Friday, June 17, 2016

BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 - CƠN ÁC MỘNG CỦA CÁC STARTUP VIỆT NAM (FB Hoàng Trần)






Từ ngày 1/7 sắp tới, Bộ luật hình sự 2015 sẽ có hiệu lực, và tội “Kinh doanh trái phép” sẽ được bãi bỏ, tức không còn bị xử lý hình sự. Hai vụ án hình sự “kinh doanh trái phép” điển hình mà tôi nhớ nhất là vụ Bầu Kiên kinh doanh vàng và tài chính trái phép, và vụ 3 lãnh đạo của công ty Sgame kinh doanh game – trò chơi điện tử trái phép. Một vụ liên quan đến lĩnh vực truyền thống, một vụ liên quan đến lĩnh vực mới phát triển của xã hội.

Từ lâu, hiện tượng “hình sự hóa kinh tế” của nhà nước ta đã trở thành nỗi sợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các doanh nghiệp khởi nghiệp-startup. Hình sự hóa tội kinh doanh trái phép theo Bộ luật hình sự hiện hành là một hạn chế rất lớn đối với quyền tự do kinh doanh, và không cần thiết trong nền kinh tế thị trường và hội nhập của Việt Nam như hiện nay. Vì vậy, việc bỏ tội Kinh doanh trái phép đã được nhiều người tin rằng sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do kinh doanh của người dân, và nâng cao tình hình phát triển kinh tế của đất nước sau một thời gian dài ảm đạm.

Tôi, cũng như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp-startup khác đã rất vui mừng khi chuẩn bị đón nhận sự thay đổi này. Chúng tôi đã tin rằng việc bãi bỏ tội Kinh doanh trái phép sẽ chấm dứt tình trạng những người tài của đất nước không dám kinh doanh hoặc kinh doanh trong sợ hãi, đối mặt thường xuyên với rủi ro đi tù oan.

Chúng tôi đã sai…hoặc ít nhất, chúng tôi đã sai một phần !

Ngày hôm nay, khi nghiên cứu sâu hơn về Bộ luật hình sự 2015, tôi phát hiện ra sau khi bỏ tội kinh doanh trái phép, Bộ luật mới này đã tạo ra thêm một loại tội hình sự mới – tội “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 292 BLHS 2015). Theo đó, người nào cung cấp các dịch vụ như sàn giao dịch thương mại điện tử, trung gian thanh toán điện tử, trò chơi điện tử, và các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép thì có khả năng bị truy tố hình sự.

Đây là một cơn ác mộng cho hầu hết startup tại Việt Nam. Lý do quá rõ ràng. Đại đa số startup Việt Nam và trên toàn thế giới là tập trung vào công nghệ thông tin và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số trên mạng máy tính và mạng viễn thông. Việc phi hình sự hóa tội kinh doanh trái phép là không có ý nghĩa gì với đại đa số startup, doanh nhân trẻ, hay những nhà lập trình tài năng của đất nước khi mà Điều 292 của Bộ luật hình sự 2015 đang hình sự hóa hầu hết những gì mà chúng tôi muốn làm.

Kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên mạng intenet là hướng đi phát triển bắt buộc của cả thế giới, không chỉ nói riêng Việt Nam. Việc bỏ hình sự hóa kinh doanh trái phép đối với hầu hết những ngành nghề cổ điển, truyền thống, nhưng vẫn hình sự hóa đối với những lĩnh vực công nghệ mới là một bước đi lùi của đất nước Việt Nam. Đơn giản mà nói, việc này không khác gì việc chúng ta đang bênh vực cho những kẻ đã giàu có và phát triển sẵn, nhưng lại đì đọt và chèn ép những người yếu thế và cần phát triển. Bầu Kiên phiên bản 2, phiên bản 3 sẽ có thể không phải đi tù vì tội kinh doanh trái phép nữa, nhưng những Uber, Amazon, Facebook phiên bản của người Việt sẽ vẫn có thể bị đi tù do không xin phép cung cấp dịch vụ trên mạng.

Và còn dã man hơn khi tôi phát hiện rằng Điều 292 BLHS 2015 có hình phạt năng hơn rất nhiều so với hình phạt của tội Kinh doanh trái phép trước đây. Người phạm tội, tức người không xin phép cung cấp dịch vụ trên mạng, có thể đi tù đến 5 năm (thay vì 2 năm như trước), bị cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định trong tối đa 5 năm, và đặc biệt có thể bị tịch thu toàn bộ tài sản. Quá dã man, dã man cho những người tài của đất nước, và dã man cho nền kinh tế đã sẵn gầy gò yếu đuối của Việt Nam. Xu hướng phát triển của nền kinh tế trên thế giới là các dịch vụ, sản phẩm mạng. Với Điều 292 vô lý này, tôi xin khẳng định với ý kiến cá nhân của tôi rằng Việt Nam sẽ không thể có được một doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn mang tầm thế giới và khu vực. Điều 292 này có khả năng bóp chết rất nhiều startup có tiềm năng khi chúng còn ở trong nước.

Mức phạt tù là hình thức xử lý nặng và có tính chất răn đe cao. Vì vậy, theo tôi, một xã hội văn minh là một xã hội chỉ hình sự hóa những sai phạm mang tính chất lừa đảo, khuynh đảo để trục lợi, còn những sai phạm mang tính chất cẩu thả, sơ suất thì không nên hình sự hóa, mà chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính, hoặc dân sự. Việc gộp hết cả sai phạm chủ ý và sai phạm vô ý để sử dụng các biện pháp hình sự như một biện pháp cướng chế nhà nước là một quyết định không sáng suốt (và rất nguy hiểm) của những nhà làm luật Việt Nam, đặc biệt là khi chúng liên quan đến những lĩnh vực không thể không phát triển của một xã hội hiện đại.

Việc hình sự hóa “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” trong bối cảnh Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, và kể cả Đảng, đang nỗ lực kêu gọi toàn xã hội giúp Việt Nam trở thành một đất nước khởi nghiệp là không tưởng và phi thực tế. Một đất nước khởi nghiệp là một đất nước không trừng phạt, không bắt đi tù, và đặc biệt không tịch thu toàn bộ tài sản của những con người mới khởi nghiệp nhưng mắc sai lầm không xin phép làm những gì mà họ đam mê.

Tôi hy vọng Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ nhận ra được sai lầm này. Điều 292 tuy chỉ dài hơn chục dòng trong Bộ Luật Hình sự, nhưng sẽ có nguy hại đến nền kinh tế của Việt Nam trong hơn chục năm sắp tới.

*Hãy giúp tôi chia sẻ cơn ác mộng này để nó có thể đến được tai của những vị lãnh đạo còn sáng suốt của Việt Nam. Xin cám ơn.





No comments: