Sunday, October 31, 2010

HỘI PHỤ NỮ ÂU CƠ TỔ CHỨC HỘI THẢO VÀ GÂY QUỸ CHO UỶ BAN BẢO VỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Việt Khánh
30-10-2010

San Jose, CA, 24 tháng 10, 2010:  Chỉ sau 1 tháng kể từ ngày ra mắt đồng hương tại Houston, Hội Phụ Nữ Âu Cơ (HPNAC) đã nhận lời mời của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động (UBBVNLĐ) và đứng ra tổ chức một buổi hội thảo và gây quỹ cho Ủy Ban tại thành phố San Jose, California.  Địa điểm tổ chức là một nơi quen thuộc đối với đồng bào tại địa phương, Trung Tâm VIVO, do Ông Ngô Đức Diễm làm Giám Đốc điều hành.  Chương trình được bắt đầu vào lúc 2:30 chiều Chúa Nhật, 24 tháng 10, 2010, với sự hiện diện của gần 100 thân hữu và các cơ quan truyền thông mặc dù bầu trời bên ngoài u ám với tin tức khí tượng tiên đoán một cơn mưa lớn sẽ trút xuống sau một tuần thời tiết thật đẹp tại Thung Lũng Hoa Vàng.
            Thành phần tham dự chương trình gồm những quan khách do Ban Tổ Chức chọn lọc và gửi thiệp mời.  Các Đài Truyền Hình gồm có Đài SBTN và Viên Thao.  Cơ Quan Truyền Thanh gồm có Chương Trình Phát Thanh Lương Tâm Công Giáo, và các đại diện Báo Giới gồm Báo Phụ Nữ, Báo Mõ San Francisco, Báo Nàng và Báo Ý Dân.  Mở đầu chương trình, một bé gái học sinh của Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang (TTVNVL) đã hát Quốc Ca Hoa Kỳ và Việt Nam với sự phụ giúp đồng ca của HPNAC và các cô giáo TTVNVL.  Sau phần nghi thức khai mạc, cô Thanh Trúc, người điều khiển chương trình đã mời các chị trong chiếc áo dài trắng lên đồng ca bản Hành Khúc PNAC trong nhịp vỗ tay của khán giả.  Kế tiếp, chị Phạm Thiên Thanh, Hội Trưởng HPNAC đã lên đọc diễn văn chào mừng quan khách cũng như tuyên bố lý do tổ chức buổi hội thảo và gây quỹ.  Nhân dịp này, chị Mễ Khuê, một nhân sự trong Ban Chấp Hành của HPNAC đã tuyên đọc bản Tuyên Ngôn của Hội với sự nối tiếp của một đoạn phim phỏng vấn nữ Luật Sư trẻ Lê Thị Công Nhân do Nha Sĩ Phạm Thùy Linh thực hiện qua hệ thống viễn liên.  Nội dung của cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề chúc mừng HPNAC ra đời đúng lúc đất nước Việt Nam đang cần những tiếng nói của phụ nữ hải ngoại (PNHN), và những công tác cụ thể mà PNHN có thể làm được khi “giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh”.  LS Công Nhân đã nhấn mạnh công tác cụ thể đó là vấn đề truyền thông, và yêu cầu HPNAC nên điều tra và tìm hiểu kỹ càng những vụ buôn bán và bóc lột công nhân tận gốc rễ để quảng bá cho mọi người trên khắp thế giới đều biết về sự tán tận lương tâm của chính quyền CSVN.
            Diễn giả danh dự đầu tiên là Nha Sĩ Chu Văn Cương đến từ Houston, Texas.  Trong phần nói chuyện tâm sự với cử tọa, NS Chu Văn Cương đã tường thuật tất cả những điều mắt thấy tai nghe khi Ông đi công tác cho UBBVNLĐ tại Mã Lai về tệ trạng buôn người của chế độ CSVN vào đầu năm ngoái.  Trăm nghe không bằng một thấy, NS Cương đã cho cử tọa thấy nhiều hình ảnh về đời sống của một số nam và nữ công nhân đang làm việc tại thành phố Melaka.  Trong số công nhân, cử tọa thấy có trường hợp hai thanh niên cùng sinh sống trong một căn phòng ngủ tại một xưởng nấu kim loại mà nhiệt độ lên đến trên 100 độ F khi phái đoàn của UBBV đến thăm.  Căn phòng chỉ lớn hơn một tấm nệm chút xíu với đồ đạc được treo vòng quanh trên tường và phía ngoài cửa ra vào.  Một trường hợp khác, phái đoàn đã đến thăm một căn chung cư hai phòng ngủ nơi mà hơn 30 phụ nữ trẻ VN đang chung sống chen chúc với nhau.  Một số cô đang bị bệnh nằm liệt giường không dậy nổi để nói chuyện với phái đoàn.  Các cô cho coi nhà bếp nhỏ tí tẹo, dơ bẩn và căn nhà tắm duy nhất không một tiện nghi như giấy vệ sinh, vòi nước tắm, vv…  mà phải cung ứng cho 30 người mỗi ngày.  Nhiều cử tọa đã không cầm được nước mắt và khóc sướt mướt khi trông thấy cảnh tượng những người đồng hương máu mủ đang phải sống một cuộc sống vất vả không kém gì súc vật.  NS Cương đã chấm dứt phần nói chuyện của Ông với những công việc và thành quả mà UBBVNLĐ đã và đang làm, và thúc dục mọi người góp một bàn tay để giúp cho UBBV có thêm tài chánh yểm trợ cho những cán bộ tình nguyện làm việc bên Mã Lai.  Những cán bộ này sẽ giúp cho những công nhân xuất khẩu VN biết thêm về những quyền căn bản của họ nơi xứ lạ quê người.  Được biết, NS Chu Văn Cương là Phó Chủ Tịch của UBBVNLĐ đặc trách Hoa Kỳ và cũng là Phó Chủ Tịch Ngoại Vận của Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam.
            Vị diễn giả danh dự thứ hai là Bà Jackie-Bong Wright đến từ tiểu bang West Virginia.  Bà cho biết, theo thống kê do Bà Suzette Mitchell, nhân viên của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam hiện đang có 300,000 phụ nữ xuất khẩu lao động tại 30 quốc gia trên thế giới, 250,000 nàng Kiều bán mình cho các ông chồng Hàn quốc và Trung Quốc, và 600,000 phụ nữ bị trả nợ cho Đông Âu và Liên Sô.  Những phụ nữ này bị ép buộc lao động một cách gián tiếp hay trực tiếp với mục đích duy nhất là nuôi gia đình và trả nợ cho môi giới ở VN.  Tại Mã Lai, Ông Tổng Thư Ký Liên Đoàn Lao Công Mã Lai cho biết có hơn 150,000 công nhân VN bị chủ giữ giấy thông hành, trái với luật pháp hiện hành của quốc gia này.  Và vì không thông hiểu luật lệ, công nhân VN không được chủ cho tham gia vô nghiệp đoàn lao động, và nếu vi phạm, họ bị chủ sa thải hoặc thông đồng với cảnh sát để trù dập và đuổi họ về nước.
            Chương trình được trở qua phần phát biểu cảm tưởng với Bà Cao Thị Tình, Giám Đốc Chương Trình Phát Thanh Lương Tâm Công Giáo.  Bắt đầu bằng 4 câu thơ:  "Thủa trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên, Xanh kia thăm thẳm tầng trên, Vì ai gây dựng cho nên nỗi này", bà nói chính chế độ CSVN đã đưa những người phụ nữ tay yếu chân mềm đi làm lao công cho ngoại bang và đã tạo ra cảnh bán thân nuôi miệng ngày hôm nay.  Ông Huỳnh Lương Thiện, Chủ Nhiệm tờ Báo Mõ San Francisco, đã phát biểu như sau: "... dưới chế độ CSVN, sinh ra ở VN đã là khổ rồi, sống tại VN đã là khổ rồi, thất nghiệp đã là khổ rồi, mà có công ăn việc làm nhiều khi lại còn khổ hơn nữa, vì thế sự ra đời của UBBVNLĐ là một sự cần thiết cấp bách và rất cần sự hổ trợ của chúng ta, và sự ra đời của HPNAC thật là đúng thời đúng lúc ..."  Vị nữ tu Chu Tuyết Mai, thuộc dòng tu Daughters of Charity of St. Vincent DePaul và là một thành viên trong Hội Đồng Quản Trị Bệnh Viện O’Connor, đã tuyên bố: "... tuy tôi không sinh hoạt với người VN, nhưng trái tim và giòng máu của tôi vẫn là người Việt Nam."  Bà rất hãnh diện khi có những phụ nữ VN tại hải ngoại thành lập HPNAC và điều này đã làm cho Bà nhớ đến những anh thư VN như Bà Trưng, Bà Triệu.
Phần thảo luận do Giáo Sư Ngô Đức Diễm điều hợp với sự góp ý của Ông Nghệ Lữ, đại diện cho ĐTH SBTN, bà Cao Ánh Nguyệt, chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ báo Phụ Nữ, bà Hường, đại diện cho Hội Cao Niên ViVo, bà Kathy Trần, nhà văn, bà Cao Thị Tình, Chương Trình Phát Thanh Công Giáo và cũng là một nhà văn, bà Phạm Bội Hằng, điều hợp viên của Employment Connection của County, và Ông Phạm Vạn Bình, chủ nhiệm báo Ý Dân.  Nội dung thảo luận rất sôi nổi và cảm động với sự nuối tiếc rằng chương trình này không được phổ biến rộng rải hơn để thu hút thêm đồng hương đến tham dự.  Sự đóng góp cảm tưởng của đông đảo các đại diện giới truyền thông đã làm cho khán giả chăm chú nghe đến giờ chót.  Một số cử tọa đã yểm trợ một cách cụ thể hơn bằng cách tặng hiện kim cho Ban Tổ Chức.  Tổng cộng số tiền thu được trong buổi thảo luận và gây quỹ được BTC công bố là $900 Mỹ-kim, và đã được chị Phạm Thiên Thanh đích thân trao lại cho chi Jackie Bông.  Mặc dù số tiền tuy ít ỏi, nhưng với những tấm lòng chân thành và tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chắc chắn là sẽ làm cho những công nhân VN đang lao động nước ngoài vơi đi nỗi sầu cảm vì biết rằng ở hải ngoại cũng còn có những người còn đang nghĩ đến mình.
Chương trình đã được chấm dứt trong nỗi bùi ngùi sót thương cho thân phận của những người con xấu số của mẹ Âu Cơ, tuy sanh ra cùng một giòng máu, nhưng hoàn cảnh nghiệt ngã đã đưa đẩy họ vào trong một cuộc sống không có lối thoát.  Sinh hoạt hàng ngày của họ chỉ quanh quẩn lòng vòng như một chiếc bánh xe luân hồi ngày càng mòn mỏi cho tới khi nào bị kiệt quệ, không còn sức lực.  Sáng thức dậy, họ lao đầu vào công việc.  Tối trở về, họ ăn vội miếng cơm rồi đi ngủ để dưỡng sức cho ngày mai lao động tiếp.  Hàng trăm ngàn công nhân trẻ, tuổi từ 18 đến 25, chôn vùi tương lai nơi xứ lạ quê người , đổi sức lao công để lấy tiền nuôi gia đình đang sống quằn quại ở quê nhà.  Đau ốm, bệnh hoạn,  bị kỳ thị, áp bức, họ không biết nhờ cậy vào ai.  UBBVNLĐ kêu gọi quý vị đồng hương hãy lắng nghe tiếng nói lương tâm của mình và đóng góp tài chánh để UBBV có khả năng nuôi dưỡng cán bộ tại Mã Lai nhằm trợ giúp cho những người công nhân VN đang bị bóc lột sức lao động, và các phụ nữ trẻ tuổi đang phải bán thân để kiếm sống.  Xin quý vị vô trong website: baovelaodong.com để tìm hiểu thêm chi tiết.

Việt Khánh tường trình từ San Jose, CA.
.
.
.

No comments:

Post a Comment