Friday, December 9, 2016

ĐẠI HỘI KIỀU BÀO, ĐỊA ĐẠO CỦ CHI & EM LÊ VĂN TÁM (S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến)


Thứ Năm, ngày 08 tháng 12 năm 2016
Đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về, đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực, để đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. - T.T. Nguyễn Xuân Phúc
*
Nhà thơ Lê Giang Trần vừa có bài viết giới thiệu một cuốn sách mới (Sử Tính và Ý Thức) của luật sư Nguyễn Hữu Liêm - với “tinh thần cởi mở chân tình đứng về phía tác giả, để biết lắng nghe những gì trình bày” - trên tờ Việt Báo, phát hành từ California vào hôm 07 tháng 11 năm 2016.
Độc giả của trang báo thượng dẫn, tiếc thay, không ai có tinh thần “cởi mở” và “chân tình” tương tự. Cũng chả ai bận tâm gì đến nội dung tác phẩm của L.S Liêm. 
Coi:
- Đặng Huy Phong: Đừng mất thời gian và tiền bạc để đọc Nguyễn Hữu Liêm!
Trần Vinh: Khỏi đọc bài chủ vì tôi đã biết Nguyễn hữu Liêm là ai. Nguyễn hữu Liêm là một trong số những người từ Mỹ bay về Hà Nội tham dự “Đại hội người Việt ở nước ngoài” do Cộng Sản Hà Nội tổ chức năm 2009. Sau đó, Nguyễn Hữu Liêm viết bài “Nơi giữa Đại Hội Việt Kiều: Một nỗi bình an”của mình “. Nguyễn hữu Liêm viết: "Trong hai mươi năm qua, tôi đã bao nhiêu lần về lại Việt Nam..." 
Và rằng "Ngày thứ ba của Đại hội, ở cuối phần bế mạc, tôi cùng đứng dậy chào cờ. Bài “Tiến quân ca” được vang cao trong cả hội trường. Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ, và ngạc nhiên khi thấy hầu hết – kể cả những người mà tôi không ngờ – đang vỗ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh! Cả hội trường, và tôi, cùng hân hoan trong tất cả (vẫn là) cái hồn nhiên mà dân tộc ta đã bước vào từ hồi thế kỷ trước. Tôi thầm cảm thấy mình thật sự bình an khi đất nước này đã mở rộng vòng tay đón tôi trở về ..." 
Niềm “hân hoan” cũng như sự “hào hứng” hồi năm 2009, như lời của L.S Nguyễn Hữu Liêm, buồn thay, nay không còn nữa. Tin tức về ngày khai mạc, cũng như bế mạc (“Hội Nghị Người Việt Nam Ở Nước Ngoài”) vào tháng 11 vừa qua – xem ra – có hơi tẻ nhạt. Không còn tiếng xe còi hụ và “vỗ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh!” – theo tường trình của báo Quân Đội Nhân Dân
"Hôm nay (12-11), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016 sẽ khai mạc tại TP Hồ Chí Minh với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”.
Hội nghị dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương cùng hơn 500 đại biểu kiều bào của gần 40 quốc gia và lãnh thổ. Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 12 và 13-11 với các phiên thảo luận theo chuyên đề...
Trao đổi với lãnh đạo thành phố, các kiều bào bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục trong nước, trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới. Các đại biểu đề nghị lãnh đạo thành phố cần chú trọng đầu tư lâu dài vào giáo dục, lấy trọng tâm là con người để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị cho những cơ hội mới trong hội nhập quốc tế...
Sáng cùng ngày, các kiều bào về tham dự hội nghị được đi tham quan, giao lưu theo các chuyên đề tại: Huyện Cần Giờ, Khu Công nghiệp công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn…"
Ảnh: vietnamnet
Ủa! Có tới 500 đại biểu kiều bào của gần 40 quốc gia và lãnh thổ sao không thấy ai “quan tâm đặc biệt” đến chuyện ngập lụt ở thành phố Hồ Chí Minh - vậy cà?
Không đô thị nào có thể “phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” trong tình trạng thường xuyên chìm trong bể nước. Thành phố Hồ Chí Minh Quang Vinh, tất nhiên, cũng không ngoại lệ. 
Vậy mà cũng chả có đoàn kiều bào nào đến “tham quan, giao lưu” với Củ Chi để tìm hiểu cách thoát nước của hệ thống địa đạo nổi tiếng ở địa phương này. Đây là một sự thiếu sót vô cùng đáng tiếc, nếu không muốn nói là đáng trách.
Wikipedia tiếng Việt, giọng Hà Nội, ghi rõ: 
"Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Hệ thống này được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất.
Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên ngụy trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn vị trí các bụi cây... tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m. Ðường lên xuống giữa với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu... Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, ngụy trang khéo léo để xem phim, văn nghệ."
Hồi thế kỷ trước mà Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam có thể làm được cả một hệ thống địa địa đạo dài 200 cây số – sâu cả chục mét - có hí viện để xem văn nghệ, và bệnh viện với phòng giải phẫu thì cớ sao nay lại để cho cái sân bay Tân Sơn Nhất cứ bị chìm đắm trong mưa (và trở nên bất khiển dụng) hoài vậy – mấy cha? Mà Củ Chi cách Tân Sơn Nhất đâu có bao xa, đúng không?
Phi trường Tân Sơn Nhất. Ảnh: Khánh Bằng
Sự tân kỳ (rất đáng nể) của Hệ Thống Địa Đạo Củ Chi khiến tôi chợt nhớ đến lòng dũng cảm (vô cùng đáng ngại) của... em Lê Văn Tám, cùng với một tiếng thở dài – cố nén. Từ đất đến người, suốt suồn suột đều chỉ là chuyện bịp!
Cái Nghị Quyết của Bộ Chính Trị, về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cũng không ngoại lệ. Cũng rặt những lời lẽ bịp bợm và giả trá:
"Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước. 
Thông qua các hoạt động ngoại giao tích cực vận động chính quyền nước sở tại tạo thuận lợi cho kiều bào có điều kiện làm ăn sinh sống bình thường; chủ động tiến hành đàm phán và ký kết các thỏa thuận cần thiết với các nước, trong đó có các hiệp định lãnh sự, hiệp định tư pháp, bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con, chống các biểu hiện kỳ thị, các hành động chống lại người Việt Nam ở nước ngoài.
Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Xây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet. Cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể để giúp bà con học tiếng Việt. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài."
N.Q. 36 gồm 3.824 chữ, đều một giọng khoác lác như trên, và không một chữ nào đề cập đến nguyên do khiến mấy triệu nguời Việt phải lưu lạc và tứ tán khắp năm Châu. Cứ y như thể là khi khổng khi không (cái) có mấy triệu con dân Việt, từ trên trời, rơi rớt tá lả xuống khắp mặt địa cầu. Đảng chỉ tiện tay gom thành đống, và vo lại thành cục - y như cục bột - rồi muốn nặn tròn hay bóp méo thế nào thì tuỳ thích!
Đời đâu có dễ sống dữ vậy, mấy cha? Đâu có bịp thiên hạ hoài được! Cái thời Lê Văn Tám, và Địa Đạo Củ Chi đã qua rồi. Những màn múa rối, kiểu Đại Hội Việt Kiều (e) cũng không nên tiếp tục. Càng dài nó lại càng dở, và càng thêm lố bịch thôi.





"HỌ ĐANG GIẾT CHÚNG TÔI NHƯ THÚ VẬT" (Daniel Berehulak - The New York Times)




Daniel Berehulak - The New York Times  
Trà Mi (DCVOnline)
Posted on December 9, 2016 by Editor — 0 Comments
.
Tổng thống Rodrigo Duterte
.
Trong chiến dịch chống ma tuý tàn bạo của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (hình trên), phóng viên ảnh của The New York Times đã ghi lại hình ảnh của 57 nạn nhân của những vụ giết người trong vòng 35 ngày.
Tiếng mưa rơi trĩu hạt trên vỉa hè trong một con hẻm ở Manila – và trên lưng của Romeo Torres Fontanilla.
Người ta nghe trước khi thấy vụ giết người: Những tiếng kêu tuyệt vọng của người mới thành góa phụ. Còi báo động điếc tai của xe cảnh sát. Tiếng mưa rơi trĩu hạt trên vỉa hè trong một con hẻm ở Manila – và trên lưng của Romeo Torres Fontanilla.
Tigas, tên thường gọi của ông Fontanilla, nằm úp mặt trên đường khi tôi đến nơi khoảng sau 1 giờ sáng. Ông ấy mới 37. Các nhân chứng cho biết, ông bi hai người đàn ông đi một chiếc xe máy bắn chết. Cơn mưa đã gột sạch máu của Tigas xuống đường mương.
Con hẻm ướt mưa ở quận Pasay Manila là nơi xảy ra vụ án thứ 17 mà tôi biết, vào ngày thứ 11 của tôi ở thủ đô Philippines. Tôi đến đây để ghi lại chiến dịch chống ma túy đẫm máu và hỗn loạn mà Tổng thống Rodrigo Duterte bắt đầu khi ông nhậm chức vào ngày 30 tháng 6, 2016: từ đó đến nay có khoảng 2.000 người đã bị cảnh sát giết, chỉ cảnh sát không thôi.
Hơn 35 ngày ở Philippines, tôi ghi lại hình ảnh 57 nạn nhân trong những vụ giết người tại 41 địa điểm, tương ứng với những dấu chấm màu vàng trên bản đồ này.
Tôi đã chứng kiến ​​những cảnh đẫm máu ở khắp mọi nơi – trên vỉa hè, trên đường xe lửa, trước một trường nữ sinh, bên ngoài tiệm tạp hoá 7-Eleven và trước một quán McDonald, trên nệm ngủ và ghế sofa phòng khách. Tôi quan sát, cùng lúc, một phụ nữ mặc áo đỏ nhìn hình cảnh ghê rợn qua khe bàn tay đang che mặt, như một phần để tự và phần kia để nhìn lần cuối người đàn ông vừa bị giết ở giữa một con phố đông người.
Không xa nơi Tigas bị giết chết, tôi thấy Michael Araja, trong những bức ảnh bên dưới, chết trước một “sari sari,” tên người dân địa phương gọi các sạp bán tạp hoá trong các khu ổ chuột. Hàng xóm nói với tôi rằng ông Araja, 29 tuổi, ra ngoài đi mua thuốc lá và thức uống cho vợ của ông, và đã bị hai người đàn ông trên một chiếc xe máy bắn chết, một chiến thuật phổ biến đến mức đã được cho biệt danh: xe máy hai người.
Trong khu phố khác tên Riverside, một con búp bê Barbie đẫm máu nằm bên cạnh xác của một cô gái 17 tuổi đã bị giết chết cùng với bạn trai 21 tuổi.
Một người ngoài cuộc, giấu tên, cho biết,
“Họ đang giết chúng tôi như những con vật.”
Những hình ảnh kinh hoàng sau đây có thể không thích hợp cho một số bạn đọc.
‘Xe máy hai người’ | Hàng xóm cho biết Michael Araja, 29 tuổi, đã bị hai người đàn ông đi chiếc xe máy giết chết, như rất nhiều nạn nhân khác. Một chiến thuật phổ thông
Frederick Mafe, 48 tuổi, và Arjay Lumbago, 23 tuổi, cùng đi trên một chiếc xe máy khi họ cũng đã bị một cặp trên xe máy khác bắn chết.
Thanh toán ở hẻm sau.
Nhân viên điều tra hiện trường vụ án đang quan sát cơ thể của Romeo Torres Fontanilla, thường gọi là Tigas. kẻ sát nhân: hai người đàn ông đi chiếc xe máy.
Tôi đã làm việc ở 60 quốc gia, đã đưa tin về các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, và đã dành nhiều thời gian trong năm 2014 sống trong khu dịch Ebola của Tây Phi, một nơi đầy sự sợ hãi và cái chết. Nhưng những gì tôi trải qua ở Philippines cho tôi cảm thấy một mức độ mới của sự tàn nhẫn: nhân viên cảnh sát tức khắc bắn những ai bị nghi ngờ buôn bán ma tuý hoặc ngay cả chỉ là người dùng ma túy; những sát thủ tự phong nghiêm túc nghe theo lời kêu gọi của ông Duterte để “giết chúng nó hết đi”.
Hồi tháng Mười, Duterte cho biết, “Quý vị có thể sẽ thấy 20.000 hoặc 30.000 [tử thi] nữa.”
Hôm thứ Bảy, ông Duterte nói, trong một cuộc điện thoại ngày hôm trước, Tổng thống đắc cử Donald J. Trump đã ủng họ chiến dịch chống ma tuý tàn bạo và mời ông đến thăm New York và Washington. Duterte cho biết, trong một bản tóm tắt cuộc điện đàm do văn phòng của ông công bố, “Ông ấy nói rằng… chúng ta đang hành xử như một quốc gia có chủ quyền, đúng cách.”
Ngoài những người bị giết trong các hoạt động chống ma túy giới chức Cảnh sát quốc gia Philippines tính ra đã có hơn 3.500 vụ giết người chưa được giải quyết kể từ ngày 1 tháng 7, biến nhiều nơi ở Philippines trở thành những căn nhà tang tóc rùng rợn.
Ngoài những người bị giết trong các hoạt động chống ma túy giới chức Cảnh sát quốc gia Philippines tính ra đã có hơn 3.500 vụ giết người chưa được giải quyết kể từ ngày 1 tháng 7, biến nhiều nơi ở Philippines trở thành những căn nhà tang tóc rùng rợn.
Đám tang của một người cha.
Jimji, 6 tuổi, đau khổ kêu khóc, gọi “Ba ơi” khi người ta đem xác cha của em, Jimboy Bolasa, 25 tuổi, đi chôn cất.
Một số xác người thấy trên đường phố mà đầu nạn nhân bị quấn băng bao bì. Những người khác nằm chết với những miếng cạc tông nói họ là con buôn hoặc người nghiện ma tuý. Đó là những gì đã xảy ra cho hai nạn nhân trong video dưới đây, do máy thu hình an ninh bên ngoài Santa Catalina College, một trường đạo dành riêng cho nữ sinh.
Xác người đầu bị quấn băng bao bì.
Hơn 35.600 người đã bị bắt trong chiến dịch chống ma tuý của chính phủ gọi là Dự án Tokhang. Tên của chiến dịch này bắt nguồn từ một cụm từ có nghĩa là “vừa đấm vừa xin” theo thổ ngữ Cebuano, ngôn ngữ mẹ đẻ của ông Duterte.
Trong những khu phố giàu có, hay ở những khu biệt thực kín cổng, đôi khi sau tiếng gõ cửa lịch sự, nhân viên an ninh đưa cho người quản gia một tập nhỏ ghi chi tiết những hậu quả của việc sử dụng ma túy. Ở các quận lỵ nhà ghèo, cảnh sát túm cổ những thiếu niên và đàn ông ra đường, kiểm tra căn cước, bắt giữ và đôi khi bắn tại chỗ.
Nhân viên nhà quàn đưa quan tài của Edwin Mendoza Alon – Alon, 36 tuổi, người đã bị bắn vào đầu ở ngoài một cửa hàng 7-Eleven.
Cảnh sát cho biết lực lượng chính phủ đã đi đến xét hơn 3,57 triệu căn nhà. Đến nay có hơn 727.600 người nghiện và 56.500 con buôn ma túy đã đầu hàng khiến nhà tù đã hết chỗ. Tại nhà tù ở thành phố Quezon, như thấy trong bức ảnh dưới đây, tù nhân thay phiên nhau ngủ ở bất kỳ khoảng trống nào có sẵn, ngay cả ở sân bóng rổ.
Bắt giữ hàng loạt | Tù nhân tại một đồn cảnh sát Manila đứng nhìn cảnh sát lập hồ sơ nhiều nghi phạm ma túy sau khi họ bị bắt.
Tình trạng quá tải | Sân bóng rổ trong nhà tù Quezon City đã trở thành một khu để ngủ.
Giấu mặt vì xấu hổ | Bốn người đàn ông bị bắt vì tàng trữ ma túy che mặt không để tôi chụp ảnh.
Những đêm tôi ở Manila bắt đầu lúc 9 giờ tối tại phòng báo chí cảnh sát quận, nơi tôi đã cùng một nhóm các phóng viên địa phương chờ tin của nhũng vụ giết người mới nhất. Chúng tôi phóng đi như những chuyến tàu trên đường rầy, nhấp nháy đèn báo nguy, cùng lúc tăng tốc độ, và vượt đèn đỏ.
Tôi giữ nhật ký và ghi âm thanh hàng ngày của những buổi làm viêc qua đêm với Rica Concepcion, một phóng viên Philippines đã có 30 năm kinh nghiệm.
Chúng tôi đi theo cảnh sát trong nhiều mật vụ. Chúng tôi cũng đã tự đi đến những nơi có người đã bị giết hoặc thi thể được phát giác. Người thân và hàng xóm của nạn nhân và chúng tôi gặp nhau ở những nơi đó thường kể lai những câu chuyện rất khác với những gì cảnh sát ghi lại trong biên bản chính thức của họ.
“Nanlaban” là tên cảnh sát gọi một trường hợp khi một nghi phạm chống trả khi bị bắt và kết cục bị giết chết. Nó có nghĩa là “ông ấy đánh tới cùng”. Đó là những gì họ nói về Florjohn Cruz, 34 tuổi, mà xác đã được xe bò của nhà tang chở đi khi tôi đến nhà của ông khu phố Caloocan nghèo nàn trước mười một giờ đêm.
Cháu gái của ông cho biết họ đã thấy một bảng cạc tông viết “buôn ma tuý tại Adik Wag Tularan” – “Đừng làm dân buôn ma tuý và một con nghiện như hắn” – khi họ lau sạch máu của ông Cruz gần bàn thờ của gia đình. Xem ảnh bên dưới.
Hành quyết giữa đêm khuya
Bị giết tại nhà | Máu của Florjohn Cruz, 34, trên sàn phòng khách trong nhà ông, bên cạnh là bàn thờ để hình ảnh và bức tượng của Trinh Nữ Maria và những thứ khác.
Đồ bỏ đi | Erika Angel Fernandez, 17 tuổi, là một trong ba phụ nữ trong số 57 nạn nhân mà tôi chụp ảnh. Cô đã bị giết chết cùng với bạn trai của cô, Jericho Camitan, 23.
Biên bản của cảnh sát cho biết, “Nghi phạm Cruz chạy vào trong nhà sau đó lấy một khẩu súng và liên tục bắn nhân viên công lực, khiến họ phải bắn trả để ngăn chặn và đẩy lùi sự bạo động bất hợp pháp của Cruz.”
Vợ ông, bà Rita, nói với tôi, giữa tiếng khóc đau thương, là ông Cruz đang sửa một cái radio bán dẫn cho mẹ của ông, 71 tuổi, trong phòng khách thì một đám người vũ trang xông vào và bắn ông chết tại chỗ.
Gia đình cho biết ông Cruz không phải là một kẻ buôn ma túy, ông chỉ là một người dùng shabu, tiếng Philippines gọi methamphetamine. Ông đã thôi không dùng shabu vài tháng trước đó, đáp lại lời kêu gọi của ông Duterte, trong một chương trình gọi là trị nghiện thuốc. Cảnh sát vẫn đến giết ông ấy.
Thời gian cuối ở Philippines của tôi, cũng là lúc những vụ giết người dường như trở nên trắng trợn hơn. Nhân viên cảnh sát xuất hiện và chẳng làm gì để che giấu sự tham gia của họ vào những hoạt động căn bản là những cuộc hành quyết ngoài vòng pháp luật. Nanlaban đã trở thành một trò đùa đen tối.
Redentor C. Ulsano, giám đốc cảnh sát ở quận Tondo nói, “Có một cách chết mới ở Philippines.” Ông cười và đặt cổ tay lên nhau trước mặt, giả vờ như bị còng tay.
‘Chiến dịch tấn công người mua ma tuý’
Giới hữu trách ở hiện trường nơi Ronald Kalau bị bắn chết. Biên bản của cảnh sát cho biết ông Kalau rút khẩu súng lục 38 ly khi cảnh sát bắt lúc ông ấy đang mua methamphetamine. Hàng xóm cho biết cảnh sát bắn ông ta chết trong một căn nhà được sử dụng như một nơi hút sách.
Phố đêm đông người | Khu Tondo ở Manila.
‘Nanlaban’ |Những người đưa tang thường đặt nến trong vũng máu của nạn nhân để tôn vinh họ.
Roel Scott, 13 tuổi, xem lại chỗ đầy máu mà chú của em, Joselito Jumaquio, 52 tuổi, đã bị cảnh sát giết chết. Những nhân chứng cho biết họ nghe thấy một tiếng hét của một phụ nữ “Nanlaban” có nghĩa là “chống đến cùng” trước khi họ nghe thấy tiếng súng nổ.
Cháu trai của ông Cruz 16 tuổi, Eliam, và cháu gái 18 tuổi, Princess, cho biết họ đã theo dõi từ một mái hiên tầng hai khi hai cảnh sát thường phục đã giết chú của họ ra khỏi căn nhà. Eliam và Princess cho biết họ nghe thấy tiếng bíp của tin nhắn và thấy một trong những người đọc tin nhắn đó từ điện thoại của mình.
“Ginebra đã thắng”, ông tuyên bố với những người khác, nói về đội bóng Barangay Ginebra San Miguel, đội bóng rổ nổi tiếng nhất của Philippines, đã đoạt chức vô địch ở thị trấ n bên kia. Hai thanh thiếu niên cho biết những người đó ăn mừng chiến thắng của đội banh khi xác của chú của họ đang được bỏ vào túi đựng thi hài.
Roel Sscott, 13, một trong những trẻ em trong hình trên, đứng ở chỗ chú của em, Joselito Jumaquio, đã bị một đám đông đeo mặt nạ giết. Những người đưa tang thường đặt nến trong vũng máu của nạn nhân để tôn vinh họ.
Roel cho biết em đang chơi video game với ông Jumaquio, một người đạp xích lô cũng đã đầu hàng khi 15 người đàn ông đeo mặt nạ nhanh chóng và âm thầm tràn vào khu ổ chuột Pandacan.
Những nhân chứng nói với chúng tôi là những người đàn ông đó đã kéo ông Jumaquio khỏi nhà, dọc con hẻm và hét đuổi dân xóm trong vô nhà và tắt đèn. Họ nghe thấy một tiếng hét của một phụ nữ, “Nanlaban!” Anh ta chống lại.
Hai tiếng súng nổ. Sau đó lại bốn tiếng súng nữa.
Khi đã yên, hàng xóm đã tìm thấy xác đầy máu của ông đạp xe xích lô – một khẩu súng và một túi nylon đựng shabu bên cạnh đôi tay trong còng sắt. Biên bản của cảnh sát gọi đó là một cuộc “tấn công người mua ma tuý”
Tôi cũng chụp ảnh tang lễ, một sinh hoạt ngày càng tăng trong đời sống sống hàng ngày dưới thời ông Duterte. Người thân và linh mục ít khi đề cập đến nguyên nhân tàn bạo của cái chết.
Vĩnh biệt, thương đau
Gia đình và bạn bè tham dự đám tang của ông Jumaquio, những người đang chứng kiến cho ông biết đã bị một băng đảng của những người đàn ông đeo mặt nạ giết chết.
Xếp chồng lên nhau như củi
Thi thể được xếp chồng lên nhau tại một nhà quàn trong lúc gia đình của nạn nhân Danilo Deparine – xác ông đang nằm trên một chiếc cáng sắt trên sàn nhà – đang lo chi trả cho việc mai táng.
Từ niềm vui đến nỗi buồn
Theo thân nhân cho biết, ông Benjamin Visda, 43 tuổi, rời nhà giữa buổi tiệc sinh nhật của gia đình để đi mua hàng ở tiệp tạp hoá khi ông bị bắt cóc và giết chết.
Maria Mesa Deparine mất hai con trai chỉ trong một tuần trong tháng Chín. Cả hai đã nạp mình cho cảnh sát. Và người ta đã tìm thấy xác của cả cả hai chết dưới gầm cầu.
Bà Deparine cho biết đã mất ba tuần để đi vay và được giúp để có 50.000 peso, khoảng 1030 USD, để trả tiền cho việc mai táng con của bà, Aljon, 23 tuổi. Chúng tôi đã đi với bà đến nhà quàn nơi bà đã năn nỉ với chủ nhà tang giảm chi phí cho việc an táng Danilo, 36, anh của Aljon.
Xác Danilo, trên sàn nhà trong ảnh trên, đã ở nhà xác hai tuần, nơi người chết được xếp chồng lên nhau như củi, không ngăn cách. Giám đốc nhà quàn đã đồng ý lấy giá chót 12.000 peso, khoảng 240 USD, cho đám tang một ngày thay vì 1 tuần như lệ thường.
Bà Deparine bên trái, không chắc bà có thể tìm được đủ khoản tiền, hay Danilo cuối cùng sẽ nằm trong một nấm mồ tập thể với những nạn nhân khác của chiến tranh chống ma túy của tổng thống Duturte.
Chiết dịch giết người, chống ma tuý đã làm gián đoạn mọi mặt của cuộc sống. Người trong gia đình nạn nhân nói với tôi rằng Benjamin Visda, trong quan tài trong bức ảnh trên, vừa bước ra khỏi một bữa tiệc sinh nhật gia đình để đi mua cái gì đó ở một sari sari và đang ăn bánh khi bi tám người bắt đi. 20 phút sau, xác của Benjamin Visda đã bị quăng bên ngoài một đồn cảnh sát.
Cảnh sát cũng gọi vụ giết người này là một cuộc “tấn công người mua ma tuý”, và nói rằng ông Visda, trong khi bị còng tay, đã cố gắng để cướp khẩu súng của một sĩ quan – Nanlaban – nên họ đã bắn ông ta. Video dưới đây, cũng lấy từ một máy quay phim an ninh, cho thấy Vída đang bị bắt sống, ngồi kẹp giữa hai người đàn ông đeo mặt nạ.
“Họ đang giết chúng tôi như những con vật”
Cùng đêm Florjohn Cruz cũng đã bị giết chết, một giờ rưỡi sau đó, chúng tôi ở một con phố cách đó không xa, tại một căn nhà khác, nơi một người đàn ông vừa bị sát hại. Đêm đó trời cũng mưa.
Chúng tôi nghe thấy tiếng thét đau thương của Nellie Diaz, người vừa trở thành goá phụ, trước khi chúng tôi nhìn thấy cô ấy – ở hình bên dưới – đang gục trên xác của chồng cô, Crisostomo, người 51.
Lời cảnh cáo kinh hoàng | Đầu nạn nhân bị quân băng bao bì.
Xác người không biết là ai, giống như nhiều xác người khác, đã được tìm thấy với đầu bị quấn băng bao bì, hai tay bị trói sau lưng và một bảng cạc tông viết, “Đời sống của kẻ không ngưng buôn ma tuý sẽ bi kết thúc.”
Nỗi đau của goá phụ
Nellie Diaz gập người trên cơ thể của chồng, Crisostomo, một người sử dụng ma túy đã đầu hàng nhưng rốt cuộc vẫn bị giết chết.
Thăm người chết
Vào ngày 1 tháng 11, ngày lễ các Thánh, nghĩa trang Barangka ở Manila bận rộn khi những người thân đến thăm mộ.
Ông Diaz lớn lên trong khu phố, và đôi khi làm công việc lặt vặt. Vợ ông cho biết ông là một người dùng, chứ không phải là một con buôn ma tuý, và đã tự nạp mình ngay sau ông Duterte đắc cử. Nhưng bà vẫn nghĩ rằng không an toàn nếu ông ngủ ở nhà, và nói ông đến nhà người thân tạm trú. Nhưng anh ấy nhớ chín đứa con, và mới trở lại nhà ngày hôm trước.
Con trai cả của ông Diaz, J.R., 19 tuổi, cho biết một người đàn ông đội mũ bảo hiểm xe máy đá cánh cửa trước xông vào, tiếp theo là hai người khác. J.R. nói, người đàn ông đội mũ bảo hiểm chĩa súng vào ông Diaz; người thứ hai chĩa súng vào Jhon Rex, em trai 15 tuổi của J.R.. Người đàn ông thứ ba cầm một mảnh giấy.
J.R. cho biết người đàn ông đội mũ bảo hiểm nói, “Tạm biệt ông bạn” trước khi bắn vào ngực của Diaz. Người ông gục xuống, nhưng sát thủ đã bắn thêm hai lần nữa, vào đầu và má của Diaz. Con ông Diaz cho biết toán giết người đã cười rộ lên khi họ bỏ đi.
Quá nhiều nước mắt đã rơi..
© DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: ‘They Are Slaughtering Us Like Animals’. Photographs and Text by Daniel Berehulak, The New York Times, Dec. 7, 2016.





No comments: