Trương Văn Sương: niềm tự hào của dân tộc
Trần Bảo Việt
http://www.doithoaionline.org/baimoitrongthang/2010/0710/baimoi0710_301.html
Trong lịch sử hào hùng của dân tộc VN trên 4000 năm văn hiến đã sản sinh không biết bao nhiêu những tấm gương anh dũng. Nếu ngày xưa đất nước có những đại anh hùng hào kiệt như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Ngyễn Thái Học, Phan Chu trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thiện Thuật…v.v… thì ngày nay, cùng với các nữ lưu Lê Thị Công Nhân, Pham Thanh Nghiên, Trần Khải Thanh Thủy, Hồ Thị Bích khương, Nguyễn Thu Trâm, những anh tài hiện đang chịu những cực hình trong lao tù cộng sản như: LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Công Định, Nguyễn Phong, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà văn Trần Đức Thạch, nhà giáo Vũ Hùng, sinh viên Ngô Huỳnh, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, nhà báo Trần Minh Đức…v.v…đã can đảm đứng lên và chấp nhận nọi hiểm nguy để đấu tranh cho tự do dân chủ, cho nhân quyền mà nhân dân VN đã bị chế độ độc tài CS cướp lấy, quyết thực hiện cho bằng được lời di chúc của vị vua anh minh Trần nhân Tôn trên con đường giữ nước và dựng nước, quyết giành lại quyền tự chủ, độc lập cho đất nước mà chế độ bạo quyền CS đã và đang dâng hiến cho bọn bá quyền TQ một kẻ thù truyền kiếp của dân tộc VN dưới chiêu bài tình hữu nghị 16 chữ vàng, 4 tốt.
.
Đặc biệt, nếu chúng ta tôn vinh LM Nguyễn Văn Lý là người khởi xướng và chủ chốt cho phong trào đấu tranh dân chủ VN, tôn vinh Hòa thượng Thích Quảng Độ là một nhà sư đầy lòng dũng cảm trong tinh thần vô úy của nhà Phật đấu tranh cho nhân quyền và quyền độc lập của tôn giáo, thì chúng ta cũng phải tự hào về người tù đầy lòng can đảm, đầy tinh thần bất khuất của Trương Văn Sương trong lao tù CS suốt 34 năm trường đầy gian nguy khổ cực, lòng quả cảm và tinh thần yêu nước, yêu dân của anh khiến cho những người CS giam giữ anh với đầy đủ sức mạnh trong tay phải nể phục và chịu thua. Anh là sĩ quan thiếu úy của QLVNCH trước 1975, nhưng đã được nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn kính phục và yêu mến. Nguyên là sĩ quan trong QĐND, nguyên là đảng viên ĐCSVN, nhưng anh Toàn đã nhìn thấy được chủ nghĩa CS chỉ là ảo tưởng, chỉ là mỵ dân, cho nên anh không thể tiếp tục đem tình yêu quê hương đất nước của mình để phục vụ cho ngai vàng ĐCSVN. Anh Toàn đã vì chính nghĩa mà quay lưng với ĐCSVN và anh đã bị bắt và bị giam chung với Trương Văn Sương tại nhà tù Ba Sao (Nam Hà). Thật là hy hữu khi 2 người từng là sĩ quan của 2 chế độ đối nghịch nhau, lại gặp nhau trong cùng một chính nghĩa, cùng một hướng đi trong một nhà tù của CSVN. Chính anh Toàn đã chứng kiến cái ý chí can trường của anh Trương Văn Sương nhưng không được nhân dân và thế giới biết đến, khi ra tù anh Toàn đã tiếp tục đấu tranh và đưa tên anh Sương cho nhân dân cùng cộng đồng quốc tế biết mà can thiệp, cảm phục trước hành động gan dạ của anh Sương cho nên ngoài việc vận động các hội đoàn quốc tế trả tự do và giúp đỡ anh Sương, anh Toàn còn đặt cho anh Sương cái tên Nelson Mandela Trương Văn Sương của VN. Thay mặt cho nhân dân VN và cá nhân, người viết xin chân thành cám ơn anh Nguyễn Khắc Toàn, thay mặt cho nhân dân VN và cá nhân, người viết cũng xin nghiêng mình cảm phục sự hy sinh và tinh thần bất khuất của anh Trương Văn Sương, anh rất xứng đáng có tên trong bảng vàng vẻ vang của lịch sử VN sau này.
.
Thật ra, kể từ ngày 30/4/1975 khi Hoa kỳ đã vì quyền lợi riêng mà phản bội nhân dân miền Nam VN, một đồng minh đã từng sát cánh với Hoa kỳ trong cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lăng của CNCS, khiến cho miền Nam VN phải bị rơi vào bàn tay của CSBV. Ngoài các tướng lãnh anh hùng đã chọn con đường tự sát để khỏi phải đối diện với kẻ thù như: tướng Lê Văn Hưng, tướng Nguyễn Khoa Nam, tướng Lê Nguyên Vỹ, tướng Mạch Xuân Trường…v.v…, thì trong lao tù CS vẫn còn rất nhiều những tấm gương anh dũng đã đơn độc một mình trước bạo quyền để rồi chấp nhận cái chết mà nhân dân chưa từng biết. Người viết xin ghi lại đây cái chết đầy hào hùng của một trung úy biệt cách dù mang tên Nguyễn Anh Hùng vào những năm 1976-1977 thời quân quản tại nhà giam Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang, anh Hùng đã không trình diện theo lời kêu gọi của chính quyền CS. Quê anh ở Sài gòn nhưng anh đã đến Rạch giá và tìm cách đánh cắp chiếc tàu đánh cá của chính quyền tỉnh Kiên giang để vượt biên. Vì không quen lộ trình của bờ biển Rạch giá cho nên chiếc tàu bị đi vào bãi cạn và anh đã bị bắt, bị đưa ra tòa. Trước phiên tòa khi được hỏi về lý do nào khiến anh cướp tàu vượt biên, anh đã hùng dũng trả lời: có 2 lý do khiến tôi vượt biên, thứ nhất là muốn gặp lại vợ con tại nước Pháp vì vợ tôi là người Pháp trước 1975 là giáo sư dạy tiếng Pháp tại Sài gòn, lý do thứ hai là sau khi gặp mặt vợ con rồi thì tôi sẽ gia nhập một đoàn quân để trở về giải phóng dân tộc tôi. Câu trả lời đầy khí phách này đã khiến anh bị kết án tử hình. Trong thời gian chờ thi hành bản án anh đã cùng với 2 người tù chính trị khác cùng ở chung khu biệt giam phá cổng vượt trại, ra tới cổng traị giam lúc nửa đêm nhưng vì lòng nhân đạo anh đã không nở giết người công an gác cổng. Nhóm 3 người của anh núp dưới bóng tối của cây cột đèn để theo dõi anh công an trong lô cốt tìm thời cơ thuận tiện để thoát ra đường, nhưng chẳng may các anh đã bị chính anh công an gác cổng phát hiện và các anh đã bị bắt lại cùng với những trận đòn thù chết đi sống lại. Một thời gian ngắn sau đó chính quyền CS Rạch giá đã thi hành bản án tử hình của anh.
.
Trở lại trường hợp người hùng Trương Văn Sương qua lời kể của nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn, anh Sương rất anh dũng và lúc nào cũng vững vàng ý chí đấu tranh với bạo quyền. Anh không bao giờ chịu viết bản nhận tội và xin ân xá theo yêu cầu của ban giám thị trại giam. Trái lại, anh đã lợi dụng giấy và bút của trại giam để viết lên những dòng chữ khẳng định mình vô tội, kết án chính quyền CSVN đã phản quốc khi giao đất đai của đất nước cho kẻ thù TQ, tàn ác với nhân dân khi đề ra các chính sách để ăn cướp trắng trợn tài sản của nhân dân. Khi bị còng và đưa ra khu biệt giam thì anh hùng dũng hô tô khẩu hiệu đả đảo cộng sản và thách thức công an trại giam nếu có đủ dũng khí thì hãy bắn anh đi chớ “Trương Văn Sương này không bao giớ đầu hàng đâu”. Anh luôn luôn chấp nhận mọi khổ đau kể cả những trận đòn thù mà CS với những người công an máu lạnh đã áp dụng vào anh. Đối với cộng sản thì anh đã kiêu hùng như thế, còn đối với anh em trong lao tù không phân biệt hình sự hay chính trị thì anh rất mực thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ trong mọi khả năng của mình kể cả những lúc đóng vai người ở. Do đó, anh rất được anh em trong tù yêu thương kính trọng và anh cũng được ban giám thị trại giam liệt vào thành phần không thể khuất phục được.
.
Sự lên tiếng của nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn và trước những áp lực của cộng đồng quốc tế cùng với căn bệnh suy tim cấp 4 và huyết áp cao, chính quyền CSVN không dám để cho anh chết trong tù, bắt buộc phải điều trị bệnh cho anh và cũng như LM Nguyễn Văn Lý anh được tạm tha về nhà để điều trị bệnh trong thời gian 12 tháng (cái quyết định mà cho tới khi về tới địa phương anh mới biết). Nelson Mandela Trương Văn Sương đã được chính quyền CSVN đưa về nhà trong vinh quang và chiến thắng trước sự vui mừng của toàn dân và các phong trào đấu tranh dân chủ ở trong nước và hải ngoại, cũng như gia đình và thân nhân của anh.
.
Ngày anh bị CS bắt bỏ tù thì gia đình vẫn còn đầy đủ vợ, con và cha mẹ, đất nước chỉ mất có quần đảo Hoàng sa bị kẻ thù TQ chiếm từ đầu năm 1974 trong cuộc tử chiến mà hải quân QLVNCH đã có 58 chiến sĩ hy sinh, cùng với những hoang tàn đổ nát của 6 tỉnh miền miền Bắc khi TQ xua quân đánh phá năm 1979. Hôm nay, ngày anh trở về với gia đình thì cha mẹ, vợ và một đứa con gái thân yêu đã chết, còn đất nước thì chính quyền CSVN đã để cho TQ chiếm thêm các hòn đảo chiến lược của Trường sa, tự nguyện dâng hiến Ải Nam Quan, 2/3 thác Bãn Giốc, bãi Tục Lãm và 10 ngàn km2 vùng biển Bắc Bộ cho TQ, lại còn cho kẻ thù TQ tàn phá Tây nguyên qua đại dự án khai thác Bô xít, cho TQ thuê hàng mấy trăm hecta rừng chiến lược của 10 tỉnh biên giới giáp với TQ trong thời hạn 50 năm. Đây là công lao và thành quả của chính quyền CSVN đối với TQ trong tình hữu nghị 16 chữ vàng và 4 tốt mà các nhà lãnh đạo ĐCSVN đã và đang tự hào.
.
Trong căn nhà cây lá thô sơ, dột nát tại thành phố Sóc Trăng, anh trả lời phỏng vấn của phóng viên đài RFA với những câu rất là nhân từ và bác ái. Anh cho những chuyện cực hình mà chính quyền CSVN đối xử với anh đó là chuyện thuộc về quá khứ, còn hiện tại và tương lai nên đối xử với nhau bằng tinh thần nhân đạo và đoàn kết để dân tộc được trường tồn và đất nước khỏi rơi vào tay của kẻ thù TQ. Anh không bao giờ thù oán những người đã hành hạ anh.
.
Nghe qua cuộc trả lời phỏng vấn của anh Sương với phóng viên Nguyên Khôi phóng viên đài phát thanh-truyền hình Quê hương tại San Jose, sau lúc xúc động bằng nước mắt khi được phóng viên nhắc đến người vợ thân yêu của mình, với tất cả niềm tin anh Sương nhờ phóng viên Nguyên Khôi chuyển lời nhắn nhủ của mình đến tất cả đồng bào, đến tất cả các cá nhân và các phong trào, các hội đoàn trong và ngoài nước nên dẹp bỏ các tỵ hiềm và mọi khác biệt để cùng nhau đoàn kết, ngồi lại với nhau để thảo luận và tìm ra những hướng đi phù hợp cho công cuộc đấu tranh vì chính nghĩa hiện nay, để cho dân tộc được trường tồn và đất nước được phát triển đó là việc lớn, là đại sự của quốc gia để khỏi phải mang tội với tiền nhân và lịch sử sau này, còn sự mất mát, nghèo nàn và khổ sở của anh, của gia đình anh đó chỉ là việc rất nhỏ mà thôi. Trương Văn Sương đúng là một viên ngọc quý của Tổ Quốc, là niềm tự hào của dân tộc VN. Lòng bao dung và quảng đại của người hùng Trương Văn Sương khiến cho những ai có trái tim của con người, bắt buộc phải so sánh với chủ trương và việc làm của các nhà lãnh đạo CSVN đối với nhân dân khi vì sự độc quyền để bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng mà họ phải nghe lệnh của quan thầy Liên sô và TQ để thực hiện cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất những năm 1954-1956, khiến cho trên 100 ngàn người dân oan cùng với những thành phần không cùng hướng đi với đảng phải chịu chết bằng những hình thức dã man nhất trong lịch sử loài người. Đặc biệt họ đã nhẫn tâm giết cả những người ân đã từng cưu mang và giúp đỡ họ điển hình là địa chủ bà Nguyễn Thị Năm. Tiếp đến trong thời gian chiếm cố đô Huế vào tết Mậu Thân 1968, trước khi rút lui họ cũng thủ tiêu và giết chết trên 5000 người dân trong các hầm chôn người tập thể với nguyên trạng bị còng, bị trói tại khe Đá Mài, và trong thời gian vừa qua để bảo vệ thành công việc lấy đất của dân, công an Nghi Sơn-Thanh Hóa cũng ra tay bắn chết tại chổ em học sinh Lê Xuân Dũng và anh Lê Hữu Nam. Còn tại Cồn Dầu (Đà Nẵng) thì công an cũng bắt và đánh chết một giáo dân là anh Nguyễn Thành Năm. Còn rất nhiều việc vô nhân của chính quyền CSVN mà nếu kể ra đầy đủ thì không có bút mực nào tả hết được.
.
Đã là con người thì không ai hoàn toàn trong sạch, dĩ nhiên phải có sai và đúng. Các nhà lãnh đạo ĐCSVN cũng không qua quy luật này, điều cần thiết là phải biết nhận cái sai của mình để mà sữa chữa những lỗi lầm đã gây ra. Nhân dân VN với truyền thống vị tha và nhân ái sẽ là nhân tố tối quan trọng trong việc vận động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để giữ nước và xây dựng đất nước ngang hàng với tầm văn minh của thế giới. Người viết đưa ra những sự thật mà các nhà lãnh đạo CSVN gây ra cho quê hương đất nước không phải với mục đích căm thù, trái lại sự thẳng thắn này sẽ tạo tiền đề cho một tương lai tốt đẹp sau này đối với ĐCSVN. Người viết xin nêu lên lời dạy bất hủ của Đức Phật: “Ở trên đời chỉ có 2 hạng người đáng được kính trọng nhất: hạng thứ nhất là người có việc làm không bao giờ sai; hạng thứ hai là người làm sai nhưng biết nhìn nhận sai để mà sữa chữa cho tốt và không bao giờ tái phạm”.
.
Trong trường hợp hiện tại của anh Trương Văn Sương, điều cần phải làm bây giờ đối với cộng đồng dân tộc trong và ngoài nước là phải cùng nhau góp sức để giúp đỡ cho người hùng Trương Văn Sương trị bệnh, cũng như có cuộc sống tương đối bình an trong thời gian tới. Ca dao và tục ngữ VN có câu:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Hoặc: Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây, uống nước phải nhớ người đào giếng.
.
Bỏ qua vấn đề chính trị, gia cảnh anh Sương bây giờ là gia cảnh của một người nghèo xác xơ cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Người viết không biết những phong trào, những người VN hải ngoại đã từng về VN để làm từ thiện có dám công khai giúp đỡ cho trường hợp của anh Sương hay không? Sỡ dĩ người viết nêu lên câu hỏi này là vì người viết nhận thấy rằng, tất cả các việc làm từ thiện của người VN hải ngoại về VN đều phải qua sự thanh lọc và cho phép của chính quyền CSVN. Người viết tin chắc rằng, sự giúp đỡ của các phong trào, các hội đoàn, những người đấu tranh cùng chung chí hướng ở trong và ngoài nước sẽ là nhân tố quyết định cho anh Trương Văn Sương được tiếp tục vững vàng ý chí của mình. Giờ phút này, cộng đồng VN đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền và cộng đồng quốc tế còn nhiều chuyện phải làm nữa bởi vì, vẫn còn rất nhiều người dân chủ đang bị tù dài hạn, đang bị bệnh nặng không được chữa trị đúng mức trong lao tù điển hình là cựu sĩ quan đại úy Nguyễn Hữu Cầu (quê Kiên giang). Hiện nay anh cũng có thời gian ở tù tương đương với anh Sương và cũng đang bệnh nặng, người thứ 2 vừa được anh Nguyễn Bắc Truyển đăng trên các trang web là ông Trần Văn Thiêng 75 tuổi quê ở Gò Công là sĩ quan cảnh sát đặc biệt cũng là tù nhân chính trị và cũng đang bệnh nặng trong lao tù, ông đang thụ án 19 năm hết hạn vào tháng 2/2011.
.
Để kết thúc bài này, người viết xin đề nghị: Nếu có thể được xin cộng đồng VN hải ngoại với uy tín sẵn có nên vận động để đưa anh Trương Văn Sương qua Mỹ hoặc bất cứ nước nào có nền y khoa tiên tiến để chữa bệnh cho anh, cũng như trường hợp của ông Hoàng Minh Chính trước đây. Hoặc nếu cần thì nên đưa anh Sương đến ở cùng cha Lý để cho việc trị bệnh của anh được tốt hơn.
Chắc chắn rồi đây trong những ngày sắp tới, mọi sinh hoạt của cá nhân anh cũng như của các con anh sẽ được công an theo dõi và “săn sóc” kỹ lưỡng.
Rất mong anh Sương chân cứng đá mềm.
Cuối cùng người viết xin gởi đến người hùng Trương Văn Sương lòng kính trọng chân thành nhất.
Sài Gòn ngày 19/7/2010
Trần Bảo Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment