Ðỗ Dzũng/Người Việt
Wednesday,
May 06, 2015 5:47:44 PM
WESTMINSTER,
California (NV) - Chỉ
vì một tấm hình cũ, trong đó có một cụ già và một em bé trong trại tị nạn Camp
Pendleton, San Diego, được chụp hồi năm 1975, mà nhật báo The Los Angeles Times
cử ba người, hai phóng viên ảnh và một nhà báo, bắt tay vào làm việc để tìm hiểu
xem cuộc đời của em bé này bây giờ ra sao.
Cô Lisa Hà Nishihara và tấm hình do phóng viên ảnh
Don Bartletti chụp ở Camp Pendleton năm 1975. (Hình: graphics.latimes.com)
Em
bé này, một người tị nạn Việt Nam tạm cư ở Camp Pendleton năm 1975, bây giờ
đang sống ở Fresno, tên là Hoàng Hà, và bây giờ có tên Lisa Hà Nishihara.
Hai
phóng viên ảnh Don Bartletti và Don Kelson, từng tham chiến tại Việt Nam hồi cuối
thập niên 1960, và nhà báo Ðỗ Bảo Anh, từng sống trong trại tị nạn Camp
Pendleton cùng thời gian với em bé trong tấm hình.
Phóng
viên ảnh Don Bartletti, từng đoạt giải Pulitzer năm 2003 qua loạt ảnh về thanh
thiếu niên các quốc gia Trung Mỹ đi qua Mexico để vượt biên vào Mỹ.
Còn
phóng viên ảnh Don Kelson cách đây 40 năm làm phóng viên ảnh cho Rio Hondo
College ở Whittier, California, và có chụp một số hình về đời sống của người Việt
trong Camp Pendleton.
“Một
điều quan trọng trong lãnh vực chụp ảnh báo chí là nhân vật trong tấm ảnh.
Phóng viên ảnh không chỉ chụp nhân vật đó, mà phải để ý xem nhân vật đó bây giờ
sống ra sao,” phóng viên ảnh Don Bartletti chia sẻ lý do ông đi tìm em bé 5 tuổi
trong tấm hình ông chụp ở Camp Pendleton năm 1975.
Ði
tìm em bé
Ngày
26 Tháng Ba, nhật báo Người Việt đăng một bản tin ngắn với tựa đề “Tìm người 40
năm cũ” với nội dung như sau: “Hai tấm hình dưới đây được nhiếp ảnh gia, nhà
báo nổi tiếng từng thắng giải Pulitzer về hình ảnh báo chí Hoa Kỳ, Don
Bartletti, chụp cách đây 40 năm, tại Camp Pendleton, California, ngay sau biến
cố 30 Tháng Tư. Hôm nay, 40 năm sau, tác giả và phóng viên một tờ báo Anh Ngữ
mong muốn đi tìm lại những nhân vật trong các tấm hình này. Tấm hình thứ nhất
là cụ bà Trần Thị Năm và một người cháu gái. Theo ký ức của phóng viên
Bartletti, cụ bà Trần Thị Năm cùng 14 người trong gia đình đến Camp Pendleton
vào khoảng Tháng Tư, 1975, khi cụ đã 110 tuổi. Cụ Năm qua đời cũng thời gian ấy,
ngay trong trại, vì chứng viêm phổi. Bé gái trong hình có thể là cháu nội/ngoại
hoặc cháu cố của cụ Trần Thị Năm. Gia đình cụ Trần Thị Năm rời Việt Nam trên một
chiếc thuyền ra đi từ Phú Quốc hồi Tháng Tư, 1975.”
Tấm
hình “Tìm người 40 năm cũ” của do phóng viên ảnh Don Bartletti chụp, đăng trên
nhật báo Người Việt ngày 26 Tháng Ba. (Hình: Don Bartletti/The Vista Press)
Dưới
tấm hình là lời nhắn cho cô bé trong hình, hoặc bất cứ ai biết cô, xin liên lạc
với LAT.
Lúc
đó, cả ba nhân viên của LAT không biết tên em bé trong hình.
“Ban
đầu, có nhiều người gọi đến, sau khi đọc bản tin trên nhật báo Người Việt,
nhưng đa số là tò mò,” nhà báo Ðỗ Bảo Anh kể. “Tuy nhiên, có một người tên Tâm ở
Port Arthur, Texas, gọi đến, nói rất chi tiết về tấm hình. Anh Tâm còn nói cô
bé là em họ của anh, nhưng anh lại không quen, mà quen với người chị.”
Thế
là anh Tâm cho số điện thoại người chị, đang sống ở New Jersey.
“Lúc
đó, nếu tính theo múi giờ thì cũng khuya lắm rồi, nhưng tôi vẫn gọi,” nhà báo Ðỗ
Bảo Anh kể. “Rồi chị Minh có nói một chút về tấm hình, về người em gái, nhưng lại
không cho số điện thoại, mà giới thiệu một người cô ở Fresno, California. Sau
đó, tôi gọi cho người cô, rồi mới xin được số điện thoại của Lisa, cũng sống ở
Fresno,” nhà báo Ðỗ Bảo Anh kể.
Có
số điện thoại của nhân vật rồi cũng không phải dễ phỏng vấn.
Nhà
báo Ðỗ Bảo Anh kể: “Lúc gọi điện thoại, tôi nghe thấy cô kể chuyện với tôi,
nhưng phía sau lại có tiếng chồng và con gái, cũng kể về chuyện tấm hình, nhưng
rất khó hiểu. Thế là tôi quyết định phải gặp Lisa cho bằng được, để phỏng vấn dễ
dàng hơn.”
Nhưng
khi cả ba tới nơi, cô Lisa Hà Nishihara lại ngại ngùng, nhất là khi thấy có tới
hai phóng viên ảnh, một người chụp hình và một người quay phim, cộng với một
phóng viên.
Theo
nhà báo Ðỗ Bảo Anh, sự ngại ngùng của cô Lisa có thể hiểu được, vì Fresno là một
vùng rất bình yên, nằm ngay thung lũng trung tâm California, xung quanh đều là
nông trại. Kế đến, gia đình cô Lisa cũng không tiếp xúc nhiều với cộng đồng bên
ngoài.
Nhà
báo Ðỗ Bảo Anh: “Tôi phải thuyết phục Lisa... Cuối cùng cô đồng ý nói chuyện.”
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
“Thế
là tôi phải thuyết phục cô. Tôi nói rằng tôi cũng không thích ngồi trước ống
kính, nhưng tôi và cô có thể ngồi với nhau, nói chuyện bình thường, không ép buộc.
Thế là cô đồng ý. Trong lúc nói chuyện, mọi thứ từ từ trở nên tự nhiên hơn, và
cô từ từ chia sẻ ký ức của mình, nhất là khi cô nhìn thấy tờ báo The Vista
Press in cách đây 40 năm, có hình cụ Trần Thị Năm và cô ở trang chính,” nhà báo
Ðỗ Bảo Anh kể.
Nhân
vật là chính
Cô
Lisa Hà Nishihara không ngờ hình của mình được đăng trên trang nhất một tờ báo,
cô không bao giờ nghĩ đến điều này, và cũng chưa bao giờ thấy, hoặc nghe nói,
cho đến khi phóng viên ảnh Don Bartletti đưa tờ báo The Vista Press, nơi ông bắt
đầu làm phóng viên ảnh cách đây 40 năm, cho cô xem.
Cô
đã thốt lên: “Ủa, tôi có ở trong tấm hình đó hả? Cho tôi xem được không? Trời
ơi, không ngờ là hình cụ tôi và tôi đây.”
Và
cô khóc, nói rằng, nếu cha cô nhìn thấy tấm hình, chắc chắn ông sẽ vô cùng sung
sướng.
Ngưng
lại một lúc để lau nước mắt, cô Lisa không biết nói gì hơn, nhìn phóng viên ảnh
Don Bartletti, nói với ông hai chữ rất rõ ràng: “Thank you.”
“Khi
tôi chụp hình nhân vật, họ mới là chính, chứ không phải tôi,” phóng viên ảnh
Don Bartletti chia sẻ. “Trong trường hợp này, cô Lisa tự nhiên cảm thấy mình là
một cái gì đó quan trọng, mà cô chưa bao giờ dám nghĩ đến. Rồi cụ của cô nữa, tự
nhiên cũng quan trọng không kém.”
Ông
nói thêm: “Nói chung, khi chụp hình, mình phải chụp làm sao cho nhân vật trong ảnh
cảm thấy được trân trọng.”
“Thật
là cảm động khi biết Don Bartletti giữ tờ báo này trong nhiều năm, và nó rất ý
nghĩa đối với tôi,” cô Lisa Hà Nishihara chia sẻ với nhật báo Người Việt.
“Không có lời nào có thể diễn tả được. Thật buồn, chúng tôi rời quê mẹ, và cụ
tôi qua đời (trong Camp Pendleton). Ðó là một sự cố gắng. Và tấm hình này gợi lại
rất nhiều kỷ niệm.”
Phóng
viên ảnh Don Baretletti tại Camp Pendleton năm 1975. (Hình: Don Baretletti cung
cấp)
Cô
nói thêm: “Tấm hình cũng gợi nhớ lại những kỷ niệm ở Việt Nam. Tôi còn nhớ, cụ
luôn luôn ở bên cạnh chúng tôi. Nếu không, chúng tôi sẽ không được như ngày hôm
nay. Mỗi ngày đi học cụ thường cho tôi tiền để xài, và tôi hư lắm. Ngày nào tôi
cũng bị ăn đòn. Nhờ vậy mà tôi phải đi học và được như ngày hôm nay.”
“Tôi
không biết Don Bartletti là ai. Tôi không bao giờ biết tấm hình này được đăng
trên báo. Tôi có tấm hình này. Và Don Bartletti rất ngạc nhiên là tôi có tấm
hình này và làm sao tôi có thể giữ được nó trong 40 năm qua,” cô Lisa nói.
Phóng
viên ảnh Don Bartletti kể: “Khi tôi vừa bước vào nhà, cô Lisa bước từ trên lầu
xuống với tấm hình cụ bà Trần Thị Năm 110 tuổi và Lisa lúc 5 tuổi. Tôi nhớ, khi
chụp tấm hình này, tôi có đưa một bản cho Camp Pendleton. Và theo như cô nói,
khi bà cụ qua đời, họ đưa tấm hình đó cho Lisa.”
Dù
đã nhiều lần chú trọng nhân vật chính trong hình, rồi sau đó tìm hiểu xem bây
giờ họ ra sao, đối với ông Bartletti, trường hợp gặp cô Lisa đặc biệt hơn bao
giờ hết.
Ông
kể: “Thỉnh thoảng tôi cũng đi tìm những thanh niên mà tôi chụp hình, trong lúc
họ vượt biên vào Mỹ. Thông thường là khoảng hai hoặc ba năm sau, nên không thấy
họ có thay đổi nhiều.”
“Trường
hợp của Lisa vô cùng đặc biệt, vì tôi chụp hình cô cách đây 40 năm, và tôi rất
muốn biết nhân vật của mình bây giờ ra sao, để tiếp tục ghi lại cho độc giả,”
ông Bartletti nói. “Tôi biết lịch sử đã được lập tại Camp Pendleton. Lịch sử của
một cô bé 5 tuổi. Và tôi rất muốn ghi lại lịch sử này.”
Ông
chia sẻ thêm: “Và không có gì sung sướng cho bằng, đối với một phóng viên ảnh,
khi cô Lisa hỏi: 'Có phải ông là người chụp tấm hình đó?' Cô không thể ngờ có
ngày cô gặp lại người chụp hình cô. Ngay lúc đó, tự nhiên tôi nhớ lại tất cả những
gì xảy ra cách đây 40 năm.”
Phóng
viên ảnh Don Kelson: “Dự án này gắn bó cả ba chúng tôi, hai người từng đến Việt
Nam và một người từng là người Việt tị nạn trong Camp Pendleton.” (Hình: Dân Huỳnh/Người
Việt)
Và bây giờ ông Don Bartletti mới được biết, sau khi
rời Camp Pendleton, cha mẹ cô Lisa tìm được việc làm trong các nông trại ở
Fresno. Riêng cô, ban đầu định đi học trở thành bác sĩ nhi đồng, nhưng vì không
chịu nổi tiếng khóc của trẻ em, cuối cùng, cô làm việc trong một trung tâm cấp
cứu.
Lục lọi quá khứ 40 năm
Khi đi tìm những nhân vật trong hình của mình cách
đây 40 năm, hai phóng viên ảnh Don Bartletti và Don Kelson, và nhà báo Ðỗ Bảo
Anh phải “lục lọi quá khứ 40 năm” trong đầu của họ qua các tấm hình.
Cả ba đến Camp Pendleton trong những ngày gần tới
ngày tưởng niệm 40 năm Tháng Tư Ðen. Nhà báo Bảo Anh Ðỗ lái xe đi tìm lại những
ký ức của một cô bé, nhưng bây giờ tất cả đã biến mất.
Nhưng với hai phóng viên ảnh thì không.
“Thực sự, trước khi làm dự án này, tôi cũng không
hình dung được nó sẽ như thế nào,” phóng viên ảnh Don Kelson nói. “Nhưng dần dần
tôi thấy vô cùng lý thú, vì nó gắn bó cả ba chúng tôi, hai người từng đến Việt
Nam và một người từng là người Việt tị nạn trong Camp Pendleton.”
Ông nói thêm: “Ðúng là mọi thứ thay đổi cả, vì 40
năm rồi còn gì, nhưng có những thứ vẫn còn đó. Và đó là điều giúp chúng tôi tìm
được quá khứ.”
Phóng
viên ảnh Don Baretletti: “Khi chụp hình, mình phải chụp làm sao cho nhân vật
trong ảnh cảm thấy được trân trọng.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
“Ðó là những ngọn núi,” phóng viên ảnh Don Kelson
nói. “Tôi cầm tấm hình mình chụp cách đây 40 năm, có bốn em bé ngồi chơi
trên một miếng giấy thùng carton, phía sau là những cái lều dành cho người Việt
tị nạn, phía xa là một ngọn núi. Bây giờ, lều không còn, không còn gì cả, mà chỉ
là hàng rào và những cái nhà kho. Tuy nhiên, ngọn núi phía xa ở đằng sau vẫn
còn đó, không hề thay đổi.”
Ở một nơi khác, phóng viên ảnh Don Kelson chụp một
tấm hình các học sinh trung học đang diễn một vở kịch cho các trẻ em Việt Nam
ngồi trên một khán đài dã chiến coi.
“Tôi và Don Bartletti phải mất 5 giờ đồng hồ để đi
so sánh khung cảnh ngày xưa và bây giờ,” phóng viên ảnh Don Kelson kể. “Và cuối
cùng tôi tìm được khán dài dã chiến đó, gỗ bắt đầu mục, các khung sắt bắt đầu
sét rỉ, cỏ xung quanh mọc cao, nhiều cây lớn mọc phía sau, không một ai qua lại.
Và một lần nữa, ngọn núi phía xa vẫn sừng sững ở đó.”
Ông chia sẻ thêm: “Phải nói đây là lần đầu tiên tôi
đi tìm khung cảnh của nơi tôi chụp hình 40 năm trước, mà lần này lại liên quan
đến người Việt Nam, đất nước Việt Nam, nơi tôi từng có mặt trong thời kỳ chiến
tranh. Và tôi nhớ lại, trẻ em ở Việt Nam tôi gặp hồi thập niên 1960 khác với trẻ
em tôi gặp trong Camp Pendleton hồi năm 1975.”
Trở lại tấm hình chụp hai bà cháu 40 năm trước, cô
Lisa Hà Nishihara cho biết: “Ðó là một món quà Don Bartletti tặng cho tôi và nó
sẽ ảnh hưởng tôi suốt đời. Ông đã thay đổi cuộc đời tôi. Ông khuyến khích tôi rất
nhiều. Nó giống như là một vòng tròn khép kín. Tôi đã nói lời cảm ơn rất chân
thành với ông, và tôi không biết nói gì hơn.”
“Tôi giữ tấm hình đó trong 40 năm, tôi giữ nó, và
tôi đã gặp người chụp tấm hình đó,” cô Lisa Hà Nishihara thổ lộ. “Tôi hy vọng tấm
hình sẽ dạy cho con gái tôi biết về nguồn gốc và lịch sử của nó. Tôi không thể
ngờ tôi gặp ông Don Bartletti tối hôm đó, cho đến khi điều này trở thành sự thật.”
––
Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com
Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment