Sunday, October 31, 2010

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (21)

Trần Hoàng Lan
01/11/2010 | 12:37 sáng

Một cuộc chia tay
Một cuộc chia tay của những người chưa từng gặp nhau
Một cuộc chia tay không nói khi nào gặp lại,
cũng không bảo rằng xa nhau mãi mãi.
Một cuộc chia tay mà mỗi bài viết,
mỗi câu trả lời,
mỗi phản hồi
và cả những lặng im,
đều là những lời giã biệt.
Một cuộc chia tay hẹn nhiều cuộc gặp khác.
Đó là cuộc chia tay của talawas
với độc giả của diễn đàn.

Nếu có nói thêm vài lời tiếc nuối nữa thì cũng không ngăn cản được quyết định đóng cửa diễn đàn vào ngày 3/11 tới của ban chủ nhiệm, vì vậy lời từ biệt của tôi sẽ là phỏng đoán về lý do mà diễn đàn đóng cửa. Sự phỏng đoán của một thành viên tham gia chưa đầy ba tháng, viết được vài bài cho diễn đàn nhưng có tới một nửa trong số đó không được duyệt, mong sẽ được ban chủ nhiệm, độc giả châm chước, chấp nhận nó là lời từ biệt. Tôi sẽ phỏng đoán lý do diễn đàn đóng cửa bằng phương pháp loại trừ.

talawas cùng một số diễn đàn như Dan Luan, Nhân Quyền Cho Việt Nam , Bauxite Việt Nam  … đã thu hút được rất nhiều độc giả, bởi nó đã đem đến cho độc giả, nhất là các độc giả trong nước những thông tin mà nhà nước cố tình bưng bít che giấu, những quan điểm, những cách nhìn đa dạng về mọi vấn đề, điều mà chỉ trong môi trường tự do báo chí, tự do ngôn luận mới có được. Vì vậy một bức tường lửa của an ninh nhà nước xung quanh những trang mạng này được thiết lập nhằm ngăn cản các độc giả trong nước truy cập. Nhưng chính bức tường lửa này lại trở thành “bức tường hào quang” vinh danh các trang mạng, trong đó có talawas. Việc độc giả trong nước vượt tường lửa để đến với các trang mạng đó đã thành một công việc không quá khó khăn. Trang mạng talawas cũng đã nhiều lần bị tin tặc đánh phá phải ngừng hoạt động, nhưng sau mỗi lần phục hồi, độc giả lại được thấy nó cuốn hút hơn trước. Như vậy lý do đầu tiên là trang mạng thường xuyên bị ngăn cản truy nhập bằng tường lửa, thường xuyên bị tin tặc đánh phá dẫn tới phải tuyên bố đóng cửa được loại trừ.


Lý do thứ hai là ban chủ nhiệm, ban biên tập đã quá mệt mỏi với những công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của diễn đàn. Đây là lý do mà nếu là thật thì nó sẽ là một thất vọng cho những người Việt Nam đang tranh đấu cho một nước Việt Nam có tự do dân chủ thực sự, nhưng tôi tin vào ban chủ nhiệm, ban biên tập. Do vậy tôi sẽ không chấp nhận lý do này.

Lý do thứ ba là phỏng đoán của tôi và có lẽ cũng là lý do mà nhiều độc giả mong đó là lý do thực sự: Diễn đàn talawas đóng cửa để thay thế bằng một diễn đàn mới hứa hẹn nhiều hấp dẫn, thú vị cho độc giả, nhất là những độc giả quan tâm tới cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ cho Việt Nam.
Sau đây là phần trả lời phỏng vấn các câu hỏi của talawas.

I.
1. Vấn đề đầu tiên và cũng hệ trọng nhất là chế độ độc tài đảng trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được cầm đầu bởi một tập thể lãnh đạo bất tài, bảo thủ, giả dối, tham lam đã tồn tại quá lâu, từ đó gây ra vô số các hệ lụy, cũng chính là các vấn đề hệ trọng của Việt Nam ngày nay. Xin đơn cử:
2. Chính trị, xã hội, môi trường: Mặc dù biết cải cách chính trị sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển của đất nước nhưng vì sợ mất địa vị lãnh đạo, mất những đặc quyền đặc lợi của bản thân và gia đình, phe nhóm đang hưởng, tập đoàn lãnh đạo cộng sản vẫn khăng khăng duy trì một thể chế chính trị lỗi thời, cấm đoán hạn chế những quyền tự do của người dân, đàn áp tôn giáo, đàn áp phong trào đấu tranh vì tự do dân chủ vì tiến bộ của đất nước. Luật pháp không nghiêm, tham nhũng tràn lan, cùng với các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, mê tín dị đoan ngày càng trở thành phổ biến góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề là hậu quả của những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế bất chấp tác động xấu cho môi trường mà chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên là một điển hình. Sự biến đổi khí hậu cộng với sự dốt nát trong quy hoạch, xây dựng của lãnh đạo làm tăng thêm mức độ tàn phá của thiên tai. Ngập lụt ở Sài Gòn, Hà Nội, lũ lụt miền Trung trong những năm vừa qua xuất hiện ngày càng nhiều, gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
3. Kinh tế: Có tăng trưởng nhưng không bền vững: tăng trưởng do bán tài nguyên thô, tăng trưởng do thu hút nước ngoài đầu tư nhưng không chú trọng tới môi trường. Các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ gây lãng phí tiền của, tài nguyên của đất nước nhưng vẫn được nhà nước để cho tồn tại, ưu tiên vốn và các lợi thế để cạnh tranh với kinh tế tư nhân. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Một bên là những cán bộ quyền chức của Đảng, nhà nước cùng họ hàng phe cánh nắm trong tay mọi cơ hội làm giàu, từ cơ hội tham nhũng đến những chủ trương chính sách tự tay ban hành, một bên là nhân dân nghèo khổ bị bần cùng hóa, bị cả “tư bản đỏ” và tư bản nước ngoài bóc lột. Nợ nước ngoài nhiều: ngoài Vinashin còn có thể có rất nhiều các tập đoàn nhà nước khác cũng có những món nợ khổng lồ nhưng chưa được công khai và khi có một biến động về tài chính nào đó, Việt Nam rất có thể lâm vào hoàn cảnh như của Hy Lạp vừa qua.
4. Văn hóa, giáo dục: Giáo dục lạc hậu do sai về triết lý. Bệnh thành tích, dối trá trong giáo dục ngày càng trầm trọng, được cả một guồng máy lãnh đạo Đảng và nhà nước ngầm khuyến khích dưới các hình thức thi đua, khen thưởng. Văn hóa suy đồi, các giá trị văn hóa tốt đẹp bị đảo ngược.
5. Chủ quyền, an ninh: Chủ quyền, an ninh đất nước bị đe dọa nghiêm trọng qua những sự kiện để Trung Quốc lấn chiếm biên giới, hải đảo, cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên biển Đông, mua rừng đầu nguồn sát biên giới, khai thác bauxite ở Tây Nguyên, trúng thầu các công trình trọng điểm.

II.
Những việc đầu tiên cần làm theo thứ tự sẽ là:
thả hết tù chính trị;
bãi bỏ ngay lập tức các điều luật ngăn cấm, hạn chế các quyền tự do của người dân đã được nêu trong các công ước của quốc tế;
trung lập hóa lực lượng vũ trang;
kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để duy trì ổn định xã hội;
thành lập chính phủ lâm thời điều hành đất nước;
chuẩn bị để đưa ra trưng cầu dân ý về bãi bỏ điều 4 hiến pháp và tương lai chính trị của Việt Nam.

III.
Năm 2010 đã gần qua. Năm 2020 nếu Việt Nam xóa bỏ được chế độ cộng sản để thành lập một nhà nước dân chủ đa nguyên thì những di chứng, tàn tích của nó để lại về mọi mặt cho đất nước vẫn hết sức nặng nề, cần phải có một thời gian dài để khắc phục hậu quả và như vậy phải tới năm 2030 Việt Nam mới căn bản trở thành một nước tự do dân chủ có nhiều tiến bộ về kinh tế.

© 2010 Trần Hoàng Lan
© 2010 talawas
.
.
.
Dũng Vũ
01/11/2010 | 5:37 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
__________

Dũng Vũ

1.
Theo tôi, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là:
Lãnh đạo thiếu tài đức, độc đoán, còn mê muội chủ nghĩa.
Xã hội thoái hóa (giàu nghèo chênh lệch, đạo đức suy đồi, dân trí xuống dốc).
Người Việt chủ quan, không biết mình còn yếu.
Thiếu nhân tài xây dựng đất nước.
Hiểm họa Trung Quốc xâm lăng.
2.
Tôi không phải là người làm chính trị và cũng không có tham vọng cầm quyền. Tôi chỉ có một suy nghĩ nhỏ sau đây muốn chia sẻ với mọi người:
Xưa nay chúng ta chém giết nhau chỉ vì chủ thuyết cộng sản vốn được cho là nhân đạo. Chiến tranh đã qua nhưng hận thù vẫn còn, xung đột ý thức hệ vẫn còn kéo dài cho đến giờ này. Người lãnh đạo vẫn chuyên chính, cuồng tín, mặt khác đạo đức lại tha hóa, mâu thuẫn với lý tưởng. Không riêng người lãnh đạo mà toàn xã hội cũng xuống cấp, con người trở nên tàn nhẫn, sống thiếu tử tế với nhau, dân tộc thiếu đoàn kết, thiếu thực lực trong khi kẻ thù Trung Quốc ngày càng mạnh và đang muốn nuốt chửng chúng ta.
Hơn nửa thế kỷ đánh nhau, thù hận nhau chỉ vì các thứ ngoại lai đã đủ rồi. Kể từ nay, chúng ta phải trở về con người Việt của mình. Người Việt không cần chủ thuyết cộng sản dạy tính nhân đạo bởi vì tính người Việt đã nhân đạo, sống biết để ý đến mọi người. Người Việt không cần chủ thuyết cộng sản dạy chủ nghĩa xã hội bởi vì người Việt đã là xã hội chủ nghĩa.
Kể từ nay, chúng ta hãy từ bỏ những gì đã làm hại mình, hãy quên đi quá khứ xấu xí. Chúng ta sẽ bắt tay xây lại một Việt Nam mới đúng theo văn hóa, bản tính của mình: Một Việt Nam mới hòa bình, nhân bản, thân thiện với thế giới. Một Việt Nam mới trung lập, hạnh phúc, giàu mạnh, hiện đại hài hòa với con người và thiên nhiên.
3.
Đến năm 2020: Chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc bùng nổ. Việt Nam mất Trường Sa. Rừng Tây nguyên, nơi khai thác bauxite, bị phá hủy hoàn toàn. Hằng năm lũ lụt, bùn đỏ tràn về tàn phá, làm ô nhiễm toàn vùng duyên hải miền Trung. Dân chúng lánh nạn về miền Nam. Miền Trung biến thành đất hoang.
Đến năm 2030: Trung Quốc trở thành cường quốc, thành lập phe “tân Xã hội chủ nghĩa”. Đảng Cộng sản Việt Nam ngả theo Trung Quốc. Việt Nam thành Tây Tạng thứ hai, làm vựa lúa và quặng mỏ cho Trung Quốc. Một cộng đồng lai giống Việt-Hoa trên Tây nguyên nổi lên đòi tự trị.
© 2010 Dũng Vũ
© 2010 talawas
.
.
.

Đoàn Tiểu Long
01/11/2010 | 1:58 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Đoàn Tiểu Long

1. 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì ư? Trước hết, có thể hiểu “vấn đề” ở đây theo nghĩa tiêu cực, tức là một vấn nạn cần giải quyết. Ui chao, thế thì nhiều lắm! Lại cũng có một số người hiểu theo nghĩa “trạng thái cần sáng tạo ra”, ví dụ như phải kiến lập một chế độ dân chủ, pháp quyền, một nền giáo dục tiên tiến chẳng hạn.
Tôi thì hiểu theo cách thứ nhất. Vấn nạn thì cứ gọi là vô thiên lủng, nhưng cái nào mới đáng gọi là hệ trọng nhất? Theo tôi, đó là vấn nạn liên quan đến sự tồn vong của cả dân tộc.
Nếu vậy thì những vấn đề như chế độ độc đảng, đạo đức xuống cấp, sự bất cập của đủ mọi thứ, kể cả nguy cơ ngoại xâm, chiến tranh v.v… như nhiều người đưa ra, vẫn chưa đáng gọi là hệ trọng nhất. Độc đảng ư, tôi không nghĩ là dân tộc Việt Nam này sẽ tiêu vong vì chế độ độc đảng. Chế độ độc đảng có thể khiến đất nước trì trệ, thiếu dân chủ, tự do; nó có thể đẻ ra, nuôi dưỡng tình trạng tham nhũng nặng nề v.v…, nhưng tiêu vong thì không. Thì đấy, các nước mang danh xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu từng có chế độ độc đảng, nhưng có dân tộc nào tiêu vong đâu! Trung Hoa hàng ngàn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế, Việt Nam cũng gần nghìn năm, khác gì độc đảng, nhưng dân tộc Trung Hoa hay Việt Nam đâu có tiêu vong, kể cả trong những thời kỳ tệ hại nhất.
Thôi không dài dòng vòng vo nữa, đối với tôi vấn đề thảm họa môi trường là hệ trọng nhất. Nó không còn là một nguy cơ, mà là một hiện thực, và ngày càng trở nên khốc liệt. Nói theo kiểu Hegel thì “thảm họa môi trường” đã không còn ở cấp độ “khái niệm – Begriff”, mà đã dần thống nhất với “thực tại” để chuyển lên cấp độ “ý niệm – Idee”. Bão lũ, nước biển dâng, tầng ozon thủng, ô nhiễm môi trường v.v… ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nghèo cũng chết mà giàu cũng chết, dân chủ cũng chết mà độc tài cũng chết. Gay go nhất là việc xử lý nó không chỉ phụ thuộc vào riêng chúng ta, mà còn phụ thuộc vào các quốc gia khác. Ấy là nếu mọi người đều ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề đó nha! Còn trong tình hình hiện nay ý thức của dân tình ra sao, chúng ta đều biết. Dân các nước giàu như Mỹ thì nhất định không chịu dùng ít xe hơi hơn, tiêu thụ ít điện hơn, sản xuất ít hàng hóa hơn, tiêu dùng ít hơn. Dân các nước nghèo như Việt Nam tìm đủ mọi cách chặt phá nốt số rừng hiếm hoi còn lại, đổ chất độc xuống sông cho cá và cho nhau uống. Vì quyền lợi ích kỷ của mình, Trung Quốc sẵn sàng làm đủ trò ở thượng nguồn các con sông. Vân vân và vân vân. Thế mới càng nguy!
Không khéo, chúng ta theo đuôi đám khủng long thì toi! Tôi chả muốn thấy cảnh vài triệu năm sau có một loài sinh vật nào đó đào bới các bộ xương đã hóa đá của chúng ta, và tìm hiểu nguyên nhân tuyệt chủng của một loài sinh vật cổ đại đứng thẳng trên hai chân, có rất ít lông trên người.
So với thảm họa môi trường thì mọi thứ khác chỉ là chuyện vặt vãnh, từ từ rồi sẽ giải quyết được hết. Con người đúng là điên khi trêu vào thiên nhiên!

2. Hầu như bất kỳ cái gì được làm ra trong 24h đều có thể bị hủy bỏ, làm lại trong 24h tiếp theo. Nếu thế thì làm làm gì cho phí công? Rắc rối ở chỗ người đặt câu hỏi không nói rõ, tình trạng sau 24h đó sẽ thế nào: có thể quay trở về tình trạng trước 24h đó, hay chỉ tiếp tục trạng thái đã được lập ra trong 24h đó?
Đã vậy thì, để cho chắc, tôi chọn những việc mà kết quả của nó không thể bị hủy bỏ. Ví dụ những việc thế này:
- Công bố các tài liệu, thông tin bị che giấu (ví dụ như các tài liệu liên quan tới cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm trong quá khứ, các vụ tham nhũng trong thời gian qua đã được “xử lý nội bộ” hoặc bị ỉm đi, danh mục tài sản, bồ bịch của quan chức v.v…), miễn sao các tài liệu, thông tin đó không xâm phạm an ninh quốc gia đúng nghĩa (không để cho ngoại bang lợi dụng gây hại cho đất nước, dân tộc ta);
- Lệnh cho vợ tôi im mồm trong suốt 24h đó. Thế vẫn hơi ít thì phải. Tôi sẽ nhốt vợ tôi và đám bạn gái của cô ấy vào trong một shop thời trang có đủ quần áo, giày dép, mũ mão hàng hiệu bậc nhất, nhưng không có một chiếc gương soi nào hết. Và cũng cấm mở mồm nói dù chỉ một lời trong suốt thời gian ở đó. Tôi biết đó là một hành vi hết sức độc ác, vô nhân đạo, nhưng… tôi đã mơ ước được làm điều đó suốt bao năm nay rồi!

3. Là người theo quan điểm duy vật marxist, tôi ít quy trách nhiệm cho các cá nhân, và cũng không trông chờ quá nhiều vào sự tự thay đổi ý thức của các cá nhân để đưa đến các thay đổi xã hội. Trái lại, tôi thường cố gắng xem xét các điều kiện kinh tế-xã hội, để từ đó lý giải sự biến chuyển trong ý thức xã hội, và suy đoán về tương lai.
Ví dụ thế này. Bất chấp nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam hiện nay là đất nước không có pháp luật, tôi cho rằng hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay đã đạt được một bước tiến lớn lao so với hai chục năm trước đây, và đang trong quá trình ngày một hoàn thiện.
Tại sao lại có sự biến chuyển đó? Theo quan điểm duy vật thì đó là đòi hỏi bức bách của xã hội đang chuyển mình, và các lực lượng vật chất xã hội đã buộc chính sách phải thay đổi.
Giả dụ, nếu nền kinh tế không chuyển sang kinh tế thị trường, các nguồn vốn nước ngoài không đổ vào Việt Nam, các khu công nghiệp không mọc lên, người dân tiếp tục loanh quanh ở quê nhà, hoặc sống dựa vào chế độ do Nhà nước phân phối, thì nhu cầu thay đổi chính sách đi lại, cư trú, đăng ký kinh doanh v.v… theo hướng tự do, thông thoáng hơn đã không trở nên bức xúc đến độ không thể không đáp ứng. Chứ không phải vì các công chức được đi học dăm ba tháng ở Mỹ và chợt nhận ra rằng nên làm như thế để đảm bảo quyền tự do đi lại, cư trú, kinh doanh của người dân như Hiến pháp quy định.
Từ quan điểm đó mà xét thì hình dung của tôi về Việt Nam trong các năm 2010, 2020 và 2030 như sau.
2010: Việt Nam vẫn tiếp tục con đường đổi mới và phát triển, dù trên con đường này liên tục diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa các lực lượng đối lập. Bất chấp nhiều ý kiến tiêu cực, tôi vẫn cho rằng năm 2010 Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Đáng chú nhất là sự kiện Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc, Vinashin bị phanh phui, dự án bauxite bị mổ xẻ tùm lum và bị kiến nghị dừng thực hiện. Rồi thì việc người dân kiện chính quyền (và đôi khi thắng) trở nên ngày một phổ biến. Vân vân. Nó cho thấy xã hội Việt Nam không còn thụ động nữa, chính quyền không còn tự tung tự tác tùy ý nữa, mà đã phải lắng nghe dư luận, và nhiều khi phải chấp nhận ý kiến của dư luận. Đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy Việt Nam năm 2010 đã khác rất nhiều so với năm 2000, và gần như là không tưởng đối với người sống ở thời kỳ trước 1980.
2020 – 2030: cứ đà này tiếp tục, thì ngoại trừ vấn đề môi trường luôn làm tôi lo ngay ngáy, năm 2020 Việt Nam sẽ phát triển hơn rất nhiều so với năm 2010, còn năm 2030 sẽ khá hơn năm 2020 nhiều nữa. Tôi luôn lạc quan tin như thế khi nhìn lại quá trình thay đổi của Việt Nam từ năm 1978 (tạm coi là thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, theo phân tích của Gs Đặng Phong) cho tới nay. Xu hướng cải cách mọi mặt – trước hết là kinh tế, rồi kéo theo nó là chính trị, văn hóa, giáo dục v.v…, đã trở thành một quá trình không thể đảo ngược, bất kể cá nhân hay nhóm người nào cầm quyền. Nếu những năm đầu tiên của quá trình đổi mới trở ngại lớn nhất là tư duy bảo thủ, giáo điều, thì hiện nay lực cản đó đã yếu đi rất nhiều. Việc ai trở thành Tổng Bí thư, Thủ tướng, ai vào Bộ chính trị  còn ai về quê đuổi gà, đối với tôi không thực sự có nhiều ý nghĩa, nhất là trong tình hình hiện nay, khi không có cá nhân nào tỏ ra xuất sắc vượt trội  kiểu như Napoleon Bonaparte hay Nguyễn Huệ, để có thể đè bẹp các lực lượng đối lập. Đất nước như một cái xe bò có rất nhiều người xúm vào, mỗi chú kéo một hướng nhằm mục đích riêng, nhưng hợp lực của chúng vẫn đưa chiếc xe tiến lên phía trước, dù có lúc nhanh lúc chậm, lúc ngả nghiêng.
Hết.
© 2010 Đoàn Tiểu Long
© 2010 talawas
---------------------------------------
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (20)Hoàng Linh Vương – Nguyễn Đăng Thường – Trần Mộng Tú
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (19)Nguyễn Ước – Phùng Nguyễn – Thuận
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (18)  - Lề Trái – Trịnh Hữu Tuệ - Trần Hà Tiệp
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (17) -  Trương Nhân Tuấn – Cổ Ngư – Lê Tuấn Huy
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (16) – Phạm Đình Trọng – Nguyễn Trọng Tạo – Lê Diễn Đức
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (15) -  Bùi Văn Phú – Trần Doãn Nho – Nguyễn Thanh Giang – Đào Tấn Phần
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (14)  -  Tống Văn Công – Nguyên Trường – Trần Thị Trường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (13)  -  Nguyễn Huệ chi – Nguyễn Lệ Uyên
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (12)  -  Lâm Hoàng Mạnh – Phạm Hồng Sơn – Ban Mai
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (11) -  Phong Uyên – Trần Trung Đạo
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (10) -  Song Chi – Lại Nguyên Ân – Trần Kiêm Đoàn
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (9)  -  Hà sĩ Phu – Khuất Đẩu
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (8)  -  Đinh Từ Thức – Nguyễn Trang Nhung
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (7)  -  Trần Vũ – Liêu Thái – Hồ Phú Bông
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (6)   -  Tống Văn Công – Lý Đợi
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (5)  -  Võ Thị Hảo – Nguyễn Chính – Nguyễn Thanh Giang
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (4)  - Trương Thái Du – Dương Tường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (3)  - Hoàng Hưng – Tieu Dao Bảo Cự
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (2)  - Dương Danh Huy – Bùi Tín – Lê Anh Hoài
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (1)   -  Phạm Toàn – Nguyễn Viện

.
.
.

No comments:

Post a Comment