Monday, December 19, 2016

NỘI CÁC CỦA ÔNG TRUMP (Ngày Nay)




18/12/2016

LTS- Ngày Nay thiết lập mục Nhịp Cầu Nối Kết này với ước vọng tạo được sự chia sẻ giữa những người quan tâm đến tương lai của Việt Nam ở bên ngoài, và giới hoạt động dân sự trong nước.

Một số gương mặt trong Nội các ông Trump

 Một tục ngữ Pháp có xuất xứ từ Ả Rập vào thế kỷ thứ 7 truyền rằng “Hãy cho tôi biết anh giao tiếp với ai, tôi sẽ cho biết anh là ai.” Ý nói rằng có thể đoán được bản tính, hay quan điểm, một con người qua giới quen biết của họ. Trong trường hợp của tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump, câu tục ngữ trên đây cũng có thể áp dụng để dự doán xu hướng chính sách cai trị của ông Trump qua những người được ông bổ nhiệm vào các chức vụ trong nội các sắp tới.

   Hiện nay, hầu hết các chức vụ trong nội các Trump đã được chỉ định và đã một phần nào cho thấy chiều hướng mới trong chính sách cai trị của chính quyền đảng Cộng hòa, tiếp theo 8 năm điều hành của vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ và là vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Và những nhận xét đầu tiên của giới theo dõi tình hình đều mang ít nhiều ý nghĩa tiêu cực vì phản ảnh những chiều hướng quá đà của đường lối hữu khuynh cực đoan. 

   Một xu hướng dễ nhận thấy trong sinh hoạt chính trị dân chủ Hoa Kỳ là sự đối đầu mang tính truyền thống giữa đường lối cai trị của hai đảng đối lập khiến cho đảng mới lên cầm quyền tự cho mình có trách nhiệm phải đi ngược và đảo ngược những đường lối và chính sách của đảng tiền nhiệm. Tuy nhiên, do sự can gián của giới trí thức độc lập trong các tổ chức ngoài chính quyền, khuynh hướng cực đoan của cả hai đảng sẽ phải tự chế để hướng về những chính sách trung hòa hơn. Vì thế, đối với những toan tính xoay chiều chính sách nội trị cũng như đối ngoại theo chiều hữu khuynh cực đoan của chính quyền Trump sắp tới, chắc chắn sẽ có những nỗ lực, tuy nhỏ và chưa ai biết là sẽ tác động được đến mức nào vào các quyết định mang tính chính sách, để cân bằng đường lối và nhất là để tranh né những phê phán tiêu cực, đặc biệt là từ phía một hệ thống truyền thông tả khuynh vẫn còn cay cú về sự thất bại của con gà được mến chuộng là ứng cử viên Hillary Clinton.

   Phản ứng tiêu cực đầu tiên của giới truyền thông nhắm vào việc bổ nhiệm nhân vật Stephen Bannon làm cố vấn chiến lược chính trị của Tổng thống. Dư luận quần chúng đều biết là nếu không có nỗ lực của Bannon thì ông Trump khó thắng được trong kỳ bầu cử vừa qua, vì chính Bannon là người đã tập hợp được sự ủng hộ của khối người da trắng bất mãn với các chính sách hỗ trợ khối thiểu số da mầu của các chính quyền đảng Dân chủ, đặc biệt là tại vì những chương trình này thường có lợi cho thành phần lợi tức kém tại thành thị và không được phổ biến trong các tiểu bang nằm ở trung tâm nước Mỹ và được gọi chung là Nôi nước Mỹ, vốn là nơi sinh sống của các gia đình da trắng hoạt động trong ngành nông nghiệp và hầm mỏ, thường là nạn nhân của trào lưu toàn cầu hóa, có lợi tực thấp, chịu nạn thất nghiệp cao, và thiếu cơ hội thăng tiến vì thiếu kỹ năng cạnh tranh trên thị trường nhân công thế kỷ 21.

   Tại Pháp, Bannon được biết đến như là một chiến lược gia chính trị theo một chủ trương mô phỏng theo mẫu hình tuyên truyền thời Đức Quốc Xã của Josef Goebbels. Bannon có tham vọng phát triển cơ quan truyền thông Breitbart News do ông điều hành thành một diễn đàn quốc tế tại Pháp và Anh quốc để tuyên truyền cho tư tưởng bảo thủ cực hữu, quảng bá đường lối của chủ nghĩa dân tộc cho người da trắng chống chương trình di dân di trú, chống Hồi giáo cũng nhu chống các khuynh hướng đề cao thái độ Nghiêm chỉnh Chính trị trong sinh hoạt xã hội. 

   Quyết định bổ nhiệm Stephen Bannon vào chức cố vấn chiến lược chính trị không những là một cử chỉ đền ơn của ông Trump cho người đã giúp ông thắng cử mà còn xác nhận chiều hướng dân tộc cực đoan của ông Trump về chính sách nội bộ. Một dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ quan điểm này là việc bổ nhiệm một nội các gồm hầu hết là các nhân vật da trắng nắm các bộ ấn định chính sách, và nhân vật da đen duy nhất ở cương vị bộ trưởng được giao cho một cơ quan chỉ có trách nhiệm thừa hành là Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị.

   Về mặt An ninh Quốc phòng, việc đề cử ba vị tướng hồi hưu, hai đại tướng, James Mattis vào chức Bộ trưởng Quốc phòng và John Kelly về An Ninh Nội địa, và một trung tướng, Michael Flynn vào chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia cho thấy rõ xu hướng diều hâu của ông Trump về mặt an ninh quốc phòng. Những dấu hiệu đầu tiên về chính sách ngoại giao cứng rắn của chính phủ Trump đã được biểu hiện qua cách ứng xử của ông Trump với Đài Loan khi ông công khai loan báo về một cuộc điện đàm giữa ông và nữ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, một sự kiện mà giới phân tích tình hình đã giải thích như là một thái độ khiêu khích nhằm nắn gân Bắc Kinh. Ngoài ra, việc ông Trump chọn lựa Chủ tịch Tổng Giám đốc tập đoàn dầu khí ExxonMobil Rex Tellerson làm Ngoại trưởng còn cho thấy ý định xích lại gần Liên bang Nga của Tổng thống tân cử này. 

   Cố gắng cải thiện quan hệ với Liên bang Nga qua việc bổ nhiệm ông Rex Tillerson, một thân hữu với ông Putin trong thời gian làm việc tại Nga cũng đã được nhiều bình luận gia coi như là một cuộc vận động để lôi kéo Putin về phía Hoa Kỳ, trước khi bố trí một thế đối đầu với Trung Quốc hầu tìm cách chặn đứng các nỗ lực xâm lược của Bắc Kinh tại biển Đông.
Mặc dù ông Trump chưa có một phát biểu trực tiếp nào về quan hệ với Việt Nam, nhưng thái độ đoạn tuyệt với Hoa Kỳ của Phi Luật Tân cho phép dự đoán rằng Hoa Kỳ sẽ không muốn thay đổi quan hệ tốt đang có với Việt Nam để mất một lúc cả hai điểm chặn đà bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông là Phi và Việt Nam. 

   Một phạm vi chính sách gây nhiều quan ngại nhất cho giới cấp tiến là khối cơ quan quản lý các chương trình Liên bang bảo trợ xã hội, gọi chung là lưới xã hội liên bang gồm có chương trình Medicare, Medicaid, An sinh Xã hội, Bảo hiểm Thất nghiệp và Quỹ Phúc lợi Xã hội. Một số chương trình này mang đặc tính đóng góp như Medicare, An sinh Xã hội và Bảo hiểm Thất nghiệp, và không đóng góp, hay hoàn toàn do chính quyền liên bang đài thọ, như Phúc lợi Xã hội và Mecidaid.

   Nhiều dấu hiệu cho thấy lãnh vực trên đây sẽ là một phạm vi nhượng bộ của ông Trump dành cho Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan khi hai bên thỏa thuận để chuẩn bị cho sự hợp tác giữa Hành pháp và Lập pháp trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Trump. Dư luận quần chúng đã thấy rõ bàn tay của Paul Ryan trong việc chỉ định nhưng nhân vật chống lãng phí trong chương trình an sinh xã hội. Ngoài ra, trong chương trình Medicare, Ryan cũng đã cài đặt những nhân vật được nhận diện như là người tham gia vào việc soạn thảo chương trình cải tổ Medicare của ông Ryan trước đây.

   Những dấu hiệu trên đây chứng tỏ rằng một số quan điểm cải tổ của Paul Ryan sẽ được chính quyền Trump tìm cách thực hiện trong nhiệm kỳ đầu. Những dấu hiệu đầu tiên này đã được làm rõ hơn qua việc bổ nhiệm một số nhân sự có trách nhiệm về các chương trình này.

   Riêng đối với Quỹ An sinh Xã hội, trong lúc tranh cử, ông Trump đã từng khẳng định là sẽ không đụng tới chương trình này. Tuy nhiên mới đây, qua những sự bổ nhiệm vào trong cơ cấu quản lý chương trình này thì lại thấy sự hiện diện của những nhân vật chủ trương cải tổ phương thức quản lý Quỹ An sinh Xã hội bằng cách tư nhân hóa chương trình. Đặc biệt có thể kể đến Mike Corbey người cầm đầu nhóm chuyển tiếp trong ban quản lý Quỹ An Sinh Xã hội là nhân vật từng cổ võ cho việc giao Quỹ này cho tư nhân đầu tư sinh lời hầu giải tỏa những thiếu hụt của Quỹ được dự đoán là sẽ cạn kiệt vào đầu thập niên 2030. Ông Korbey từng là cố vấn cho TT Bush Con đã từng đề nghị phương án tư nhân hóa Quỹ này. Được biết, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng là người từng chủ trương tư nhân hóa, không những Quỹ An sinh Xã hội mà cả chương trình Medicare, để trao cho tư nhân đầu tư kiếm lợi hầu hỗ trợ ngân khoản thiếu hụt của ca hai chương trình. Việc thay đổi những chương trình nói trên chỉ có thể được thực hiện qua Quốc hội với việc ban hành các đạo luật cải tổ các chương trình phúc lợi xã hội này. Tuy nhiên, vì đảng Cộng Hòa vẫn duy trì đa số trong cả hai viện Quốc hội, nỗ lực cải tổ các chương trình phúc lợi xã hội này cũng không phải là điều không thể xẩy ra dưới chính quyền Trump.

   Cũng trong phạm vi phúc lợi xã hội, ông Trump đã bổ chiệm một Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân đạo được nhận diện như kẻ thù số một của chương trình Obamacare là Bác sĩ Tom Price. Ông Price hiện là Dân biểu Liên bang thuộc tiểu bang Georgia, và là nhân vật đã từng đề xuất nhiều chương trình y tế thay thế cho Obamacare kể từ khi đạo luật này được ban hành vào năm 2010. Trong cương vị Bộ trưởng Y tế của chính phủ Trump, Tom Price sẽ là nhân vật đứng đầu chiến dịch đánh phá chương trình bảo hiểm y tế của ông Obama, ngoài khả năng cải tổ Medicare và Medicaid, vì hai chương trình này cũng nằm trong phạm vi trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân đạo. Ông Price cũng chủ trương tư nhân hóa chương trình Medicare như ông Ryan.   Chương trình bảo hiệm y tế do ông Price cổ võ mang tên Empowering Patients First Act, và đã được đánh giá như một phương án khắt khe và hẹp hòi hơn cả đề nghị của ông Paul Ryan về mặt lợi ích, nhất là đối với thành phần đau ốm, già yếu và nghèo khó. Ngoài ra, ông Price còn chủ trương loại bỏ hoàn toàn chương trình Medicaid, hiện đang cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho 12 triệu người nghèo.

   Một lãnh vực thứ hai khiến cho dư luận quần chúng lo ngại là quan điểm của ông Trump đối với vấn đề ô nhiễm môi trường và hiện tượng thay đổi khí hậu. Ông Trump đã từng nhiều lần tuyên bố không tin tưởng vào những lời khuyến cáo của giới khoa học về tác động của loài người đến hiện tượng thay đổi khí hậu. Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo New York Times sau khi thắng cử, ông Trump đã khẳng định là ông có một “bộ óc mở” đối với hiện tượng biến đổi khí hậu, theo nghĩa đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hoạt động của con người đối với hiện tượng thay đổi khí hậu trên thế giới. Tuy nhiên khi được hỏi lại là có phải “bộ óc mở” của ông về vấn đề này có nghĩa là ông thừa nhận sinh hoạt của loài người có tác động đến thay đổi khí hậu ? thì ông Trump lại trả lời rằng, chỉ ở một mức độ giới hạn nào đó thôi, và vấn đề này còn tùy thuộc vào mức phí tổn mà sự kiện đó ảnh hưởng đến chi phí của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.” ông Trump còn giải thích thêm rằng “các ông cũng phải hiểu rằng hiện nay các doanh nghiệp của chúng ta đang ở vị thế mất khả năng cạnh tranh.”

   Cách trả lời của ông Trump biểu lộ một quan điểm phò tài phiệt theo nghĩa mọi vấn đề cần phải duyệt xét xuyên qua quyền lợi của giới tư bản tài phiệt chủ nhân ông các tập đoàn kỹ nghệ, đặc biệt là trong công nghệ năng lượng. Qua cuộc tranh cử, dư luận quần chúng đã nhận thấy rõ hậu thuẫn của công nghệ dầu khí và mỏ than đằng sau lưng ông Trump.  

   Cần nhớ rằng giới thợ mỏ than đã gánh chịu nạn thất nghiệp rộng lớn khi ngành khai thác than đá xuống dốc tại các tiểu bang sản xuất than đá Hoa Kỳ. Một phần do ảnh hưởng của chủ trương nâng đỡ và phát triển năng lượng sạch của chính quyền Obama đã tác động tiêu cực vào hoạt động của các mỏ than đá Hoa Kỳ, và một phần khác do nguyên liệu khí đốt thiên nhiên sạch hơn than ngày càng được dùng nhiều hơn để thay thế cho than đá trong công nghệ nhiệt điện tại Hoa Kỳ. 

   Mặt khác than đá là một nguyên liệu đưa đến nạn ô nhiễm môi trường cao vì lượng khí carbon thải ra từ các nhà máy nhiệt điện. Vì đã hứa hẹn phục hồi hoạt động ngành than đá để giải quyết nạn thất nghiệp cho cư dân các tiểu bang sản xuất than đá tai Hoa Kỳ, ông Trump đã đặt mình vào thế phải phủ nhận ảnh hưởng gây ô nhiễm của các hoạt động kỹ nghệ dùng than đá. 

   Đến nay khi thắng cử, việc trả ơn thành phần ủng hộ ông trong khối người tham gia vào ngành công nghệ này đã được khởi động bằng việc bổ nhiệm một số nhân vật cùng chung quan điểm với ông là chối bỏ các công trình nghiên cứu khoa học quy trách nạn ô nhiễm môi trường cho hoạt động của con người.

   Trước hết là việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan bảo vệ môi trường EPA. Với việc đề cử ông Scott Pruitt, cựu Chưởng Lý tiểu bang Oklahoma làm Quản lý Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA, ông Trump đã cho thấy ý định nâng đỡ công nghệ than đá và năng lượng, vì ông Pruitt là người có tiếng là bài bác quan điểm của giới khoa học môi trường, đồng thời cũng là nhân vật chống đối việc chiết giảm việc xử dụng than đá trong công nghệ nhiệt điện.

   Thêm vào đó, việc bổ nhiệm ông Rick Perry làm Bộ trưởng Năng lượng cũng chứng tỏ thêm ý định tuyên chiến với giới bảo vệ môi trường. Còn nhớ ông Perry là ửng cử viên tổng thống đã từng tuyên bố sẽ đóng cửa bộ năng lượng nếu ông thắng cử. Mới đây ban chuyển tiếp của ông Trump đã tìm cách lập danh sách nhân viên trong Bộ Năng lượng đã tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường do chính quyền Obama chủ trương. Nhiều người cho rằng động thái này là nhằm nhận diện số người này không ngoài ý định để trù dập họ sau này.

   Cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 quả thật là một biến cố đầy bất ngờ. Sự kiện cả hai cơ quan FBI và CIA đều công nhận rằng nhà cầm quyền Liên bang Nga đã chủ động xâm nhập vào màng lưới điện toán đảng Dân chủ và tiết lộ lên mạng toàn bộ hệ thống điện thư của ông John Podesta, Chủ tịch tổ chức tranh cử của bà Hillary Clinton, đã tạo mộ tý vết lớn đối với sự thắng cử của ông Donald Trump, ngoài những lời tố cáo rằng phía ông Trump đã được Giám đốc cơ quan FBI là ông James Comey hỗ trợ bất chính qua việc gửi lá thư qua Quốc hội loan báo việc tái điều tra bà Clinton về sự kiện email, chỉ hơn một tuần trước ngày bỏ phiếu.

   Sự chồng chất của các sự kiện trên đây, ngoài những yếu tố chủ quan khác, đã khiến cho nhiều người không khỏi nghĩ đến những ảnh hưởng tiêu cực của sự kiện ông Trump đã trở thành người hùng của giới tài phiệt da trắng để thay đổi xã hội nước Mỹ trong 4 năm tới. Hiện nay, một phần dư luận quần chúng đã bắt đầu bị ám ảnh bởi viễn tượng đen tối đối với các thành phần yếu kém trong xã hội Hoa Kỳ khi toàn bộ ngành Hành pháp đang chuyển mình thành một chính phủ của giới tài phiệt, trong khi phía đảng Dân chủ vẫn còn chưa vượt qua khỏi sự bàng hoàng ban đầu để tập hợp lại thành một lực đối lập để ngăn chặn những thay đổi quá đà của đảng thắng cử, hầu bảo vệ quyền lợi của thành phần yếu thế trong xã hội, những giá trị và lợi ích căn bản của xã hội Hoa Kỳ, và đặc biệt là của giới thợ thuyền da trắng đã bỏ phiếu cho ông trong niềm hy vọng một sự thay đổi. 

--------------------------

16/11/2016

 NN - (16/11/2016) - Rồi cuộc bầu cử tổng thống  kỳ cục và tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng kết thúc với kết quả thật bất ngờ khiến hàng triệu người buồn nản và thất vọng.

   Hillary Clinton, mặc dầu hơn Trump tới gần một triệu phiếu phổ thông vẫn không vào được Nhà Trắng. Tuyệt đại đa số người Mỹ da trắng gồm các thành phần không có trình độ đại học (67%), dân miền quê, đã bỏ phiếu cho Trump vì cảm thấy bị cả hai đảng chính bỏ rơi, trút tức giận, thù hận, kỳ thị người di dân, người da mầu, cùng với bi quan và hoảng sợ họ muốn xóa bỏ mọi thiết chế chính trị, chán ghét tất cả các chính trị gia. Họ muốn thay đổi mà không cần biết thay đổi sẽ ra sao, bất chấp mọi lý lẽ, bất chấp phải trái, bất chấp khả năng và tư cách của người đem lại sự thay đổi.

        Trump ăn nói thô lỗ, cục cằn ư, có sao đâu.
        Trump coi phụ nữ là đối tượng tình dục, có sao đâu.
        Trump bôi xấu phụ nữ, có sao đâu.
        Trump khoe khoang lố bịch, coi rẻ các quân nhân Mỹ là tù binh của địch (McCain). Có sao đâu.
        Trump chế diễu người tàn tật, có sao đâu.
        Trump khoe biết nhiều về ISIS hơn cả cá tướng lãnh, có sao đâu.
        Trump chống di dân, có sao đâu.
        Trump đòi bỏ tù đối thủ, kiện những người tố cáo hành vi thiếu đạo đức của ông. Có sao đâu.
        Trump hành động bất nhất, quay quắt, có sao đâu.
……………………………………………………………………..
 
 Người ta chỉ còn hy vọng, Trump sẽ chỉ nói mà không làm, cầu mong Trump tổng thống không phải là Trump “play boy”, không phải là Trump tranh cử. Người ta hy vọng ông ta sẽ lắng nghe các cố vấn của ông. Nhưng việc Trump bổ nhiệm nhân sự cho nội các của mình đã khiến cả hai phe, ủng hộ và chống Trump lo ngại.

   Người thứ nhất là Stephen Bannon, một tay cực kỳ bảo thủ, một người chạy theo chủ nghĩa dân túy cực đoan, nguyên giám đốc của cơ quan truyền thông Breithart News, chuyên đánh phá người di dân, coi người di dân là họa gieo rắc bệnh tật, đòi thanh lọc người di dân theo tiêu chuẩn tôn giáo, văn hóa, sắc da, đánh phá người Do Thái. Nay Trump bổ nhiệm Bannon vào chức vụ cố vấn tối cao cho ông khiến rất nhiều người trong hai đảng lo ngại.

   Người thứ hai là Reince Priebus, nguyên Chủ tịch đảng Cộng Hòa, được bổ nhiệm Chief of Staff  (Chánh Văn Phòng) cho Trump. Reince Priebus là tay cơ hội chủ nghĩa, chuyên lựa gió phất cờ. 

   Người thứ ba là  Rudolp Giuliani, cựu thị trưởng New York, nổi tiếng về thành tích bôi nhọ đối thủ bằng các thủ đọan sảo trá, ông ta có nhiều khả năng ôm ghế ngọai trưởng.

   Người thứ tư là Newt Gingrich, bị truất chức chủ tịch Hạ viện và phạt 300.000 dollars vì vi phạm quy tắc đạo lý, có thể nắm chức Bộ trưởng An Ninh quốc nội. Khi tranh cử Trump hứa hẹn sẽ tát cạn vũng bùn của các thiết chế chính trị nhưng việc bổ nhậm nhân sự cho tới giờ này thì hầu như ông ta lại ném thêm bùn vào cái vũng bùn lầy mà ông đòi tát cạn.

   Những khuôn mặt siêu hữu khuynh như Jeff Session, Rick Perry, ..cũng lóang thóang trong cánh gà của sân khấu quyền lực Trump. 

   Cả ba ông: Trump, Giuliani và Gingrich đều là những người tài ba chả thế mà họ có tới ba đời vợ, bà nào cũng sắc nước hương trời.

   Trong chương trình 60 minutes của đài CBS, ông Trump đã dịu giọng về việc bỏ tù bà Clinton, về Obamacare (khen ngợi vài điểm trong Obamacare), về trục xuất hết 11 triệu di dân bất hợp pháp, về hôn nhân đồng phái tính, về phá thai….

   Không ai tiên đoán nổi chính sách của TT Trump, kể cả bản thân Trump.

   Nếu Trump thực hiện những hứa hẹn với cử tri thì nước Mỹ sẽ rơi xuống vực thẳm vì để biến những hoang tưởng thành thực tiễn thì ông phải là một Hitler, một Stalin hay Mao Trạch Đông. Nếu ông bỏ hết những chính sách hoang tưởng khi tranh cử thì những người đã bỏ phiếu cho ông sẽ trở thành kẻ thù của ông. 

   Trong lịch sử nhân lọai chủ nghĩa dân túy chỉ tạo đuợc một phong trào ồn ào nhất thời. Mà Donald Trump lại chỉ là một tay Dân Túy giả hiệu (fake populist).





No comments: