Monday, March 20, 2017

DỰ ÁN BAUXITE TÂY NGUYÊN : ĐÃ ĐẾN LÚC HÁI 'TRÁI ĐẮNG' ! (Thên Luân - Dân Luận)




Thiên Luân
Tác giả gửi tới Dân Luận
19/03/2017

Tin liên quan:

Những lo ngại về hậu quả của dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên không còn là lời cảnh báo mà nó đã và đang dần trở thành hiện thực. Những tính toán ban đầu đầy lạc quan (thu ngân sách 850 tỷ đồng/ năm, tạo công ăn việc làm cho 3.000 lao động, phát triển công nghiệp nhôm, phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…) không thể che lấp sự thật, hiện tại hoạt động sản xuất kinh doanh đang “lỗ nặng” – lỗ vượt dự kiến. Có lẽ “trái đắng” của dự án đã đến lúc hái.

Báo Dân trí, ngày 13/3/2017 đưa tin "Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỷ đồng". Cụ thể, Tổ hợp Bauxite -Nhôm Lâm Đồng do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng sau 3 năm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (10/2013-30/9/2016). Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng. Con số lỗ này đã vượt xa so với số lỗ luỹ tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá).
Điều đáng nói, TKV tính toán, dự báo thế nào mà dự án bôxit Tân Ra, dự kiến lỗ trong 3 năm khoảng 860 tỷ nhưng đã vượt kế hoạch gần 3.700 tỷ?

Lý giải nguyên nhân “lỗ”, Ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) nói, lỗi là do "chênh lệch tỷ giá", do “cơ chế chính sách thay đổi”, do thuế tài nguyên tăng” do "nhiều yếu tố khách quan" do “thị trường biến động”... Và hứa hẹn năm nay dự án sẽ bắt đầu có lãi. Dự kiến mức lãi năm 2017 sẽ khoảng 100 tỉ đồng. Các năm sau mức lãi sẽ tăng. Thời gian thu hồi vốn dự tính từ 10-12 năm - tính từ khi dự án đi vào sản xuất năm 2013 (Theo Tuổi trẻ, 15/3/2017).

Làm phép tính đơn giản, nếu lãi một năm trung bình 100 tỷ đồng thì cần 37 năm mới bù được khoản lỗ của 3 năm 2013-2016.

Vậy với số tiền 32.000 tỷ đồng đầu tư vào dư án khi nào mới lấy lại được vốn? Một câu hỏi mà không vị lãnh đạo nào có thể cho câu trả lời chính xác.

Ông Nguyễn Văn Biên nói thêm: "Thực tế là sau 3 năm vận hành, đến nay đã làm chủ được công nghệ". Nhân loại khai thác nhôm đã hàng trăm năm nay, công nghệ hiện đại từ Mỹ, Châu Âu, Nhật thì không sử dụng, lại dùng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc để rồi vừa học vừa làm, vậy còn lấy tự hào, đúng là chẳng giống ai. Việc này giống như chuyện mua 164 tàu cũ của Trung Quốc (sản xuất cách đây 20 năm) giá mua 210 – 315 triệu/toa, để những toa tàu này lăn bánh được giá thành lên đến 870 triệu/toa. Trong khi đóng mới trong nước giá chỉ có 800tr/ toa. Xin chịu thua cách làm ăn, tính toán của quan chức nước mình, toàn đi ngược lại sự phát triển nhân loại.

Đọc những thông tin trên chỉ biết kêu trời, chẳng có thời nào làm ăn lại bết bát đến vậy. Chỉ việc đào tài nguyên đem bán cũng lỗ thì trách gì việc đâu tư vào đóng tàu, sản xuất ô tô, lọc dầu... không thất bại. Những quả đấm thép của nền kinh tế giờ đây trở thành gánh nặng nợ nần đè lên vai người dân. Ấy vậy khi nó được triển khai bao giờ cũng là chủ trương lớn của đảng, nhà nước. Ruốt cục, khi thất bại bao giờ cũng được giải thích rằng, chủ trương không sai, chỉ có cách thực hiện sai. Tổ chức không sai, chỉ có cá nhân sai.

Nói đến dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên không ai không biết, các bài viết phân tích, đánh giá cũng như các ý kiến phản biện về nó đã có quá nhiều, nghĩ rằng không cần phải nói thêm ở đây. Những ai muốn tìm hiểu, chỉ cần tìm kiếm trên Google từ khóa “Dự án Buaxite Tây Nguyên” sẽ cho ra gần 250 ngàn kết quả trong một giây.

Trước nay không có dự án nào ngay từ khi bắt đầu triển khai đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, báo chí và cả Quốc hội như dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Quan điểm ủng thì hộ ít, ý kiến phản đối thì nhiều. Và không chỉ người dân, tầng lớp trí thức, nhà khoa học, nhà báo mà ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao cũng có người lên tiếng phản đối như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (có hơn 2000 các cựu lãnh đạo và trí thức ký vào đơn thỉnh nguyện dừng dự án). Nhưng mọi ý kiến, kiến nghị , phản đối điều bị gạt bỏ và không ít người đã bị bắt bớ, tù đày. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã khẳng định: “khai thác quặng bô xít là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội X. Bộ Chính trị cũng đã 3 lần nghe chiến lược về phát triển bô xít. Chính phủ đã phê duyệt qui hoạch phát triển bô xít Tây Nguyên với tinh thần đảm bảo hiệu quả, bền vững” (Dân trí 05/2/2009). Ngày 23/6/2014 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13, đánh giá việc triển khai thí điểm 2 dự án là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương có tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở khu vực địa bàn chiến lược Tây Nguyên (http://www.moit.gov.vn 30/03/2015).

Dự án không chứng minh được hiệu quả kinh tế, không đánh giá tác động đến môi trường nhưng vẫn được triển khai. Bài toán nào cho dự án khi công nghệ lạc hậu, đội vốn, sự cố, các khoản lỗ và thị trường thế giới đầy rủi do. Với tình hình hiện nay càng khai thác nhiều càng lỗ nhiều. Năm 2014, theo tính toán mỗi tấn alumin xuất khẩu của Tân Rai đang “ âm” hơn tới 49-59 USD/tấn so với mức giá dự báo trong bài toán đầu tư. Thời điểm hiện tại giá alumin đang ở mức thấp, giá cả trong tương lai cũng chỉ là dự báo, không có gì chắc chắn. Mà vấn đề giá bán alumin là yếu tố quyết định hiệu quả của dự án.

Theo thời gian những rủi ro từ dự án khai thác bauxite ngày cành lớn. Số tiền 32.000 tỷ đồng có nguy cơ bốc hơi theo mây khói. Dân Việt Nam lại gánh thêm một khoản nợ - theo tính toán mỗi người dân gánh 10 USD nợ cho nhà máy alumin.

Nhưng có lẽ giờ đây lỗ, lãi từ dự án không còn quan trọng mà là vấn đề môi trường. Hiện nay chưa có công nghệ nào xử lý được bùn đỏ trong sản xuất nhôm từ bauxite, nếu nó xảy ra sự cố thì sự hủy diệt hết sức khủng khiếp. Theo quan điểm của PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản:“Tây Nguyên là khu vực nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung bộ, Nam bộ. Nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường liên quan đến boxit thì hậu họa sẽ khôn lường…tác hại môi trường chẳng khác gì Formosa”. Và đã có sự cố xảy ra: Vỡ đê hồ thải quặng ngày 8/10/2014 khiến 5 ngàn mét khối nước và bùn đỏ đã tràn ra ngoài. Vỡ đường ống dẫn nước có chứa chất xút độc hại từ hồ bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai ngày 13/12/2016.

Khẳng định rằng, chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên là một quyết định rất sai lầm, mà cái giá phải trả là rất đắt. Hậu quả của nó chắc chắn người dân phải gánh chịu. Còn những người đưa ra chủ trương, những người lãnh đạo doanh doanh nghiệp họ không những không bị truy cứu trách nhiệm mà còn được thăng quan tiến chức. Vậy có công bằng?

Thiên Luân
__________________

Dự án bauxite Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỉ đồng
Nguyên nhân lỗ được cơ quan chức năng chỉ ra là do chênh lệch tỉ giá, thời gian đầu tư dự án kéo dài làm tăng chi phí, thuế, phí tài nguyên môi trường tăng,…
Mới đây, cơ quan thanh tra vừa có kết luận thanh tra tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Trong đó, đáng chú ý là kết quả thanh tra tài chính hai dự án bauxite - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Hai dự án này chậm tiến độ, phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư khi đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Đối với dự án Tân Rai, theo quyết định ban đầu (ban hành ngày 30-6-2006) của chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin, tổng mức đầu tư cho dự án này là 7.787,5 tỉ đồng (khoảng 493,5 triệu USD) với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện 2006-2009. Qua bốn lần điều chỉnh, đến lần điều chỉnh cuối (tháng 10-2013), tổng mức đầu tư cho dự án này đã tăng lên 15.414,4 tỉ đồng (tương đương 805 triệu USD), gần gấp hai lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu. Thời gian thực hiện dự án bị chậm bốn năm so với quyết định phê duyệt lần đầu.
Nguyên nhân làm tăng chi phí này được cơ quan thanh tra chỉ ra là do điều chỉnh tăng công suất từ 600.000 tấn alumin/năm lên 650.000 tấn/năm, thay đổi công nghệ sản xuất alumin, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền lương tăng và năng lực, kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu còn hạn chế.

Giá alumin thế giới sụt giảm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh dự án alumin Tân Rai. Ảnh: TP

Theo cơ quan thanh tra, sau ba năm đi vào hoạt động, tính từ tháng 10-2013 đến hết tháng 9-2016, dự án bauxite - nhôm Tân Rai thua lỗ 3.696 tỉ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá khoảng 1.176 tỉ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu do kéo dài thời gian đầu tư làm phát sinh chi phí, giá alumin-nhôm thế giới sụt giảm, thuế tài nguyên tăng,... Ngoài ra, dự án có kỹ thuật, công nghệ phức tạp, lần đầu thực hiện ở Việt Nam nên thời gian đầu vận hành, sản xuất gặp nhiều khó khăn, dây chuyền sản xuất chưa ổn định, phát sinh chi phí sửa chữa,...
Tuy nhiên, theo cơ quan thanh tra, hiện dây chuyền sản xuất của dự án đã vận hành ổn định, đạt xấp xỉ công suất thiết kế, giá thành sản xuất giảm, giá alumin thế giới ổn định, phục hồi; dự kiến năm 2017 dự án sẽ hết lỗ theo đúng như tính toán của dự án.
Đối với dự án alumin Nhân Cơ, theo quyết định đầu tư ban đầu (năm 2007), vốn đầu tư cho dự án này là 3.285 tỉ đồng. Qua hai lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư theo phê duyệt năm 2014 là 16.821 tỉ đồng (tăng gấp năm lần so với ban đầu). Đến thời điểm thanh tra tháng 11-2016, dự án đã cơ bản hoàn thành và chạy thử, ra sản phẩm. Dự kiến dự án vận hành thương mại trong quý I-2017.
Cơ quan thanh tra đã chỉ ra nguyên nhân đội vốn là do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên đến 650.000 tấn alumin/năm. Dự án cũng phải dừng thi công hai năm để đánh giá lại hiệu quả, do thay đổi tỉ giá, tăng chi phí tiền lương, giải phóng mặt bằng,…



No comments: