Sunday, October 31, 2010

DỪNG DỰ ÁN BÔ XÍT TÂY NGUYÊN: ĐƯỢC VÀ MẤT (Tô Văn Trường)

Tô Văn Trường
01-11-2010

Phản biện xã hội và được mất khi dừng dự án bô-xít

Tạm dừng dự án bô-xít như kiến nghị của đại đa số nhân dân, cái được lớn đến mức không có gì so sánh được. Nhiều cái mất đi là những cái được rất quý: Mất mà là được.

Khi con người tác động vào tự nhiên bao giờ cũng có hai mặt được và mất. Đây là bài toán đánh đổi, đòi hỏi phải làm sao cho cái được lớn nhất và cái mất là ít nhất. Làm việc thì đương nhiên có thành công và có thất bại, có công và kể cả có tội hay gọi là “lỗi” cho nhẹ. Nhưng ở nước ta do cơ chế chính sách chưa hoàn thiện giữa quyền hạn, quyền lợi và trách nhiệm nên nhiều việc lớn, nhạy cảm, khi xảy ra sự cố, người ta luôn có cách để “thoát hiểm”.
Quả thật, chuyện dự án bô xít Tây Nguyên gây nên sự bức xúc trong nhân dân, đang lên đến đỉnh cao trào và là phép thử thực sự cho tiến trình dân chủ của đất nước. Nhiều chuyên gia, nhân sỹ, trí thức và đông đảo nhân dân ở trong và ngoài nước đã đồng loạt kiến nghị Đảng và Nhà nước dũng cảm dừng dự án khai thác bô xít Tây Nguyên dựa trên nhiều phân tích sâu sắc ở các góc độ khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường rất khách quan và thuyết phục. Kiến nghị đó được sự đồng thuận và nhất trí rất cao của nhân dân.

Tôi không biết ai đặt ra chữ phản biện, vì nhiều người cho rằng nó xuất xứ từ chữ “counter-argument”. Chúng ta đều biết rằng người phản biện không phải bao giờ cũng là người chống lại bằng cách vạch ra những sai hỏng, những yếu kém của đề án, của công trình, mà nhiều khi người phản biện đồng tình, hoan nghênh, ca ngợi đề án hoặc công trình, và bao giờ người phản biện cũng nêu cả hai mặt ưu điểm và khuyết điểm của đề án, của công trình, rồi đề ra giải pháp khắc phục. Theo đó phê phán không chỉ có nghĩa là phản đối, mà có nghĩa rộng hơn cùng với vạch ra sai hỏng và khuyết điểm còn bao gồm cả bình luận, đánh giá, phát hiện, biểu dương, tiếp thu những ưu điểm và khơi gợi những ý tưởng mới để tiếp tục khai phá.
Phản biện là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Phản biện vô cùng cần thiết đối với bất cứ xã hội nào để ổn định và phát triển bền vững. Phản biện xã hội là sự đóng góp một cách khách quan, từ nhiều góc độ nhằm giúp cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện, đầy đủ và chính xác hơn vì lợi ích của cả dân tộc, của đất nước. Ngoài ra, phản biện xã hội còn giúp cho Chính phủ củng cố niềm tin và sự ủng hộ của dân chúng trong các quyết sách thông qua việc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của người dân thành hành động cụ thể.
Vấn đề phản biện xã hội được đề cập rất nhiều trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước, đơn cử như Nghị quyết Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam ghi rõ “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân" (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 125). Quan trọng và rõ ràng hơn, thể hiện sự khẳng định của Đảng là : "Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ (như trên, trang 135). Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) chuẩn bị trình Đại hội XI của Đảng cộng sản Việt Nam nêu rõ : "Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội". Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020" chuẩn bị trình Đại hội XI cũng nhấn mạnh: "Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là về các chính sách kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan trọng. Quy định chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước nhân dân". Dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị trình Đại hội XI có câu : "Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở, giám sát và phản biện xã hội;"

Đọc những câu trên đây trong văn kiện của Đảng , so sánh những câu ấy với nhau, đối chiếu với những việc làm của Đảng, của Nhà nước và với thực tế gần 5 năm qua, từ giữa tháng 4 năm 2006 đến cuối tháng 10 năm 2010, thấy rõ có nhiều điều rất đáng suy ngẫm. Đảng và Nhà nước đã khởi xướng, khuyến khích xã hội dân sự và động viên người dân phản biện xã hội. Với sự tham gia của nhân dân, Đảng và Nhà nước xây dựng và nghiêm chỉnh thực hiện quy chế xã hội dân sự và người dân phản biện xã hội, nội dung chủ yếu của quy chế ấy là : khi nhận được ý kiến phản biện xã hội, Đảng và Nhà nước nghiên cứu kỹ và trả lời chính thức, tùy loại vấn đề, sau một thời gian nhất định, phần nào đồng ý thì đưa vào chương trình hoạt động và thi hành ngay, phần nào chưa đồng ý thì đối thoại bình đẳng, thẳng thắn với tổ chức hoặc người phản biện xã hội để đi đến đồng thuận. Xã hội dân sự không bao gồm cá nhân từng người. Tác nhân phản biện xã hội rộng hơn xã hội dân sự, là các tổ chức của xã hội dân sự và cá nhân từng người, trong đó có thể có, và ở ta đã từng có, sự phản biện xã hội của cả những công chức nhà nước và cả các nhân sĩ là đảng viên.

Nhân dân tiến hành phản biện xã hội đích đáng, có hiệu quả cao là một công trình lâu dài, gắn liền với dân tâm, dân trí, dân sinh, dân quyền được nâng cao, gắn liền với sức chủ động và sáng kiến của dân tộc, với sự tận tụy và tài năng của những người phục vụ dân tộc trong công cuộc phản biện xã hội này. Phản biện xã hội đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, và nhất là đòi hỏi sự chuẩn bị chuyên nghiệp, trí tuệ, quan niệm đúng, cách làm đúng, bước đi thiết thực, không phải là ồn ào, sốc nổi kiểu phong trào và chiến dịch mà có thể thành công. Suy cho cùng phản biện xã hội là ý thức trách nhiệm của công dân đối với sự phát triển của đất nước.

Nhờ có phản biện xã hội, người dân mới biết được thực trạng tình hình của đất nước. Dự án bô xít Tây Nguyên là một dự án gây chia rẽ sâu sắc nhất trong lòng người dân Việt Nam, đặc biệt giữa “chức sắc” và nhân sĩ, trí thức. “Con tầu bô xít” đang ì ạch chuẩn bị ra khơi, dù chưa bị đắm như Vinashin nhưng hình như chủ và lái tàu đã cảm nhận được sự bất an, nguy hiểm và tìm cách đổ lỗi cho người chủ trương đóng tầu. Bằng chứng là thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang phát biểu :”Chuyển nhà máy xuống bờ biển về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế thì đưa xuống biển là hợp lý nhất. Nhưng Bộ Chính trị yêu cầu để trên Tây Nguyên vì không chỉ là yếu tố kinh tế mà còn là yếu tố xã hội. Để nhà máy trên đó giúp phát triển Tây Nguyên. Chính vì thế hiệu quả kinh tế không cao và giờ thêm khảo sát, thuê tư vấn xem xét lại, tính thêm phương pháp thải khô thì chưa biết sẽ tác động đến hiệu quả thế nào, chắc chỉ tác động xấu đi thôi…”.

Dự án bô xít liên quan đến việc sử dụng tiền thuế của dân cho nên người dân có quyền đặt ra các câu hỏi :
Một là: Theo nguyên lý nhà kinh doanh, cụ thể là Bộ Công thương và Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV), khi tiến hành dự án là phải tính làm sao cho có lãi, nhà đầu tư dù phải tuân thủ chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước, nhưng “nhiệm vụ chính trị” phải chăng là trách nhiệm của các chính khách trước quốc dân?
Hai là: Xin hỏi riêng ông Thứ trưởng: (1) Nội dung quyết định của Bộ Chính trị cụ thể là như thế nào? (2) Bộ Chính trị quyết định khi nào, tại cuộc họp nào ? (3) Có văn bản quyết định không ? Văn bản do ai ký ? Ban hành vào thời gian nào?

Thực tế đang diễn ra cho thấy những phản biện xác đáng và thuyết phục, của đông đảo nhân dân về bô xít Tây nguyên đã không được Quốc hội và Chính phủ coi trọng đúng mức. Người dân không được thấy có biểu hiện nào thể hiện phản biện xã hội đã được chấp nhận như một trong những quy trình phát triển đất nước như các văn kiện của Đảng ta kỳ vọng. Nhiều người dân chỉ được biết đến dự án khi được đọc các lá thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Đảng và Chính phủ. Có thể nói những dòng tâm huyết của Võ đại tướng về vấn đề này đã gây tiếng vang lớn trong xã hội. Nhiều tầng lớp nhân dân xưa nay vốn bàng quan và thụ động với các dự án vĩ mô, nay cũng phải để tâm và nhiều người đã sôi nổi góp ý kiến với Đảng và Chính phủ.

Nếu bây giờ dừng dự án bô xít được và mất gì? Cái mất là mất tiền đã đầu tư vào dự án, làm thất vọng những người trong cuộc, ủng hộ dự án, kể cả đối tác và quyền lợi của một số nhóm lợi ích. Cái được mà ai cũng nhận thấy là được lòng dân, không tiếp tục đổ tiền, lãng phí tiền thuế của dân vào một dự án không hiệu quả về kinh tế, tác động xấu đến môi trường, bất an về xã hội, phá hỏng nền văn hóa Tây Nguyên. Cái được ở đây còn là dịp để Chính phủ dẹp loạn tham mưu và làm ẩu của nhóm người không nghĩ đến quyền lợi của dân tộc, của đất nước. Rà soát mục tiêu phát triển dự án, nếu quyền lợi dân tộc và đất nước được minh bạch và bảo đảm thì cũng là dịp cho những người lãnh đạo được vẻ vang với nhân dân.
Lệnh tạm đình chỉ dự án, để nghiên cứu một cách toàn diện, đánh giá một cách độc lập khách quan toàn bộ dự án sẽ làm người dân tin tưởng ở Chính phủ, đây là điều không tiền bạc nào có thể mua được. Nếu sau khi nghiên cứu mà kết quả là phải đình hẳn thì hoàn toàn đủ lý do giải thích cho đối tác hiểu rằng bất cứ Chính phủ nước nào muốn tồn tại cũng phải được lòng dân, phải nghe dân.
Việt Nam rất thành công trong cương vị chủ tịch ASEAN năm 2010, đóng góp quan trọng vào một bước tiến mới tích cực của ASEAN. Về mặt đối nội, lợi thế này hoàn toàn cho phép Chính phủ xử lý đúng đắn vấn đề bô xít. Đây cũng là thời cơ thực hiện những biện pháp mạnh để dứt điểm hậu quả Vinashin, sẽ là bài học cần có cho các nhà quản lý, chắc chắn sẽ nâng cao uy tín của Chính phủ. Lựa chọn tối ưu lúc này đối với Chính phủ là thể hiện bản lĩnh sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thẳng thắn mưu cầu giải pháp đối với thách thức và chính trực trong hành động.
Quốc hội đã đi tiên phong trong việc bỏ phiếu dừng dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Nếu Chính phủ cho tạm dừng dự án bô xít chính là khởi động cho xã hội dân sự phát triển mạnh mẽ. Đây sẽ là một điểm son trong lòng dân tộc, là bước đi tất yếu trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn từ năm 1945 đó là xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dân sẽ giàu và nước sẽ mạnh.

Thay lời kết:
Câu chuyện bô xít vốn là việc day dứt không yên ở nước ta trong nhiều năm qua, nay lại đang “dậy sóng” vì sự kiện bùn đỏ Hungary. Vì sao biết dự án có nhiều mất hơn là được nhưng một số người có trách nhiệm vẫn “đam mê” thực hiện bất chấp ý nguyện của nhân dân!? Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, người dân không được biết ngọn ngành nguyên nhân xuất xứ và quá trình tiến hành cam kết khai thác bô xít ở Việt Nam với đối tác nước ngoài. Có lẽ đối với vấn đề “nhạy cảm” không cần phải truy tìm tận gốc nguyên nhân, đây là một trường hợp mà sự vắng mặt chính là sự có mặt nổi bật nhất, giàu ý nghĩa nhất. Phải tin rằng chẳng những các chính khách, các nhà khoa học, và tầng lớp trí thức mới đọc, mới hiểu mà mọi người dân Việt, dù ở trình độ nào, dù biết nhiều biết ít cũng sẽ cảm được những ý tứ sâu xa trong nhiều điều đã không được viết ra.
Tạm dừng dự án bô xít như kiến nghị của đại đa số nhân dân, cái được lớn đến mức không có gì so sánh được. Điều đáng nghĩ là những cái mất. Mất tiền mà được kinh nghiệm cho đời đời con cháu lại là cái được dù phải trả giá. Không ai oán trách việc mất mát khi làm điều phải. Cái được cái mất bao giờ cũng là bài toán cho ra nhiều lời giải. Mất mà lại được. Lòng dân đã rõ. Người dân đang mong ước bước chuyển đổi lớn trong tư duy của người lãnh đạo với tinh thần đã làm nên sức mạnh cho dân tộc ta từ ngàn xưa trong gian nan thử thách là hãy trung với nước và hãy hiếu với dân.

* Trên đây là bản do tác giả gửi Nguyễn Xuân Diện-Blog.
Bản đăng báo, tại đây.
--------------------------


http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/11/ngay-at-nuoc-rong-kinh-toi-ngoi-khoc.html


.
.

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (21)

Trần Hoàng Lan
01/11/2010 | 12:37 sáng

Một cuộc chia tay
Một cuộc chia tay của những người chưa từng gặp nhau
Một cuộc chia tay không nói khi nào gặp lại,
cũng không bảo rằng xa nhau mãi mãi.
Một cuộc chia tay mà mỗi bài viết,
mỗi câu trả lời,
mỗi phản hồi
và cả những lặng im,
đều là những lời giã biệt.
Một cuộc chia tay hẹn nhiều cuộc gặp khác.
Đó là cuộc chia tay của talawas
với độc giả của diễn đàn.

Nếu có nói thêm vài lời tiếc nuối nữa thì cũng không ngăn cản được quyết định đóng cửa diễn đàn vào ngày 3/11 tới của ban chủ nhiệm, vì vậy lời từ biệt của tôi sẽ là phỏng đoán về lý do mà diễn đàn đóng cửa. Sự phỏng đoán của một thành viên tham gia chưa đầy ba tháng, viết được vài bài cho diễn đàn nhưng có tới một nửa trong số đó không được duyệt, mong sẽ được ban chủ nhiệm, độc giả châm chước, chấp nhận nó là lời từ biệt. Tôi sẽ phỏng đoán lý do diễn đàn đóng cửa bằng phương pháp loại trừ.

talawas cùng một số diễn đàn như Dan Luan, Nhân Quyền Cho Việt Nam , Bauxite Việt Nam  … đã thu hút được rất nhiều độc giả, bởi nó đã đem đến cho độc giả, nhất là các độc giả trong nước những thông tin mà nhà nước cố tình bưng bít che giấu, những quan điểm, những cách nhìn đa dạng về mọi vấn đề, điều mà chỉ trong môi trường tự do báo chí, tự do ngôn luận mới có được. Vì vậy một bức tường lửa của an ninh nhà nước xung quanh những trang mạng này được thiết lập nhằm ngăn cản các độc giả trong nước truy cập. Nhưng chính bức tường lửa này lại trở thành “bức tường hào quang” vinh danh các trang mạng, trong đó có talawas. Việc độc giả trong nước vượt tường lửa để đến với các trang mạng đó đã thành một công việc không quá khó khăn. Trang mạng talawas cũng đã nhiều lần bị tin tặc đánh phá phải ngừng hoạt động, nhưng sau mỗi lần phục hồi, độc giả lại được thấy nó cuốn hút hơn trước. Như vậy lý do đầu tiên là trang mạng thường xuyên bị ngăn cản truy nhập bằng tường lửa, thường xuyên bị tin tặc đánh phá dẫn tới phải tuyên bố đóng cửa được loại trừ.


Lý do thứ hai là ban chủ nhiệm, ban biên tập đã quá mệt mỏi với những công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của diễn đàn. Đây là lý do mà nếu là thật thì nó sẽ là một thất vọng cho những người Việt Nam đang tranh đấu cho một nước Việt Nam có tự do dân chủ thực sự, nhưng tôi tin vào ban chủ nhiệm, ban biên tập. Do vậy tôi sẽ không chấp nhận lý do này.

Lý do thứ ba là phỏng đoán của tôi và có lẽ cũng là lý do mà nhiều độc giả mong đó là lý do thực sự: Diễn đàn talawas đóng cửa để thay thế bằng một diễn đàn mới hứa hẹn nhiều hấp dẫn, thú vị cho độc giả, nhất là những độc giả quan tâm tới cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ cho Việt Nam.
Sau đây là phần trả lời phỏng vấn các câu hỏi của talawas.

I.
1. Vấn đề đầu tiên và cũng hệ trọng nhất là chế độ độc tài đảng trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được cầm đầu bởi một tập thể lãnh đạo bất tài, bảo thủ, giả dối, tham lam đã tồn tại quá lâu, từ đó gây ra vô số các hệ lụy, cũng chính là các vấn đề hệ trọng của Việt Nam ngày nay. Xin đơn cử:
2. Chính trị, xã hội, môi trường: Mặc dù biết cải cách chính trị sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển của đất nước nhưng vì sợ mất địa vị lãnh đạo, mất những đặc quyền đặc lợi của bản thân và gia đình, phe nhóm đang hưởng, tập đoàn lãnh đạo cộng sản vẫn khăng khăng duy trì một thể chế chính trị lỗi thời, cấm đoán hạn chế những quyền tự do của người dân, đàn áp tôn giáo, đàn áp phong trào đấu tranh vì tự do dân chủ vì tiến bộ của đất nước. Luật pháp không nghiêm, tham nhũng tràn lan, cùng với các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, mê tín dị đoan ngày càng trở thành phổ biến góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề là hậu quả của những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế bất chấp tác động xấu cho môi trường mà chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên là một điển hình. Sự biến đổi khí hậu cộng với sự dốt nát trong quy hoạch, xây dựng của lãnh đạo làm tăng thêm mức độ tàn phá của thiên tai. Ngập lụt ở Sài Gòn, Hà Nội, lũ lụt miền Trung trong những năm vừa qua xuất hiện ngày càng nhiều, gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
3. Kinh tế: Có tăng trưởng nhưng không bền vững: tăng trưởng do bán tài nguyên thô, tăng trưởng do thu hút nước ngoài đầu tư nhưng không chú trọng tới môi trường. Các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ gây lãng phí tiền của, tài nguyên của đất nước nhưng vẫn được nhà nước để cho tồn tại, ưu tiên vốn và các lợi thế để cạnh tranh với kinh tế tư nhân. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Một bên là những cán bộ quyền chức của Đảng, nhà nước cùng họ hàng phe cánh nắm trong tay mọi cơ hội làm giàu, từ cơ hội tham nhũng đến những chủ trương chính sách tự tay ban hành, một bên là nhân dân nghèo khổ bị bần cùng hóa, bị cả “tư bản đỏ” và tư bản nước ngoài bóc lột. Nợ nước ngoài nhiều: ngoài Vinashin còn có thể có rất nhiều các tập đoàn nhà nước khác cũng có những món nợ khổng lồ nhưng chưa được công khai và khi có một biến động về tài chính nào đó, Việt Nam rất có thể lâm vào hoàn cảnh như của Hy Lạp vừa qua.
4. Văn hóa, giáo dục: Giáo dục lạc hậu do sai về triết lý. Bệnh thành tích, dối trá trong giáo dục ngày càng trầm trọng, được cả một guồng máy lãnh đạo Đảng và nhà nước ngầm khuyến khích dưới các hình thức thi đua, khen thưởng. Văn hóa suy đồi, các giá trị văn hóa tốt đẹp bị đảo ngược.
5. Chủ quyền, an ninh: Chủ quyền, an ninh đất nước bị đe dọa nghiêm trọng qua những sự kiện để Trung Quốc lấn chiếm biên giới, hải đảo, cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên biển Đông, mua rừng đầu nguồn sát biên giới, khai thác bauxite ở Tây Nguyên, trúng thầu các công trình trọng điểm.

II.
Những việc đầu tiên cần làm theo thứ tự sẽ là:
thả hết tù chính trị;
bãi bỏ ngay lập tức các điều luật ngăn cấm, hạn chế các quyền tự do của người dân đã được nêu trong các công ước của quốc tế;
trung lập hóa lực lượng vũ trang;
kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để duy trì ổn định xã hội;
thành lập chính phủ lâm thời điều hành đất nước;
chuẩn bị để đưa ra trưng cầu dân ý về bãi bỏ điều 4 hiến pháp và tương lai chính trị của Việt Nam.

III.
Năm 2010 đã gần qua. Năm 2020 nếu Việt Nam xóa bỏ được chế độ cộng sản để thành lập một nhà nước dân chủ đa nguyên thì những di chứng, tàn tích của nó để lại về mọi mặt cho đất nước vẫn hết sức nặng nề, cần phải có một thời gian dài để khắc phục hậu quả và như vậy phải tới năm 2030 Việt Nam mới căn bản trở thành một nước tự do dân chủ có nhiều tiến bộ về kinh tế.

© 2010 Trần Hoàng Lan
© 2010 talawas
.
.
.
Dũng Vũ
01/11/2010 | 5:37 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
__________

Dũng Vũ

1.
Theo tôi, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là:
Lãnh đạo thiếu tài đức, độc đoán, còn mê muội chủ nghĩa.
Xã hội thoái hóa (giàu nghèo chênh lệch, đạo đức suy đồi, dân trí xuống dốc).
Người Việt chủ quan, không biết mình còn yếu.
Thiếu nhân tài xây dựng đất nước.
Hiểm họa Trung Quốc xâm lăng.
2.
Tôi không phải là người làm chính trị và cũng không có tham vọng cầm quyền. Tôi chỉ có một suy nghĩ nhỏ sau đây muốn chia sẻ với mọi người:
Xưa nay chúng ta chém giết nhau chỉ vì chủ thuyết cộng sản vốn được cho là nhân đạo. Chiến tranh đã qua nhưng hận thù vẫn còn, xung đột ý thức hệ vẫn còn kéo dài cho đến giờ này. Người lãnh đạo vẫn chuyên chính, cuồng tín, mặt khác đạo đức lại tha hóa, mâu thuẫn với lý tưởng. Không riêng người lãnh đạo mà toàn xã hội cũng xuống cấp, con người trở nên tàn nhẫn, sống thiếu tử tế với nhau, dân tộc thiếu đoàn kết, thiếu thực lực trong khi kẻ thù Trung Quốc ngày càng mạnh và đang muốn nuốt chửng chúng ta.
Hơn nửa thế kỷ đánh nhau, thù hận nhau chỉ vì các thứ ngoại lai đã đủ rồi. Kể từ nay, chúng ta phải trở về con người Việt của mình. Người Việt không cần chủ thuyết cộng sản dạy tính nhân đạo bởi vì tính người Việt đã nhân đạo, sống biết để ý đến mọi người. Người Việt không cần chủ thuyết cộng sản dạy chủ nghĩa xã hội bởi vì người Việt đã là xã hội chủ nghĩa.
Kể từ nay, chúng ta hãy từ bỏ những gì đã làm hại mình, hãy quên đi quá khứ xấu xí. Chúng ta sẽ bắt tay xây lại một Việt Nam mới đúng theo văn hóa, bản tính của mình: Một Việt Nam mới hòa bình, nhân bản, thân thiện với thế giới. Một Việt Nam mới trung lập, hạnh phúc, giàu mạnh, hiện đại hài hòa với con người và thiên nhiên.
3.
Đến năm 2020: Chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc bùng nổ. Việt Nam mất Trường Sa. Rừng Tây nguyên, nơi khai thác bauxite, bị phá hủy hoàn toàn. Hằng năm lũ lụt, bùn đỏ tràn về tàn phá, làm ô nhiễm toàn vùng duyên hải miền Trung. Dân chúng lánh nạn về miền Nam. Miền Trung biến thành đất hoang.
Đến năm 2030: Trung Quốc trở thành cường quốc, thành lập phe “tân Xã hội chủ nghĩa”. Đảng Cộng sản Việt Nam ngả theo Trung Quốc. Việt Nam thành Tây Tạng thứ hai, làm vựa lúa và quặng mỏ cho Trung Quốc. Một cộng đồng lai giống Việt-Hoa trên Tây nguyên nổi lên đòi tự trị.
© 2010 Dũng Vũ
© 2010 talawas
.
.
.

Đoàn Tiểu Long
01/11/2010 | 1:58 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Đoàn Tiểu Long

1. 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì ư? Trước hết, có thể hiểu “vấn đề” ở đây theo nghĩa tiêu cực, tức là một vấn nạn cần giải quyết. Ui chao, thế thì nhiều lắm! Lại cũng có một số người hiểu theo nghĩa “trạng thái cần sáng tạo ra”, ví dụ như phải kiến lập một chế độ dân chủ, pháp quyền, một nền giáo dục tiên tiến chẳng hạn.
Tôi thì hiểu theo cách thứ nhất. Vấn nạn thì cứ gọi là vô thiên lủng, nhưng cái nào mới đáng gọi là hệ trọng nhất? Theo tôi, đó là vấn nạn liên quan đến sự tồn vong của cả dân tộc.
Nếu vậy thì những vấn đề như chế độ độc đảng, đạo đức xuống cấp, sự bất cập của đủ mọi thứ, kể cả nguy cơ ngoại xâm, chiến tranh v.v… như nhiều người đưa ra, vẫn chưa đáng gọi là hệ trọng nhất. Độc đảng ư, tôi không nghĩ là dân tộc Việt Nam này sẽ tiêu vong vì chế độ độc đảng. Chế độ độc đảng có thể khiến đất nước trì trệ, thiếu dân chủ, tự do; nó có thể đẻ ra, nuôi dưỡng tình trạng tham nhũng nặng nề v.v…, nhưng tiêu vong thì không. Thì đấy, các nước mang danh xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu từng có chế độ độc đảng, nhưng có dân tộc nào tiêu vong đâu! Trung Hoa hàng ngàn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế, Việt Nam cũng gần nghìn năm, khác gì độc đảng, nhưng dân tộc Trung Hoa hay Việt Nam đâu có tiêu vong, kể cả trong những thời kỳ tệ hại nhất.
Thôi không dài dòng vòng vo nữa, đối với tôi vấn đề thảm họa môi trường là hệ trọng nhất. Nó không còn là một nguy cơ, mà là một hiện thực, và ngày càng trở nên khốc liệt. Nói theo kiểu Hegel thì “thảm họa môi trường” đã không còn ở cấp độ “khái niệm – Begriff”, mà đã dần thống nhất với “thực tại” để chuyển lên cấp độ “ý niệm – Idee”. Bão lũ, nước biển dâng, tầng ozon thủng, ô nhiễm môi trường v.v… ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nghèo cũng chết mà giàu cũng chết, dân chủ cũng chết mà độc tài cũng chết. Gay go nhất là việc xử lý nó không chỉ phụ thuộc vào riêng chúng ta, mà còn phụ thuộc vào các quốc gia khác. Ấy là nếu mọi người đều ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề đó nha! Còn trong tình hình hiện nay ý thức của dân tình ra sao, chúng ta đều biết. Dân các nước giàu như Mỹ thì nhất định không chịu dùng ít xe hơi hơn, tiêu thụ ít điện hơn, sản xuất ít hàng hóa hơn, tiêu dùng ít hơn. Dân các nước nghèo như Việt Nam tìm đủ mọi cách chặt phá nốt số rừng hiếm hoi còn lại, đổ chất độc xuống sông cho cá và cho nhau uống. Vì quyền lợi ích kỷ của mình, Trung Quốc sẵn sàng làm đủ trò ở thượng nguồn các con sông. Vân vân và vân vân. Thế mới càng nguy!
Không khéo, chúng ta theo đuôi đám khủng long thì toi! Tôi chả muốn thấy cảnh vài triệu năm sau có một loài sinh vật nào đó đào bới các bộ xương đã hóa đá của chúng ta, và tìm hiểu nguyên nhân tuyệt chủng của một loài sinh vật cổ đại đứng thẳng trên hai chân, có rất ít lông trên người.
So với thảm họa môi trường thì mọi thứ khác chỉ là chuyện vặt vãnh, từ từ rồi sẽ giải quyết được hết. Con người đúng là điên khi trêu vào thiên nhiên!

2. Hầu như bất kỳ cái gì được làm ra trong 24h đều có thể bị hủy bỏ, làm lại trong 24h tiếp theo. Nếu thế thì làm làm gì cho phí công? Rắc rối ở chỗ người đặt câu hỏi không nói rõ, tình trạng sau 24h đó sẽ thế nào: có thể quay trở về tình trạng trước 24h đó, hay chỉ tiếp tục trạng thái đã được lập ra trong 24h đó?
Đã vậy thì, để cho chắc, tôi chọn những việc mà kết quả của nó không thể bị hủy bỏ. Ví dụ những việc thế này:
- Công bố các tài liệu, thông tin bị che giấu (ví dụ như các tài liệu liên quan tới cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm trong quá khứ, các vụ tham nhũng trong thời gian qua đã được “xử lý nội bộ” hoặc bị ỉm đi, danh mục tài sản, bồ bịch của quan chức v.v…), miễn sao các tài liệu, thông tin đó không xâm phạm an ninh quốc gia đúng nghĩa (không để cho ngoại bang lợi dụng gây hại cho đất nước, dân tộc ta);
- Lệnh cho vợ tôi im mồm trong suốt 24h đó. Thế vẫn hơi ít thì phải. Tôi sẽ nhốt vợ tôi và đám bạn gái của cô ấy vào trong một shop thời trang có đủ quần áo, giày dép, mũ mão hàng hiệu bậc nhất, nhưng không có một chiếc gương soi nào hết. Và cũng cấm mở mồm nói dù chỉ một lời trong suốt thời gian ở đó. Tôi biết đó là một hành vi hết sức độc ác, vô nhân đạo, nhưng… tôi đã mơ ước được làm điều đó suốt bao năm nay rồi!

3. Là người theo quan điểm duy vật marxist, tôi ít quy trách nhiệm cho các cá nhân, và cũng không trông chờ quá nhiều vào sự tự thay đổi ý thức của các cá nhân để đưa đến các thay đổi xã hội. Trái lại, tôi thường cố gắng xem xét các điều kiện kinh tế-xã hội, để từ đó lý giải sự biến chuyển trong ý thức xã hội, và suy đoán về tương lai.
Ví dụ thế này. Bất chấp nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam hiện nay là đất nước không có pháp luật, tôi cho rằng hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay đã đạt được một bước tiến lớn lao so với hai chục năm trước đây, và đang trong quá trình ngày một hoàn thiện.
Tại sao lại có sự biến chuyển đó? Theo quan điểm duy vật thì đó là đòi hỏi bức bách của xã hội đang chuyển mình, và các lực lượng vật chất xã hội đã buộc chính sách phải thay đổi.
Giả dụ, nếu nền kinh tế không chuyển sang kinh tế thị trường, các nguồn vốn nước ngoài không đổ vào Việt Nam, các khu công nghiệp không mọc lên, người dân tiếp tục loanh quanh ở quê nhà, hoặc sống dựa vào chế độ do Nhà nước phân phối, thì nhu cầu thay đổi chính sách đi lại, cư trú, đăng ký kinh doanh v.v… theo hướng tự do, thông thoáng hơn đã không trở nên bức xúc đến độ không thể không đáp ứng. Chứ không phải vì các công chức được đi học dăm ba tháng ở Mỹ và chợt nhận ra rằng nên làm như thế để đảm bảo quyền tự do đi lại, cư trú, kinh doanh của người dân như Hiến pháp quy định.
Từ quan điểm đó mà xét thì hình dung của tôi về Việt Nam trong các năm 2010, 2020 và 2030 như sau.
2010: Việt Nam vẫn tiếp tục con đường đổi mới và phát triển, dù trên con đường này liên tục diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa các lực lượng đối lập. Bất chấp nhiều ý kiến tiêu cực, tôi vẫn cho rằng năm 2010 Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Đáng chú nhất là sự kiện Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc, Vinashin bị phanh phui, dự án bauxite bị mổ xẻ tùm lum và bị kiến nghị dừng thực hiện. Rồi thì việc người dân kiện chính quyền (và đôi khi thắng) trở nên ngày một phổ biến. Vân vân. Nó cho thấy xã hội Việt Nam không còn thụ động nữa, chính quyền không còn tự tung tự tác tùy ý nữa, mà đã phải lắng nghe dư luận, và nhiều khi phải chấp nhận ý kiến của dư luận. Đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy Việt Nam năm 2010 đã khác rất nhiều so với năm 2000, và gần như là không tưởng đối với người sống ở thời kỳ trước 1980.
2020 – 2030: cứ đà này tiếp tục, thì ngoại trừ vấn đề môi trường luôn làm tôi lo ngay ngáy, năm 2020 Việt Nam sẽ phát triển hơn rất nhiều so với năm 2010, còn năm 2030 sẽ khá hơn năm 2020 nhiều nữa. Tôi luôn lạc quan tin như thế khi nhìn lại quá trình thay đổi của Việt Nam từ năm 1978 (tạm coi là thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, theo phân tích của Gs Đặng Phong) cho tới nay. Xu hướng cải cách mọi mặt – trước hết là kinh tế, rồi kéo theo nó là chính trị, văn hóa, giáo dục v.v…, đã trở thành một quá trình không thể đảo ngược, bất kể cá nhân hay nhóm người nào cầm quyền. Nếu những năm đầu tiên của quá trình đổi mới trở ngại lớn nhất là tư duy bảo thủ, giáo điều, thì hiện nay lực cản đó đã yếu đi rất nhiều. Việc ai trở thành Tổng Bí thư, Thủ tướng, ai vào Bộ chính trị  còn ai về quê đuổi gà, đối với tôi không thực sự có nhiều ý nghĩa, nhất là trong tình hình hiện nay, khi không có cá nhân nào tỏ ra xuất sắc vượt trội  kiểu như Napoleon Bonaparte hay Nguyễn Huệ, để có thể đè bẹp các lực lượng đối lập. Đất nước như một cái xe bò có rất nhiều người xúm vào, mỗi chú kéo một hướng nhằm mục đích riêng, nhưng hợp lực của chúng vẫn đưa chiếc xe tiến lên phía trước, dù có lúc nhanh lúc chậm, lúc ngả nghiêng.
Hết.
© 2010 Đoàn Tiểu Long
© 2010 talawas
---------------------------------------
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (20)Hoàng Linh Vương – Nguyễn Đăng Thường – Trần Mộng Tú
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (19)Nguyễn Ước – Phùng Nguyễn – Thuận
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (18)  - Lề Trái – Trịnh Hữu Tuệ - Trần Hà Tiệp
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (17) -  Trương Nhân Tuấn – Cổ Ngư – Lê Tuấn Huy
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (16) – Phạm Đình Trọng – Nguyễn Trọng Tạo – Lê Diễn Đức
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (15) -  Bùi Văn Phú – Trần Doãn Nho – Nguyễn Thanh Giang – Đào Tấn Phần
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (14)  -  Tống Văn Công – Nguyên Trường – Trần Thị Trường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (13)  -  Nguyễn Huệ chi – Nguyễn Lệ Uyên
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (12)  -  Lâm Hoàng Mạnh – Phạm Hồng Sơn – Ban Mai
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (11) -  Phong Uyên – Trần Trung Đạo
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (10) -  Song Chi – Lại Nguyên Ân – Trần Kiêm Đoàn
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (9)  -  Hà sĩ Phu – Khuất Đẩu
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (8)  -  Đinh Từ Thức – Nguyễn Trang Nhung
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (7)  -  Trần Vũ – Liêu Thái – Hồ Phú Bông
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (6)   -  Tống Văn Công – Lý Đợi
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (5)  -  Võ Thị Hảo – Nguyễn Chính – Nguyễn Thanh Giang
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (4)  - Trương Thái Du – Dương Tường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (3)  - Hoàng Hưng – Tieu Dao Bảo Cự
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (2)  - Dương Danh Huy – Bùi Tín – Lê Anh Hoài
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (1)   -  Phạm Toàn – Nguyễn Viện

.
.
.

HỘI PHỤ NỮ ÂU CƠ TỔ CHỨC HỘI THẢO VÀ GÂY QUỸ CHO UỶ BAN BẢO VỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Việt Khánh
30-10-2010

San Jose, CA, 24 tháng 10, 2010:  Chỉ sau 1 tháng kể từ ngày ra mắt đồng hương tại Houston, Hội Phụ Nữ Âu Cơ (HPNAC) đã nhận lời mời của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động (UBBVNLĐ) và đứng ra tổ chức một buổi hội thảo và gây quỹ cho Ủy Ban tại thành phố San Jose, California.  Địa điểm tổ chức là một nơi quen thuộc đối với đồng bào tại địa phương, Trung Tâm VIVO, do Ông Ngô Đức Diễm làm Giám Đốc điều hành.  Chương trình được bắt đầu vào lúc 2:30 chiều Chúa Nhật, 24 tháng 10, 2010, với sự hiện diện của gần 100 thân hữu và các cơ quan truyền thông mặc dù bầu trời bên ngoài u ám với tin tức khí tượng tiên đoán một cơn mưa lớn sẽ trút xuống sau một tuần thời tiết thật đẹp tại Thung Lũng Hoa Vàng.
            Thành phần tham dự chương trình gồm những quan khách do Ban Tổ Chức chọn lọc và gửi thiệp mời.  Các Đài Truyền Hình gồm có Đài SBTN và Viên Thao.  Cơ Quan Truyền Thanh gồm có Chương Trình Phát Thanh Lương Tâm Công Giáo, và các đại diện Báo Giới gồm Báo Phụ Nữ, Báo Mõ San Francisco, Báo Nàng và Báo Ý Dân.  Mở đầu chương trình, một bé gái học sinh của Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang (TTVNVL) đã hát Quốc Ca Hoa Kỳ và Việt Nam với sự phụ giúp đồng ca của HPNAC và các cô giáo TTVNVL.  Sau phần nghi thức khai mạc, cô Thanh Trúc, người điều khiển chương trình đã mời các chị trong chiếc áo dài trắng lên đồng ca bản Hành Khúc PNAC trong nhịp vỗ tay của khán giả.  Kế tiếp, chị Phạm Thiên Thanh, Hội Trưởng HPNAC đã lên đọc diễn văn chào mừng quan khách cũng như tuyên bố lý do tổ chức buổi hội thảo và gây quỹ.  Nhân dịp này, chị Mễ Khuê, một nhân sự trong Ban Chấp Hành của HPNAC đã tuyên đọc bản Tuyên Ngôn của Hội với sự nối tiếp của một đoạn phim phỏng vấn nữ Luật Sư trẻ Lê Thị Công Nhân do Nha Sĩ Phạm Thùy Linh thực hiện qua hệ thống viễn liên.  Nội dung của cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề chúc mừng HPNAC ra đời đúng lúc đất nước Việt Nam đang cần những tiếng nói của phụ nữ hải ngoại (PNHN), và những công tác cụ thể mà PNHN có thể làm được khi “giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh”.  LS Công Nhân đã nhấn mạnh công tác cụ thể đó là vấn đề truyền thông, và yêu cầu HPNAC nên điều tra và tìm hiểu kỹ càng những vụ buôn bán và bóc lột công nhân tận gốc rễ để quảng bá cho mọi người trên khắp thế giới đều biết về sự tán tận lương tâm của chính quyền CSVN.
            Diễn giả danh dự đầu tiên là Nha Sĩ Chu Văn Cương đến từ Houston, Texas.  Trong phần nói chuyện tâm sự với cử tọa, NS Chu Văn Cương đã tường thuật tất cả những điều mắt thấy tai nghe khi Ông đi công tác cho UBBVNLĐ tại Mã Lai về tệ trạng buôn người của chế độ CSVN vào đầu năm ngoái.  Trăm nghe không bằng một thấy, NS Cương đã cho cử tọa thấy nhiều hình ảnh về đời sống của một số nam và nữ công nhân đang làm việc tại thành phố Melaka.  Trong số công nhân, cử tọa thấy có trường hợp hai thanh niên cùng sinh sống trong một căn phòng ngủ tại một xưởng nấu kim loại mà nhiệt độ lên đến trên 100 độ F khi phái đoàn của UBBV đến thăm.  Căn phòng chỉ lớn hơn một tấm nệm chút xíu với đồ đạc được treo vòng quanh trên tường và phía ngoài cửa ra vào.  Một trường hợp khác, phái đoàn đã đến thăm một căn chung cư hai phòng ngủ nơi mà hơn 30 phụ nữ trẻ VN đang chung sống chen chúc với nhau.  Một số cô đang bị bệnh nằm liệt giường không dậy nổi để nói chuyện với phái đoàn.  Các cô cho coi nhà bếp nhỏ tí tẹo, dơ bẩn và căn nhà tắm duy nhất không một tiện nghi như giấy vệ sinh, vòi nước tắm, vv…  mà phải cung ứng cho 30 người mỗi ngày.  Nhiều cử tọa đã không cầm được nước mắt và khóc sướt mướt khi trông thấy cảnh tượng những người đồng hương máu mủ đang phải sống một cuộc sống vất vả không kém gì súc vật.  NS Cương đã chấm dứt phần nói chuyện của Ông với những công việc và thành quả mà UBBVNLĐ đã và đang làm, và thúc dục mọi người góp một bàn tay để giúp cho UBBV có thêm tài chánh yểm trợ cho những cán bộ tình nguyện làm việc bên Mã Lai.  Những cán bộ này sẽ giúp cho những công nhân xuất khẩu VN biết thêm về những quyền căn bản của họ nơi xứ lạ quê người.  Được biết, NS Chu Văn Cương là Phó Chủ Tịch của UBBVNLĐ đặc trách Hoa Kỳ và cũng là Phó Chủ Tịch Ngoại Vận của Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam.
            Vị diễn giả danh dự thứ hai là Bà Jackie-Bong Wright đến từ tiểu bang West Virginia.  Bà cho biết, theo thống kê do Bà Suzette Mitchell, nhân viên của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam hiện đang có 300,000 phụ nữ xuất khẩu lao động tại 30 quốc gia trên thế giới, 250,000 nàng Kiều bán mình cho các ông chồng Hàn quốc và Trung Quốc, và 600,000 phụ nữ bị trả nợ cho Đông Âu và Liên Sô.  Những phụ nữ này bị ép buộc lao động một cách gián tiếp hay trực tiếp với mục đích duy nhất là nuôi gia đình và trả nợ cho môi giới ở VN.  Tại Mã Lai, Ông Tổng Thư Ký Liên Đoàn Lao Công Mã Lai cho biết có hơn 150,000 công nhân VN bị chủ giữ giấy thông hành, trái với luật pháp hiện hành của quốc gia này.  Và vì không thông hiểu luật lệ, công nhân VN không được chủ cho tham gia vô nghiệp đoàn lao động, và nếu vi phạm, họ bị chủ sa thải hoặc thông đồng với cảnh sát để trù dập và đuổi họ về nước.
            Chương trình được trở qua phần phát biểu cảm tưởng với Bà Cao Thị Tình, Giám Đốc Chương Trình Phát Thanh Lương Tâm Công Giáo.  Bắt đầu bằng 4 câu thơ:  "Thủa trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên, Xanh kia thăm thẳm tầng trên, Vì ai gây dựng cho nên nỗi này", bà nói chính chế độ CSVN đã đưa những người phụ nữ tay yếu chân mềm đi làm lao công cho ngoại bang và đã tạo ra cảnh bán thân nuôi miệng ngày hôm nay.  Ông Huỳnh Lương Thiện, Chủ Nhiệm tờ Báo Mõ San Francisco, đã phát biểu như sau: "... dưới chế độ CSVN, sinh ra ở VN đã là khổ rồi, sống tại VN đã là khổ rồi, thất nghiệp đã là khổ rồi, mà có công ăn việc làm nhiều khi lại còn khổ hơn nữa, vì thế sự ra đời của UBBVNLĐ là một sự cần thiết cấp bách và rất cần sự hổ trợ của chúng ta, và sự ra đời của HPNAC thật là đúng thời đúng lúc ..."  Vị nữ tu Chu Tuyết Mai, thuộc dòng tu Daughters of Charity of St. Vincent DePaul và là một thành viên trong Hội Đồng Quản Trị Bệnh Viện O’Connor, đã tuyên bố: "... tuy tôi không sinh hoạt với người VN, nhưng trái tim và giòng máu của tôi vẫn là người Việt Nam."  Bà rất hãnh diện khi có những phụ nữ VN tại hải ngoại thành lập HPNAC và điều này đã làm cho Bà nhớ đến những anh thư VN như Bà Trưng, Bà Triệu.
Phần thảo luận do Giáo Sư Ngô Đức Diễm điều hợp với sự góp ý của Ông Nghệ Lữ, đại diện cho ĐTH SBTN, bà Cao Ánh Nguyệt, chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ báo Phụ Nữ, bà Hường, đại diện cho Hội Cao Niên ViVo, bà Kathy Trần, nhà văn, bà Cao Thị Tình, Chương Trình Phát Thanh Công Giáo và cũng là một nhà văn, bà Phạm Bội Hằng, điều hợp viên của Employment Connection của County, và Ông Phạm Vạn Bình, chủ nhiệm báo Ý Dân.  Nội dung thảo luận rất sôi nổi và cảm động với sự nuối tiếc rằng chương trình này không được phổ biến rộng rải hơn để thu hút thêm đồng hương đến tham dự.  Sự đóng góp cảm tưởng của đông đảo các đại diện giới truyền thông đã làm cho khán giả chăm chú nghe đến giờ chót.  Một số cử tọa đã yểm trợ một cách cụ thể hơn bằng cách tặng hiện kim cho Ban Tổ Chức.  Tổng cộng số tiền thu được trong buổi thảo luận và gây quỹ được BTC công bố là $900 Mỹ-kim, và đã được chị Phạm Thiên Thanh đích thân trao lại cho chi Jackie Bông.  Mặc dù số tiền tuy ít ỏi, nhưng với những tấm lòng chân thành và tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chắc chắn là sẽ làm cho những công nhân VN đang lao động nước ngoài vơi đi nỗi sầu cảm vì biết rằng ở hải ngoại cũng còn có những người còn đang nghĩ đến mình.
Chương trình đã được chấm dứt trong nỗi bùi ngùi sót thương cho thân phận của những người con xấu số của mẹ Âu Cơ, tuy sanh ra cùng một giòng máu, nhưng hoàn cảnh nghiệt ngã đã đưa đẩy họ vào trong một cuộc sống không có lối thoát.  Sinh hoạt hàng ngày của họ chỉ quanh quẩn lòng vòng như một chiếc bánh xe luân hồi ngày càng mòn mỏi cho tới khi nào bị kiệt quệ, không còn sức lực.  Sáng thức dậy, họ lao đầu vào công việc.  Tối trở về, họ ăn vội miếng cơm rồi đi ngủ để dưỡng sức cho ngày mai lao động tiếp.  Hàng trăm ngàn công nhân trẻ, tuổi từ 18 đến 25, chôn vùi tương lai nơi xứ lạ quê người , đổi sức lao công để lấy tiền nuôi gia đình đang sống quằn quại ở quê nhà.  Đau ốm, bệnh hoạn,  bị kỳ thị, áp bức, họ không biết nhờ cậy vào ai.  UBBVNLĐ kêu gọi quý vị đồng hương hãy lắng nghe tiếng nói lương tâm của mình và đóng góp tài chánh để UBBV có khả năng nuôi dưỡng cán bộ tại Mã Lai nhằm trợ giúp cho những người công nhân VN đang bị bóc lột sức lao động, và các phụ nữ trẻ tuổi đang phải bán thân để kiếm sống.  Xin quý vị vô trong website: baovelaodong.com để tìm hiểu thêm chi tiết.

Việt Khánh tường trình từ San Jose, CA.
.
.
.