Monday, May 18, 2015

Hữu nghị và đương đầu giữa hai đại quốc Á Châu tổng cộng 2.6 tỷ dân (Hà Tường Cát / Người Việt)





Hà Tường Cát / Người Việt
Friday, May 15, 2015 7:45:03 PM

WESTMINSTER - Thủ Tướng Ấn Độ công du Trung Quốc ba ngày, vào lúc mối quan hệ giữa hai nước đang có những cải thiện, mặc dầu khác biệt về hệ thống chính trị và thế cạnh tranh đối đầu còn tồn tại.

Hai thủ tướng Ấn Độ và Trung Quốc, đứng trước Điện Kỳ Niên (Hall of Prayer for Good Harvests) dự khán cuộc đồng diễn Yoga và Thái Cực Quyền trên quảng trường Thiên Đàng (Altar of Heaven) ở Bắc Kinh, 14 tháng 5. (Hình: Kenzaburo Fukuhara - Pool/Getty Images)

Chủ Tịch Tập Cận Bình tiếp Thủ Tướng Narendra Modi tại nhà khách chính phủ ở Tây An, thành phố 8 triệu dân cư thuộc tỉnh Thiểm Tây và là kinh đô của 13 triều đại Trung Quốc trong 1,200 năm từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Thủ Tướng Modi được đưa đến thăm những di tích lịch sử nổi tiếng tại Tây An như viện bảo tàng đội quân đất nung (Terracotta Army) đời Tần Thủy Hoàng và ngôi chùa Phật Giáo lưu trữ các bộ kinh dịch từ chữ Phạn, thể hiện mối quan hệ văn hóa lâu đới giữa Trung Hoa và Ấn Độ.

Trong cuộc thăm viếng Ấn Độ tháng 9 năm ngoái, Tập Cận Bình cũng được đưa đến Ahmedabad, thành phố quê hương của Thủ Tướng Modi. Tân Hoa Xã nói rằng chuyến thăm của Tập đã đưa đến “sự đồng thuận cổ vũ những hợp tác chiến lược song phương và xây dựng tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước để cùng phát triển.” Tại Tây An, cũng theo Tân Hoa Xã, Thủ Tướng Modi cho rằng “bang giao Trung-Ấn đã “trải qua phát triển vững chắc và đang đứng trước nhiều triển vọng lớn rộng."

Tập Cận Bình và Narendra Modi được xem là các nhà lãnh đạo quyền lực nhất ở hai nước trong nhiều năm qua. Thủ Tướng Modi, 64 tuổi, nhiệm chức từ tháng 5 năm ngoái sau khi đảng BJP (Bharatiya Janata Party, có nghĩa là Đảng Nhân Dân Ấn Độ), trong cuộc tổng tuyển cử, đã thắng đảng Quốc Đại nắm chính quyền từ nhiều năm và tỏ ra không còn động năng cùng viễn kiến để lãnh đạo 1.25 tỷ dân tiến lên tới địa vị xứng đáng của một đất nước lớn thứ nhì ở châu Á.

Trước đó, ông Modi chỉ là một thủ tướng của Gujarat tiểu bang nhỏ miền Tây Ấn, diện tích  200,000 km2, dân số 60 triệu. Năm 2002, 59 dân Hindu hành hương chết do hỏa hoạn trên một đoàn xe lửa, đưa đến bạo loạn tôn giáo chủng tộc với tổn thất nhân mạng có thể tới 2,000 người trong đó ba phần tư là dân Hồi Giáo. Dân Ấn Độ đa số theo Ấn Giáo (Hinduism) nhưng cũng có 140 triệu dân Hồi Giáo và là những cộng đồng thiểu số.

Thủ Tướng Modi bị nhiều dư luận phê phán có tinh thần thiên vị chủng tộc và đã không nỗ lực cho thi hành những biện pháp ngăn chặn bạo động. Ông phủ nhận những cáo buộc ấy và không bao giờ bị truy tố. Tuy nhiên ba năm sau vụ này, ông là cá nhân bị coi như có tội ác vi phạm nhân quyền, không được cấp thông hành và bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ.

Biện pháp này được lặng lẽ bãi bỏ sau khi đảng BJP thắng trên toàn quốc và ông trở thành Thủ Tướng. Năm ngoái ông đến Hoa Kỳ, được Tổng Thống Obama tiếp, và đọc diễn từ trước một cử tọa khổng lồ hàng trăm ngàn người hầu hết là kiều dân Ấn, tại Madison Square, khu Manhattan, New York. Nhưng tại Ấn Độ, vẫn có những lo ngại cho dân thiểu số trước sự lớn mạnh của các nhóm Hindu cực hữu liên kết với BJP. Thủ Tướng Modi mạnh mẽ bác bỏ những chỉ trích ấy và cam kết rằng chính phủ ông bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của những cộng đồng thiểu số.

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn còn là một nước rất nghèo, GDP bình quân trên đầu người đứng hàng thứ 124 trên thế giới trong khi quốc gia này còn nhiều tiềm năng chưa được vận dụng đúng mức. Niềm tin tưởng khiến cho đảng BRJ thắng cử một phần do thành quả ở tiểu bang Gujarat của ông, với mức tăng trưởng kinh tế 10% mỗi năm từ 2006 đến 2011. Chính phủ Modi hứa hẹn sẽ bằng kinh nghiệm ấy áp dụng mẫu mực Gujarat trên toàn quốc.

Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Time đăng trong số báo phát hành giữa tháng này, Thủ Tướng Modi tuyên bố: “Thời điểm này năm ngoái, hầu như chính quyền tê liệt không làm được việc gì. Có thể so sánh những phát triển chính quyền tôi đã thực hiện trong 10 tháng qua với chính quyền cũ trong 10 năm trước. Thế giới đã ghi nhận các nỗ lực chúng tôi đang thi hành, từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đến Ngân Hàng Thế Giới WB và những cơ quan tài chính khác đều nhìn nhận Ấn Độ có một tương lai kinh tế xán lạn.”

Cộng đồng quốc tế đều trông mong Thủ Tướng Modi sẽ đưa Ấn Độ tới chỗ đảm nhận được vai trò một cường quốc trên thế giới. Người ta hy vọng Ấn Độ sẽ hoàn thành được lời hứa là một nước dân chủ ở vị trí đối trọng với Trung Quốc. Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama là thượng khách đến dự ngày lễ kỷ niệm độc lập Ấn Độ năm nay chứng tỏ quan tâm thúc đẩy sự phát triển của quốc gia “đồng minh hiển nhiên này,” như Thủ Tướng Modi xác định.

Từ khi nhiệm chức, Thủ Tướng Modi đã gặp hầu hết các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, bao gồm Tổng Thống Mỹ Barack Obama, Tổng Thống Nga Vladimir Putin, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ Tướng Đức Angela Merkel, Thủ Tướng Anh Cameron, ... Tính đến ngày 26 tháng 5 sắp tới là tròn một năm giữ chức vụ, Thủ Tướng Narendra Modi đã đi thăm 19 quốc gia, ba nước sau cùng là Trung Hoa, Mông Cổ và Nam Hàn.

Tại Á Châu, quan hệ đối ngoại quan trọng nhất của Ấn Độ là với Trung Quốc. Trung Quốc xem Ấn Độ là thị trường quan trọng cho những sản phẩm kỹ thuật cao từ nhà máy điện nguyên tử đến xe lửa cao tốc trong khi Ấn Độ muốn thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp sản xuất và hạ tầng cơ sở. Có dự trữ ngoại tệ dồi dào khoảng $4,000 tỷ, Trung Quốc có thể dễ dàng đáp ứng yêu cầu $1,000 tỷ của Ấn Độ cho các dự án phát triển cầu, đường, thiết lộ, hải cảng và phi trường.

Năm ngoái trị giá tổng mậu dịch giữa Trung Quốc và Ấn Độ là $70 tỷ nhưng Ấn Độ nhập siêu khoảng $38 tỷ. Do đó một mục tiêu hàng đầu của Thủ Tướng Modi là tìm cách giảm bớt nhập siêu mậu dịch bằng cách mở cửa cho các sản phẩm và dịch vụ Ấn Độ vào Trung Quốc, đồng thời thu hút các công ty Trung Quốc đưa sản xuất qua Ấn Độ. Lực lượng lao động Ấn Độ đứng hàng thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc, với 500 triệu công nhân. Ngân Hàng Thế Giới dự đoán tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ năm nay 7.5%, so với 7.1% của Trung Quốc. Năm ngoái Ấn Độ 7.2%, Trung Quốc 7.4%.

Tuyên bố với các phóng viên hôm Thứ Sáu sau khi hội đàm với Thủ Tướng Lý Khắc Cường, Thủ Tướng Modi cho biết ông đã nói với các giới lãnh đạo Trung Quốc rằng việc xét lại chính sách để cải thiện hợp tác giữa hai nước là tùy ở họ. Theo ông 24 thỏa thuận đã được hai bên ký kết, tuy nhiên Trung Quốc nên quan tâm tới những sự phàn nàn của Ấn Độ.

Tranh chấp giữa hai đại quốc vẫn còn rất nhiều từ đường biên giới trong vùng núi Himalaya đến sự thành lập một dãy các hải cảng Ấn Độ Dương ở Myanmar, Bangladesh,Pakistan, Sri Lanka  bao quanh Ấn Độ. Quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với Pakistan vẫn gây nhiều lo ngại cho Ấn Độ. Cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nước tại Nepal, quốc gia có vị trí chiến lược về địa chính trị, là những vấn đề phức tạp khác. Nepal có đường biên giới chung với Ấn Độ và Tây Tạng, lãnh thổ Trung Quốc muốn duy trì được sự kiểm soát chặt chẽ về mặt chính trị cũng như về nguồn nước cho nhiều con sông lớn ở Á Châu. Khi động đất xảy ra ở Nepal, Trung Quốc và Ấn Độ  nhanh chóng đưa đến phẩm vật cứu trợ và các đơn vị quân đội làm công tác cấp cứu. Nhưng mặt khác, đầu tư của Trung Quốc vào Nepal hàng năm vẫn vượt xa Ấn Độ.

Trung Quốc và Ấn Độ phát triển lực lượng quốc phòng tới một tầm mức đáng kể. Năm nay ngân sách quốc phòng Trung Quốc $144 tỷ, Ấn Độ $40 tỷ. Hai nước  đều là cường quốc có vũ khí nguyên tử, và để cân bằng với sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc, Ấn Độ cũng tăng lực lượng hải quân bằng những hợp tác kỹ thuật với Nga và thỏa hiệp với hải quân Hoa Kỳ về chiến lược phòng thủ. Những đề tài này tất nhiên không nằm trong chương trình nghị sự chuyến công du của Thủ Tướng Modi.








No comments: