P.V. - Diễn Đàn
Cập nhật lần cuối 17/06/2016
11
giờ trưa thứ bảy 18.6.2016 tại Place des Nations, Genève
GENEVE
18.6.2016
Biểu tình để tố cáo hủy hoại về môi trường Việt Nam
Theo những nguồn tin từ Thuỵ Sĩ, đồng bào Việt
Nam thuộc những xu hướng khác nhau sẽ biểu tình tại Genève để biểu lộ sự phẫn nộ
trước thảm hoạ môi trường biển miền Trung và phản đối thái độ của chính quyền
Việt Nam. Cuộc biểu tình sẽ bắt đầu lúc 11 giờ ngày thứ bảy 18.6.2016, tại Quảng
trường các Quốc gia (Place des Nations), ngay dưới chân Tượng ghế gãy.
Tượng ghế gãy.
Đây có lẽ là lần đầu tiên một cuộc biểu tình Việt
Nam được tổ chức tại Thuỵ Sĩ trong tình thần “không đảng phải chính trị”. Với sự
hưởng ứng của hội bảo vệ môi trường Greenpeace, ban tổ chức kêu gọi đồng bào Việt
Nam tham gia biểu tình, và “...Để tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ
(ONG) tham gia rộng rãi, và trong tinh thần bảo vệ môi trường chung cho tất
cả mọi người chứ không riêng gì người Việt Nam chúng ta, xin ông bà, cô bác
không mang cờ, áo hoặc biểu ngữ về các đề tài chính trị, tôn giáo, để
tránh lạc hướng mục tiêu chính của cuộc biểu tình lần này ...”
Địa điểm tập hợp là quảng trường trước mặt trụ sở
Liên Hiệp Quốc, phù hợp với mục đích “kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các cơ quan
quốc tế can thiệp yêu cầu chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm giải quyết
minh bạch, nhanh chóng và thích đáng thảm hoạ này ; không đàn áp đồng bào biểu
tình ôn hoà”.
Cũng trong dịp này, một bức thư ngỏ sẽ được gửi tới
Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Bà Margaret Chan, Tổng Giám
đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Ông Jan Dusik, Giám đốc Văn phòng châu Âu của Chương
trình Liên Hiệp Quốc về môi trường tại Genève, và Ông Roberto Azevêdo, Tổng
Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, mang chữ ký của nhiều người.
Dưới
đây là toàn văn bức thư (bản tiếng Pháp : xem ở cuối trang) :
“ Chúng tôi xin được mạn phép lưu ý quý Ngài
đến một thảm hoạ môi trường xảy ra ở Việt Nam đã hơn hai tháng, vẫn tiếp tục trầm
trọng hơn và hiện tại chưa thấy có giải pháp nào. Là Việt kiều,
định cư ở Thuỵ Sĩ và gắn bó với quê hương Việt Nam, chúng tôi rất phẫn nộ
trước thảm hoạ này và thái độ của chính quyền Việt Nam, xử lý lúng túng và
không minh bạch, không có biện pháp đối phó thích ứng và chỉ đàn áp thô bạo
những cuộc biểu tình ôn hoà của người dân. Do đó chúng tôi quyết định biểu tình
hôm nay, thứ bẩy 18.6.2016, trước trụ sở Liên hiệp quốc tại Genève để cảnh báo
dư luận quốc tế về một tác hại trầm trọng lên một phần di sản thiên nhiên của
thế giới và đòi hỏi sự cố phải được xử lý minh bạch và nghiêm túc.
“ Thảm hoạ và những sự kiện tiếp theo đã được
truyền thông đại chúng quốc tế đăng tải, như trong vài bài báo kèm theo thư
này, chúng tôi chỉ xin phép nhắc lại những điểm chính.
“ Ngày 6.4.2016, hàng triệu con cá chết,
trong đó có những loại hiếm quí sống dưới đáy biển, đã táp vào đất liền dọc 200
cây số bờ biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và
Thừa Thiên-Huế. Nguyên nhân, dựa trên những dấu hiệu đáng tin, rất có thể là do
các chất độc thải từ nhà máy thép của công ti Formosa (Đài Loan) tại Vũng Áng,
tâm điểm của vùng bị ô nhiễm rộng lớn này. Công ti Formosa đã có những tiền lệ
rất xấu về tác hại lên môi trường ở nhiều nước. Lo lắng chính đáng trước thảm
hoạ chưa từng có và phẫn uất trước thái độ kiêu căng vô trách nhiệm của
Formosa, người dân Việt Nam đã xuống đường biểu tình ôn hoà trong nhiều thành
phố để đòi hỏi sự thật về nguyên do và những biện pháp khẩn cấp. Phản ứng của
chính quyền, cho tới lúc ấy chỉ là lần lữa, thụ động, tuyên bố loanh quanh và
không đụng chạm đến Formosa, là đàn áp thẳng tay người dân.
“ Đây là một thảm hoạ không chỉ cho môi trường
mà còn cho con người, xã hội và kinh tế, với những hệ quả chưa lường được đe doạ
tương lai của cả nước.
Môi trường : Những
hình ảnh chấn động của hàng triệu con cá phơi thân trên bờ đủ cho thấy môi sinh
đã bị tác hại tới mức nào và dữ dội ra sao. Song những hậu quả dài hạn, vô hình
nhưng không kém nghiêm trọng, lên biển và tài nguyên biển cũng hết sức đáng lo.
Y tế : Đã có người
chết sau khi lặn xuống biển gần nhà máy thép, đã có người ở các nơi bị ô nhiễm
phải nhập viện sau khi ăn cá đánh bắt trong vùng. Không thể phủ nhận nguy cơ
đông đảo dân chúng ngộ độc vì ăn sản phẩm bị nhiễm độc, một nguy cơ có thể trở
thành vấn nạn y tế. Người dân, không chỉ trong các vùng bị ô nhiễm mà còn ở nơi
khác tiêu thụ các sản phẩm, từ nay sẽ phải đối mặt với những căn bệnh hiểm
nghèo nào?
Kinh tế : Kinh tế
vĩ mô và vi mô sẽ phải chịu hậu quả to lớn. Ngành thuỷ hải sản là một trong những
nguồn thu nhập chính của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu trên dưới 7 tỉ USD
hàng năm, từ nay có thể mất thị trường vì sự quan ngại của người tiêu thụ. Tệ
hơn nữa, thảm hoạ đã cướp đi phương tiện sinh sống của rất nhiều người: các ngư
dân, người làm muối, làm nước mắm, và tất cả những người sống nhờ du lịch. Họ
đã rất chật vật với hoàn cảnh vô cùng khó khăn trong những vùng nghèo nhất nước
nay phải hứng chịu hậu quả của thảm hoạ trong sự thờ ơ của chính quyền. Không
khí xã hội vốn đã nặng nề vì các quyền cơ bản của con người bị liên tiếp vi phạm,
sự tuyệt vọng của họ, ngày càng được đông đảo dân chúng cả nước chia sẻ, có thể dẫn đến cái vòng oan nghiệt của nổi loạn và đàn áp.
“ Chúng tôi hành động cũng để tỏ tình đoàn kết
với đồng bào trong nước, chia sẻ nỗi đau và âu lo. Chúng tôi hi vọng, khi đệ
trình lên quý Ngài lá thư này, sẽ được quý Ngài quan tâm và ủng hộ.”
Bà Nguyễn Lan Chi, đại diện Ban tổ chức, cũng đã
cung cấp cho chúng tôi địa chỉ email
và số điện thoại 077 927 88 27 để liên lạc.
Attachments
No comments:
Post a Comment