Saturday, July 17, 2010

TRUNG QUỐC CHUẨN BỊ CÓ HẠM ĐỘI THỨ HAI TẠI BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc chuẩn bị có “hạm đội” thứ hai tại Biển Đông

Nghiên Cứu Biển Đông

Thứ năm, 15 Tháng 7 2010 00:00

http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/967-trung-quoc-chuan-bi-co-qham-doiq-thu-hai-tai-bien-dong

Theo đánh giá sơ bộ của ngành hải dương Trung Quốc, trữ lượng dầu khí dưới Biển Đông là hơn 50 tỷ tấn, chủ yếu nằm ở độ sâu từ 500 mét đến 2.000 mét. Gần đây, người ta tiếp tục phát hiện ở Biển Đông còn có một trữ lượng băng cháy (một loại năng lượng sạch cho tương lai) khổng lồ. Do đó, bên cạnh việc tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu”.


Tuần san Tân Thế kỷ số mới nhất của Hồng Công đăng bài của tác giả Vu Đạt Duy cho biết ở Trung Quốc, việc khai thác dầu khí ở vùng nước sâu trên 500mét thuộc đặc quyền của Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Trước đây, nếu muốn khai thác dầu khí ở vùng biển sâu hơn 300 mét, CNOOC phải hợp tác với các hãng nước ngoài, đương nhiên lợi nhuận thu được sẽ giảm xuống. Vì lẽ đó, mấy năm nay, CNOOC tập trung toàn lực cho việc thúc đẩy chiến lược biển sâu với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu”.


Sau những nỗ lực không mệt mỏi, sắp tới việc thăm dò biển sâu của Trung Quốc sẽ có bước đột phá với sự góp mặt của tàu triển khai lắp đặt đường ống thăm dò biển sâu “Dầu mỏ Hải dương 201” và tàu khoan thăm dò biển sâu “Dầu mỏ Hải dương 981”. Đây là những công trình vĩ đại, đều do CNOOC đầu tư chế tạo. Trong đó, “Dầu mỏ Hải Dương 201” được đầu tư 3 tỷ Nhân dân tệ, cao tương đương một tòa nhà 10 tầng, rộng hơn một sân bóng đá, trang bị hệ thống định vị động lực thế hệ 3 (DP3) với tính năng nổi bật là có thể triển khai lắp đặt đường ống dẫn dầu khí ở độ sâu 3.000 mét và nâng được vật thể có trọng lượng tới 4.000 tấn; “Dầu mỏ Hải dương 981” được đầu tư 6 tỷ Nhân dân tệ, cao tương đương một tòa nhà 45 tầng, cũng được trang bị DP3, với tính năng nổi bật là có thể tác nghiệp ở độ sâu tối đa lên tới 3.050 mét và khoan sâu 10.000 mét, vận hành an toàn trong điều kiện bão trên cấp 18.


Hiện nay, “Dầu mỏ Hải dương 201” đã rời khỏi âu tàu ở Giang Tô để tiến hành những công đoạn lắp đặt cuối cùng trước khi bàn giao cho CNOOC. Dự kiến “Dầu mỏ Hải dương 981” sẽ được bàn giao cho CNOOC sử dụng vào cuối năm 2010. Dẫn lời Viện sĩ Viện công trình Trung Quốc, Phó Tổng công trình sư CNOOC, ông Tằng Nhất Hằng, tác giả Vu Đạt Duy cho biết sự xuất hiện của “Dầu mỏ Hải dương 201” và “Dầu mỏ Hải dương 981” đánh dấu sự hình thành “Hạm đội tác nghiệp biển sâu” đầu tiên của Trung Quốc. Điều đáng quan tâm chú ý là việc ông Tằng khẳng định: “Mục tiêu của hạm đội này sẽ là Biển Đông”.


Việc Trung Quốc sẽ có “Hạm đội tác nghiệp biển sâu” đầu tiên nhằm vào Biển Đông cũng được trang “tàu thuyền Trung Quốc” (www.cnss.com.cn) xác nhận ngày 29/6/2010. Theo CNSS, sự ra đời của “Dầu mỏ Hải Dương 201” và “Dầu mỏ Hải dương 981” đánh dấu ngành công nghiệp chế tạo tàu đặc chủng phục vụ thăm dò, khai thác dầu mỏ của Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực mũi nhọn và trang thiết bị tác nghiệp biển sâu của ngành dầu khí Trung Quốc đã đạt được trình độ tiên tiến của quốc tế. CNSS cũng cho biết vụ tràn dầu ở Vịnh Mêhicô đã cho Trung Quốc một bài học quý giá đối với việc tiến quân vào khai thác vùng biển sâu ở Biển Đông, nơi có tài nguyên dầu khí phong phú. Chính vì thế, Trung Quốc, mà trực tiếp là CNOOC đang đẩy mạnh việc chế tạo tàu bảo vệ môi trường các giếng dầu trên biển đa năng “Dầu mỏ Hải dương 253” sau khi nhận chiếc tàu bảo vệ môi trường các giếng dầu trên biển đa năng đầu tiên mang tên “Dầu mỏ Hải dương 252” vào hạ tuần tháng 6 vừa qua. Cùng với “Dầu mỏ Hải Dương 201” và “Dầu mỏ Hải dương 981”, sự góp mặt của “Dầu mỏ Hải dương 252” và “Dầu mỏ Hải dương 253” sẽ hoàn chỉnh “Hạm đội tác nghiệp biển sâu” đầu tiên của Trung Quốc, nâng cao khả năng thăm dò, khai thác độc lập của Trung Quốc tại các vùng biển sâu như Biển Đông.


Song song với việc xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu”, Trung Quốc cũng đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ việc thăm dò, khai thác dầu khí của mình, tập trung vào Hạm đội Nam Hải, đơn vị đảm trách tác chiến trên hướng Biển Đông. Trong bài đăng trên tạp chí “Wide Angle” của Hồng Công số tháng 7, tác giả Dư Bình cho biết cùng với sự phát triển về kinh tế, Trung Quốc ngày càng có thêm tiềm lực tài chính để tăng cường đội tàu cỡ lớn cũng như máy bay chiến đấu thế hệ mới. Về hải quân, Trung Quốc đầu tư mạnh nhất vào Hạm đội Nam Hải. Hiện nay, Hạm đội Nam Hải có nhiều tàu khu trục, tải trọng hơn 8.000 tấn, trang bị tên lửa lớp Trung Hoa Thần Thuẫn và hơn 10 tàu hộ vệ tên lửa lớn 054 có tải trọng 4.000 tấn. Ngoài ra, Hạm đội Nam Hải còn được trang bị nhiều tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân.


Những căn cứ thuộc Hạm đội Nam Hải cũng được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Sau khi mở rộng, căn cứ Du Lâm ở cực Nam đảo Hải Nam đã trở thành căn cứ trọng yếu để các tàu mặt nước và tàu ngầm Trung Quốc tiến xuống phía Nam . Việc xây dựng sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và nắm được kỹ thuật tiếp dầu trên không khiến cho những chiếc Su-30 và J-10 của Trung Quốc có thể vươn tầm bay tới Trường Sa tiến hành “tuần tra”… Nếu tính thêm lực lượng thủy quân lục chiến và máy bay trực thăng, tác giả Dư Bình cho rằng Hạm đội Nam Hải có đủ khả năng tác chiến đánh chiếm đảo ở biển xa. Điều đó có nghĩa việc bảo vệ cho những hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Trung Quốc ở vùng biển sâu thuộc Biển Đông cũng sẽ được bảo đảm.

.

.

.

No comments: