21/03/2017
Giám
đốc FBI James Comey hôm thứ Hai xác nhận cơ quan ông đang điều tra xem liệu các
trợ lý của Tổng thống Donald Trump có phạm tội câu kết với Nga để giúp cho ông
Trump thắng cử hay không. Ông cũng bác bỏ tuyên bố gây sốc của ông Trump cho rằng
cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén ông nhiều tuần trước cuộc bầu cử tổng
thống hồi năm ngoái.
Giám đốc FBI James Comey điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện tại
Washington, D.C., ngày 20/3/2017.
Phát biểu trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, ông Comey
cho biết ông đã được Bộ Tư pháp chuẩn thuận cuộc điều tra của FBI, bao gồm việc
điều tra về bất kỳ mối liên hệ nào giữa các cá nhân liên quan đến chiến dịch vận
động tranh cử của ông Trump và chính phủ Nga.
Giám đốc FBI James Comey nói:
“Cũng như bất kỳ cuộc điều tra phản gián nào, cuộc điều tra này bao gồm cả
việc đánh giá xem liệu có hành vi phạm tội nào đã được thực hiện hay không. Bởi
vì đây là một cuộc điều tra mật, mở rộng và đang diễn ra, tôi không thể nói nhiều
hơn về những gì chúng tôi đang thực hiện và việc làm của ai đang bị điều tra.
Theo yêu cầu của các lãnh đạo Quốc hội, chúng tôi có những phối đặc biệt với Bộ
Tư pháp, báo cáo với các lãnh đạo Quốc hội, trong đó có các lãnh đạo của Ủy ban
này, tại địa điểm bí mật về cuộc điều tra”.
Trước đó, ông Trump viết trên trang Twitter rằng ông
Obama đã nghe lén ông tại Tòa tháp Trump ở New York. Ông Comey nói FBI không có
thông tin nào để xác nhận tuyên bố đó.
Ông Comey nói: “Đối với những thông tin trên
Twitter của tổng thống cáo buộc chính quyền cũ nghe lén điện thoại của ông, tôi
không có thông tin để hỗ trợ điều này. Và chúng tôi đã xem xét cẩn thận nội bộ
FBI. Bộ Tư pháp đã yêu cầu tôi chia sẻ với quý vị câu trả lời tương tự từ Bộ Tư
pháp và tất cả các ban ngành. Bộ không có thông tin để hỗ trợ những dòng tweet
đó”.
Những phát biểu mạnh mẽ của ông Comey được đưa ra
vài giờ sau khi ông Trump chế nhạo về bất kỳ ý tưởng nào cho rằng chiến dịch của
ông thông đồng với lợi ích của Nga để giúp ông vào được Tòa Bạch Ốc. Ông Trump
nói đây là một lý do “ngụy tạo” vì các đảng viên Dân chủ đã bị thua cuộc.
*
21/03/2017
Tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với tân
Tổng thống Donald Trump đang ở mức thấp, 37%, nghĩa là cứ 10 người được hỏi
chưa tới 4 người ủng hộ ông Trump, theo kết quả thăm dò hàng ngày của Gallup
công bố ngày 20/3.
Đa số dân Mỹ được hỏi ý kiến hiện nay, 58%, cho biết
họ không tán đồng cách làm việc của tân Tổng thống.
Đây là kết quả thăm dò tệ nhất cho ông Trump kể từ
khi lên nhậm chức hồi tháng Giêng. Mới hôm 11/3, tỷ lệ tán thành Tổng thống
Trump được ghi nhận là 45%, số không tán đồng lúc đó là 49%.
Tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với Tổng thống tiền nhiệm
Barack Obama là 38%, còn mức thấp nhất mà cựu Tổng thống George W. Bush từng được
là 25%.
Có 1500 người được hỏi ý kiến qua phỏng vấn điện thoại
trong cuộc thăm dò của Gallup.
Theo
Gallup.com/CNN
-------------------------------------
20 Tháng 3, 2017
Hai
quan chức tình báo Mỹ sắp phải ra điều trần tại Quốc hội Mỹ về cáo giác Nga hỗ
trợ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
Giám đốc FBI James Comey sẽ trình bày về các mối liên hệ có thể giữa Nga
và chiến dịch tranh cử của ông Trump. AP
Họ cũng sẽ trình bày về cáo buộc không có chứng cứ của
ông Trump rằng ông bị người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén điện thoại.
Giám đốc FBI James Comey và Giám đốc Cơ quan An ninh
Quốc gia NSA, Đô đốc Mike Rogers, sẽ đưa ra bằng chứng tại một phiên điều trần
hiếm có của Uỷ ban An ninh Hạ viện.
Ông Trump đã gọi cuộc điều tra này là "một cuộc
truy lùng phù thủy". Nga phủ nhận đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng
thống Mỹ.
Những
cáo buộc là gì?
Tháng Một, các cơ quan tình báo Mỹ nói một nhóm tin
tặc do điện Kremlin ủng hộ đã xâm nhập vào một số tài khoản email của các nghị
sĩ Dân chủ cao cấp. Họ đã tiết lộ một số email được cho là giúp ông Trump đánh
bại đối thủ Hillary Clinton.
Một báo cáo của CIA, FBI và NSA nói Tổng thống Nga
Vladimir Putin "chỉ đạo" một chiến dịch nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến
kết quả bầu cử Mỹ.
Từ thời điểm đó, ông Trump đã phải đối mặt với nhiều
cáo buộc rằng đội ngũ vận động tranh cử của ông có liên hệ với giới chức Nga.
Ông Devin Nunes (phải), chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, và ông Adam
Schiff, thành viên cao cấp nhất của đảng Dân chủ ở ủy ban. GETTY IMAGES
Nghị sĩ Cộng hòa Devin Nunes, chủ tịch Ủy ban tình
báo Hạ viện, và ông Adam Schiff, quan chức đảng Dân chủ cao cấp nhất của ủy ban
này, hiện đang dẫn đầu cuộc điều tra về những cáo buộc nói trên.
Hôm Chủ nhật 19/3, ông Nunes cho biết dựa vào
"tất cả những gì tôi có cho đến sáng nay", không có "bằng chứng"
gì cho thấy chiến dịch của ông Trump có thông đồng với Nga.
Cựu giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper
cũng nói ông nói ông không thấy chứng cứ nào về chuyện này.
Tuy nhiên, ông Schiff nói những tài liệu ông đã xem
cho thấy có những chứng cứ gián tiếp cho thấy các công dân Mỹ phối hợp với người
Nga để gây ảnh hưởng đến phiếu bầu.
"Có những chứng cứ gián tiếp về sự thông đồng.
Tôi cho rằng có chứng cứ trực tiếp về gian lận," ông Schiff nói. "Chắc
chắn là có đủ chứng cứ để chúng tôi tiến hành cuộc điều tra."
Những
thành viên nào trong chiến dịch vận động tranh cử bị cáo buộc gian lận?
Hai quan chức cao cấp trong chính quyền Trump bị dây
vào cáo buộc - cựu cố vấn anh ninh quốc gia Michael Flynn, và Tổng chưởng lý
Jeff Sessions.
Ông Flynn vừa bị sa thải tháng trước sau khi ông
không trung thực với Nhà Trắng về các cuộc đàm thoại với đại sứ Nga trước khi
ông được bổ nhiệm làm cố vấn anh ninh quốc gia.
Ông được cho là đã bàn về các biện pháp trừng phạt của
Mỹ với đại sứ Nga Sergei Kislyak. Một công dân tiến hành hoạt động ngoại giao ở
Mỹ bị cho là hoạt động phạm pháp.
Micheal Flynn ủng hộ chính sách mềm dẻo hơn với Nga và cứng rắn hơn với
Iran. AP
Trong khi đó, ông Sessions bị đảng Dân chủ cáo buộc
nói dối khi tuyên thệ trong lễ nhậm chức hồi tháng Một.
Ông nói ông "không có liên hệ gì với người
Nga", nhưng sau đó hóa ra ông đã gặp đại sứ Kislyak trong chiến dịch tranh
cử.
Ông Sessions phủ nhận đã có hành động sai trái,
nhưng tự loại mình ra khỏi điều tra của FBI về can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử.
Còn
những cáo buộc ông Obama mà ông Trump đưa ra thì sao?
Cuộc điều trần hôm thứ Hai 20/3 cũng sẽ bàn đến các
cáo buộc của Tổng thống Trump về chính quyền Obama nghe lén điện thoại của ông
tại Tháp Trump ở New York trong chiến dịch tranh cử.
Ông Trump không đưa ra chứng cứ nào, và các quan chức
Cộng hòa và Bảo thủ đã phủ nhận quan điểm này. Người phát ngôn của ông Obama
cũng phủ nhận cáo buộc.
Ông Nunes cho hãng tin Fox News biết hôm Chủ nhật
19/3 không có chứng cứ nào về điện thoại ông Trump bị nghe lén sau khi các tài
liệu đưa ra hôm thứ Sáu 17/3 đã được xem xét lại.
Một số nghị sĩ Cộng hòa nói ông Trump phải xin lỗi nếu
ông không đưa ra được bằng chứng cho các cáo buộc của mình.
Các
cáo buộc có tác động gì?
Các nhà quan sát nói cả hai cáo buộc đều gây phân
tán chú ý vào các chính sách khác cũng như tiến triển bổ nhiệm các vị trí chính
trị của chính quyền Trump.
Ông Trump gây ngạc nhiên khi ông ngụ ý cả ông và Thủ tướng Đức Angela
Merkel đều bị ông Obama nghe lén điện thoại. REUTERS
Nhiều ý kiến chỉ trích nói việc ông Trump cáo buộc
ông Obama nghe lén điện thoại làm hủy hoại uy tín của Mỹ và quan hệ với các nước
đồng minh.
Tuần trước, ông Sean Spicer, phát ngôn viên của ông
Trump, nhắc lại một cáo buộc của một chuyên gia phân tích của hãng Fox News rằng
cơ quan tình báo Anh GCHQ đã giúp ông Obama nghe lén điện thoại của ông Trump.
Cáo buộc này đã làm chính phủ Anh tức giận, và GCHQ
nói cáo buộc này là "hết sức kỳ cục".
Trong khi đó, ông Trump và một số nghị sĩ Cộng hòa
kêu gọi mở cuộc điều tra về thông tin tình báo bị tiết lộ, kể cả việc lộ chi tiết
các cuộc gọi của ông Flynn với đại sứ Nga tại Mỹ.
*
CÁC
TIN KHÁC
No comments:
Post a Comment