Tuesday, July 13, 2010

TẠI SAO NGƯỜI TA MÊ TÍN ?

Tại sao người ta mê tín ?

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Ba, 13 tháng 7 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/tai-sao-me-tin-07-13-2010-98348589.html

Trong bài “Xem World Cup, nghĩ về những mê tín trong bóng đá”, chúng ta đã thấy một số nghịch lý: lãnh vực thể thao xuất phát từ Tây phương, gắn liền với xu hướng toàn cầu hoá và trở thành biểu tượng của nhiều quốc gia và địa phương lại là nơi có nhiều mê tín nhất; những con người được xem là giàu nhất, mạnh mẽ nhất, giàu nam tính nhất lại hay tin vào những điều vớ vẩn nhất.

Mà không phải chỉ có huấn luyện hay cầu thủ. Ngay cả những người hâm mộ bóng đá thuộc đủ mọi thành phần cũng hay tin vào những điều như thế.

Tại sao?

Tại sao người ta lại có thể tin một cái áo, một cái quần lót hay một đôi vớ có thể mang lại may mắn? Tại sao người ta tin chỉ cần thay đổi một thói quen nho nhỏ, từ chuyện ăn uống đến chuyện di chuyển hay thậm chí, chuyện đi vệ sinh, có thể làm mất đi những cái hên người ta đã có?

Tại sao hàng triệu người, thậm chí, hàng chục hay hàng trăm triệu người có thể tin là một con bạch tuộc hai tuổi trong một bể kính ở Đức có thể tiên đoán chính xác đội nào thắng trong giải Vô địch Âu châu hay World Cup?

Xin lưu ý: Nhiều người, rất nhiều người không phải chỉ tin suông mà còn sẵn sàng bỏ tiền, có khi là số tiền thật lớn trong các cuộc cá cược chỉ vì niềm tin ấy.

Tại sao?

Nhiều người giải thích: Vì nhẹ dạ. Vì thiếu hiểu biết. Vì không có tinh thần khoa học. V.v...

Trong cuốn “Why People Believe Weird Things” (Tại sao người ta lại tin những điều quái dị) (New York: W.H. Freeman and Company, 1997), Michael Shermer cho lý do chính là vì người ta muốn tin (tr. 275). Muốn trước khi tin; tin trước khi chấp nhận; chấp nhận trước khi kiểm chứng.
Nhưng tại sao người ta lại muốn tin? Lý do rất đơn giản: Tại vì người ta bất an. Vì bất an nên một niềm tin, dù huyền hoặc, cũng có thể khiến người ta cảm thấy được an ủi, dường như cuộc đời trở thành tốt đẹp hơn một tí. Một người nào đó có thân nhân bị bệnh nguy kịch hay mất tích, chẳng hạn, nghe thầy bói bảo kết cuộc sẽ tốt lành, tự nhiên cảm thấy vơi bớt lo lắng.

Các cầu thủ hay huấn luyện viên, đối diện với từng trận đấu hay từng giải, cũng có cảm giác bất an như thế. Giỏi đến mấy cũng bất an. Bởi không phải lúc nào mình cũng đá bóng ở cái mức tuyệt vời như mình đã từng. Nghệ thuật, dù là nghệ thuật của đôi chân, cũng gắn liền với cảm hứng; mà cảm hứng phần lớn lại bất ngờ; có khi đến có khi không.

Không phải lúc nào đôi chân của Pelé hay của Maradona cũng dạt dào cảm hứng và làm nên những điều kỳ diệu. Ngoài ra, chơi bóng là chơi với người khác, trước hết là đồng đội của mình. Thắng hay bại, do đó, không phải tuỳ thuộc ở mình mà còn tuỳ thuộc vào 10 người khác trong đội, kể cả thủ môn. Rồi sức mạnh của cả 11 người ấy lại tuỳ thuộc vào chiến lược của huấn luyện viên. Chiến lược sai, cả 11 người gánh chịu thảm bại. Rồi lại tuỳ thuộc vào đối thủ. Đối thủ có hứng hay không, có hoà điệu với nhau hay không, có thể trận hiệu quả hay không, v.v... Tất cả đều ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.

Chưa hết. Những người theo dõi bóng đá đều thấy rõ điều này: Kết quả một trận đấu có thể lệ thuộc vào một quyết định nào đó của trọng tài. Loại bỏ trường hợp trọng tài kém cỏi, gian lận hay thiên vị. Ngay cả khi trọng tài công tâm và giàu kinh nghiệm đi nữa thì họ vẫn có thể vấp phải những sai lầm làm nghiêng lệch hay thay đổi hẳn kết quả trận đấu. Như họ không thấy lỗi của một cầu thủ nào đó nên công nhận một bàn thắng không đáng công nhận. Như họ thấy nhầm nên phạt những người không đáng phạt. Người ta gọi đó là những lỗi lầm tất yếu của con người (human error). Đành chịu.

Chính vì thế, không có bất cứ cầu thủ hay huấn luyện viên nào, dù giỏi đến mấy, lại có thể hoàn toàn an tâm khi bước vào một giải hay một trận đấu. Mà họ không an tâm cũng phải. Thực tế cung cấp vô số bằng chứng cho điều đó. Nhìn vào World Cup lần này, chẳng hạn. Trước, có ai ngờ đội tuyển của Pháp hay của Ý lại bị thất bại một cách nhanh chóng như vậy? Trước, có ai ngờ đội Brazil không vào được tứ kết và đội Argentina lại không thể vào được chung kết? Đọc lại những lời tiên đoán của các bình luận gia nổi tiếng về bóng đá trước khi giải bắt đầu hay trước mỗi trận đấu, chúng ta dễ dàng nhận ra những cái sai của họ. Thậm chí, sai nhiều hơn đúng.

Bất an nên người ta dễ tin. Các nhà tâm lý học nhận định: những niềm tin bâng quơ, có vẻ mê tín như vậy, không có hại gì cả. Thậm chí, còn có lợi. Nó làm tăng thêm sự tự tin, do đó, tăng thêm sức mạnh, và cũng do đó, làm tăng thêm cơ hội chiến thắng. Có thể xem đó là một phần của chiến tranh tâm lý. Nhiều cổ động viên Đức ghét và nhao nhao đòi làm thịt chú bạch tuộc Paul khi Paul “tiên đoán” Đức sẽ thua Tây Ban trong trận tứ kết là vì thế: Họ cho là nó làm mất tinh thần của các cầu thủ, góp phần dẫn đến sự thất bại của đội tuyển Đức khi đương đầu với Tây Ban Nha.

Dĩ nhiên không phải lúc nào và không phải ở đâu sự mê tín cũng có tác dụng tốt đẹp như vậy.

Ví dụ: trong chính trị.

Nếu sống ở Việt Nam hay theo dõi tình hình chính trị và xã hội tại Việt Nam nhiều, chúng ta sẽ thấy một thay đổi khủng khiếp của giới lãnh đạo Việt Nam trước và sau đổi mới (hay mở cửa) chủ yếu là ở thái độ của họ đối với các vấn đề tâm linh. Trước, họ là những kẻ vô thần, công khai vô thần, hơn nữa, vô thần một cách cực đoan, đúng hơn: phản thần, chống lại mọi thần linh. Tôn giáo ư? Chỉ là những liều thuốc lú! Nhà thờ hay chùa ư? Dẹp dược thì dẹp ngay! Thế rồi, đùng một cái, Việt Nam mở cửa, các cán bộ từ cao xuống thấp trở nên giàu có, nhà cao cửa rộng, xe hơi hiệu này hiệu nọ, muốn gì cũng có. Họ bỗng thay đổi. Họ không trở thành tín đồ của các tôn giáo đâu. Thái độ của họ đối với các tôn giáo lớn như Công giáo và Phật giáo vẫn đầy nghi kỵ. Họ chỉ trở thành những kẻ mê tín thôi. Trong nhà họ xuất hiện các bàn thờ đầy khói hương. Họ thờ gì? Thường là Phật và Thần Tài. Ngày lễ, họ lặn lội khắp nơi để cúng bái.

Người ta cúng một nải chuối hay một đòn bánh; nhiều cán bộ cúng cả xe quà: Nếu chùa xây trên đồi hay núi cao, có cả hàng chục người khiêng gánh tất bật. Ở đâu cũng có họ. Họ vái vái lạy lạy. Họ lầm rầm xin điều này điều nọ. Mặt mày thành khẩn và đầy thiết tha.

Tôi biết có nhiều cán bộ thuộc loại cao cấp, trước khi đi công tác ở đâu đều đến thầy bói hỏi han kỹ lưỡng về giờ giấc và hướng xuất hành. Tôi nghe kể có nhà lãnh đạo cấp bộ, có lần đi công tác ở nước ngoài, phải rời nhà từ 11 giờ rưỡi đêm; đến khách sạn cách nhà khoảng hơn một cây số ngủ một giấc, sáng sớm hôm sau ra sân bay đi ngoại quốc. Hỏi tại sao? Ông ta đáp: Thầy bói dặn phải rời nhà trước nửa đêm ngày hôm trước!
Lý do chính của sự mê tín ở đây cũng vì sự bất an.

Bất an vì người ta cảm thấy mọi thứ đều vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Ngay cả quyền lực và tài sản, nhất là tài sản của họ, phần lớn đều đến một cách bất ngờ. Chủ yếu từ tham nhũng và mánh mung. Chúng đến như những lô độc đắc trong các kỳ xổ số. Chúng có vẻ như những món quà của thần linh.

Và bất an vì người ta không thể chắc chắn điều gì trong tương lai cả. Ngoài chuyện chế độ có thể sụp đổ, còn có chuyện đấu đá nội bộ với nhau nữa.

Ở đâu cũng nghe “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”!

Bất an thì cũng phải.

.

.

.

No comments: