Thứ
Năm, ngày 14 tháng 5 năm 2015
Sau thất
trận, dân chúng trong Nam đột ngột khám phá những công cụ kiểm soát của một
chính quyền độc tài: hộ khẩu, công an khu vực, công an phường, Viện Kiểm sát
Nhân dân và Hội Nhà văn Chiến thắng... Gọi Hội Nhà văn Chiến thắng vì là một thực
tế, vì những nhà văn phía bại trận bị vây bắt tập trung. Trước 75 miền Nam là đất
của nhật trình, nguyệt san và tiểu thuyết. Các quầy sách rộ hoa, các hiệu sách
và nhà sách cho thuê truyện phát đạt. Chưa thời kỳ nào dân Nam ham đọc sách như
vậy. Không duy nhất khai trí tiến đức, tường lãm, mà còn là một say mê văn
chương. Sau “truy quét”, là cảnh tượng một bãi tha ma tiêu điều. Trên bia mộ của
nền văn học vừa bị chôn, xuất hiện những Chiến Đấu Trên Mặt Đường của Xuân Thiều,
Những Tiếng Hát Hậu Phương của Bùi Hiển, Ngọn Tầm Vông của Đoàn Giỏi, Phía Trước
Là Mặt Trận của Hữu Mai, Trước Giờ Nổ Súng của Phan Tứ, Cửa Ngõ Mặt Trận của
Triệu Bôn, Hai Ông Già Ở Đồng Tháp Mười của Nguyễn Khải... như một thứ vàng
mã.
Hàng
mã, vì thứ tiểu thuyết ấy không thật, chúng được viết ra theo tiêu chí phục vụ
tập thể, trong khung thép của Tuyên giáo. Một thời kỳ dài Hội say sưa tuyên
truyền kỳ tích “giải phóng” mà không màng đến việc dân chúng tẩy chay sách quốc
doanh. Bao cấp, nên bất cần đọc giả.
Đến
Glasnost, Nguyên Ngọc hiểu rõ vì sao Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài, Những Ngọn Gió
Hua-Tát của Nguyễn Huy Thiệp, Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, Ác Mộng của
Ngô Ngọc Bội, Những Mảnh Đời Đen Trắng của Nguyễn Quang Lập, Đi Về Nơi Hoang Dã
của Nhật Tuấn... được đón nhận. Báo Văn Nghệ được giành giật như thịt nạc, của
một dân tộc thiếu chất đạm. Vì văn chương thật phải mang da thịt của con
người, bằng suy nghĩ thật của nhà văn. Không thể vĩnh viễn làm một nền văn
chương minh họa cho những khẩu lệnh của Tuyên giáo. Nhưng Nguyên Ngọc không trụ
được lâu và các nhà văn bị trói giật cánh khủyu trở lại, đến khi thả ra, tâm
trí đã rã rời. Không ai còn đọc báo Văn nghệ nữa, Văn học Đổi Mới đắp bằng thịt
nạc đã ôi.
Nhiều
thập niên sau, tuy muộn màng, nhiều nhà văn ý thức không thể tiếp tục với Hội.
Vì Hội đồng nghĩa hạn chế, kiểm soát và chỉ đạo; những “tiêu cực” mà Phan Khôi
đã thẳng thừng phê phán trong “Phê bình Lãnh đạo Văn nghệ” thời Nhân văn Giai
phẩm. Nhìn vào đường hướng công bố của Văn
đoàn Độc lập, “muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do,
nhân bản", chỉ có thể hiểu: Hội Nhà văn Chiến thắng thiếu tự do, không đủ
nhân bản và rao truyền văn chương giả. Lý do ra đời, chính đáng.
Văn học
Pháp cho nhiều tấm gương. Một George Sand khi đau ốm được Pháp hoàng triệu vời
vào cung, ban thưởng cho sự nghiệp trước tác đồ sộ, đã thẳng thừng từ chối.
Thông điệp của Sand cho những người viết tiểu thuyết mai hậu vô cùng rõ: Không
chung chạ với quyền lực. Một Michel Tournier định nghĩa chức năng của nhà văn
là “nhóm lên những lò lửa của suy nghĩ, phản đối, đặt lại câu hỏi về sự ngự trị
mặc nhiên của quyền lực." Một Camus, trong diễn từ Nobel 1957, xác quyết
“Sự cao quý của nghề văn luôn bắt rễ trong hai dấn thân khó khăn: Khước từ gian
dối với chính bản thân và kháng cự lại sự đàn áp.” Một Montesquieu kêu gọi bảo
vệ những giá trị của tự do, sự thật và danh dự... Bên cạnh, tấm gương Phan Khôi
và Nhất Linh vẫn sáng.
Nguyễn
Hữu Thỉnh, bút hiệu Vũ Hữu, tên ông không sáng. Vì ông không có văn tài, cũng
chưa là một tiếng thơ thời đại, ông lừng danh vì làm quan thâm niên kế thừa tận
tụy di sản của Tố Hữu. Bằng khai trừ các thành viên của Văn đoàn Độc lập, ông
vô tình cấp khai sinh chính thức cho một văn đoàn còn bán chính thức. Giống “vượt
biên đăng ký” hai năm 78-79, công an thu vàng nhưng vẫn là phản quốc và phải ra
khơi thầm lặng. Nay, Văn đoàn Độc lập đã có một nhãn hiệu cầu chứng “Không Cung
đình”, “Không Nửa Vời”, “Không hội viên”, do chính tay ông cấp. Công lao này,
là “thi công” của Hữu Thỉnh.
Với
Nguyên Ngọc và Văn đoàn Độc lập, vấn đề còn nguyên. Làm gì với tự do đã giành lại
sau khai trừ rồi ly khai? Làm gì với mục đích độc lập tách rời ra khỏi Hội? Ra
khơi, lên đường, hay lo ngại “phạm pháp” sẽ khiến nhòa nhòa trong vận hành của
hệ thống? Tháng 5-1954, hai chữ “Độc lập” thét vang trong lồng ngực của năm
mươi ngàn binh sĩ chiến thắng trận Điên Biên, để cuối cùng là một nền độc lập
hà khắc trong toàn trị. Tháng 5-2015, “vì một nền văn học Việt Nam tự do, nhân
bản” in đậm trên trang web của Văn đoàn Độc lập. Công chúng trông chờ câu trả lời.
Trần
Vũ
13
tháng 5-2015
No comments:
Post a Comment