Thursday, July 8, 2010

VINASHIN - DOANH NGHIỆP TÀO THÁO

Vinashin - Doanh nghiệp Tào Tháo

Ông Đồ

Thứ Năm, 08/07/2010

http://danluan.org/node/5608

Vinashin nợ 80.000 tỷ đồng! Lại một doanh nghiệp Nhà nước vỡ ra, tôi lại liên tưởng tới cách gọi của Giáo sư Thành Quân Ức.

Giáo sư Thành Quân Ức ở Đại học Bắc Kinh gọi các tập đoàn, tổng công ty, công ty (gọi chung là Doanh nghiệp Nhà nước) là Doanh nghiệp Tào Tháo. Vì sao gọi là như vậy?

.

Doanh nghiệp Nhà nước mượn danh Nhà nước mà có đất đai, vị trí kinh doanh đẹp, được ưu tiên vay vốn ngân hàng, khi không trả được nợ thì Nhà nước xoá nợ cho. Vì thế mà Giáo sư Thành Quân Ức gọi đó là doanh nghiệp Tào Tháo. Tào Tháo mượn danh Hiến Đế để gây dựng lực lượng, nhân danh vua để cấp đất, thu tô, mộ lính, vì thế quân có hàng trăm vạn, lương thực có tới hàng nghìn kho. Nhưng Tào Tháo không làm gì cho Hiến Đế cả mà chỉ làm cho mình, gây dựng sự nghiệp riêng, nắm lấy thực quyền, xưng vương và áp chế nhà vua. Các DN nhà nước cũng mượn danh Nhà nước mà có đất, có tiền, thậm chí còn được độc quyền nhiều lĩnh vực, nhưng nhiều doanh nghiệp không làm gì cho nhà nước cả. Họ làm giàu cho họ còn đồng vốn Nhà nước bỏ ra bao nhiêu cũng mất hút bấy nhiêu cuối cùng là các doanh nghiệp Tào Tháo nợ ngân hàng nhà nước tới hàng mấy trăm nghìn tỷ đồng không sao trả được và Nhà nước lại phải xoá nợ cho.

.

Các doanh nghiệp nhà nước vay vốn của Nhà nước để kinh doanh, thế chấp bằng đất đai, nhà xưởng, mà cả hai thứ này lại cũng là tài sản của Nhà nước. Như vậy, khác gì con mượn ô tô của bố làm tài sản để thế chấp, vay tiền của mẹ. Khi con không trả được nợ thì ôtô của bố đấy, mẹ cứ thu đi, con chẳng mất cái gì cả. Một cơ chế kinh doanh như thế mà đòi có hiệu quả thì đúng là nằm mơ giữa ban ngày. Khi người ta không kinh doanh bằng đồng vốn của mình thì chủ DN không bị lợi tức thúc bách. Trái lại DN kinh doanh càng thua lỗ thì giám đốc càng giàu to. Trong các DN Tào Tháo, ai kinh doanh thua lỗ ấy mới là người khôn, còn tính toán để kinh doanh có lãi đóng tiền vào kho bạc nhà nước là người dại.

.

Một nền kinh tế lấy các DN Tào Tháo làm chủ đạo, làm đội chủ lực thì đó không phải là một nền kinh tế thị trường và mãi mãi không có kinh tế thị trường. Khi Nhà nước Trung Quốc nhận ra rằng cỗ xe DN Tào Tháo quá rệu rã rồi, không thể kham nổi sứ mệnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá nữa thì Nhà nước Trung Quốc kiên quyết cải cách các DN nhà nước, bằng nhiều hình thức khác nhau, cổ phần hoá, bán DN, cho thuê DN. Nhà nước Trung Quốc đã thành công trong việc nhanh chóng cải cách hơn hai triệu DN Tào Tháo, nhờ thế mà nền kinh tế của Trung Quốc đã phát triển ở mức cao nhất thế giới như hiện nay. Cùng với việc cải cách các DN Tào Tháo, Nhà nước Trung Quốc còn tích cực cải cách thể chế, với khẩu hiệu: Chính xí khu biệt (chính quyền và DN tách riêng rẽ) nghĩa là không có bộ chủ quản, nghĩa là ít chính phủ trong kinh doanh và nhiều kinh doanh trong chính phủ và đó là nguyên nhân thành công của nền kinh tế Trung Quốc.

.

Tại Việt Nam ta, mỗi tỉnh è lưng ra nuôi mấy ông doanh nghiệp Nhà nước của địa phương. Trung ương, bộ ngành cùng chủ quản mà thật ra cũng nuôi một đống doanh nghiệp Nhà nước.

(Có người bảo tôi thế này: thật ra không phải các Bộ ngành, các tỉnh nuôi Doanh ngiệp Tào Tháo đâu, mà chính Doanh nghiệp Tào Tháo nuôi họ đó. Vì vậy họ đâu có muốn bỏ cái cơ chế chủ quản các doanh nghiệp này)

Tại tỉnh tôi, nhiều Doanh nghiệp Tào Tháo chết nhưng "nhờ" mang theo một đống nợ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng không xử lý được nên cứ vật vờ mãi không chết được. Mà có lẽ sẽ không bao giờ chết mà sẽ đưa vào diện "mất tích".

Nền kinh tế của Việt Nam ta cũng có không ít doanh nghiệp Tào Tháo. Nếu không thay máu cho loại doanh nghiệp này thì nền kinh tế của nước ta còn khó khăn lắm, dân còn khổ lắm.

.

.

.

No comments: