Sunday, December 18, 2016

TRUMP VÀ NƯỚC MỸ NHÌN TỪ BÊN TRONG (FB Mạnh Kim)





Chiều tối 8-11-2016, nhóm chúng tôi đánh xe lên trung tâm Los Angeles. Đường xá kẹt cứng. Trên đường đi, chủ đề bàn luận sôi nổi là kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Ai cũng ủng hộ Hillary Clinton. Tất cả những người tôi tiếp xúc trước đó, từ giáo sư Lê Xuân Khoa đến nhà báo-cựu viên chức ngoại giao Hoa Kỳ David Brown, cũng ủng hộ Hillary. Tin chắc Hillary đắc cử, chúng tôi dự tính ở lại trung tâm Los Angeles chơi cả đêm, để ghi nhận “không khí chiến thắng”. Ngồi trong một quán ăn, chúng tôi dán mắt vào màn hình CNN.

Khoảng 7pm, từ Việt Nam, cậu em ruột tôi gọi: Bộ ông Trump thắng rồi hả? Chưa, không sao, còn đang kiểm phiếu, bình tĩnh. Khoảng 8pm, cô bạn thân ở Lake Forrest nhắn: Em lo quá, kiểu này chắc cha nội Trump thắng quá. Ông J. (chồng cô ấy) đang sốc. Nãy giờ ổng uống gần hết chai rượu! Vài phút sau, một bạn khác ở Huntington Beach gửi: Chết mồ anh ơi, ông Trump chắc thắng rồi! Lát sau nữa, tôi nhận được tin nhắn từ anh Ben Ngo: Lát tôi phỏng vấn anh cho BBC Tiếng Việt được không?

Nhìn quanh, tôi thấy người Mỹ dường như chẳng quan tâm đến kết quả. Họ đi chơi đầy phố. Rất đông. Chẳng ai thèm ghé mắt vào các màn hình khổng lồ dựng khắp nơi. Một người bạn của tôi vừa xem tivi vừa mở điện thoại ra “tính điểm”. Trump lên hơn 240 rồi! Hillary mới nhích hơn 100. Tính luôn California thì vẫn thua Trump. Khoảng cách an toàn giữa Trump và Hillary mỗi lúc mỗi giãn rộng. Khoảng 9pm, bản đồ bầu cử nước Mỹ đã đỏ rực. Tiêu rồi. Giờ về hỉ, một anh bạn nói với giọng buồn bã. Ừ, sốc quá, về!

Tôi không ưa Trump. Tôi chưa bao giờ thích lối bỗ bã của Trump. Trong nhiều năm viết về chính trị Mỹ, tôi chưa bao giờ thấy chính trị gia Mỹ nào “tầm xàm” như Trump. Ông ấy kỳ dị, phi truyền thống và tính cách không thuộc tầng lớp tinh hoa chính trị thường thấy ở những hình ảnh quen thuộc như các nguyên thủ học hành từ Harvard. Ghế tổng thống dường như là quá lớn so với kích cỡ “tầm thường” của con người Donald Trump. Tôi tự hỏi: liệu con người này có thể phá nát nước Mỹ? Tôi không phải người Mỹ, chưa sống ở Mỹ đủ lâu để có thể trả lời. Tuy nhiên, những ngày ít ỏi ở Mỹ đã cho tôi cơ hội quan sát từ bên trong. Nước Mỹ khi thấy tận mắt cũng hệt những gì tôi từng đọc nhưng nhìn nó từ bên trong sẽ mang lại một cảm giác khác, giúp đối chứng những gì đã đọc và những gì đang thấy.

Trong Viện bảo tàng hàng không Smithsonian, tôi thấy một bà mẹ dắt con đến góc bàn một tình nguyện viên để được giúp giải thích các thắc mắc trẻ con, chẳng hạn làm thế nào mà máy bay có thể bay được. Ông ấy vừa giảng vừa làm điệu bộ diễn tả. Máy bay cất cánh thế này nhé, cháu thấy chưa, hiểu chưa? À, hay quá. Thích nhỉ. Thằng bé vừa nghe vừa phá lên cười. Trẻ con Mỹ được dạy và học mọi nơi, theo cách như vậy. Tại Smithsonian, người xem đông nhất là học sinh. Tiểu học đi với bố mẹ trong khi trung học thì được nhà trường đưa đến, từng đoàn. Tại Smithsonian, không chỉ có máy bay cổ lỗ sĩ thời anh em Wright mà còn có cả drone quân sự đời mới nhất. Học, không phải chỉ ở nhà trường. Học sử, càng nên không phải chỉ ở nhà trường.

Dân Mỹ thích đi bảo tàng. Đến Viện bảo tàng nghệ thuật Metropolitan lúc 2pm ngày thứ hai đầu tuần, tôi đã thấy đông nghịt, đủ lứa tuổi. Những hàng dài kiên nhẫn xếp chờ để mua chiếc vé 25 USD. Người Mỹ thích ăn chơi hưởng thụ nhưng họ cũng thích vun đắp kiến thức. Ở đất nước này, chủ nghĩa vật chất tồn tại song song chủ nghĩa tinh thần. Văn hóa và nhân văn tồn tại song song chủ nghĩa tiêu dùng. Nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới của họ trị giá gần 18 ngàn tỷ USD không chỉ có hàng hóa tiêu xài. Có thể thấy rõ điều đó đặc biệt tại thành phố hoa lệ New York. Tiệm Barnes & Noble tại góc đường Warren và Greenwich không phải là cửa hàng sách. Nó là một thư viện! Tinh thần nhân bản và giá trị của nó, với người Mỹ, không chỉ là những kêu gọi suôn. Nó là một thái độ sống. Đi bộ cùng vợ chồng người bạn trên triền đồi một chiều chập choạng tối, tôi thấy ông chồng (Mỹ) tỏ ra bực bội khi thấy một người chạy xe đạp dưới chân đồi trong khu rừng thưa. Thằng này kỳ, giờ này mà còn chạy xe dưới đó, lại còn bật đèn, làm vậy tụi thỏ rừng sẽ rất hoảng sợ cho xem!

Xã hội Mỹ có không ít chuyện tiêu cực. Xã hội Mỹ, cạnh đó, cũng có vô số ví dụ cho thấy người dân có khả năng điều chỉnh ứng xử và hành vi nhanh như thế nào. Tử tế đã trở thành một thái độ sống. Một nếp sống. Liệu ai đủ khả năng lật đổ được xã hội Mỹ và tất cả giá trị của nó? Nước Mỹ còn là một quốc gia của những thể chế chính trị được ràng buộc chặt chẽ với Hiến pháp. Có rất nhiều bài báo Mỹ cho thấy nền dân chủ Mỹ đang sụp đổ. Tuy nhiên, không nước nào có khả năng sửa sai nhanh bằng Mỹ. Nếu nhận thức được “đang sụp đổ” và thừa nhận nó “đang sụp đổ” thì sự sụp đổ hẳn rất khó xảy ra. Một nền dân chủ được xây dựng từ những giá trị nhân bản khó có thể so sánh với những nền dân chủ giả hiệu được “vun đắp” bằng những “giá trị nhân bản” giả hiệu.

“Trump đang phá nát nước Mỹ”! Từ sau kết quả bầu cử, tôi vẫn theo dõi không sót bất kỳ chi tiết nào liên quan Trump và tôi tiếp tục đọc những bài báo Mỹ báo động về sự “tàn phá nước Mỹ” của Trump. Tôi không thích con người Trump. Giờ cũng vậy. Nhưng thật khó để thuyết phục được tôi rằng Trump sẽ tàn phá và làm sụp đổ nước Mỹ. Một khi chính thức vào Nhà trắng, các định chế chính trị Mỹ sẽ tự khắc trói Trump lại, dù Trump “phi truyền thống” đến mức nào. Các ông nghị Cộng hòa sẽ trói Trump lại. Ưu thế kiểm soát Lưỡng viện của họ có thể chỉ kéo dài vỏn vẹn hai năm và nó sẽ rơi ngược vào tay Dân chủ, nếu họ bất lực nhìn và để cho Trump “tàn phá nước Mỹ”. Và nữa, Trump có thể phớt lờ những gì báo chí Mỹ viết về ông với tư cách ứng cử viên nhưng Trump không thể không bị ảnh hưởng một khi ông vào Nhà trắng với tư cách nguyên thủ.

Tôi vẫn không thích con người Trump nhưng tôi đang theo dõi một tổng thống Mỹ. Điều đó giúp tôi giới hạn lại “phạm vi” quan tâm của mình. Tôi không lưu ý mấy đến việc cá nhân Trump có đọc báo cáo tình báo hàng ngày hay không. Tôi muốn chú mục vào những gì mà một tổng thống Mỹ sắp tới sẽ làm đối với châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt việc ông ấy có thể “bước qua lời nguyền biển Đông” với Trung Quốc hay không. Liệu giải pháp “tháo gỡ vấn đề” theo cách chơi “lịch sự” bằng những lá bài chính trị truyền thống đối với một Trung Quốc bất chấp luật chơi quốc tế có còn hiệu quả? Châu Á sẽ như thế nào trong cuộc giằng co quyết liệt này và điều đó sẽ dẫn đến những thay đổi gì đối với quốc gia mình là điều duy nhất mà tôi quan tâm bây giờ.




No comments: