Thursday, March 2, 2017

HIỆN TƯỢNG TRUMP & SỰ PHÂN CỰC CHÍNH TRỊ CỦA DÂN MỸ (Phạm Quang Tuấn - Dân Luận)




Phạm Quang Tuấn
Tác giả gửi tới Dân Luận
01/03/2017
  
Trump là một nhân vật khác thường trong lịch sử chính trị Mỹ, nhưng đồng thời cũng là một hậu quả tự nhiên của sự phân cực (polarization) chính trị Mỹ bắt đầu từ hơn 20 năm qua.

Theo dõi chính trị Mỹ chúng ta dễ thấy là hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa càng ngày càng cách xa nhau hơn và ngày nay nhiều người coi nhau như thù địch, dùng những ngôn ngữ rất hằn học (kể cả tổng thống!). Sự phân cực này đã được hãng thăm dò ý kiến Pew Research nghiên cứu và báo cáo vào năm 2014 (http://www.pewresearch.org/fact-tank/2014/06/12/7-things-to-know-about-polarization-in-america/). Các cuộc thăm dò ý kiến từ 1994 cho thấy là những đảng viên Dân Chủ càng ngày càng trở nên “phóng khoáng” (liberal) hơn, trong khi đảng viên Cộng Hòa càng ngày càng bảo thủ hơn.

Hình 1 so sánh tình trạng năm 1994 và năm 2014 (đỏ: đảng CH, xanh: đảng DC, trái: quan điểm phóng khoáng, phải: quan điểm bảo thủ). Năm 1994, đảng viên hai đảng còn nhiều quan điểm tương đồng (phần xám ở giữa), nhưng đến 2014 thì phần xám (tương đồng) đã rút nhỏ lại và hai phần xanh và đỏ (khác biệt) lớn hơn nhiều.


Pew Research cũng chỉ ra những thay đổi sau đây từ 1994 đến 2014:

1. Tỷ số người Mỹ có quan điểm luôn luôn bảo thủ hay luôn luôn phóng khoáng tăng gấp đôi từ 10% đến 21%.

2. Tỷ số những người có ác cảm với đảng kia tăng vọt chừng 2 lần rưỡi: số đảng viên CH có quan điểm rất xấu về đảng DC tăng từ 17% lên 43%, số đảng viên DC có quan điểm rất xấu về đảng CH tăng từ 16% lên 38%, và những người này cho rằng đảng đối lập của mình là mối đe dọa cho nước Mỹ.

3. Đảng viên mỗi đảng bớt giao du với người đảng kia, mà chỉ giao du với người cùng quan niệm chính trị.

4. Số người trung dung không ngả hẳn theo khuynh hướng bảo thủ hay phóng khoáng càng ngày càng ít, từ 49% vào năm 1994 và 2004 còn 39% năm 2014.

Báo New York Times (https://www.nytimes.com/interactive/2017/02/28/us/politics/the-highs-and-lows-of-trumps-approval.html) đưa ra dữ liệu về tỷ số ủng hộ và chống các tân tổng thống trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ (theo Gallup), dữ liệu này cũng cho thấy là sự phân cực càng ngày càng trầm trọng. Tổng thống nào dĩ nhiên cũng được nhiều người đảng mình ủng hộ hơn là đảng đối lập. Tuy nhiên, thời 1953-1977 (từ TT Eisenhower đến TT Carter) số người ủng hộ tân TT trong đảng đối lập cũng vẫn được khoảng 50% hay hơn trong thời kỳ gọi là “tuần trăng mật” của nhiệm kỳ (100 ngày đầu). Lúc này hai bên đều tỏ thiện chí chính trị và mong muốn hợp tác, bỏ qua sự khác biệt đảng phái (hình 2). Từ 1981 tới 1989 (Reagan và HW Bush) thì số đảng viên đối lập ủng hộ tân TT bắt đầu xuống dưới 50% rõ rệt, và từ 1993 trở đi (Clinton trở đi) thì xuống càng rõ hơn, và khoảng cách giữa đảng viên của TT và đảng viên đối lập (màu xám) càng ngày càng lớn. Số đảng viên đối lập ủng hộ TT chỉ còn khoảng 10% dưới thời Trump.


Sự phân cực này giải thích tại sao phong trào “Tea Party” cực hữu đã được đảng viên CH ủng hộ mạnh mẽ và sau đó là hiện tượng Donald Trump. Tuy tỷ số dân Mỹ ủng hộ Trump thấp nhất trong các tân TT mấy chục năm qua, điều đó là do đảng viên DC và những người độc lập (không thuộc đảng nào) ủng hộ ông ta thấp hơn các tân TT khác. Tuy nhiên, người cùng đảng (CH) thì vẫn ủng hộ ông ta nồng nhiệt, thậm chí còn hơn đa số các TT trước (Hình 3).


Liệu sự phân cực chính trị của Mỹ có dẫn đến sự cực đoan hóa và nền dân chủ Mỹ có đủ mạnh để sống và bền vững không? Nền dân chủ Mỹ đã là gương mẫu của thế giới, đưa nước này đến địa vị siêu cường và đem tới những cải thiện lớn lao về nhân quyền cho nước Mỹ.

Cách đây 152 năm Mỹ hãy còn chế độ nô lệ, chỉ cách đây dưới 50 năm luật pháp nhiều nơi trong nước Mỹ còn cấm hôn nhân giữa người khác chủng tộc, nhưng nhờ sự đoàn kết dưới những giá trị chung của dân Mỹ và đầu óc phóng khoáng của hầu hết các tổng thống, CH cũng như DC, mà ngày nay tất cả người Mỹ đều bình đẳng trước pháp luật.

Liệu sự phân cực có tiếp tục tệ thêm, đưa đến chia rẽ không hàn gắn được, và nếu vậy hậu quả sẽ ra sao cho nước Mỹ và cho thế giới?





No comments: