Thanh Phương - RFI
Đăng ngày 22-05-2015
Với
việc chiếm được thành phố cổ Palmyra ở Syria hôm qua (21/05/2015) và Ramadi ở
Irak hôm Chủ nhật, tổ chức Nhà nước Hồi giáo ( IS ) đã mở rộng vùng ảnh hưởng ở
hai nước này.
Palmyra nằm cách thủ đô Damas 240 km về phía Đông Bắc
là thành phố quan trọng đầu tiên mà IS chiếm được từ tay chế độ Syria. Cho tới
nay, lực lượng thánh chiến vẫn tập trung tấn công vào các lực lượng phiến quân
chống chính quyền Tổng thống Assad.
Chưa nói đến nguy cơ phá hoại khu di tích khảo cổ được
UNESCO xếp là di sản thế giới của nhân loại, với việc chiếm được Palmyra, lực
lượng IS nay kiểm soát được phân nửa lãnh thổ Syria và nay đe dọa cả Homs,
thành phố lớn hàng thứ ba của Syria, nơi mà từ 2011 đến nay chiến sự vẫn tiếp
diễn. IS cũng có thể dùng Palmyra làm bàn đạp để tấn công luôn cả thủ đô Damas.
Palmyra có rất nhiều cơ sở quân sự hiện đại và nằm
trên một xa lộ nối miền Tây Syria, gồm Damas và Homs, hiện do chính phủ kiểm
soát, với miền Đông, mà phần lớn hiện nằm trong tay phiến quân. Cho tới nay, đa
số các vùng lãnh thổ mà IS kiểm soát chỉ là những vùng hầu như không có người ở,
vì người dân Syria chủ yếu sống tập trung ở vùng thủ đô Damas, vùng biên giới
giáp Liban và vùng bờ biển Địa Trung Hải.
Như vậy là mặc dù liên quân quốc tế do Mỹ chỉ huy đã
mở chiến dịch không kích từ năm 2014 để yểm trợ chính quyền ở Irak cũng như phiến
quân ôn hòa của Syria cản đường tiến của IS ở hai nước này, chỉ trong vòng 8
ngày, lực lượng thánh chiến vẫn giành được hai chiến thắng quyết định ở Palmyra
và Ramadi. Hôm qua, lực lượng thánh chiến đã chiếm được cửa khẩu biên giới cuối
cùng với Irak còn nằm trong tay quân chính phủ Damas, cũng như chiếm được các vị
trí của quân đội Irak gần Ramadi, triệt tiêu khả năng của quân đội Irak mở cuộc
phản công để chiếm lại thành phố này.
Theo hãng tin Reuters, mục tiêu kế tiếp của lực lượng
IS sẽ là căn cứ Habbaniya, một trong những cứ địa cuối cùng của quân chính phủ
Bagdad tại tỉnh Anbar, mà Ramadi là thủ phủ. Trước đà tiến của quân thánh chiến,
Thủ tướng Irak Haider al-Abadi khi gặp đồng nhiệm Nga Dmitri Medvedev ở
Matxcơva hôm qua đã kêu gọi Nga tham gia nhiều hơn vào việc chống tổ chức IS.
Theo hãng tin AFP, Ngoại trưởng Serguei Lavrov đã
tuyên bố là Nga sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu về vũ khí của Irak mà không có điều
kiện tiên quyết nào. Matxcơva đã cung cấp cho Bagdad nhiều trực thăng tác chiến
Mi-28 vào tháng tám năm ngoái, sau khi đã giao các trực thăng Mi-35 và máy bay
tiêm kích Su-25, được sử dụng để chống lực lượng thánh chiến. Nhưng tháng 10
năm 2014, Nga đã bác bỏ thông tin cho rằng Matxcơva sẵn sàng tham gia huấn luyện
binh lính Irak hoặc chia sẻ với Hoa Kỳ những thông tin về IS. Về phần Hoa Kỳ
thì thông báo là tuần tới sẽ giao cho Irak 2.000 súng phóng rocket diệt tăng
AT-4.
Nhưng các vũ khí của Nga và Mỹ liệu có thể đủ để
giúp quân đội Irak cản đà tiến của IS hay không? Chiến sự trong những ngày tới
sẽ cho câu trả lời. Trước mắt, rõ ràng là quốc tế đang bất lực trước việc lực
lượng thánh chiến mở rộng vùng ảnh hưởng ở Irak và Syria.
----------------------------
Tú Anh - RFI
Đăng ngày 22-05-2015
Cuộc
chiến chống khủng bố Hồi giáo, hay đúng hơn là chiến thắng của đối phương, là
thời sự nổi bật nhất trên báo chí Pháp hôm nay 22/05/2015. Biệt kích Pháp tiêu
diệt hai thủ lĩnh thánh chiến ở Mali trong số này có thủ phạm giết hai phóng
viên của RFI (Đài phát thanh Quốc tế Pháp) năm 2013. Chiến thắng này đăng trên
trang nhất của Le Monde trở nên nhỏ bé, vô nghĩa bên cạnh những chiến thắng
liên tục của khủng bố : Thành phố cổ Palmyra của Syria rơi vào tay Nhà nước Hồi
giáo.
Cổ thành Palmyra, di sản thế giới, lọt vào tay chiến
binh nhóm Nhà nước Hồi giáo gây xúc động trên thế giới. Cũng như quân đội Irak
rút bỏ Ramadi vài hôm trước, lực lượng phòng thủ của Syria, ngày 20/05/2015
cũng tháo lui không chiến đấu bỏ thành phố chiến lược cho Hồi giáo cực đoan. Chế
độ Bachar al Assad bị đe dọa trầm trọng nhưng Tây phương cũng hoang mang vì vô
kế khả thi.
" Trước đà tiến của quân thánh chiến,
Washington hoài nghi chiến lược của mình ", tựa của Le Monde.
" Daesh ( tên tiếng Ả Rập của Nhà nước Hồi giáo) luôn chiến thắng "
, nhận định của La Croix. " Làm chủ Palmyra, Nhà nước Hồi giáo
thách thức cả Damas lẫn Tây phương ", tựa của Le Figaro. Bên cạnh
bức ảnh chụp khu di tích xây dựng từ thế kỷ thứ 18 trước Công nguyên, nhật báo
Le Figaro nhận định : chiếm được ngã tư chiến lược này, Nhà nước Hồi giáo kiểm
soát phân nửa lãnh thổ Syria và nối liền với lãnh thổ Irak. Trước đó, tổ
chức cực đoan này đã đánh chiếm thành phố chiến lược Ramadi chỉ cách thủ đô
Bagdad có 100 km.
Theo Le Figaro, tại Syria, chế độ Bachar al Assad suy
yếu, bị ép buộc phải lui về cố thủ vùng « hữu ích » gồm thủ đô Damas, khu vực
sát biên giới với Liban, thành trì của lực lượng Hezbollah, do Iran hậu thuẫn
và đang tiếp tay với quân đội Syria trên chiến trường. Tại Damas, chế độ tin chắc
là những nước đứng sau phe nổi dậy muốn sử dụng áp lực chiến trường để buộc
lãnh đạo thương lượng một giải pháp chuyển nhượng quyền lực và Bachar al Assad
sẽ từ chức.
Cũng theo nhật báo cánh hữu Pháp thì ở Matxcơva,
Vladimir Putin và cơ quan tình báo FSB không muốn bỏ rơi lãnh đạo Syria nhưng Bộ
ngoại giao Nga không loại trừ khả năng này theo như một số nhà đối lập « chính
thức » tham dự đàm phán với chính quyền Syria tại Matxcơva. Đối lập
Syria chống cả Damas lẫn thánh chiến cho biết họ được Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ
« bảo trợ » và Ryad đã hứa sẽ cung cấp « tên lửa kể từ
tháng sáu ».
Trong khi đó, các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ
không giấu hoang mang. Nếu bản thân Tổng thống Obama tuyên bố « chúng
ta không thua nhưng đánh Nhà nước Hồi giáo là chiến lược dài hạn » thì
tướng Mỹ Michael Barbero, một trong những chỉ huy trấn áp phong trào thánh chiến
nổi dậy tại Irak năm 2007-2008 khẳng định với Le Figaro là chiến lược của Mỹ đã
thất bại. Ông nói : chiến lược đó sử dụng bộ binh Irak để tái chiếm lãnh thổ
còn Mỹ chỉ yểm trợ trên không. Theo tướng Barbero, Hoa Kỳ cần phải cho phép cố
vấn quân sự đi kèm với các đơn vị Irak để khuyến khích tinh thần đồng minh và cần
phải gia tăng hoạt động tình báo để nắm vững địch tình.
Nhận định tương quan lực lượng trên chiến trường,
bài xã luận của nhật báo cánh tả Libération nhấn mạnh thế mạnh của Nhà nước Hồi
giáo là biết thích nghi với địa hình, lẫn lộn với dân chúng, di chuyển kín đáo
và khai thác nhược điểm của đối phương. Trong khi đó thì cả Damas, Paris và
Washington không cùng một “tần số” đối đầu với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Pháp muốn Al- Assad phải ra đi vì lãnh đạo Syria sử
dụng lá bài chống thánh chiến để củng cố chế độ. Khi trận Palmyra diễn ra,
trong suốt 8 ngày cho đến khi thất thủ, không quân Syria không yểm trợ cho quân
phòng thủ mà tập trung oanh kích có phe đối lập võ trang ở các thành phố khác.
Mỹ ngược lại, oanh kích ở Syria nhưng thật sự chỉ lo bảo vệ chế độ Irak và qua
bộ chỉ huy hành quân Irak, điều hợp với quân đội Syria.
Tây
phương phải làm gì ?
Theo chuyên gia Pierre Filiu, giải pháp tạm ổn nhất
là ủng hộ đối lập dân chủ, thành lập vùng cấm bay để tạo điều kiện cho lực lượng
đối lập lấy lại thế thượng phong trên chiến trường đối với quân đội chính phủ lẫn
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Vấn đề là trong liên quân đối lập này có những thành
phần liên hệ với Al Qaida. Còn chương trình huấn luyện lực lượng đối lập do Mỹ
và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức thì chỉ ở bước đầu.
Thất bại này, theo nhật báo Les Echos, có thể làm
cho Tây phương xét lại chiến lược vào ngày 02/06/2015 tới đây, tại Paris, trong
cuộc họp thẩm định tình hình của liên quân chống Daesh (Tổ chức Nhà nước Hồi
giáo) dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Irak và hai Ngoại trưởng Mỹ - Pháp.
Tuy nhiên, chỉ có Mỹ mới đủ khả năng hoạch định chiến
lược toàn diện lâu dài. Vấn đề là Tổng thống Obama, theo nhận định của La
Croix, không muốn đưa quân tham chiến. Chủ nhân Nhà Trắng cũng không còn đủ trọng
lượng lôi kéo đồng minh Ả Rập và Châu Âu vào một liên minh quốc tế hiệu quả. Đối
với trường hợp Syria, nhiều nhà lãnh đạo Tây phương đánh cược chiến tranh sẽ kết
thúc vì « hết người cầm súng » hoặc vì các bên sức cùng lực tận.
Lợi dụng đối phương không có chiến lược mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đánh thắng
như chẻ tre.
No comments:
Post a Comment