Thursday, June 16, 2016

ĐẠT LAI LẠT MA : HIỆN THÂN CỦA TỪ BI TRÍ TUỆ & TRANH ĐẤU HÒA BÌNH (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt  (tổng hợp)
Wednesday, June 15, 2016 6:51:36 PM 
.
Đức Đạt Lai Lạt Ma. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)

Đức Đạt Lai Lạt Ma, 80 tuổi, hiện nay là vị thứ 14 của Tây Tạng kể từ vị Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất hồi thế kỷ 14. Dù đã phải sống lưu vong từ hơn nửa thế kỷ, ngài vẫn là nhà lãnh đạo tinh thần và chính trị của Tây Tạng, là biểu tượng của sự đấu tranh giành lại chủ quyền cho đất nước hiện nay vẫn còn đang bị sát nhập vào Trung Quốc.

Mặc dù nói mình chỉ là một nhà sư Phật Giáo bình thưởng, Đức Đạt Lai Lạt Ma được nhìn nhận là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Dân Tây Tạng coi ngài là vị Phật sống, hiện thân lòng từ của chư Phật, người chọn con đường tái sinh trở lại kiếp người để cừu giúp chúng sinh. Đối với mọi Phật tử, ngài là hiện thân của từ bi và trí tuệ, một mẫu mực về tinh thần bảo vệ đức tin, trí tuệ soi sáng cho trần thế bằng học thuật rất cao thâm với lòng nhân ái bao la. Dư luận quốc tế coi ngài là một thể hiện cho sự bênh vực và cổ vũ hòa bình của nhân loại.

Theo đức tin và truyền thuyết Tây Tạng, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay, có tên Tenzin Gyatso, là con thứ năm trong 16 người con trong một gia đình nông dân ở miền Đông-Bắc Tây Tạng, nhưng chỉ còn bảy người sống sót qua tuổi ấu thơ. Căn cứ theo những tín hiệu thần bí cho rằng vị Đạt Lai Lạt Ma đã tái sinh, người ta tìm thấy ngài khi mới 2 tuổi và được chính thức công nhận là Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lúc 15 tuổi. Bắt đầu được học hành từ lúc 6 tuổi, tới 23 tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lấy bằng tiến sĩ triết lý Phật Giáo.

Vào thời gian Tentzin Gyatso chưa trưởng thành, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Tây Tạng đang dần dần xấu đi. Năm 1949, nhận thấy Cộng Sản sắp đánh bại Quốc Dân Đảng trên toàn thể lục địa Trung Hoa, chính quyền tự trị Tây Tạng ra lệnh trục xuất phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc, đồng thời gởi văn thư cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và một bản sao cho Chủ Tịch Mao Trạch Đông, tuyên bố sẽ tự vệ bằng mọi phương cách chống quân đội Trung Quốc vào Tây Tạng. Cả Trung Hoa Dân Quốc và Trung Quốc vẫn coi Tây Tạng là một phần của nước Trung Hoa, sau khi chính quyền Quốc Dân Đảng chạy ra Đài Loan các cuộc thương thuyết giữa Tây Tạng và Trung Quốc không đem đến kết quả cụ thể.

Năm 1950, Hồng Quân Trung Quốc tiến vào Tây Tạng đánh bại lực lượng kháng cự nhỏ bé và yếu ớt. Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc đó đã trưởng thành, được đưa lên nắm trọn quyền lực Tây Tạng và cử phái đoàn sang Bắc Kinh thương lượng. Thỏa hiệp 17 điểm năm 1951 chấp nhận cho quân đội Trung Quốc đóng ở Tây Tạng, chính quyền nhân dân cầm quyền, nhưng tôn trọng vị trí của vị Đạt Lai Lạt Ma.

Năm 1959, nhân dân Tây Tạng nổi dậy nhưng lực lượng yếu không chống nổi sự đàn áp của quân đội Trung Quốc, và vị Đạt Lai Lạt Ma quyết định rời khỏi Lhasa. Ngài cưỡi ngựa vượt qua dãy núi Hy Mã Lạp Sơn đến Tezpur, tiểu bang Assam, Ấn Độ. Thủ Tướng Ấn Độ Jaeaharlal Nehru cho phép Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền lưu vong Tây Tạng lưu trú ở Dharamshala, tiểu bang Himachal Pradesh, ở miền Bắc. Nhiều cơ sở, trường học, chùa được thành lập và nơi đây trở thành thủ đô tị nạn của Tây Tạng với khoảng 100,000 dân từ hơn nửa thế kỷ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho lập viện Tây Tạng bao gồm thư viện và văn khố, cơ sở duy nhất trên thế giới lưu trữ hơn 80,000 văn bản và nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa, chính trị có giá trị giúp cho những học giả nghiên cứu sâu rộng về xứ sở này.

Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đã đi khắp nơi trên thế giới hơn bất cứ nhà lãnh đạo tinh thần và chính trị nào khác. Ngài gặp gỡ và trao đổi quan điểm với nhiều nhà lãnh đạo tinh thần và chính trị, cử hành nghi thức tôn giáo, thuyết giảng và nói chuyện với quảng đại quần chúng, chứ không chỉ là Phật tử ở khắp quốc gia. Ngài đến Mỹ rất nhiều lần.

Năm 1973, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp kiến Đức Giáo Hoàng Paul VI ở Tòa Thánh Vatican. Ngài cũng đã nhiều lần gặp Đức Giáo Hoàng John Paul II vào những năm 1980, 1982, 1986, 1988, 1990 và 2003.

Ngài cũng đã nhiều lần đối thoại về tín ngưỡng với dân Do Thái. Phái đoàn Do Thái Giáo đã đến Dharamshala và ngài viếng thăm Israel ba lần trong đó có lần gặp giáo sĩ trưởng Do Thái Giáo.

Qua những việc làm này, năm 1989, Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao giải Nobel Hòa Bình.
Năm 1996, Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Nam Phi gặp Tổng Thống Nelson Mendela.

Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, các tổng thống Mỹ từ Bill Clinton (1998) đến Barack Obama (2008) đều mời Đức Đạt Lai Đạt Ma vào Tòa Bạch Ốc. Năm 2007, ngài được Tổng Thống George W. Bush trao tặng huy chương vàng Quốc Hội. Năm 2009, bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi trao tặng ngài giải thưởng Nhân Quyền Lantos.

Trong nhiều sinh hoạt quốc tế, năm 1967 Đức Dạt Lai Lạt Ma đến Washington tham dự và nói chuyện trong một hội nghị nội bộ về nhân quyền tại Quốc Hội Mỹ. Năm 2007 Đức Đạt Lai Lạt Ma tham dự kỳ họp thứ ba của các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới ở Amstar, Ấn Độ.
Không thể nào liệt kê đầy đủ hàng trăm hoạt động như vậy của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong hơn bốn thập niên.

Đức Đạt Lai Lạt Ma không chỉ quan tâm đến tôn giáo và chính trị mà rất chú ý đến các vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường, văn hóa và tinh thần. Ngài là tác giả của nhiều cuốn sách đề cập đến các đề tài này. Ngài tin tưởng rằng chủ nghĩa Marxism đúng nghĩa là tốt nhưng mạnh mẽ lên án chính sách của một số nước Cộng Sản.

Khi có dịp tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma, dù là trong một sự kiện quy tụ hàng chục ngàn người, mỗi người đều cảm nhận được thái độ từ bi và nhận thức sâu sắc về lời thuyết giảng khoan hòa tràn đầy trí tuệ sâu sắc của ngài cho đời sống cá nhân mình.

Nhân loại chưa bao giờ có một Đức Đạt Lai Lạt Ma như ngài, một tặng phẩm quý báu khó có thể tìm được trong thế giới đầy rẫy phức tạp này.

--------------------------









No comments: