Friday, July 2, 2010

VỀ VỤ TRƯƠNG TẤN SANG GẶP NGUYỄN TRỌNG VĨNH

Trương Tấn Sang gặp Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh?

Trung Điền

Cập nhật ngày: 1/07/2010

http://www.viettan.org/spip.php?article9940

Dư luận trong và ngoài nước đang quan tâm về việc ông Trương Tấn Sang đến gặp cựu Tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh tại nhà riêng vào ngày 13 tháng 6 vừa qua. Sự kiện này xảy ra sau khi lá thư của một số cán bộ về hưu gửi cho Bộ chính trị và Ban bí thư hôm 22 tháng 4, 2010 đề cập về khả năng và tư cách đạo đức của bốn nhân vật cao cấp nhất trong đảng Cộng sản Việt Nam là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng và Tô Huy Rứa.

Theo cựu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì buổi gặp gỡ với Trương Tấn Sang diễn ra “thân mật” và Sang tỏ thái độ lễ phép và từ tốn. Trương Tấn Sang có đặt vấn đề với Tướng Vĩnh về việc tại sao lá thư góp ý với lãnh đạo lại để lọt ra ngoài thì Tướng Vĩnh nói là ông không biết, ông chỉ gửi cho Bộ chính trị, Ban bí thư và các Ủy viên Trung ương đảng mà thôi. Trương Tấn Sang có yêu cầu là nếu có kiến nghị gì thì nên gửi từng người đến cho ông ta và không nên ký gửi tập thể. Tướng Vĩnh nói rằng ký tên cá nhân và gửi đi như Tướng Giáp mà không một ai trả lời thì đành phải ký tập thể may ra lãnh đạo trả lời.

Tướng Vĩnh còn nói rằng ông đã hỏi Trương Tấn Sang hai điều: 1/ Khi Tướng Giáp chết có làm quốc táng theo yêu cầu của ông và Tướng Đồng Sĩ Nguyên hay không; 2/ Đại hội đảng XI cần thực hiện dân chủ, Nguyễn Chí Vịnh tội lỗi đầy mình không thể đưa vào Trung ương đảng. Tướng Vĩnh cho biết là Trương Tấn Sang nói có thể làm quốc táng đối với Tướng Giáp nhưng im lặng không trả lời về vụ Nguyễn Chí Vịnh.

Với nội dung cuộc trao đổi giữa Trương Tấn Sang và Tướng Vĩnh nói trên, không cần thiết để ông Sang phải đến tận nhà gặp mặt; nhưng ông Sang đã không những bỏ thời giờ mà còn hạ mình đến gặp Tướng Vĩnh cho thấy là ông Sang có những toan tính trong cuộc chạy đua ghế Tổng bí thư trong đại hội đảng kỳ XI sắp tới. Tại sao?

Người ta chưa biết là vấn đề “Trung Quốc” sẽ bùng nổ cỡ nào ngay trong đại hội XI vào tháng 1 năm 2011; nhưng không khí chống Trung Quốc và làn sóng phê phán hàng ngũ lãnh đạo quá yếu hèn đối với Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đại hội đảng kỳ IX vào năm 2001, ông Lê Khả Phiêu đã mất ghế Tổng bí thư chỉ vì đã chỉ thị cho Bộ ngoại giao ký Hiệp ước biên giới phía Bắc với Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân ranh Vịnh Bắc Việt với Trung Quốc năm 2000. Ông Phiêu đã bị tố là “phản quốc” vì đã để cho Việt Nam mất quá nhiều đất và biển khi ký hai hiệp định nói trên, nên đã bị ép phải rút lui cuộc đua ghế tổng bí thư mặc dù lúc đó Trung Quốc đã cử Hồ Cẩm Đào (đang là Phó Chủ tịch nước) dẫn một phái đoàn trên 150 cán bộ cao cấp sang tham quan và dự đại hội IX nhằm hậu thuẫn cho Lê Khả Phiêu.

Trong thời gian qua, các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị đã bị tố là đang phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc tại Việt Nam. Những bài viết của Tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và một số cán bộ về hưu đã phê phán những chính sách sai lầm, làm lợi cho Bắc Kinh của một số lãnh đạo; nhưng người ta lại ít thấy nhắc đến tên ông Trương Tấn Sang, hiện là Thường trực Ban bí thư. Ông Sang được coi là nhân vật sáng giá nhất trong sáu người (Trương Tấn Sang, Hồ Đức Việt, Phạm Quang Nghị, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Tấn Dũng, Tô Huy Rứa) đang chạy đua ghế Tổng bí thư. Ông Sang hiện được phe ông Nông Đức Mạnh hậu thuẫn và xuất hiện hầu như thường xuyên tại Hội nghị đảng bộ các cấp và những ban ngành chuyên môn trong thời gian gần đây.

Những diễn biến nói trên cho thấy là ông Sang đang nắm nhiều ưu thế để chiếm vị trí số một của đảng Cộng sản Việt Nam trong 5 năm tới, nhưng ông Sang và phe nhóm của ông ta vẫn còn sợ hai điều: Một là sợ bị tố là đồng loã với Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Tô Huy Rứa trong Bộ chính trị, thông qua những chính sách làm lợi cho Trung Quốc tại Việt Nam; hai là sợ bị những cán bộ về hưu viết thư công khai phê phán khả năng và tư cách đạo đức của mình trong quá khứ, rồi phổ biến trong dư luận và chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc chạy đua của ông Sang.

Trương Tấn Sang sinh năm 1949 còn gọi là Tư Sang, tham gia đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1970 lúc đang hoạt động du kích tại Long An, miền Nam Việt Nam. Năm 1990, Tư Sang được đưa lên làm chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn và trở thành Ủy viên Trung ương đảng năm 1991 (đại hội đảng kỳ VII). Năm 1997, Trương Tấn Sang trở thành Bí thư Thành ủy Sài Gòn và được đưa vào Bộ chính trị năm 1997 (đại hội đảng kỳ VIII). Nhưng đến năm 1999, ông Sang bị triệu hồi ra Hà Nội giữ chức Trưởng ban kinh tế trung ương, giao chức Bí thư Thành uỷ lại cho Võ Trần Chí.

Từ người nắm quyền sinh sát Thành ủy Sài Gòn – thủ đô tài chánh của Việt Nam đang trong cơn lốc đầu tư kinh tế mạnh mẽ nhất cả nước – trở thành nhân vật ngồi chơi xơi nước tại văn phòng trung ương đảng là một sự “thất sủng” của Trương Tấn Sang. Lúc đó, nhiều dư luận cho là cuộc đời chính trị của ông Sang đã hết và việc triệu hồi ra Hà Nội giữ ghế Trưởng ban kinh tế chỉ là mua thời gian nhằm che dấu sự đấu đá nội bộ. Ông Sang bị cách chức Thành ủy Sài gòn vì hai lý do: 1/ Bị tố cáo là dính vào đường dây tội ác của Năm Cam (một vụ án tham nhũng lớn nhất nước vào đầu năm 2000); 2/ Bị tố cáo là bao che người Hoa có những quyền lợi kinh tế lớn tại Sài Gòn. Nhưng khi ra Hà Nội, Trương Tấn Sang đã được phe nhóm Nông Đức Mạnh bao che nên Sang đã chỉ bị biện pháp kỷ luật là “khiển trách” của Trung ương vì thiếu trách nhiệm trong vụ Năm Cam.

Trương Tấn Sang rất lo sợ những quá khứ của ông ta bị phanh phui trong dư luận, nhất là vào lúc mà việc chuẩn bị nhân sự của đại hội đảng kỳ XI đang ở vào cao điểm từ đây cho đến cuối năm 2011. Do đó, việc Trương Tấn Sang đến nhà tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh là để nhằm vuốt ve thành phần cựu chiến binh, thành phần cán bộ về hưu với hai chủ đích:

Thứ nhất là không tấn công Trương Tấn Sang trên mặt báo về việc Sang nằm trong nhóm thân Trung Quốc hay chạy theo Trung Quốc. Kềm chế được việc này là điều tối quan trọng đối với Sang khi đại hội XI bùng nổ những tranh cãi về “Trung Quốc”.

Thứ hai là muốn chứng tỏ sự thành khẩn lắng nghe ý kiến của các đảng viên, nhất là lấy lòng thành phần đảng viên đang có xu hướng chống Trung Quốc và chống nhóm lãnh đạo hiện nay để giúp Sang có tư thế vượt trội hơn các nhân vật khác trong cuộc đua ghế Tổng bí thư.

Trương Tấn Sang đã từng thoát hiểm ở đại hội VIII vào năm 2001 sau khi bị giáng chức Bí thư Thành ủy Sài gòn cho ngồi chơi xơi nước tại văn phòng Trung ương với chức Trưởng ban kinh tế vào năm 1999 vì nhờ biết dựa vào phe Nông Đức Mạnh ở thượng tầng. Lần này, Trương Tấn Sang thấy dựa vào phe Nông Đức Mạnh không còn tốt nữa vì Mạnh đang bị tố cáo đi đêm với Bắc Kinh. Do đó, việc Trương Tấn Sang đi gặp Tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh không gì khác hơn là đang đi tìm một thế dựa mới từ hạ tầng đảng viên, đặc biệt là từ khối đảng viên đang chống Trung Quốc quây quanh Tướng Võ Nguyên Giáp. Điều này cho chúng ta thấy là Bộ chính trị và cả Trương Tấn Sang đang ở vào thế cùng quẫn trước sự suy thoái trong nội bộ đảng ngày trở nên nghiêm trọng.

Tóm lại, Trương Tấn Sang đi gặp Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là nhằm thu phục “nhân tâm” về cho mình trong lúc sự bất tín, bất phục và bất mãn lãnh đạo đang dâng cao trong nội bộ đảng vì sự yếu hèn của lãnh đạo đối với Trung Quốc. Nhưng qua nội dung của cuộc gặp gỡ, người ta thấy rằng Sang chỉ là tay thủ đoạn thời cơ và chỉ quan tâm đến cái ghế quyền lực của mình mà thôi.

Trung Điền
Ngày 30/6/2010

.

.

.

No comments: