Thursday, December 8, 2016

TỔNG THỐNG ĐẮC CỬ DONALD TRUMP CHỌN NỘI CÁC (Lưu Nguyên Đạt - Việt Thức)




December 06, 2016

Trong giai đoạn chuyển quyền, cho tới đầu tháng 12, 2016, Tổng Thống Đắc Cử [TTĐC] Donald Trump vẫn chưa hoàn tất việc thành lập Nội Các, sau nhiều đợt chọn lọc các nhân vật đáng tin cẩn thuộc Đảng Cộng Hoà, đa số tiêu biểu rộng rãi lập trường của Tổng Thống Đắc Cử từ giai đoạn chuẩn bị tranh cử. Dưới đây là danh sách các thành viên theo thứ tự được bổ nhiệm và một số còn trong vòng thăm dò.

BỘ TRƯỞNG TÀI CHÍNH
[Treasury Secretary]
Chức vụ này cần được Thượng Viện phê chuẩn.
Steven Mnuchin, nguyên giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, và một nhà đầu tư điện ảnh tại Hollywood, gần đây nắm quyền điều hành quỹ tranh cử cho UCV Donald Trump, nay được chọn làm Bộ trưởng Tài Chính, có trọng trách điều hành vay mượn trên thị trường tài khoán, phối hợp công trình soạn thảo luật thuế vụ, cùng sinh hoạt của Ngân Khố/Sở Thuế Vụ Quốc Gia [The Treasury Department & Internal Revenue Service].  Bộ Tài Chính cũng có trách nhiệm giao ước với các quốc gia về mặt tài chính, củng cố hay trừng phạt giao thương.  Khó khăn trước mắt là cách thức thương lượng tài chính, thuế khoá với Trung Quốc; nương tay hay cứng rắn với Iran và Cuba.
Bộ trưởng Mnuchin sẽ sát cánh với Hạ Viện huỷ bỏ hay sửa sai Sắc Luật Bảo Hiểm Y Tế “Affordable Care Act” [Obama Care] về mặt định giá mức xuất bảo hiểm.   Ngoài ra, Bộ trưởng Mnuchin cũng có trách nhiệm thu xếp gây quỹ chỉnh trang hạ tần cơ sở, ước lượng lên tới cả ngàn tỷ mỹ kim [$1 trillion].

BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG
[Transportation Secretary]
Chức vụ này cần được Thượng Viện phê chuẩn.
Elaine L. Chao được chọn làm Bộ Trưởng Giao Thông, có trách nhiệm kế hoạch hoá và đôn đốc chỉnh trang hạ tần cơ sở, như tân trang cầu cống, phi trường, hệ thống quốc lộ, chấn thủ ranh giới mà UCV Donald Trump từng hứa hẹn khi tranh cử.
Elaine L. Chao, gốc Đài Loan, tốt nghiệp Đại Học Harvard Ngành Kinh Doanh, phu nhân Thượng Nghị Sĩ Trưởng Mitch McConnell, trước đây từng là Bộ Trưởng Lao Động dưới thời TT George W. Bush [Con] và Thứ Trưởng Giao Thông dưới thời TT George H.W. Bush [Cha].
Việc bổ nhiệm Elaine L. Chao vào Nội Các phần nào nói lên sự kiện TT Donald Trump quan tâm đa dạng hoá chính quyền về mặt giới tính và sắc dân.

BỘ TRƯỞNG Y TẾ & XÃ HỘI
[Health and Human Services Secretary]
Chức vụ này cần được Thượng Viện phê chuẩn.
Dân Biểu BS Tom Price được chọn làm Bộ Trưởng Y TẾ & XÃ HỘI sẽ giúp TTĐC Donald Trump thực hiện lời hứa tháo bỏ và thây thế Sắc Luật Bảo Hiểm Y Tế “Affordable Care Act”, mà dân chúng thường gọi là Obamacare, vì sắc luật này đã tước đoạt quyền lựa chọn bảo hiểm và thủ tục điều trị của người dân, bệnh nhân và y sĩ.
Do đó, Bộ Trưởng Tom Price sẽ soạn dự luật “The Empowering Patients First Act”, cho phép bệnh nhân quyền lựa chọn bảo hiểm và thủ tục điều trị phù hợp cho mỗi cá nhân, đồng thời cho dân hưởng phụ cấp về tuổi tác, hoàn cảnh gia đình và cảnh túng thiếu xã hội.
Bộ Y Tế & Xã Hôi sẽ cho sản xuất thêm các loại thuốc điều trị, kiểm soát thực phẩm, nghiên cứu y sinh, và quản trị bảo hiểm sức khỏe Medicare cho người già và Medicaid cho công dân thu nhập thấp [low income]. Ngân sách hằng năm điều hành toàn bộ Y TẾ & XÃ HỘI sẽ lên tới hơn một ngàn tỷ Mỹ Kim [$1 trillion] để cung cấp dịch vụ y tế xã hội cho 100 triệu người dân.

BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI
[Commerce Secretary]
Chức vụ này cần được Thượng Viện phê chuẩn.
Wilbur Ross, được TTĐC Donald Trump chọn làm Bộ Trưởng Thương Mại, là một nhà tỷ phú [gia tài gần 3 tỷ Mỹ Kim] thường chủ trương quốc tuý, bác bỏ những giao ước quốc tế bất lợi [bad trade agreements] cho Hoa Kỳ.
Wilbur Ross sẵn sàng theo Trump kiềm chế hiện tượng Toàn Cầu Hoá [Globalization] về mặt thương mại tự do [Free Trade] nên sẽ đôn đốc sửa sai hiệp ước NAFTA [North American Free Trade Agreement] và bác bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP [Trans Pacific Partnership], cũng như ra khỏi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới [World Trade Organization].
Wilbur Ross sẽ gia tăng thuế nhập cảng hàng hoá từ Trung Quốc, trong khi đó, lại đề nghị gia giảm thuế sản xuất sĩ nghiệp từ 35% xuống còn 15%, cốt để giúp các nhà kinh doanh thấy có lợi khi đầu tư trong nước.
Nhưng quốc sách sẽ uyển chuyển về mặt đối ngoại, ứng dụng thương lượng tương xứng giữa các chủ thể trên căn bản lưỡng lợi quân bình, giao thương có điều kiện tương xứng, “có đi có lại mới toại lòng nhau”, một mặt nhằm giảm thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với Mexico, Canada và nhất là với Trung Quốc, mặt khác để tránh xẩy ra một cuộc chiến tranh thương mại quốc tế, nếu như chưa cần thiết, nếu như đôi bên “biết điều”, bớt ngoan cố, bớt đơn phương trục lợi như Trung Quốc. Dù sao, mục tiêu chính vẫn là thực hiện quyền lợi Hoa Kỳ tới cùng.
Bộ Thương Mại còn có trọng trách quản trị các dự án khác, như kiểm kê dân số, phân tích kinh tế, quản đốc hải vụ và khí tượng quốc gia.

BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC
[Education Secretary]
Chức vụ này cần được Thượng Viện phê chuẩn.
TTĐC Donald Trump chủ trương cắt giảm ngân quỹ của Bộ Giáo Dục, nên chỉ định giảm bớt áp lực định hướng giáo dục liên bang, đồng thời giao chuyển trách nhiệm nghiên cứu và phát triển chương trình giáo khoa cho các cơ sở điều hành giáo huấn cấp tiểu bang và quận hạt.
Do đó, TTĐC Donald Trump đã chọn Betsy DeVos vào chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục để thi hành đương lối giáo huấn trên.  Bà DeVos, từng là chủ tịch Đảng Cộng Hoà Tiểu Bang Michigan và cũng là một hoạt động viên cổ võ tự do chọn lựa trưởng sở [tư hay công] theo hướng giáo dục tự duy, tự phát, lưỡng lợi cộng đồng và gia cảnh thụ giáo đa dạng.

ĐẠI SỨ HOA KỲ TẠI LIÊN HIỆP QUỐC
[U.N. Ambassador]
Chức vụ này cần được Thượng Viện phê chuẩn.
Nikki R. Haley được chọn làm Đại Sứ Hoa KỲ tại Liên Hiệp Quốc. Bà là hậu duệ của một gia đinh di trú từ Ấn Độ, hiện làm Thống Đốc TB South Carolina, và từng chỉ trích UCV Donald Trump khi ông tranh cử. Bà là một trong ba người đàn bà được mời vào Nội Các, phần nào làm bớt thành kiến cho rằng TTĐC Donald Trump có khuynh hướng “trọng nam, khinh nữ”, “ma-xô” bay bướm, miệt thị đàn bà, sắc tộc, v.v. 
Chức vụ Đại Sứ Hoa KỲ tại Liên Hiệp Quốc là vai vế thứ hai tại Bộ Ngoại Giao, đứng sau Ngoại Trưởng, có trọng trách đại diện quyền lợi quốc gia tại Hội Đồng An Ninh đương đầu với các vấn đề nan giải, từ tạo dựng hoà bình tại Trung Đông tới kiểm soát tăng trưởng vũ khi hạt nhân. Nikki R. Haley sẽ là một nữ lãnh tụ da màu trong sứ mạng quản trị quốc tế vụ thượng hạng. Cách bổ nhiệm này cho thấy TTĐC Donald Trump không cố chấp về mặt chính kiến, có thiện chí mở rộng và quân bình Nội Các đa dạng, tự mình uốn nắng theo khuôn khỏ thực hiện quyền lợi quốc gia, vốn là tôn chỉ ông theo đuổi.

BỘ TRƯỞNG GIA CƯ & KIẾT THIẾT THÀNH THỊ
[Secretary of Housing and Urban Development]
Chức vụ này cần được Thượng Viện phê chuẩn.
BS Ben Carson được chọn làm Bộ Trưởng Gia Cư & Kiến Thiết Thành Thị. Trước đây BS Carson, nguyên UCV Tổng Thống thất cử, có tuyên bố không nhận chức vụ gì trong chính quyền.  Không biết vì thế Ông sẽ chấp nhận hay từ chối tham gia Nội Các, với tư cách một thành viên trí thức da màu, từ tốn, tự trọng.
Bộ Trưởng Gia Cư & Kiến Thiết Thành Thị sẽ đôn đốc việc ứng dụng luật lệ thuê mướn gia cư thuận hoà, vay mượn thế chấp công bình, tránh nạn kỳ thị về màu da, sắc dân, tôn giáo, giới tính, tật nguyền. Với kinh nghiệm trong ngành đầu tư địa ốc, TTĐC Donald Trump chỉ thị giảm thuế phát triển xây cất gia cư, để khuyến khích ngành địa ốc cung cấp thêm phương tiện an cư lập nghiệp.

GIÁM ĐỐC TRUNG ƯƠNG TÌNH BÁO
[C.I.A. Director]
Chức vụ này cần được Thượng Viện phê chuẩn.
Mike Pompeo, cựu quân nhân, dân biểu TB Kansas, đã được TTĐC Donald Trump chọn làm Giám Đốc Trung Ương Tình Báo. Trước đây, với tư cách thành viên Uỷ Ban Tình Báo Quốc Hội, Mike Pompeo đã có dịp mạnh lời chấp vấn  Ngoại Trưởng Hillary Clinton.  Bà có lỗi khi điều hành chức vụ  đã để đại sự J. Christopher Stevens và các nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ tử thương, trong vụ xung kích bởi loạn quân Hồi giáo Al-Qaeda Maghreb, tại Benghazi, Lybia trong năm 2012.  
Tân Giám Đốc CIA có sứ mạng canh tân tổ chức Trung Ương Tình Báo để kịp thời đương đầu với nạn khủng bố dây chuyền bởi ISIS và các nhóm loạn quân Hồi Giáo quá khích khác trên thế giới và phần nào ngay nọi địa Hoa Kỳ. Nhân dịp này, TTĐC Donald Trump cũng nghĩ tới việc phục hồi tra tấn các nghi can khủng bố để lấy khẩu cung khẩn cấp.


BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP
[Attorney General]
Chức vụ này cần được Thượng Viện phê chuẩn.
Thượng Nghị Sĩ Jeff Sessions của TB Alabama được TTĐC Donald Trump chọn làm Bộ Trưởng Tư Pháp. Ông chủ trương thực thi luật di trú và đôn đốc luật pháp và trật tự [Law & Order] một cách cứng rắn, như lời hứa của UCV Donald Trump: trục xuất cả triệu can phạm di trú bất hợp pháp, đa số gốc Mỹ La tinh, mà chính quyền Obama đã làm ngơ; trừng trị các tội phạm khủng bố, đa số dưới trướng ISIS và thành phần Hồi giáo quá khích.  Trong tân Nội Các, Ông là một thành viên bảo thủ, trước đây bị mang tiếng kỳ thị công dân da màu, di dân, Hồi giáo, đồng tính, [anti-minorities, anti-immigrant, anti-Muslim, anti-L.G.B.T].
Bộ Trưởng Sessions sẽ cải cách việc ứng dụng tự do dân sự [civil rights] phù hợp với thượng tôn luật pháp quốc gia; đồng thời cố vấn TTĐC Donald Trump về thể thức chọn Thẩm Phán Tôi Cao Pháp thay thế Thẩm Phám Antonin Scalia đã mệnh một từ tháng 2 năm 2016, cốt để duy trì tinh thần thượng tôn luật pháp theo đúng căn bản Hiến Pháp quốc gia, không bị cải biến quá trớn, như dưới áp lực Đảng Dân Chủ.

BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG
[Defense Secretary]
Chức vụ này cần được Thượng Viện phê chuẩn.
TTĐC Donald Trump đầu tháng 12 vừa tuyên bố chọn Đại Tướng Thuỷ Quân Lục Chiến James N. Mattis làm Bộ Trưởng Quốc Phòng.  Tướng Mattis 66 tuổi, về hưu từ năm 2013, đã được TT Donald Trump ca ngợi là ngang tài với George Patton, vị danh tướng thắng trận tại Châu Âu thời Đệ Nhị Thế Chiến, khi giao tranh với quân đội viễn chinh Đức quốc.
Tướng Mattis làm Tư Lệnh Liên Quân Hoa Kỳ [United Central Command] trên chiến trường Trung Đông và Tây Nam Châu Á [2010-2013] đã bị chính thể cất chức vì cho là quá háo chiến, ngược lại với đường lối nước đôi của đương kim TT Obama. 
Tuy nhiên, dù thường chống đối chiến lược yếm thế của chính thể Obama, và nay được sự tín nhiệm của TTĐC Trump, Tướng Mattis vẫn có ảnh hưởng ngược lại căn bản quốc phòng của TTĐC Trump, hay ít ra bổ túc như sau: [a] tiếp tục hợp tác với các lãnh tụ Đồng Minh; [b] tiếp tục cảnh giác dự tính xâm lược của Nga; [c] không nên gạt bỏ Thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran [Iran Nuclear Deal] theo đó, Iran đồng ý lùi lại một phần của chương trình hạt nhân của họ, nhằm đổi lấy sự nới lỏng một số lệnh trừng phạt.  Lãnh đạo quốc phòng như vậy vẫn có thể dung hoà với đường lối cứng rắn, nhưng thực tiễn của TTĐC Trump: [a] khởi đầu lên giọng tố lớn để dằn mặt kẻ thù hay thành phần chống đối; [b] rồi sẵn sàng mặc cả, thương lượng; [c] để cuối cùng nhận lấy phần thắng lợi khả ứng và thích hợp nhất.
Đó là diễn tiến cụ thể của “Hoà bình trong thế mạnh” và thế hợp tác với điều kiện khả chấp. TTĐC Trump sẽ chơi đòn “ba-lá” này tại Trung Dông, Châu Âu, Chấu Á/Đông Nam Á, vừa dằn mặt kẻ thù, vừa vờn buộc đồng minh, miễn kết quả canh bạc có triển vọng dung hoà và bảo đảm quyền lợi cho Hoa Kỳ.
Tướng Mattis cần được Thượng Viện đặc miễn, vì chức Bộ Trưởng Quốc Phòng phải do cấp dân sự lãnh đạo. Tướng Mattis xuất ngũ năm 2013, chưa đủ thời gian luật định là phải giải ngũ 7 năm mới được nhậm chức Bộ Trưởng Quốc Phòng.  Nhưng điều này không khó khăn, vì Thượng Viện và cả Thượng Nghị Sĩ McCain, Chủ Tịch Uỷ Ban Quân Vụ, sẵn sàng phê chuẩn.

CỐ VẤN AN NINH QUỐC GIA
[National Security Adviser]
TTĐC Donald Trump đã chọn Trung Tướng Michael T. Flynn, nguyên giám đốc Tình Báo Quốc Phòng [Defense Intelligence Agency] làm CỐ VẤN AN NINH QUỐC GIA. Tướng Flynn đã ủng hộ UCV Donald Trump ngay từ giai đoạn đầu cuộc tranh cử Tổng thống.
CỐ VẤN AN NINH QUỐC GIA không phải là thành phần NỘI CÁC, nên không cần Thượng Viện phê chuẩn. Tuy nhiên, chức vụ CỐ VẤN AN NINH QUỐC GIA rất quan trọng trong việc nhận đón và cứu xét các dự án điều hành mà Bộ Ngoại Giao và Ngũ Giác Đài đệ trình lên TT Trump.
Ảnh hưởng đầu tiên của Tướng Flynn là đã cho UCV Donald Trump thấy rõ Hoa Kỳ đang đối mặt với thế giới lâm chiến [“world war”] chống loạn quân quá khích Hồi giáo – ISIS — và phải tìm mọi cách triệt hạ tai ương di căn này bằng cách hợp tác với các đồng mình muốn kết tác chiến đấu vì nhu cầu chung, kể cả với Nga trong mục tiêu này. 
Với tư cách CỐ VẤN AN NINH QUỐC GIA, Tướng Flynn cũng sẽ cố vấn TTĐC Trump về cách đối đầu với những trường hợp nan giải tại Đông Nam Á, dưới trướng sách động của Trung Quốc.

THAM MƯU TRƯỞNG TOÀ BẠCH ỐC
[White House Chief of Staff]
Reince Priebus, Chủ tịch Đảng Cộng Hoà đã được TTĐC Donald Trump tuyển chọn làm Tham Mưu Trưởng Toà Bạch Ốc ngay sau khi TT vừa đắc cử. 
Tham Mưu Trưởng Toà Bạch Ốc không phải là thành phần NỘI CÁC, nên không cần Thượng Viện phê chuẩn. Tuy nhiên, Tham Mưu Trưởng Toà Bạch Ốc có trọng trách quản lý nhân viên chuyên ngành làm việc tại Cánh Tây Toà Bạch Ốc, đồng thời đôn đốc các chương trình giao tế với các thế lực liên hệ ngoài Toà Bạch Ốc.
Vai trò trợ lý Tổng Thống của Reince Priebus rất quan trọng vì TTĐC Trump là một lãnh tụ bất thường và “ngoại đạo” về  thuật cai trị nước của một quốc trưởng lớn nhất trên toàn cầu. Chính TTĐC Trump cũng tỏ vẻ thán phục Reince Priebus về tư cách thi hành nhiệm vụ: cứng rắn, kiên trì, minh bạch.

CỐ VẤN TRƯỞNG KẾ HOẠCH
[Chief Strategist]
Stephen K. Bannon, từng làm chủ tịch hội đồng tranh cử cho UCV Donald Trump, cũng được chọn làm Cố Vấn Trưởng Kế Hoạch ngay sau khi TT đắc cử. Theo nhận định TTĐC Trump, Chức vụ Cố Vấn Trưởng Kế Hoạch của Stephen K. Bannon có ảnh hưởng trợ lý ngang với Reince Priebus ở chức vụ Tham Mưu Trưởng Toà Bạch Ốc.
Dư luận quần chúng và truyền thông e ngại Stephen K. Bannon, nguyên giám đốc điều hành của Breitbart News, một cơ sở truyền thông cực hữu, nay làm Cố Vấn Trưởng Kế Hoạch sẽ có khuynh hướng ảnh hưởng quan điểm kỳ thị chủng tộc vào sinh hoạt của Toà Bạch Ốc

TẠM KẾT:

Tới nay, còn khoảng 10 Bộ Trưởng hay chức vụ lãnh đạo tương tự thuộc Nội Các chưa được chính thức tuyển chọn. Những chức vụ này đều cần được Thượng Viện phê chuẩn, trong đó có:
1.    NGOẠI TRƯỞNG [Secretary of State]
2.    GIÁM ĐỐC TÌNH BÁO QUỐC GIA [Director of National Intelligence]
3.    BỘ TRƯỞNG NỘI VỤ [Interior Secretary]
4.    BỘ TRƯỞNG CANH NÔNG [Agriculture Secretary]
5.    BỘ TRƯỞNG LAO ĐỘNG [Labor Secretary]
6.    BỘ TRƯỞNG NĂNG LƯỢNG [Energy Secretary]
7.    BỘ TRƯỞNG CỰU CHIẾN BINH [Secretary of Veterans Affairs]
8.    BỘ TRƯỞNG AN NINH LÃNH THỔ [Homeland Security Secretary]
9.    TỔNG QUẢN TRỊ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG [E.P.A. Administrator]
10. ĐẠI DIỆN THƯƠNG MẠI HOA KỲ [U.S. Trade Representative]

Riêng chức vụ NGOẠI TRƯỞNG có vẻ gay go nhất, về mặt nhiệm vụ và nhân vật cần được chọn lựa. Chính khách được chọn vào chức vụ này, dù là chính trị gia có chủ nghĩa hay chuyên viên hành chánh, ngoại giao thượng thặng, đều phải chuẩn bị tuân theo TT Trump tháo bỏ hay chuyển đổi hệ thống đối ngoại kéo dài từ thế “Kết Tạo Liên Minh” [Alliance-Building] sau đệ nhị thế chiến tới thế “Toàn Cầu Hoá” [Globalism] do các chính thể Dân Chủ đề xướng.

Những chính khách đang được để ý tới chức vụ này gồm có:
1.    John R. Bolton, nguyên Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, thời TT George W. Bush;
2.    Bob Corker, Nghị sĩ TB Tennessee, chủ tịch Uỷ Ban Ngoại Giao, Thượng Viện;
3.    Rudolph W. Giuliani, nguyên Thị Trưởng Thành phố New York. Chính khách này có nhiều hy vọng được bổ nhiệm;
4.    John F. Kelly, cựu Đại Tướng Thuỷ Quân Lục Chiến, có con trai tử trận tại chiến trường Afghanistan;
5.    Zalmay Khalilzad, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Afghanistan;
6.    David H. Petraeus, cựu Đại Tướng Bộ Binh, cựu Giám Đốc Trung Ương Tình Báo, đã bị giải nhiệm vì hành vi bất cẩn làm thất thoát tin bảo mật [cho nhân tình];
7.    Mitt Romney, Ứng Cử Viên Tổng Thống thất cử năm 2012, thuộc Đảng Cộng Hoà; từng chỉ trích thậm từ UCV Donald Trump là “bất xứng”; nay lân la cầu xin chức vụ đại thần.

Sự chọn lựa thành phần NỘI CÁC đã cho thấy TTĐC Donald Trump vẫn theo đuổi chủ trương DÂN TUÝ đối nội và QUỐC TUÝ đối ngoại.

Chủ yếu văn hoá giáo dục, kinh bang tế thế, quốc phòng, ngoại giao dù có uyển chuyển, biến thể phần nào khi áp dụng cấp phân bộ, vẫn luôn luôn dung hoà với đường lối cứng rắn, nhưng thực tiễn của TTĐC Trump: [a] khởi đầu tố lớn, giơ cao thế mạnh, lúc dằn mặt kẻ thù, lúc cảnh giác kẻ chống đối, lúc minh bạch thẳng thừng với đồng minh; [b] rồi sẵn sàng mặc cả, thương lương; [c] miễn giành lấy thành quả khả quan, nhận được thắng lợi khả ứng, thích hợp nhất.

Đó là diễn tiến cụ thể của “Hoà Bình Trong Thế Mạnh” [Peace Through Strength] và thế Hợp Tác Với Điều Kiện Khả Chấp. TTĐC Trump sẽ chơi đòn “ba-lá” này tại Trung Đông, Châu Âu, Chấu Á/Đông Nam Á, vừa dằn mặt kẻ thù, vừa vờn buộc đồng minh, miễn kết quả bài bạc có triển vọng dung hoà thế cuộc và bảo đảm quyền lợi cho Hoa Kỳ. 

Đâu sẽ vào đó giữa công dân biết điều, biết lẽ phải; biết đòi hỏi quyền sống tự quyết chính đáng, sáng suốt, đầy đủ; biết thượng tôn luật pháp, quyền lợi và trách nhiệm tương xứng. Công bằng xã hội nằm ở thế chu toàn cơ hội tự duy, tự phát, chứ không ở cách phân định thể thức sinh sống đồng nhất, bó buộc, không sáng kiến chọn lựa. Với ngần ấy cơ hội, với ngần ấy điều kiện hợp lý, hợp cảnh, người có tâm huyết, chí khí sẽ thành công; kẻ ỷ lại, bất cần sẽ đương nhiên thất bại, theo di căn văn hoá chủ bại.  Tất cả theo luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, khi con người biết thu nhận và thực hiện đúng mức quyền lợi và cơ hội giao phó.  Đó cũng là căn bản chân chính về DÂN TUÝ: công bằng, cơ hội, dấn thân, kết sinh.  

Đâu cũng sẽ vào đó giữa những chủ thể quốc gia biết điều, không lạm dụng thế lực; không điên rồ, không hèn, không suy nhược; không ăn cháo đá bát; không ăn không, chửi đỏng như tại một vài nền văn minh cũ mềm Tây phương ngoan cố.

Chính sách đối ngoại của chính thể Trump là xây dựng và duy trì hoà bình trong thế mạnh khả chấp, tương ứng, tương xứng. Hoà bình trong thế mạnh là tự quyết “Hoa Kỳ Trước Tiên/America First” về quyền lợi và thế sinh tồn; đồng thời cũng dành cho đối tác, đồng minh và kẻ thù, những cơ hội vụ lợi và sinh tồn xứng đáng, miễn biết điều và hành động chính đáng, quân bình.

Bình thường, đó là thế “fair play” — chơi xòng phẳng, làm ăn và đối xử tử tế, công bằng, có vay có trả.

Khi gây cấn, đánh phé, phân tranh thắng lợi, đó là cách ứng dụng thi đua trí tuệ theo Định lý Cân bằng Nash [Nash Equilibrium], [1] vốn là một định lý suy tính trong lý thuyết trò chơi – một nhánh của toán học ứng dụng. Định lý này được đặt tên theo [John Forbes] Nash, do ông là người đã đề xướng ra. Nó được dùng để nghiên cứu chiến thuật sao cho sự lựa chọn là tối ưu nhất.

Thuật “Mặc Cả Trump” sẽ đưa tới định lý “Cân Bằng Nash”, theo đó, sự lựa chọn chiến lược hỗn hợp cho mỗi người chơi [đối tác tranh chấp]
·         là giá trị kỳ vọng lớn nhất có thể đáp ứng chiến lược hỗn hợp của các người chơi khác,
·         nên các quốc gia trong cuộc tranh chấp trên thế giới phải áp dụng chiến thuật sao cho sự lựa chọn là tối ưu nhất,
·         để đạt tới một thế cân bằng khả chấp: khi thiếu một bước là thiệt, thêm một bước là hố và mất cả.

Sự tính toán thông minh đặt ở chỗ biết tới, biết yêu sách, mặc cả hữu hiệu và biết ngưng đúng lúc, đúng mức cần thiết cho mình, một cách thực tế.

Căn cứ vào trò chơi “mặc cả” kinh bang tế thế khu vực một cách thông minh có hứa hẹn một giải pháp cân bằng theo định lý Nash, thì hiểm hoạ chiến tranh giữa các siêu cường quốc và các đồng minh liên hệ sẽ không xẩy ra. Nếu các tiểu quốc cũng thông minh biết dựa lưng đúng chỗ, thì cũng thoát cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi không chết, cũng bị thương”.

Hoà bình, thịnh vượng thực sự khai triển một cách danh chính ngôn thuận, tự nhiên, quân bình, toàn diện tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới nếu biết tiến hoá chân chính, công bằng trên mặt phẳng nhân bản từng quốc gia, từng cộng đồng con người trên toàn cầu.

Đó là định lý cân bằng QUỐC TUÝ theo chính sách đối ngoại mà chính thể Trump muốn thực hiện trong nhiệm kỳ giao phó, bốn hay tám năm.

Mọi nhận định, suy luận dù có căn bản, vẫn mắc phải những sai biệt, lầm lẫn bất khả tiên liệu, cần điều chỉnh khi cần thiết. Đó cũng là thế dẫn giải của bài viết này.

Xin dành cơ hội bổ túc, đính chính trong tương lai.

Lưu Nguyễn Đạt, PhD, LLB/JD, LLM
Michigan State University

[1] In game theory, the Nash equilibrium is a solution concept of a non-cooperative game involving two or more players in which each player is assumed to know the equilibrium strategies of the other players, and no player has anything to gain by changing only his or her own strategy. If each player has chosen a strategy and no player can benefit by changing strategies while the other players keep theirs unchanged, then the current set of strategy choices and the corresponding payoffs constitutes a Nash equilibrium. The reality of the Nash equilibrium of a game can be tested using experimental economics methods.
Nash equilibrium has been used to analyze hostile situations like war and arms races (see prisoner’s dilemma), and also how conflict may be mitigated by repeated interaction (see tit-for-tat). It has also been used to study to what extent people with different preferences can cooperate (see battle of the sexes), and whether they will take risks to achieve a cooperative outcome (see stag hunt). It has been used to study the adoption of technical standards and also the occurrence of bank runs and currency crises (see coordination game). [Wikipedia]





No comments: