Thứ
Sáu, ngày 15 tháng 5 năm 2015
Lời
giới thiệu:
Ngày
Chủ nhật 17 tháng 5 tới vào lúc 3 giờ chiều tại Sàigòn Performing Art Center ở
thành phố Fountain Valley, Nam Cali, Hội Bảo tồn Văn hoá và Lịch sử Người Mỹ gốc
Việt (Vietnamese American Heritage Foundation – VAHF) sẽ cho ra mắt cuốn phim
tài liệu "VietnAmerica." Cuốn phim dài 90 phút do Scott Edwards đạo
diễn và hội VAHF sản xuất được đúc kết từ những bộ sưu tập về lịch sử di dân
nhiều đau thương và cũng không kém phần hào hùng của hàng triệu người tị nạn Việt
do hội thu thập được từ nhiều năm qua qua hàng trăm cuộc phỏng vấn với các nhân
chứng sống và những thước phim tài liệu sưu tầm từ các văn khố tại Hoa Kỳ và
Pháp.Sau đây là cuộc trao đổi với Triều Giang Nancy Bùi, hội trưởng hội VAHF, về
công trình thực hiện phim "VietnAmerica" và những công trình khác của
VAHF trong nỗ lực xây dựng một bộ sử của người Việt hải ngoại cho các thế hệ
tương lai cũng như tạo điều kiện cho những công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh về
lịch sử người tị nạn nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. [TD, 2015/05]
*
Trao
đổi:
Trùng
Dương: Trước
hết, xin có lời mừng Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Ngườì Mỹ gốc Việt VAHF và
riêng đạo diễn Scott Edwards về sự thành công của phim tài liệu ngắn "Võ
Sư Hoá Đi Tìm Mộ" với những giải thưởng gặt hái được tại các đại hội điện ảnh
vừa qua. Và bây giờ Hội lại đang ráo riết chuẩn bị cho buổi ra mắt lần đầu tiên
bộ phim tài liệu dài 90 phút "VietnAmerica" vào ngày Chủ nhật 17
tháng 5 vào lúc 3 giờ chiều tại rạp Sàigòn Performing Art Center ở Quận Cam.
Xin TG cho biết liên hệ giữa hai phim này? Và tại sao không chờ ra mắt một lần
luôn thể cho đỡ mất công đi lại và chuẩn bị? Và tại sao lại chờ tới sau ngày kỷ
niệm 40 năm ngày 30 tháng 4 mới trình chiếu?
Triều
Giang: Xin
cám ơn chị Trùng Dương đã dành cho TG cuộc phỏng vấn này. Phim "Master
Hoa’s Requiem," dài 18 phút, là một phần nhỏ của phim
"VietnAmerica," nói về thảm cảnh thuyền nhân, trong khi phim
"VietnAmerica" nói cả về những hoàn cảnh tị nạn khác của người Việt
Nam, gồm những người ra đi vào lúc miền Nam mất vào ngày 30 tháng 4 năm 1975,
và những đợt tị nạn ra đi sau đó như các bộ nhân, thuyền nhân, tù nhân chính trị
sau này qua chương trình HO. Một phần quan trọng khác của phim nói về sự thành
công và đóng góp của nhóm dân tị nạn đông đảo nhất tại Hoa Kỳ đã và đang làm gì
cho quê hương thứ hai này.
Mục
đích của việc chia cắt này là vì hội VAHF với mục tiêu nhắm vào học đường Hoa Kỳ,
nên phim ngắn 18 phút "Master Hoa’s Requiem" thích hợp với thời lượng
của một tiết học. Do đó, phim sẽ được phát hành vào các trường trung và đại học
Hoa Kỳ là chính. Hiện đã có giáo sư Sử tại Đại học UCI và Đại học Cộng đồng
Austin, Texas liên lạc với hội và ngỏ ý muốn dùng phim cho lớp sử của họ.
Trong
khi đó, phim "VietnAmerica" là phim dài nhắm vào quần chúng Hoa Kỳ.
Lý do vì sao không phát hành cùng một lúc thì thứ nhất là khi giới thiệu một cuốn
phim, một công trình đòi hỏi nhiều thời gian và sự đầu tư sức lực cũng như tài
lực. Do đó, mỗi phim hội cần có thời gian đủ để giới thiệu tới khán giả.
Việc ra
mắt phim "VietnAmerica" sau ngày 30 tháng 4 cũng tương tự. Năm nay, cộng
đồng kỷ niệm 40 năm Quốc hận, đã có nhiều cuốn phim và rất nhiều chương trình
tưởng niệm được tổ chức trong dịp này. Do đó hội VAHF chọn vào giữa tháng 5, dư
âm của mùa Quốc hận vẫn còn đó, nhưng ngày ra mắt phim không bị trùng hợp
với những cuộc tổ chức khác.
Trùng
Dương: TG
có thể nói qua về nội dung của phim VietnAmerica cùng những khó khăn trong việc
sản xuất phim này? Tại sao lại gọi là VietnAmerica? Tốn kém ra sao?
Triều
Giang: Có
lẽ câu trả lời trên đã nói khá đủ về nội dung. Ở đây chúng tôi muốn nói về một
số nhân vật trong phim. Đó là Chuẩn tướng Lương Xuân Việt, khoa học gia Dương
Nguyệt Ánh, võ sư Vovinam Nguyễn Tiến Hoá, nhạc sĩ Trúc Hồ, ông Trần Tử Thanh,
Bà Khúc Minh Thơ, và nhà văn Dương Thu Hương. Hai giáo sư, Sử gia Robert F.
Turner và Lewis Sorly từng là cựu chiến binh Việt Nam, sẽ nói thật nói thẳng về
lý do vì sao có chiến tranh Việt Nam và vì sao Nam VN bị thua. Ngoài ra cũng có
một số vai phụ nói thêm về những hoàn cảnh đi tìm tự do của họ. Tất cả là người
thật, việc thật, và không có hư cấu, kể cả tái dàn dựng (re-enactment), để giữ
được tính cách lịch sử.
Khó khăn
nhất trong khi làm phim là tìm tài liệu nghiên cứu. Vì phim nói về một
giai đoạn lịch sử dài tới 60, 70 năm. Những tài liệu và nhất là hình ảnh
không còn nhiều. Nhân đây xin chân thành cám ơn Tiến sĩ Đặng Thiệu, nhà báo Lê
Phú Nhuận, phóng viên truyền hình SBTN Vũ Trần, cô Ann Mallett tại Việt Nam
Center, và tất cả những hội viên VAHF và nhiều anh chị em tình nguyện khác đã hết
lòng hỗ trợ trong việc kiếm tìm tài liệu.
Khó
khăn thứ hai là vấn đề tài chánh. Hội phải vừa đi gây quỹ vừa làm phim. Có những
lúc phải tạm ngưng việc sản xuất vì hết ngân khoản. May mắn đã có một thân hữu
cho mượn một số tiền là $150,000. Cộng với số tiền hội đã gây được trong nhiều
năm qua, kinh phí của phim là $350,000.
Trái, trang bìa của cuốn chương trình buổi ra
mắt phim tài liệu "VietnAmerica" do đạo diễn Scott Edwards thực hiện
và hội Bảo tồn Lịch sử và Văn hoá Người Mỹ gốc Việt – Vietnamese American
Heritage Foundation sản xuất. Phải, trang 3 của cuốn chương trình với các nhân
vật chính nói về nguyên nhân cuộc chiến Việt Nam, tại sao Miền Nam bị bức tử,
cuộc di cư 1975 và sau đó, và những phấn đấu cùng đóng góp của người di dân gốc
Việt cho quê hương thứ hai của họ. (Ảnh VAHF)
Trùng
Dương: Được
biết phim làm bằng tiếng Anh có phụ đề Việt ngữ, xin chị cho biết lý do vì sao
chị lại chọn tiếng Anh là chính trong khi buổi ra mắt đầu tiên sắp tới đây lại
có vẻ như nhắm vào khán giả phần lớn là người Việt trong cộng đồng ở Quận Cam?
Triều
Giang: Mục
tiêu của hội là đưa lịch sử của người Mỹ gốc Việt tới đại chúng Hoa Kỳ và nhất
là giới trẻ. Vì thế, Anh ngữ là phương tiện tốt nhất để thực hiện. Tuy nhiên,
phim có phụ đề Việt ngữ để khán giả Việt Nam, đặc biệt các vị lớn tuổi, có thể
theo dõi được.
Trùng
Dương: Theo
chị thì khán giả Việt và khán giả khác chủng tộc (mà ta quen miệng gọi là người
ngoại quốc, kể cả khi đó là người Mỹ, nhưng tôi cho là danh từ này không chính
xác vì chính chúng ta người Việt tại các quốc gia định cư mới là nguời
"ngoại quốc" mới đúng) có cái nhìn và cảm quan khác nhau ra sao?
Triều
Giang: Khán
giả Việt Nam là người trong cuộc. Họ sẽ có những mong đợi khác hơn so với khán
giả Hoa Kỳ hay các chủng tộc khác. Một bên là chứng nhân, biết rất nhiều và có
nỗi lòng riêng (personal). Trong khi khán giả các chủng tộc khác hoặc là biết rất
ít hay không biết gì cả. Từ đó, hai nhóm có thể có những cảm nhận khác biệt.
Chẳng hạn như những người trong cuộc có thể nghĩ rằng vấn đề chưa được diễn tả
đủ, trong khi người khác chủng tộc thì nghĩ rằng vấn đề ngoài sức tưởng tượng
và tầm cảm nhận của họ. Do đó, người làm phim cần phải chọn lọc những gì để có
thể cả hai nhóm đều hiểu và liên cảm được dù trong mức độ nhau.
Trùng
Dương: Được
biết anh Scott Edwards, đạo diễn phim "Master Hoá's," cũng đồng
thời là đạo diễn phim "VietnAmerica." Tôi có tìm trên Internet nhưng
chưa có được thông tin nào về anh, hoặc có mà tôi chưa tìm ra. Vậy xin chị cho
biết qua về anh Scott và tại sao Hội VAHF lại chọn anh đạo diễn phim tài liệu về
lịch sử của người Việt tại Mỹ trong khi trong số nhà làm phim Việt trẻ ở hải
ngoại cũng có nhiều người đã khá trưởng thành trong ngành điện ảnh mà một số
phim của họ tôi đã có dịp xem gần đây?
Triều
Giang: Muốn
tìm hiểu về đạo diễn Scott Edwards, quý độc giả có thể lên Website của công ty
Edwards Media qua địa chỉ http://www.edwards-media.com/.
Scott là một nhà làm phim trẻ, vào nghề được 8 năm nay và chuyên về phim tài liệu.
Anh đoạt được rất nhiều giải thưởng về loại phim này. Lý do chính khiến hội
VAHF chọn làm việc với Scott là vì khả năng, kinh nghiệm và lòng yêu nghề của
anh.
Lý do
vì sao hội không chọn một nhà làm phim trẻ gốc Việt thì có hai lý do chính: Thứ
nhất là vì dự án này đòi hỏi quá nhiều thì giờ để đọc, hiểu và cảm thông thì mới
có thể làm phim này một cách thành công. Phí tổn làm phim lắm khi không là bao
so với thời gian phải bỏ ra. Công ty Edwards có bốn người làm toàn thời gian và
một số bán thời gian. Trong suốt thời gian làm phim "Master Hoa’s
Requiem" và "VietnAmerica," Scott, trong khi vẫn hướng dẫn các
nhân viên làm các dự án khác, đã dùng hết thời gian chăm chú vào hai phim nói
trên. Lý do thứ hai là văn phòng Edwards Media nằm ngay tại Austin, Texas, cũng
là thành phố mà hội có trụ sở chính, nên rất tiện lợi cho nhà sản xuất và đạo
diễn làm việc sát cánh với nhau. Đó là hai điều kiện hội VAHF cần, nên dù rất
muốn nâng đỡ các nhà làm phim trẻ Mỹ gốc Việt song rất tiếc hội VAHF không tìm
ra các điều kìện thuận tiện vừa kể trên.
Trái, đoàn quay phim trước khi xuống tầu
đi công tác tại vùng biển Mã Lai vào mùa hè 2014, từ trái, Andrew Bennett,
chuyên viên âm thanh và ráp nối; Trọng Thắng, VietFace TV, Nancy Bùi, hội trưởng
VAHF; Scott Edwards, đạo diễn; Võ Sư Hoá; nhân vật chính; và Thi Nguyễn, chuyên
viên thu hình. Phải, đạo diễn Scott đang quay trên tàu cuả đoàn quay phim tại
vùng biển Mã Lai gần đảo Puala Bidong, nơi có trên 250,000 thuyền nhân Việt Nam
đã sống tại đây trong hơn hai thập niên 1970 và 1980 và một phần của thập niên
1990. Ngồi bên trái là Cô An Loh, hướng dẫn viên của đoàn quay phim. (Ảnh
VAHF)
Trùng
Dương: Được
biết anh Scott Edwards đã đạo diễn phim "Master Hoa's Requiem" khá
thành công căn cứ vào những giải thưởng đã nhận được, và phim
"VietnAmerica" mà khán giả, kể cả người phỏng vấn này, sẽ có dịp xem.
Chị có thể cho biết về hành trình làm việc với anh Scott, những đóng góp của
anh, và hai người đã có những đồng thuận và/hay khó khăn nào?
Triều
Giang: Như
tôi đã nói phần trên, phim ngắn "Master Hoa’s Requiem" là một phần nhỏ
của phim "VietnAmerica" đã được chọn vào 11 Đại hội Điện ảnh. Phim đã
thắng năm giải quốc gia và quốc tế. Phải nói là Scott là một đạo diễn rất yêu
nghề. Anh ta không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào hay phải trải qua khó khăn nào để
quay một thước phim ý nghĩ và đẹp. Cái “style” riêng của Scott là làm sao để
nhân vật và khung cảnh của phim phản ảnh trung thực nhất. Giám đốc của Đại hội
Điện Ảnh The Thin Line Festival đã nhận định là "Nhân vật của phim 'Master
Hoa’s Requiem' rất thật, rất người khiến tôi có thể cảm nhận một cách dễ dàng.”
Hay mạnh mẽ hơn, ông Gadi Elkon tại Đại hội Điện ảnh Dallas International
Film Festival đã viết trong bài phê bình của ông, "Tôi xem phim mà khóc từ
đầu đến cuối vì phim gây xúc động thật mạnh mẽ”.
Sự đồng
thuận giữa tôi và Scott là cả hai đều quyết tâm làm một cuốn phim về lịch sử
người Mỹ gốc Việt có tầm vóc. Điều mà chúng tôi luôn phải giữ cân bằng là: một
bên là Scott muốn phim ngoài vai trò là một bài học lịch sử còn mang tính cách
nghệ thuật để có thể lôi cuốn người xem từ đầu đến cuối. Trong khi đó bản thân
tôi muốn đưa thật nhiều chi tiết để bài học lịch sử được phong phú. Cũng như hầu
hết các đạo diễn và nhà sản xuất khác, chúng tôi đã có những phút gay go. Nhưng
cả hai đều phải giữ cân bằng để cuốn phim phản ánh được hai vai trò: một công
trình nghệ thuật và một bài học lịch sử.
Trái và giữa, phim tài liệu "Master
Hoa's Requiem" nhận được hai giải thưởng danh giá Special Jury Remi Awards
và Crystal Vision Remi Award tại WorldFest Houston tháng 4 vừa qua. Phải, phái
đòan VAHF và thân hữu tại buổi lãnh giải, từ trái, ca sĩ Thái Hà, ban quản trị;
Quỳnh Hoan, ban quản trị; Quế Phạm, thân hữu; Triều Giang Nancy Bùi, hội trưởng;
ký giả Lê Phú Nhuận, thân hữu; và Tiến sĩ Đặng Thiệu, ban quản trị kiêm trưởng
ban nghiên cứu. (Ảnh VAHF)
Trùng
Dương: Trong
thời gian gần hai năm tình nguyện làm việc với Hội đi khắp nước Mỹ để thực hiện
chương trình 500 lịch sử Truyền khẩu (oral histories), mặc dù cũng nghe biết sơ
qua về dự tính thực hiện một phim tài liệu, hồi ấy còn có tên là "Viet
Story," nhưng thú thực là tôi không hình dung đuợc tới một công trình to lớn,
đòi hỏi nhiều thời giờ và vật lực như phim "VietnAmerica." Từ trước
tôi vẫn nghĩ chủ trương của VAHF là thu thập chất liệu, đặc biệt là chất liệu sống
- first-hand. Động lực nào đã thúc đẩy chị theo đuổi một công trình lớn lao và
bao trùm như vậy, đặc biệt khi mà chị đã có một đời sống riêng thành công về vật
chất và ổn định tại Mỹ và có thể, như bao người Việt tị nạn khác tại Mỹ,
an hưởng ở tuổi ngoài 60 này?
Triều
Giang: Cám
ơn chị TD đã đóng góp một phần quan trọng cho Chương trình 500 Lịch Sử Truyền
Khẩu của hội. Chương trình này rất thành công và có những ảnh hưởng không nhỏ tới
các nhà giáo dục Hoa Kỳ, giới truyền thông và các nhà nghiên cứu. Những câu
chuyện của những nhân chứng sống nói về thời chiến tranh hơn 20 năm và thời hậu
chiến của gần 40 năm của Việt Nam là những chứng minh hùng hồn cho những nhận định
sai lầm của giới phản chiến Mỹ và những luận điệu tuyên truyền sai trái của Cộng
sản Việt Nam. Hiện hơn 700 những cuộc phỏng vấn trong chương trình này
đang có mặt tại bốn trường đại học Mỹ, gồm có University of Texas tại Austin,
Rice University ở Houston, University of California tại Irvine, và Texas Tech
University ở Lubbock. Có thể nói chương trình Lịch sử Truyền khẩu này đã góp phần
không nhỏ vào việc thay đổi nhãn quan về chiến tranh Việt Nam và nhất là về người
Việt tự do và Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Một số sách vở và phim ảnh của các
tác giả Mỹ phát hành trong vài năm gần đây đã có những thay đổi gần như 180 độ.
Đây là tin vui, nhưng công việc còn cần rất nhiều sự quan tâm của người Việt hải
ngoại trong chúng ta trong việc sửa những bài học sai lạc tại các học đường và
trong dư luận của Hoa Kỳ.
Đó là
lý do tại sao phim "Master Hoa’s Requiem" và "VietnAmerica"
phải ra đời, dù hoàn cảnh nhân sự cũng như tài chánh của hội VAHF còn rất khiêm
nhường và thiếu thốn.
Trùng
Dương: Ngoài
phim tài liệu "VietnAmerica," được biết hội VAHF, với sứ mạng như đã
được ghi lại trên Web site http://www.vietnameseamerican.org/ của
hội (lần cuối được cập nhật là vào năm… 2011?) , đó là "bảo tồn, quảng bá
và vinh danh lịch sử và di sản của người Mỹ gốc Việt cho các thế hệ hiện tại và
tương lai," đã thực hiện được một số bộ sưu tập, như bộ sưu tập về đợt di
tản đầu tiên 1975 tới Guam mà chính quyền Guam và các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại
đây đã lưu giữ và trao tặng lại hội; bộ sưu tập Tù nhân Chính trị, tức tù cải tạo
hay còn gọi là HO, hiện được tồn trữ tại Vietnam Center ở Lubbock, Texas dưới một
cái tên khá dài, Families of Vietnamese Political Prisoners Association /
Vietnamese American Heritage Foundation Collection, tắt là FVPPA/VAHF
Collection; và bộ 500 Lịch sử Truyền khẩu. Bên trên chị cũng đã nói sơ về bộ
sưu tập 500 (nay là hơn 700) lịch sử truyền khẩu hiện được lưu trữ tại một số
trường đại học Hoa Kỳ, xin TG cho biết chi tiết hơn về "số phận" của
những bộ sưu tầm này hiện giờ? Trước hết là bộ sưu tập về đợt di tản đầu tiên
1975 tới Guam mà chính quyền Guam và các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại đây đã lưu
giữ và trao tặng lại hội…
Triều
Giang: Hiện
website tiếng Anh của hội qua địa chỉ www.vietnameseamerican.org và
tiếng Việt qua địa chỉ:\ www.hoibaotonlichsuvanhoa.org đã
được cập nhật. Hội cũng có trang FaceBook qua địa chỉ https://www.facebook.com/VietnAmerica cũng
cập nhật.
Hội
VAHF và hội Quân Nhân Việt Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Uniformed Services
Association - VAUSA) là một rong những thành viên của ban tổ chức buổi ra
mắt lần đầu phim "VietnAmerica" tại Saigon Performing Art Center tại
thành phố Fountain Valley vào Chủ nhật 17 tháng 5, 2015. Trong dịp này hai hội
VAHF và VAUSA sẽ bàn thảo về sự hợp tác để xây dựng một thư viện và bảo tàng viện
điện tử để lưu trữ và quảng bá tất cả những công trình làm việc của hội VAHF
trong 11 năm qua để xây dựng một nguồn tài liệu về ngưòi Việt tại Mỹ. Đây
là một dự án rất lớn, một hội nhỏ như hội VAHF không thể cáng đáng một mình nên
sự tiếp tay của hội VAUSA là một tin mừng không riêng gì cho VAHF mà cả cộng đồng
người Mỹ gốc Việt chúng ta,
Trùng
Dương: Thế
còn bộ sưu tập Tù nhân Chính trị, tức tù cải tạo hay còn gọi là HO, hiện được tồn
trữ tại Vietnam Center ở Lubbock, Texas dưới một cái tên khá dài, Families of
Vietnamese Political Prisoners Association / Vietnamese American Heritage
Foundation Collection, tắt là FVPPA/VAHF Collection? Lần cuối tôi nghe biết về
bộ này, cách đây khoảng hai năm, là lúc Vietnam Center xin được ngân quỹ để vi
tính hoá (digitize) toàn bộ tài liệu gồm trên 200,000 trang này. Tôi nhớ có thực
hiện một cuộc chuyện trò với Ann Mallett, người quản thủ của chương trình này tại
Vietnam Center(*) và cũng có ý định thăm lại công trình này… Gần đây tôi được
chị Ann Mallett cho biết là đã có một số nghiên cứu sinh xử dụng các tài liệu
này cho luận án tiến sĩ của họ…
Triều
Giang: Theo
chỗ chúng tôi được biết thì bộ sư tập này đã gần như hoàn tất việc
“dizitizing.” Xin mời quý vị truy cập trên trang web địa chỉ:http://www.vietnam.ttu.edu/vahp/fvppa.htm.
Có lẽ có dịp chị làm một cuộc thăm viếng lại bộ sưu tập này với các người
trách nhiệm tại Vietnam Center để có những thông tin chính xác và cập nhật hơn
chăng?
Trùng
Dương: Một
trong những kỷ niệm đáng nhớ và hãnh diện nhất của tôi với hội VAHF là thời
gian… "ăn cơm nhà vác ngà voi" cùng với hội và các anh chị em tình
nguyện viên khác đi vòng quanh nước Mỹ tới các nơi có đông đảo người Việt cư ngụ,
để thu thập chất liệu cho bộ sưu tập 500 Lịch sử Truyền khẩu – Oral Histories,
mà tôi còn giữ được nhiều kỷ niệm đẹp. Mặc dù nhiều thử thách, nhất là sự hoài
nghi -- đôi khi, thú thật, nhen nhúm từ chính cá nhân tôi, nhất là khi mệt mỏi
và hơi xuống tinh thần trước một công trình quá lớn, thế mà… Mà mỗi chuyến
đi phỏng vấn thường kéo dài một tuần, phỏng vấn có khi gần trăm người, ăn ngủ
lăn lóc tại các gia đình đồng hương có lòng và đầy quan tâm… Tôi nhớ là hội đã
dự trù hoàn tất chương trình này trong… 10 năm vì sự hạn hẹp của ngân quỹ. Tuy
nhiên, hội may mắn đã nhận được nguồn tài trợ của Tổng hội Sinh Viên Việt Nam Bắc
Mỹ - Union of North American Vietnamese Student Association – uNAVSA, và do đấy
đã rút ngắn lại thời gian thực hiện và hoàn tất xong trong thời gian kỷ lục
chưa tới hai năm…
Triều
Giang: Cám
ơn chị Trùng Dương đã nhắc lại những kỷ niệm đẹp trong hơn ba năm hội thực hiện
bộ sưu tập này. Sự nhiệt thành của các sinh viên trong Liên hội Sinh Viên Bắc Mỹ
cũng như sự quý mến và bảo bọc của các vị lãnh đạo tinh thần và lòng quảng đại của
một số mạnh thường quân đã cho phép hội xử dụng trường học, văn phòng làm địa
điểm phỏng vấn và mở cửa đón nhận các thiện nguyện viên và các sinh viên vào
nhà tá túc, nấu ăn và dành những điều kiện tốt nhất cho những ngưòi “ăn cơm nhà
vác một ngà voi” hoàn thành được công việc trong thời gian kỷ lục với một kinh
phí kỷ lục. Phải nói rằng đây là công trình của hàng ngàn người Việt đã tiếp
tay bằng cách này hay cách khác. Nhiều cộng đồng bạn khi nghe biết về thành quả
và quá trình hoàn thành chương trình Lịch sử Truyền khẩu này đã không khỏi thán
phục về quyết tâm xây dựng lại lịch sử của người Mỹ gốc Việt.
Hình trên, Liên hội Sinh viên Việt Nam tại Bắc
Mỹ - uNAVSA trao tấm ngân phiếu tượng trưng gần 60 ngàn Mỹ kim, do các hội viên
gây quỹ trong chiến dịch "Chapter of Us – Vietnamese American History:
Told by the Old, Preserved by the Young, " cho hội VAHF tại buổi lễ ngày
31 tháng 7, 2010 tại Hyatt Regency, Crystal City, Virginia. (Ảnh TD, 2010)
Ngày 29 tháng 7, 2011, cũng tại đại hội của
Liên hội Sinh viên Việt Nam tại Bắc Mỹ - uNAVSA, lần này tại Denver, Colorado,
hội VAHF tổ chức cuộc triển lãm Di sản Văn hoá Nguời Việt tại Hoa Kỳ, hoàn tất
phần lớn nhờ số tiền do các sinh viên gây quỹ và trao tặng. Hình trên, các tình
nguyện viên VAHF trong đợt phỏng vấn tại Denver chụp hình lưu niệm với các sinh
viên. Đây là buổi đại hội thường niên thứ tám của uNAVSA bao gồm các hội sinh
viên Việt Nam tại trên 120 trường đại học tại Hoa Kỳ và Canada, với chủ đề
là “Bức Hoạ Đồ Di Sản Văn Hoá Của Chúng Ta” (The Blueprint of Our
Legacy), không hẹn mà phù hợp với nội dung của chương trình 500 Lịch sử Truyền
khẩu mà các sinh viên đã chung sức gây quỹ để tài trợ các chuyến đi phỏng vấn của
hội. (Ảnh TD, 2011)
Trùng
Dương: Trở
lại phim tài liệu "VietnAmerica," xin cho biết TG có những mong ước
nào trước khi phim được ra mắt khán giả?
Triều
Giang: Trong
lần ra mắt lần đầu tiên này của phim "VietnAmerica" tại Nam Cali vào
ngày 17 tháng 5, 2015 này, hội đã may mắn được sự tiếp sức của gần 10 hội đoàn
và thân hữu. Thành phần ban Tổ chức gồm có Cộng Đồng Việt Nam Nam California, Hội
Quân Nhân Việt Mỹ, Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Gia Long Nam California, Hội Cao Niên
Á Mỹ, Hội Phụ Nữ Việt Mỹ, Hùng Sử Việt, và Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương và Thân
Hữu Hải Ngoại. Niềm vui lớn nhất của các anh chị em trong hội VAHF là nhìn thấy
sự đoàn kết của một số hội đoàn khác nhau nhưng cùng nắm tay để lo cho việc
chung. TG rất cảm kích và ước mong rằng tinh thần này tiếp tục được phát triển
vì đoàn kết sẽ thắng tất cả mọi trở ngại. Mong ước khác là đồng hương xem phim
sẽ tiếp tay với hội quảng bá rộng rãi tới tất cả những người thân quen và đặc
biệt là tới các cộng đồng bạn để những câu chuyện di dân đầy bi tráng của người
Mỹ gốc Việt được hiểu và cảm thông.
Mỗi khi
trúng các giải thưởng tại các Đại Hội Điện Ảnh lớn thì các anh chị trong hội
VAHF và TG rất vui mừng. Nhưng kể cả khi phim không
trúng giải nhưng được trình chiếu tại các đại hội điện ảnh và nhìn thấy khán giả
xem phim hiểu thêm về người Mỹ gốc Việt thì niềm vui cũng không kém. Cách đây
hơn hai tuần, một số anh chị em có đi tham dự Đại hội Điện anh Hill Country
Film Festival tại Frederickburg, một thành phố nhỏ, xa xôi ít người biết đến, nằm
tại vùng tây nam của Texas. Đây là cộng đồng người Mỹ gốc Đức họ sinh sống bằng
nghề trồng nho và làm rượu vang là chính. Sau khi xem phim "Master Hoa’s
Requiem", khán giả đã vây quanh phái đoàn hội VAHF và nói lời cám ơn và
chia sẻ cảm tưởng của họ trong lúc mắt họ còn ướt thì TG cảm thấy đây là phần
thưởng lớn nhất cho cái công khó nhọc của 11 năm làm việc của các anh chị em hội
VAHF và TG.
Trùng
Dương: Xin
cho biết VAHF có những dự án hay chương trình gì trong những năm tới?
Triều
Giang: Những
chương trình sắp tới của hội là quảng bá phim sâu rộng tới các cộng đồng người
Việt khắp nơi cũng như vào các cộng đồng người bản xứ. Và bắt đầu xây dựng thư
viện và bảo tàng viện điện tử với sự hợp tác với hội VAUSA và các hội bạn và
thân hữu.
Trùng
Dương: Xin
thành thật cám ơn TG đã dành cho cuộc nói chuyện rất chi tiết hôm nay. Xin chúc
buổi ra mắt phim "VietnAmerica" thành công, và thành công tốt đẹp
trong những dự án tới.
Triều
Giang: Chân
thành cám ơn chị về buổi phỏng vấn đặc biệt này. Trước khi kết thúc buổi chuyện
trò hôm nay, tưởng cũng xin lưu ý độc giả là, vì buổi ra mắt phim
"VietnAmerica" dành cho quan khách và đồng hương có vé mời, nên muốn
có vé mời, xin quý vị liên lạc với chị Mỹ Hương, điện thoại số: (714)
754-0911 hoặc (714) 492-9672.
[TD,
05/2015]
Chú
thích:
(*)
"Chuyện trò với Ann Mallett của Vietnam Center về việc soạn bộ sưu tập Tù
nhân Chính trị Việt Nam,"http://hopluu.net/a457/chuyen-tro-voi-ann-mallett-cua-vietnam-center-ve-viec-soan-bo-suu-tap-tu-nhan-chinh-tri-viet-nam
Mọi
liên lạc trao đổi, góp ý, xin gửi về Vietnamese American Heritage
Foundation, P.O. Box 29534, Austin, TX. 78755, Telephone: (512)
844-9417, Telecopier: (512) 266-3819, E-mail: VAHF_info@yahoo.com, Web site:vietnameseamerican.org.
No comments:
Post a Comment