Nguyễn Huệ Chi
19/05/2015
Ý định đi Mỹ thăm gia đình con gái xuất phát từ
chính con gái tôi. Nhân cháu về Sài Gòn dự Hội thảo 100 năm năm sinh ông nội
(GS Nguyễn Đổng Chi) vào ngày 7-5-2015, cháu gọi điện báo trước: Con sẽ mua vé
mời bố mẹ sang Boston chơi một thời gian và đi luôn từ sân bay Tân Sơn Nhất chừng
mươi ngày sau khi Hội thảo xong. Chúng tôi cân nhắc một tuần lễ, sau đó nhận lời.
Tối 18-5-2015, hai vợ chồng tôi và con gái ra sân
bay Tân Sơn Nhất, đến 11 giờ thì làm xong thủ tục xuất trình vé và gửi hành lý
tại hãng máy bay Hàn Quốc Korean Airlines để bay sang Seoul (vé của tôi là của
hãng Delta Airlines, từ Sài Gòn đi thẳng Boston, quá cảnh ở Seoul bằng máy bay
Hàn Quốc). Nhưng khi qua an ninh cửa khẩu sân bay thì một mình tôi bị giữ lại.
Tôi được mời vào đồn Công an ngay trong sân bay. Vợ con theo vào cùng. Khi đến
giờ cất cánh người của hãng hàng không Hàn Quốc đến tìm và hỏi nguyên nhân vì
sao ra chậm làm cả máy bay phải chờ. Viên công an trả lời: “Ông Nguyễn Huệ Chi
tạm thời chưa được xuất cảnh”. “Vì sao không cho ông đi?”. “Không cần phải biết
lý do”. Con gái tôi phải nói to để mọi người ở đấy hiểu: “Chẳng có lý do nào hết.
Cứ thích là giữ lại thôi”. Nhưng tôi khuyên hai mẹ con cần tiếp tục hành trình
ngay kẻo lỡ chuyến, còn tôi ở lại và mang hành lý xách tay vào đồn. Một lúc sau
hành lý ký gửi cũng được các cô tiếp viên hãng Korean Airlines chuyển đến.
Cuộc trao đổi ngắn gọn và nhẹ nhàng, nhưng nguyên ủy
sự vụ thì không ai hiểu được: “Công an Hà Nội chưa cho xuất cảnh”. Ngay đến
công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất cũng nói họ không hiểu: “Bác có chuyện gì
không?”. “Không!”. “Thế công an Hà Nội không trao đổi gì với bác sao?”.
“Không!”. “Thế thì đến chúng cháu cũng chịu không thể hiểu”. “Tôi nói thêm: “Chỉ
mới cách đây mấy hôm tôi nằm trong số 20 nhà văn tuyên bố ra khỏi Hội Nhà văn
Việt Nam”. Người công an nhìn tôi không tỏ vẻ ngạc nhiên, nghĩa là đã biết chuyện,
chỉ nói: “Thì không muốn ở lại trong Hội nữa thì ra, đó là quyền của mình.
Trong số 20 người có cả nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Đỗ Trung Quân… Có phải mình
bác đâu!”. Tôi hiểu ngay đây mới chính là câu trả lời, dù là trả lời gián tiếp,
nên không trao đổi gì thêm. Nhưng điều đáng quan tâm là hộ chiếu, tôi hỏi: Tôi
phải được nhận lại hộ chiếu chứ. Đó là quyền của tôi”. Đáp: “Việc này không được.
Theo nguyên tắc hộ chiếu chúng cháu giữ và gửi ra Hà Nội. Bác hãy ra Hà Nội, đến
Công an Hà Nội khiếu nại để đòi lại hộ chiếu”. Thấy tôi trả lời: “Còn ở lại
chơi bời vài hôm đã”, một người cười: “Nếu không ra họ lại tưởng việc hộ chiếu
cũng chẳng thiết thân gì lắm với mình”.
Chờ cho người công an tên Việt đánh máy xong biên bản
làm ba bản, đi lấy chữ ký của ông Thượng tá Hưng, đóng dấu, đưa tôi ký vào. Tôi
nói rõ: “Tôi không ký, bởi việc này trái pháp luật và vi hiến”. Người
công an đối diện tôi nói: “Ký hay không ký đấy là quyền của bác. Nhưng cũng nên
ghi vào mấy chữ “Tôi không ký”. Tôi ghi cả ba biên bản. Ghi xong, bắt tay họ,
theo một anh nhân viên hãng Korean Airlines tên Bình ân cần dẫn ra khỏi sân
bay, lên taxi. Về đến nhà con trai đúng 1 giờ kém 15 phút sáng 19-5-2015.
Theo biên bản do Công an Tân Sơn Nhất lập, việc này
do Công an Hà Nội gây ra, vậy Công an Hà Nội phải chịu hoàn toàn trách nhiệm
trước công luận và tôi, một công dân chưa bao giờ phạm pháp, trái lại luôn luôn
có ý thức tôn trọng pháp luật Việt Nam.
N.
H. C.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 17:24
-----------------------
Người
Việt - Monday, May 18, 2015 6:19:06 PM
Bauxite Việt Nam - 19/05/2015
No comments:
Post a Comment