocains est attaqué depuis deux heures et cette attaque est probablement la plus puissante qui ait jamais été lancée contre un P.A du camp retranché. Sous le commandement du général Vuong Thua Vu de la division 308, le régiment 36 du lieutenant-colonel Manh Quan, tout entier, ainsi que trois autres bataillons des régiments 88 et 102 de la même division et un quatrième de la division 312, soutenus par les 105 du régiment d’artillerie 34, en tout plus de 3000 hommes, prennent part à l’attaque du petit P.A. Et l’artillerie d’ « Isabelle » qui a déclenché des tirs d’arrêt autour d’« Huguette 4 » est matraquée par les tirs de neutralisation Vietminh. Deux heures plus tard, « Huguette 4 » tient toujours, mais les pertes sont considérables. Quant à celles du Vietminh, elles sont très lourdes: des centaines de cadavres ennemis s’amassent sur les réseaux de barbelés à l’ouest du P.A. A 3h45… )

Bản Việt ngữ của Vũ Trấn Thủ, trang 702: ‘‘Đó là « Huguette 4 ». Điểm tựa này do đại úy Luciani và một đại đội hỗn hợp gồm 80 lính lê dương và lính bộ binh Maroc trấn giữ. Từ hai tiếng đồng hồ nay, điểm tựa ấy bị địch tấn công, và đó có lẽ là cuộc tấn công ác liệt nhất từng đánh vào một điểm tựa của tập đoàn cứ điểm. Trận đánh do tướng Vương Thừa Vũ, đại đoàn trưởng đại đoàn 308 chỉ huy, và lực lượng tham gia gồm có toàn bộ trung đoàn 36 của trung tá Mạnh Quân, cùng với ba tiểu đoàn khác của các trung đoàn 88 và 102 thuộc cùng đại đoàn, và một tiểu đoàn thứ tư thuộc đại đoàn 312, tổng cộng là trên 3000 quân được sự yểm trợ của pháo 105 thuộc trung đoàn pháo binh 34. Vào pháo binh « Isabelle » bắn chặn xung quanh « Huguette 4 » thì bị pháo Việt Minh bắn kiềm chế dữ dội. Hai giờ sau, « Huguette 4 » vẫn đứng vững, nhưng thiệt hại rất lớn. Thiệt hại của Việt Minh cũng rất nặng nề. Vào lúc 3 giờ 45…’’

Không dịch: « tham gia tấn công một cứ điểm nhỏ.» và « hàng trăm xác kẻ thù chất đống trên rào kẽm gai phía Tây cứ điểm. »

Vì sao đã liệt kê hết các đơn vị tham chiến mà rồi cuối cùng Vũ Trấn Thủ cắt bỏ mệnh đề ngắn « tham gia tấn công một cứ điểm nhỏ.» ? Vì sao, một cách hệ thống, Vũ Trấn Thủ lược hết những thiệt hại phía Việt Minh, như trong đoạn này cắt bỏ « hàng trăm xác kẻ thù chất đống trên rào kẽm gai phía Tây cứ điểm », cũng như ở các trang trước, các số xác chết Việt Minh đều bị tẩy xoá? Vì Quân đội Nhân dân muốn che giấu bộ đội đã chết rất nhiều? Đọc kỹ, mệnh đề ngắn « tham gia tấn công một cứ điểm nhỏ » trong tường thuật của Fall mang hàm ý sâu xa: Võ Nguyên Giáp đã đánh biển người. 3 tiểu đoàn của trung đoàn 36, cộng 3 tiểu đoàn khác của trung đoàn 88 và 102, tăng cường tiểu đoàn thứ tư của sư đoàn 312, vị chi 7 tiểu đoàn chỉ để đánh 1 đại đội 80 binh sĩ của đại úy Luciani! Mà vẫn không tràn ngập được vị trí sau 4 giờ tiến công… Chính mệnh đề ngắn có vẻ như vô thưởng vô phạt này làm nổi bật lên thiên tài của Võ Nguyên Giáp. Là lý do vì sao Vũ Trấn Thủ hoặc khâu biên tập đã cắt đi.

Những ai đọc qua bản Pháp văn đều nhận ra vô vàn những đoạn bị cắt cúp, biên tập hoặc thay chữ, trong mục đích làm lợi cho Việt Minh và thêm hào quang cho Võ Nguyên Giáp. Nhưng rõ rệt nhất, là chương 11, chương “Kết thúc”(La Fin) dài 40 trang chữ nhỏ trong bản Pháp văn (từ trang 497 đến 536), sang đến bản tiếng Việt chỉ còn đúng 5 trang, co chữ to (từ trang 787 đến 791) . Vũ Trấn Thủ chú thích: “Tới đây là hết diễn biến của trận Điện Biên Phủ. Tiếp sau là vài đoạn nói về những diễn biến sau trận đánh. Vì khuôn khổ cuốn sách có hạn, chúng tôi mạn phép tác giả và độc giả không dịch những đoạn này mà tiếp theo ngay vào chương 12: Lời bạt.” (MGĐN, trang 791, sđd)

Vì sao không dịch tiếp? Vì các đoạn sau Bernard Fall viết về thương binh, tù binh, chính sách cải tạo nhồi sọ cùng sự tàn ác trong các trại giam Việt Minh, cũng như sự phản kháng của một số quân nhân. Như trang 521 Fall ghi lại, từ lời kể của các tù binh thả về, cảnh các binh sĩ Lê dương gốc Đức bất chấp quản giáo bắt hát Quốc tế ca và phải vỗ tay khi ban Tuyên giáo chiếu phim, đã đồng loạt đồng ca “Ich Hatt’einen Kameraden, Einen bess’ren findst du nicht..” (Tôi có những đồng đội, anh không thể tìm thấy những bạn tốt hơn..). Trang 523, Fall kể lại việc y sĩ trung úy Jean-Louis Rondy, của tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương đã chứng kiến một thương binh cưa hai chân đã phải bò trườn lê lết trên hai tay và trên hai khúc đùi về đến tận trại giam Tuần Giáo, cách Điện Biên Phủ 83 cây số, sau đầu hàng. Fall nhấn mạnh: tất cả những thương binh nặng đều tử vong vì không được chăm sóc. Trên những trang bị kiểm duyệt, Fall đưa ra số liệu: Khi chiến tranh chấm dứt, Việt Minh trao trả 10.754 binh sĩ Liên hiệp Pháp trên tổng số 36.979 bị bắt từ 1946, tức 28,5% [2]. Riêng đối với tù binh Điện Biên, trao trả 3.920 trên số 11.721 hàng binh ngày 7 tháng 5-1954, tức 33,5%. Số không trao trả, chết hoặc không tin tức. Là lý do vì sao Vũ Trấn Thủ ngưng dịch.

Đoạn cuối của một tác phẩm, bao giờ cũng là đoạn quan trọng nhất làm nên dư âm của tác phẩm ấy. Trong phần kết luận (L’Épilogue mà Vũ Trấn Thủ dịch là Lời bạt), 21 dòng chữ cuối cùng bị cắt đi, chỉ vì Fall ghi lại sự việc 24 khu trục cơ F-105 và Skyhawk A-4 đã ném 29 tấn bom xuống Điện Biên 11 năm sau, ngày 2 tháng 7-1965 mà cao xạ Bắc-Việt không bắn trúng một chiếc máy bay Mỹ nào. Vì sao kiểm duyệt? Vì chạm tự ái?

Những băm vằm bằng dao phay khiến đánh giá của Hữu Mai Tôi coi đây là một công trình trung thực, đầy đủ nhất của phương Tây viết về Điện Biên Phủ’’ trở nên mâu thuẫn. Làm sao có thể vừa trung thực vừa thái lát sự thật? Càng tương khắc khi Hữu Mai đã đọc Lời Tác giả của Fall: ‘‘Nếu công thức nổi tiếng «Tôi thề nói lên sự thật, tất cả sự thật, không sợ hãi và không hận thù» có một ý nghĩa, thì tôi tin rằng, người ta có thể nói một cách công bình, đó là điều tôi đã làm trong tác phẩm này.’’ [3] (Et si la formule bien connue « je jure de dire la vérité, toute la vérité, sans peur et sans haine » a un sens, je crois qu’en toute justice, on peut dire que c’est ce que j’ai fait ici.)[Un Coin d’Enfer, Avant-propos, trang 21]. Bernard Fall đi tìm sự thật và trưng bày sự thật, với những tài liệu tìm thấy, nhưng Nxb Công an Nhân dân, với đồng tình của Hữu Mai, đánh tráo sự thật ấy.

Hữu Mai “nghĩ đây cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn một người đã đứng bên chúng ta trong suốt cuộc trường chinh giành tự do [...] Tôi cũng nghĩ đây là lời cảm ơn chân thành gửi tới chị Dorothy Fall, người đã luôn luôn là trợ thủ đắc lực của chồng…’’ Lời cảm ơn chân thành? Một món quà phỉ báng người quá cố và tàn độc cho một quả phụ.

Hữu Mai, giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng, giải A Văn xuôi Hội Nhà văn, Giải A văn học về đề tài an ninh Bộ Công an – Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Nhà nước cho các tiểu thuyết Cao điểm cuối cùngVùng trờiÔng cố vấn, không cho biết trong Những Điều Chưa Biết Về Bernard Fall in đầu bản dịch, là Bernard Fall đã chết vì cán phải mìn “của chúng ta” khi theo Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ hành quân Thừa Thiên.

Thierry Bouzard trên tập san Monde et Vie, số tháng 4-2009, trong bài Đối diện Tử thần: Những Trại Tàn sát của Việt Minh, đưa ra những thống kê: “Tỷ lệ tử vong tổng quát trong trại giam Việt Minh là 69,04%. Mức tử vong tù binh gốc Pháp là 59,5%, cao hơn tỷ lệ tử vong trong các trại tập trung Đức Quốc xã, như trại Buchenwald 37%. [...] Tù binh Việt Nam thuộc quân đội Pháp gần như bị thảm sát, tỷ lệ tử vong lên đến 90% trong những trại giam này. Việt Minh thả 860 lính Việt trên số 14.060. Riêng đối với 9.404 tù binh thuộc Quân đội Quốc gia Việt Nam mà Giáp gọi là « Ngụy », duy nhất 157 tìm lại tự do.’’ (Le taux global de la mortalité dans les camps Viêt-minh a été de 69,04 %. Celui de prisonniers de guerre français, de 59,5 %. Ce taux est supérieur à celui des camps de concentration allemands comme Buchenwald 37 %. […] Ces prisonniers vietnamiens ont frôlé l’extermination: le taux de mortalité atteignait dans ces camps 90 %. Sur 14.060 hommes capturés alors qu’ils servaient dans les unités de l’armée française, 860 seulement sont revenus; et sur les 9.404 prisonniers appartenant aux forces vietnamiennes, que Giap n’appellera jamais autrement, que les « fantoches », 157 seulement ont retrouvé la liberté.) [Face à la Mort: Camps d’Extermination du Viêt-Minh].

Các danh tướng Nhật Tomoyuki Yamashita và Masaharu Homma từng chiến thắng vinh quang tại Mã Lai và Phi Luật Tân, đã phải ra toà án quốc tế với tội danh Tội phạm Chiến tranh và bị treo cổ vì đã để chết quá nhiều tù binh Đồng Minh. Võ Nguyên Giáp may mắn là chế độ ông phục vụ chưa sụp đổ. Nhưng không chế độ nào vĩnh hằng và không thiên tài nào chiến thắng thời gian.

Trần Vũ
Tháng 2-2017

Hình bìa sách “Face À La Mort”

[1] Trang bìa trong của Một Góc Địa Ngục, Nxb Công An Nhân dân 2004 ghi rõ dịch từ bản Pháp văn Un Coin d’Enfer của Michel Carrière, Nxb Le Cercle du Nouveau Livre d’Histoire mà không dịch từ bản gốc Hell In A Very Small Place: The Siege Of Dien Bien Phu của Bernard Fall.

[2] Sau ký kết Genève, Pháp thả 63.000 tù binh Việt Minh

[3] Lời Tác giả được Vũ Trấn Thủ dịch trong Một Góc Địa Ngục, trang 33.

[4] Thierry Bouzard, Những Trại Tàn sát của Việt Minh: 
DVD tài liệu của Bộ Quốc phòng Pháp, với nhân chứng về các trại tử thần của Hồ Chí Minh.




No comments: