Thursday, December 1, 2016

GIẤC MƠ BƠ SỮA CỦA FIDEL CASTRO (Thụy My - RFI)




Thứ Tư, ngày 30 tháng 11 năm 2016

(Lược dịch từ Libération 29/11/2016) Lãnh tụ tối cao Cuba trong vòng năm mươi năm đã chú trọng đến các sản phẩm sữa nhằm cải thiện số phận các thần dân, nhưng đó chỉ là hoang tưởng.


Cho đến cuối đời, Fidel Castro vẫn đam mê các sản phẩm sữa – không chỉ do sở thích cá nhân các món milk shake chocolat hay kem tươi đông lạnh, mà còn do chính sách thực phẩm của chế độ lệ thuộc vào bò sữa. Hôm 03/07/2015, một năm rưỡi trước khi qua đời ở tuổi 90, nhà cựu lãnh đạo bất ngờ xuất hiện trước công chúng, trong khi có tin đồn là ông đang nằm liệt giường. Mục tiêu: sữa, nỗi ám ảnh của Fidel. Trước các nhà sản xuất tại Viện nghiên cứu thực phẩm công nghiệp La Habana, Castro thảo luận về mùi vị của sữa, việc sản xuất phô mai, và nói rộng ra là nông nghiệp và vấn đề môi trường.

Ý kiến của Castro rất chuyên môn về nấu nướng, từ nông trại cho đến bàn ăn. Nói chuyện với bạn là tu sĩ Frei Betto, ông giải thích làm thế nào chuẩn bị món tôm hùm và tôm thẻ: « Nước nóng làm giảm mất mùi vị, và làm thịt tôm cứng hơn một chút. Tôi thích nướng trong lò hay xiên que hơn (…) Gia vị duy nhất là bơ, tỏi và chanh ». Chỉ là phương châm gia chánh, hay quan điểm chính trị ? Castro, vốn rất mê món cá nướng và lê-ghim, chỉ trích thiếu sót của phương Tây ngay cả trong ẩm thực : « Thức ăn ngon luôn đơn giản, các đầu bếp quốc tế lãng phí quá nhiều ».

Nhà nông học Pháp André Voisin và Fidel Castro tại Cuba năm 1964.

Hâm mộ một nhà nông học Pháp

Tại Cuba, ngược lại, cần phải tiết kiệm thực phẩm. Lên nắm quyền năm 1959, Castro ra lệnh phân phối hàng hóa theo tiêu chuẩn, và cải cách nông nghiệp. Cấm vận của Mỹ năm 1962 được bù đắp phần nào nhờ hàng nhập khẩu từ Liên Xô, buộc ông phải hình dung ra những điều chừng như bất khả. Cà phê cũng phải mọc lên từ các đầm lầy không hề màu mỡ của « vành đai La Habana ». Ở hàng thứ hai, Cuba còn muốn tự sản xuất ra gan ngỗng béo. Hoặc lúc sau này Castro còn khuyến khích trồng đại trà cây chùm ngây, loại cây nhiệt đới giàu vitamin. Tất cả đều được yêu cầu vừa có hiệu suất cao, vừa « sạch » – hai điều mâu thuẫn với nhau, mục tiêu sinh thái sớm sủa này chỉ vì thiếu cả thuốc trừ sâu lẫn phân bón.
                                                                   
Trong khuôn khổ cải cách nông nghiệp, Castro ra lệnh mở rôbinê sữa. Một thách thức cũng khó khăn như những thách thức khác, do bò ở Cuba vốn ốm yếu và thường được nuôi để lấy thịt. Chẳng sao cả, cựu thủ lãnh du kích quyết định trước hết phải xem lại hệ thống đồng cỏ. Ông dựa vào một nhà nông học giàu sáng kiến của Pháp, André Voisin. Nhà khoa học này đề nghị độ cao cụ thể cho đồng cỏ tùy theo mùa và khu vực thu hoạch, tránh sử dụng hóa chất. Castro đặt mua hàng trăm sách của vùng Normand và phân phối cho nhiều trường học, rồi mời ông Voisin đến Cuba để dùng một bữa tối đáng nhớ.

Camembert, phô-mai đặc sản Pháp.

Phô-mai Camembert và Roquefort “made in Cuba”

Đến La Habana, người kỹ sư vào một buổi tối đẹp trời năm 1964 khám phá công trình mới nhất của Fidel Castro: phô-mai Camembert made in Cuba. Một niềm hãnh diện, cũng như món phô-mai Roquefort địa phương. Vị nguyên thủ mời nếm thử và hỏi: « Anh thấy thế nào ? »  André Voisin chừng mực: « Cũng khá…theo kiểu Pháp »

Sự thiếu nhiệt tình này làm Castro phật ý. Nhà nông học bèn so sánh Camembert với một đặc sản nổi tiếng thế giới của Cuba : « Ông không thể vượt lên truyền thống. Món phô-mai của chúng tôi và xì-gà của các ông đã hiện diện từ nhiều thế kỷ ».

Sau đó Tổng tư lệnh đã cho ngưng loại phô-mai bắt chước, không biết có phải do bữa ăn trên hay không. Còn kỹ sư André Voisin vài hôm sau đó chết bất đắc kỳ tử tại Cuba. Ông được chôn cất ở La Habana, và Castro tuyên bố một ngày quốc tang cho nhà khoa học, người dù sao cũng đã giúp Cuba sản xuất được nhiều sữa hơn.

Sau đồng cỏ, lãnh tụ tối cao quyết định tấn công trực tiếp vào bò sữa. Các giống bò Zébu (bò u nhiệt đới) cho sản lượng không cao. Fidel biết giới hạn của giống bò này, nhất là khi ông sở hữu một con bò cái riêng. Mỗi thành viên trong gia đình Castro có một con bò sữa của riêng mình, cung cấp những thứ sữa khác nhau – vị chua và độ sánh nhiều hay ít tùy từng con…

Castro tìm kiếm giống bò sữa tốt. Ông mua loại bò Hà Lan của Canada, nhưng một phần ba đàn bò chết vì không thích ứng được với thời tiết. Một giải pháp khác : cho phối giống trong những nông trại của Nhà nước, chẳng hạn phối bò u với bò Brown Swiss vốn rất phổ biến ở Hoa Kỳ. Phép lạ Cuba diễn ra vào khoảng năm 1972, với việc chào đời của Ubre Blanca, một « siêu bò », người hùng của chế độ.

(Hình)  

Siêu bò và Công viên khủng long


Ubre Blanca (Vú Trắng) phá tất cả mọi kỷ lục. Con bò này có thể sản xuất đến 109,5 lít sữa mỗi ngày sau bốn lượt vắt, nhiều gấp bốn lần một con bò sữa thông thường. Nó được nhốt trong chuồng riêng bảo vệ cẩn mật, tránh bị khủng bố và để thí nghiệm. Tuy nhiên, ba lần đẻ của siêu bò không giúp duy trì nòi giống. Ở tuổi 13, xuất hiện một khối u và Ubre Blanca bị khai tử. Được nhồi rơm, vẽ tranh và ca ngợi trong nhiều bài thơ, siêu bò của Castro qua đời năm 1985.

Hai năm sau, nhà lãnh đạo đòi hỏi một loại bò sữa khác, lần này nhỏ con hơn nhiều. Mục tiêu là trang bị cho mỗi căn hộ một con bò chỉ to bằng con chó, để cung ứng sữa tươi cho các gia đình thành thị. Các nghiên cứu không thành công, trong khi khối Đông Âu sụp đổ cùng với những mặt hàng nhập khẩu quý giá hàng năm.

Siêu bò lên tem, nhưng không thể tái sinh.

Năm 2007, vài tháng trước khi rời chức chủ tịch để nhường chỗ cho người em Raul, Fidel Castro tái thúc đẩy chương trình « siêu bò ». Đó là tái tạo Ubre Blanca nhờ ADN lưu giữ. Các nhà khoa học được giao nhiệm vụ nêu ra cái mốc Công viên khủng long, nhưng phim ảnh đã không biến thành sự thực. Cần phải nhìn thẳng vào thực tế : bò sữa không thể sống khỏe trong khí hậu vùng vịnh Caribê.

Một thất bại nữa đối với sản phẩm sữa : nhà hàng Coppelia đại quy mô khai trương năm 1966, chuyên bán kem sữa với 28 mùi khác nhau, trong đó có hương vị trái cây nhiệt đới, thu dụng trên 400 nhân viên. Nhưng nhà hàng suy sụp dần, khi sữa ngày càng hiếm hoi đối với người dân.

Câu chuyện về sữa, phô-mai và kem ở Cuba là biểu tượng cho những ý định không tưởng muốn chơi trội; thất bại của chính sách thực phẩm dựa vào tự cung tự cấp, sở thích ẩm thực không đại chúng và hiệu năng kém cỏi.

*Tựa gốc : « Khi Castro muốn nuôi dưỡng Cuba bằng siêu bò và phô-mai Camembert dỏm ».

Publié par Thuymy Rfi à 20:23 




No comments: